Cao lương đỏ phiên bản truyền hình – Cơn lốc của năm 2014?

(TGĐA) - Chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển Gia tộc cao lương đỏ của nhà văn Mạc Ngôn, lại được dàn dựng dưới bàn tay của bộ đôi biên kịch – đạo diễn nổi tiếng và có sự góp mặt của minh tinh hàng đầu Châu Tấn, Cao lương đỏ thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và giới làm nghề, được đánh giá là phim truyền hình “đáng để chờ đợi nhất” trong năm nay của màn ảnh Trung Quốc. Tuy vậy, tầm vóc và sức ảnh hưởng rộng rãi của phiên bản điện ảnh ra mắt cách đây 27 năm vô tình cũng trở thành áp lực lớn, khiến bộ phim bị đặt lên bàn cân so sánh.

CaoluongdoTH

Cũ và mới

Cao lương đỏ lấy bối cảnh miền núi Sơn Đông, Trung Quốc những năm đầu thập niên 1930 của thế kỷ trước. Phim là câu chuyện đời thường nhưng da diết, dữ dội xung quanh chữ “yêu” và chữ “hận”, móc nối sợi dây vô hình giữa khát vọng chinh phục và ý chí. Cửu Nhi (Châu Tấn đóng) bị người cha tham tiền bán làm vợ của một cậu chủ phường rượu mắc bệnh phong. Nảy sinh tình cảm với anh phu kiệu Dư Chiếm Ngao (Chu Á Văn đóng) trên đường rước dâu, Cửu Nhi và người tình lập mưu giết chồng và cha chồng, để hai người được tự do chung sống bên nhau. Dưới sự giúp đỡ của những người bạn bè, anh em tốt, Cửu Nhi gây dựng phường rượu làm ăn ngày một phát đạt, còn Chiếm Ngao thì dẫn đầu một đội quân tinh nhuệ chống thổ phỉ, bảo vệ cuộc sống an lành cho người dân trong vùng. Cuộc sống của họ lam lũ, bấp bênh vì nạn cướp bóc nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Cho tới khi quân Nhật tràn vào lãnh thổ Trung Quốc, vợ chồng Cửu Nhi kêu gọi dân làng đồng lòng đứng lên chống Nhật.

CaoluongdoTH_1

Dựa trên tiểu thuyết tên tuổi của tác giả đoạt giải Nobel văn học Mạc Ngôn, từng một lần “từ sách lên màn ảnh” rất thành công với phiên bản điện ảnh của Trương Nghệ Mưu trước đó (Củng Lợi và Khương Văn đóng vai chính), nên ngay từ khi khởi động, Cao lương đỏ phiên bản truyền hình đã vấp phải nhiều nghi vấn từ các nhà làm phim cũng như dư luận. Song, trái với sự lo lắng của nhiều người, đạo diễn Trịnh Hiểu Long lại tràn đầy lòng tin vào đứa con tinh thần của mình. Ông cho rằng, điện ảnh và truyền hình vốn dĩ là hai thể loại khác biệt, khác biệt cả về thời lượng lẫn phương thức kể chuyện bằng hình ảnh. Với độ dài 60 tập, bộ phim hứa hẹn truyền tải câu chuyện bám sát nguyên tác, đầy đủ tình tiết hơn so với bản phim điện ảnh có độ dài vỏn vẹn hơn 100 phút.

CaoluongdoTH_2

Cảnh quấn quýt của nam nữ chính giữa cánh đồng cao lương

Câu chuyện phim dàn trải theo sát cuộc đời của nhân vật nữ chính Cửu Nhi, từ khi là cô thiếu nữ 19 tuổi cho đến lúc lên chức bà nội ở tuổi 60. Xuyên suốt hành trình đó, những biến cố lịch sử Trung Hoa và cả đời sống người dân vùng núi Cao Mật, Sơn Đông cũng được tái hiện chân thực, đầy đủ nhưng không kém phần sinh động. Khi xem phim điện ảnh Cao lương đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu ngày trước, khán giả từng rất ám ảnh với cảnh mở đầu rước dâu được dàn dựng công phu. Dọc đường kiệu hoa đi vắng vẻ không bóng người, cô dâu Cửu Nhi cô đơn và buồn chán, trong khi đoàn phu kiệu thì ca hát ồn ào, vừa đi vừa rung kiệu theo điệu nhạc. Phân đoạn này được dành hẳn vài phút phim, khắc họa đặc sắc phong tục đám cưới của người dân bản địa, đồng thời miêu tả tinh tế tâm lý đối lập của kẻ trong kiệu Cửu Nhi và người ngoài kiệu Chiếm Ngao. Chi tiết gây kích thích này cũng được giữ nguyên trong bản phim truyền hình năm 2014, ngay cả những đoạn nhạc rước kiệu hoa theo phong cách nhạc cổ truyền cũng được “mượn lại”. Tuy nhiên, đây là yếu tố duy nhất mà Cao lương đỏ giống với phiên bản cũ.

