Chung một dòng sông - Mở đầu cho một dòng chảy

(TGĐA) - Tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh Việt Nam 15/3/1953 – 15/3/2013, PGT-TS Trần Luân Kim muốn đưa bạn đọc nhìn lại quá trình phát triển của phim truyện Việt Nam.

Từ số báo này, Tạp chí Thế giới điện ảnh sẽ mở chuyên mục Nhìn lại con đường phim truyện Việt Nam, trân trọng giới thiệu serie bài viết của nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim, đồng thời chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh, các nghệ sỹ quan tâm tới mảng phim tài liệu, hoạt hình cũng sẽ có những bài viết trên hai thể loại này, để chúng ta có dịp đánh giá toàn diện về Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam qua 60 năm.

Poster_phim_Chung_mot_dong_song

Chung một dòng sông

Xí nghiệp Phim truyện Việt nam sản xuất. Ra mắt ngày 20/7/1959. Phim đen trắng

Kịch bản: Cao Đình Báu và Đào Xuân Tùng

Đạo diễn: Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân

Quay phim: Nguyễn Đắc

Họa sĩ thiết kế: Đào Đức

Diễn viên: Mạnh Linh (vai Vận), Phi Nga (vai Hoài), Huy Công (vai Quang), Danh Tấn (vai Xương)…..

Giải thưởng: Bông Sen vàng (năm 1973)

Nội dung: Cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc bằng hiệp định Geneve năm 1954. Theo quy định, vĩ tuyến 17- Sông Bến Hải trở thành giới tuyến, tạm chia đất nước thành hai miền trong 2 năm. Hoài, cô gái ở bờ Nam và Vận, chàng trai ở bờ Bắc con sông đã từng kết giao trăm năm; nay tiến hành đám cưới. Người thân cùng dân làng bờ Bắc nhộn nhịp đón mừng ngày hạnh phúc của đôi bạn trẻ. Trong lúc đó, ở bờ Nam, cảnh sát và chính quyền hậm hực quậy phá; gã trưởng đồn vốn mê Hoài, bày ra đủ trò đe dọa, ép Hoài lấy mình. Cuộc rước dâu từ bờ Bắc sang bờ Nam, vì thế bị hủy bỏ trong tức tưởi. Không khí hai bờ căng nặng, cả trong tình cảm riêng tư của đôi bạn Hoài-Vận lẫn trong ý chí chung của mọi người.

Tuy bị ngăn trở quyết liệt bởi kẻ địch, dòng sông cách biệt không thể tách chia đôi lứa. Một lần, dũng cảm đánh lạc hướng cảnh sát bờ Nam, Hoài vượt qua con sông chia cắt đến bờ Bắc, gặp lại người yêu. Những tưởng đây là dip tốt để hai người chung sống hạnh phúc, song cô gái lại quyết định trở về bờ Nam quê hương để cùng người thân và dân làng tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược và chia cắt đất nước…

Được tạo dựng trong hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh chống thực dân Pháp; thực hiện hiệp định Geneve, phải tạm thời chia thành hai miền Nam – Bắc tại vĩ tuyến 17. Ở miền nam, chính quyền tăng cường đàn áp sát Cộng, người Mỹ nhúng tay can thiệp ngày càng sâu trong chiến lược chia cắt lâu dài Việt nam. Ở miền Bắc, với hoàn cảnh kinh tế nghèo nàn sau những năm tháng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đang từng bước tiến vào giai đoạn qúa độ xây dựng CNXH gắn với công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Chung một dòng sông như một sứ giả đặc biệt, gánh trên vai áp lực nặng nề: đáp ứng sự ký thác của xã hội đương thời trong vai trò là Tác phẩm mở màn phim truyện Cách mạng Việt nam, giữa vòng vây những khó khăn: thiếu phương tiện, nghèo kinh phí, chưa tích lũy đầy đủ kinh nghiệm hành nghề…

Canh_trong_Chung_mot_dong_song

Câu chuyện phim thể hiện nỗi đau chia cắt đất nước thông qua mối tình bị ngăn trở của hai nhân vật Hoài và Vận. Thông qua số phận cụ thể của nhân vật, các tác giả phim phản ánh hiện trạng lịch sử đất nước. Trong lúc vạch trần hành động bất lương của chính quyền bờ Nam, bộ phim đồng thời đã khuyếch dưỡng tình yêu quê hương và ý chí đấu tranh của quần chúng yêu nước đòi thống nhất nước nhà, đòi sum họp gia đình.