Bộ phim của năm

Bộ phim có không gian rộng lớn để xây dựng cặp đôi nhân vật chính với những diễn biến tâm lý đơn giản mà phức tạp, phức tạp mà đơn giản. Từ phút chạm mặt đầu tiên, Chiếm Ngao trêu tức và mỉa mai Cửu Nhi, hai người xích lại gần nhau hơn trong khoảnh khắc kiệu hoa bị xô đổ. Họ cuồng nhiệt trong cơn say của tình yêu và cuộc đào tẩu của khát vọng, vượt lên những định kiến của xã hội đương thời. Trong những tháng ngày chung sống sau này, Chiếm Ngao bề ngoài lúc nào cũng cười cợt, nói chuyện thiếu nghiêm túc, nhưng lại là con người chân thành và sâu sắc. Còn Cửu Nhi, từ một cô gái nhỏ nhắn đã trở thành người phụ nữ “thét ra lửa”, đảm đang, tháo vát, ai nấy đều kính nể.

CaoluongdoTH_3

Nữ diễn viên thử sức diễn xuất với vai diễn tuổi đời dàn trải từ 19 tuổi đến 60 tuổi

Tiếp tục lấy nhân vật Cửu Nhi làm trung tâm của truyện phim, Cao lương đỏ đẩy cao chất nữ tính của phim, mọi khuôn hình, câu thoại, tình tiết dường như đều được thổi vào đó linh hồn của Cửu Nhi. Vai diễn này cũng sẽ được dàn dựng thêm nhiều cảnh phim mà bản phim của Trương Nghệ Mưu không hề có, giúp cho mạch suy nghĩ, cảm xúc của Cửu Nhi được xuyên suốt và hợp lý hơn. Ban đầu, dư luận không ủng hộ Châu Tấn vào vai Cửu Nhi bởi ngoại hình nhỏ nhắn, yêu kiều của nữ diễn viên được xem là hoàn toàn không chút liên quan với người phụ nữ dáng người thô, hơi vạm vỡ, quen lao động chân tay, đanh đá, sắc sảo. Củng Lợi của ngày trước sở hữu gương mặt đậm chất con gái phương bắc, lại thêm dáng người đầy đặn “phục hưng” và khẩu khí hào sảng, nên ghi dấu ấn rất sâu sắc trong lòng khán giả. Dẫu vậy, người làm phim vẫn kỳ vọng tạo nên một hình tượng Cửu Nhi mới mẻ hơn qua diện mạo, khí chất và sự quyết liệt nội tại của Châu Tấn.

Dưới ngòi bút của Mạc Ngôn, Dư Chiếm Ngao hiện lên là người đàn ông dân dã, ăn nói thô tục. Nhân vật này của nam diễn viên Chu Á Văn sẽ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với nguyên vẹn hình hài như trong tiểu thuyết, nhưng những câu thoại tục tĩu của anh sẽ được chỉnh sửa lại, vẫn khắc họa tinh thần mà không vượt quá giới hạn lên sóng.

CaoluongdoTH_4

Chất nữ tính của phim được đẩy lên cao

Nếu như phim điện ảnh Cao lương đỏ chỉ đủ sức xoay quanh hai tuyến nhân vật chính Cửu Nhi và Chiếm Ngao, thì phiên bản truyền hình sẽ khắc họa chỉn chu hơn cả những tuyến vai phụ, điển hình là anh La Hán sẽ có nhiều sự tương tác qua lại hơn với bà chủ Cửu Nhi mà anh hết lòng yêu mến. Bên cạnh đó, biên kịch của phim cũng xây dựng thêm một số nhân vật mới, tạo nên nhiều nút thắt mâu thuẫn, cao trào cho câu chuyện. Người chị dâu bên nhà chồng của Cửu Nhi do nữ diễn viên Tần Hải Lộ đảm nhận, ban đầu là chị em tốt với Cửu Nhi, nhưng sau này lại nảy sinh lòng đố kỵ, tạo nên bức họa tranh giành quyền lực rất nữ tính.

Với nguồn vốn đầu tư “khủng”, thời gian sản xuất kéo dài tới gần một năm, lại quy tụ ekip làm phim danh tiếng, Cao lương đỏ được kỳ vọng trở thành điểm sáng của truyền hình Trung Quốc trong năm nay. Bộ phim cũng đánh dấu sự trở lại màn ảnh nhỏ của Châu Tấn sau 12 năm miệt mài theo nghiệp điện ảnh. Mặc dù cuối tháng 10 mới chính thức phát sóng, nhưng từ trước đó nhiều tháng, bộ phim đã được nhiều đài truyền hình của các quốc gia trong khu vực và cả kênh truyền hình tiếng Trung ở New York… mua bản quyền trình chiếu. Đối với sản phẩm được làm ra từ sự lao động nghiêm túc, nhiệt thành, đoàn làm phim tự tin Cao lương đỏ sẽ làm hài lòng nhà văn Mạc Ngôn, giới làm nghề và cả các khán giả lớn tuổi. Điều duy nhất họ e ngại là, thế hệ trẻ đã xem quá nhiều phim ngôn tình thần tượng, sẽ khó đón nhận bộ phim này.

Phong Kiều