Tác phẩm được cấu trúc giản dị, trong khuôn khổ của một cốt truyện tự sự đơn thuần. Đường dây đơn tuyến dẫn nhân vật trung tâm xuyên qua thời gian, kết nối hàng loạt sự kiện cụ thể, đi đến một kết thúc bỏ lửng ở cuối phim, như lời khẳng định cuộc đấu tranh rồi sẽ còn tiếp diễn cam go… Không gian được chuyện phim quy định là hai bờ sông Bến Hải nơi cảnh sát hai bên đối địch cắm chốt, mang biểu tượng đặc trưng nổi bật. Tự thân một địa điểm như vậy đã chứa đựng những tình huống và sự kiện rất đặc biệt, không nơi nào khác có thể có được. Chính điều đó đã giúp tác giả triển khai dễ dàng và đến cùng chủ ý nghệ thuật cũng như tư tưởng của mình. Diễn ra trong một không gian cố định và không được mở rộng theo đà tiến triển của câu chuyện phim, hệ thống xung đột được được tích tụ thông qua những tình huống được sắp đặt sẵn, như một kỹ năng hư cấu mang dấu ấn sáng tác có tính quy chuẩn của thời kỳ đó: lồng gắn phận riêng với sự nghiệp chung và phận riêng phải luôn phục tùng lợi ích chung: Hoài tạm thời hy sinh hạnh phúc riêng, tình nguyện tiếp tục cuộc đấu tranh gian khổ là vì một ngày mai thống nhất đất nước – tiền đề cho sum họp gia đình. Cũng chính tại địa điểm được chọn lựa ấy, khung cảnh của câu chuyện luôn được kết tạo trên những chi tiết gắn với bãi cát, bến nước, con thuyền… hình thành một khung trời lộng gió, thấm đẫm nghĩa tình những con người chân mộc, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Khung cảnh ấy, từ nhiều khía cạnh, đem đến cảm nhận rõ rệt về một sắc điệu địa phương riêng biệt trong một giai đoạn lịch sử hiếm thấy. Như vậy, không gian của câu chuyện phim đã tham gia vào quá trình biểu đạt hình tượng thị giác một cách trực tiếp và đem lại hiệu quả đáng kể.

Nhân vật Chung một dòng sông được tái tạo thành những mẫu hình có dáng dấp riêng, có đời sống riêng, cho dù chưa đủ điều kiện để trở thành những hình tượng nghệ thuật ấn tượng. Hoài chịu thương chịu khó, chung thủy và dũng cảm; song cô lớn lên trong sự phụ thuộc vào các sự kiện bên ngoài, chứ không “tự lớn lên” trong tư thế chủ động, có khả năng xoay chuyển tình thế, ngoại trừ hành động một mình vượt sông sang bờ Bắc gặp Vận. Vì vậy, nhân vật này chưa bộc lộ hết tầm vóc cùng chiều sâu tâm thế của mình; trong lúc, đó là nhân vật hạt nhân của câu chuyện phim. Phi Nga, lần đầu tiên đứng trước ống kính, đã thủ diễn chất phác, hồn hậu, cơ bản lột tả được nhân vật và tiệm cận với hoàn cảnh câu chuyện. Đồn trưởng Xương là một mẫu hình khác, “có xương có thịt” hơn. Tiếc là Danh Tấn đã diễn theo hướng cường điệu động tác, trong lúc phơi bày được bản chất ác hiểm của tên đứng đầu cảnh sát bờ Nam, lại tự nó làm vơi đi một phần chiều sâu của tính cách nhân vật. Một cách tổng thể, nhân vật trong Chung một dòng sông là những hình ảnh mang tính biểu trưng rõ nét, trong khi một mặt tạo được sức thuyết phục nhất định; mặt khác lại mang nặng dấu ấn chủ quan của tác giả. Các nhân vật chưa thực sự vững vàng bước vào đời sống như những tâm điểm sống động, có cuộc đời cùng thế giới tâm thức riêng có của mình. Ý thức phân định rõ ràng ta và địch, từ đó áp dụng những thủ pháp thể hiện phù hợp là cần thiết trong nghệ thuật thuật kể; song có lẽ do độ chín của nghiệp vụ thể hiện chưa tới; khiến cho, trong lúc tính tư tưởng được đẩy cao, thì tính nghệ thuật chưa được mài sắc tới mức cần thiết. Trong khi hoàn thiện việc cao đẹp hóa hình tượng thì chưa hoàn tất việc cá tính hóa đối tượng miêu thuật. Điều này dẫn tới sự thiếu hài hòa nhất định giữa nội dung thuật kể với hình thức thể hiện.

Canh_lam_phim_Chung_mot_dong_song

Xung đột kịch tính được các tác giả chú tâm xây dựng ngay ban đầu, từ việc chọn địa điểm triển khai câu chuyện phim. Giữa chốn làng quê thời bình, trong bầu không khí đối đầu căng thẳng luôn ẩn dấu bao nguy kịch bất ngờ. Bằng cách tạo ra những tình huống kịch diễn tiến liên tục, câu chuyện phim được cài cắm đan xen giữa những tiến triển lẫn những trở ngại, thông qua mối quan hệ trung tâm Hoài – Vận, biểu tượng về nỗi đau đất nước bị chia cắt. Tuy nhiên ở mặt khác, trong một số tình huống mấu chốt của câu chuyện phim, các tác giả đã bỏ lỡ cơ hội dồn đẩy, đốt bùng lên ngọn lửa phản kháng quyết liệt hơn nữa của các nhân vật. Kịch tính trong phim do đó chưa thật sắc sảo để có thể đạt tới cao trào chấn động- là điều có thể giành được đối với câu chuyện cùng bối cảnh vốn chứa đầy xung đột mang tính đối kháng này đã được chọn lựa từ đầu.

Gần như toàn bộ cảnh quay Chung một dòng sông đều được thực hiện ngoài trời. Độ chiếu sáng của mặt trời, vì vậy chi phối triệt để sắc điệu của phần lớn cảnh phim. Cảnh trí được thể hiện trên phim Orwo đen trắng, thiếu sức biểu hiện độ tương phản cần thiết để có thể làm nổi bật ý nghĩa thuật kể cùng chiều sâu tạo hình trong một số cảnh quy quan trọng. Song vẫn không thiếu những hình ảnh đem đến cảm xúc vừa sâu lắng vừa sôi động một cách chân thực. Máy quay, tuồng như ở tư thế tĩnh nhiều hơn động, và ống kính có vẻ sính nhìn ngang, khi cần mới nhìn từ trên cao xuống; tạo ra những khuôn hình tĩnh, đẹp tựa tranh. Khi chuyển sang cảnh động, mô thuật các cuộc biểu tình hoặc rượt đuổi, máy quay bám sát ráo riết, bộc lộ khá chi tiết các hành động. Bằng lối thu hình dung dị, trực quan, không áp đặt thủ pháp đặc thù, sử dụng cỡ cảnh phổ biến là trung cảnh và toàn cảnh; hiếm tận dụng cận cảnh hoặc đặc tả để khoan sâu ý đồ thể hiện, chứng tỏ các tác giả phim tập trung thể hiện nội dung hơn là đào sâu hình thức thể hiện. Phương pháp cấu trúc khuôn hình và cỡ cảnh như vậy, một mặt giúp kể câu chuyện phim trôi chảy, nhưng mặt khác đã hạn chế khả năng khắc họa cá tính và nội tâm nhân vật; khiến hình tượng nhân vật vuột khỏi cơ hội được đọng lại là ghi đậm dấu ấn ở mức có thể sâu hơn.

Chung một dòng sông, đặc điểm nghệ thuật nổi bật nhất có lẽ ẩn tàng trong thủ pháp cài đặt hệ thống chi tiết và hình ảnh mang tính biểu tượng, được sử dụng trong một số tình huống, với các cấp độ khái quát khác nhau. Chúng được sắp đặt trong một cơ chế có hàm ý đa nghĩa, lấy cái này để nói cái kia. Chẳng hạn, cảnh đôi chim sóng đôi trên bầu trời được lặp lại nhiều lần (hàm ý về đôi trẻ Hoài - Vận), cảnh bàn chân tên đồn trưởng Xương dẫm lên cánh chong chóng đồ chơi của em bé rơi trên cát, cũng như cảnh chiếc túi lưới Vận tặng Hoài rơi vào tay tên đồn trưởng… Và bao trùm lên tất cả là hàm ý về mối tình Hoài- Vận, biểu tượng cho tình cảm ruột thịt Bắc – Nam, cũng như cuộc đấu tranh sum họp của Hoài - Vận là biểu tượng cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà của người dân hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải.

Việc chọn đề tài và xác định chủ đề đối với Chung một dòng sông - tác phẩm phim truyện đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt nam, thực sự là một trọng trách. Các tác giả đã hướng vào vấn đề nóng bỏng của đất nước đương thời là công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, là một chọn lựa hợp lý. Chính đề tài ấy đã tự nó mở ra không gian và cấu trúc lý tưởng cho câu chuyện phim. Cũng chính đề tài ấy đã sắp đặt số phận cho các nhân vật chính trong khung cảnh của thời cuộc. Và tên của hai nhân vật chính: Hoài, Vận - dường như cũng ẩn chứa một nghĩa bóng nào đó mà các tác giả muốn gửi gắm.

Canh_trong_phim_Chung_mot_dong_song

Bộ phim thấm đẫm giá trị thời sự và giá trị hiện thực, đã từng gây tác động xã hội rất lớn và tích cực. Do đó, mặc dù còn bị hạn chế về mặt này mặt khác trong nghệ thuật thể hiện, Chung một dòng sông vẫn được công chúng hồ hởi đón nhận, khơi dậy niềm hứng khởi quý giá trong giới sáng tác điện ảnh một thời. Đi theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa thịnh hành 1úc bấy giờ, Chung một dòng sông gắn tác phẩm với cuộc sống, khơi gợi tình cảm và hành động dấn thân vì đất nước của mỗi thành viên xã hội. Xuất phát chủ yếu từ phong cách tài liệu, các tác giả đã tạo nên không ít hình ảnh sinh động, nóng hổi hơi thở cuộc sống, mang ý nghĩa khái quát nhất định. Bản sắc địa phương lan tỏa trong phong cảnh thiên nhiên trữ tình, trên những cánh buồm căng gió và qua giọng hò ngọt ngào của cô gái xứ Quảng… Tất cả được ống kính máy quay thu chộp khá tự nhiên, duyên dáng.

Chung một dòng sông giữ vai trò nổi bật trong tiến trình phát triển nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim đã tạo nên một nền tảng, góp phần định hướng cho giai đoạn sáng tác phim truyện những năm tiếp sau, với cả những ưu điểm lẫn nhược điểm của nó. Dấu ấn mà bộ phim truyện đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng non trẻ in vết là vững chắc và gây được thiện cảm rộng rãi, mặc dù trình độ và kinh nghiệm thể hiện nghệ thuật thuở sơ khai không tránh khỏi còn bị những hạn chế nhất định.

PGS-TS Trần Luân Kim