(TGĐA) - Cùng một bộ phim mà có khi ý kiến của khán giả và nhà phê bình lại trái ngược nhau. Có những phim thành công ở phòng vé nhưng lại không thuyết phục được giới phê bình… “Nghịch lý” này đã tồn tại khá lâu và lý giải không hề đơn giản.
Thường thì mỗi cá nhân đều có thái độ và ý kiến không giống ai về những bộ phim họ đã thưởng thức. Rồi thì ngay cả bản thân các nhà phê bình sau khi đã cố gắng xem xét các bộ phim với một tâm thế khách quan nhất song rốt cuộc họ cũng thường xuyên bất đồng ý kiến với nhau. Đây là một sự thật hiển nhiên. Điều đáng quan tâm là vì sao trong thời gian hơn 10 năm nay, ở Hollywood nói riêng và nền điện ảnh quốc tế nói chung, dường như hố sâu ngăn cách giữa các nhà phê bình và khán giả đang ngày lớn dần lên tạo nên một sự tách bạch rất rõ ràng.
|
Mới đây, tờ Gizmondo (Anh) đã thống kê những bộ phim được khán giả ưa thích nhưng lại bị các nhà phê bình đánh giá thấp. Thật ngạc nhiên, 10 bộ phim trong danh sách này đều là những “quả bom tấn”, đem lại cho các studio khoản lợi nhuận khổng lồ như: The Terminal, Die Another Day, Troy, The Gladiator, Mission: Impossible II, Batman vs Superman: Dawn of Justice…
Trong bối cảnh mạng Internet phát triển và khán giả dễ dàng tiếp cận những bài phê bình, đáng lẽ ra ý kiến của hai bên phải xích lại gần nhau hơn. Nhưng vậy thì vì sao lại có thêm nhiều bộ phim ít gây ấn tượng đối với nhà phê bình nhưng lại thành công ở phòng vé như vậy?! Có bốn lý do chính cho sự khác biệt đang lớn dần này. Cụ thể như sau.
Yếu tố kỹ thuật của bộ phim
Điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật có tính kỹ thuật rất cao. Vì thế, những yếu tố như ánh sáng, âm thanh, bối cảnh v.v…đều phải trải qua sự xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng trước, trong, và sau khi bộ phim được quay. Công việc của nhà phê bình là phân tích xem các yếu tố này có được tạo dựng tốt hay không. Nhưng không phải người xem nào cũng chú ý, hay có khả năng chú ý, đến những yếu tố nói trên.
Họ có thể dễ dàng bỏ qua những chi tiết như tia sáng chiếu qua cửa hay ngọn lá lay động trước gió, trong khi bản thân những chi tiết này lại có tầm quan trọng rất lớn tới chất lượng bộ phim. Mối quan tâm chủ yếu của khán giả là liệu bộ phim có đem lại được sự giải trí cho họ không mà thôi. Đây là lý do chính vì sao lại có sự khác nhau đến vậy giữa nhà phê bình và khán giả thông thường. Nhìn một bộ phim qua lăng kính kỹ thuật chắc chắn sẽ khác với việc chỉ đơn giản thưởng thức tác phẩm.
|
Có độc đáo hay không?!
Xem đến hàng trăm bộ phim mỗi năm không phải là việc gì lạ với các nhà phê bình. Trong khi đó, một khán giả bình thường nhiều lắm cũng chỉ thưởng thức được hơn 50 bộ phim/năm - con số này tuy vậy tăng lên nhờ các dịch vụ truyền tải phim trực tuyến như Netflix. Nhà làm phim chắc chắn sẽ rất khó để gây ấn tượng về tính độc đáo của tác phẩm đối với nhà phê bình, khó hơn đối với người xem bình thường. Thậm chí một tác phẩm độc đáo quá cũng sẽ kéo khán giả đến rạp đi. Dòng phim thể nghiệm, gồm những tác phẩn độc đáo nhất về mặt nội dung, gần như lúc nào cũng gây lỗ vì không có khán giả xem. Chính vì vậy mà các hãng phim lớn của Hollywood từ bỏ hoàn toàn dòng phim này mà quay sang làm các tác phẩm mang nặng tính “công thức” nhưng lại quen thuộc, gần gũi với khán giả.
Sức mạnh từ cộng đồng người hâm mộ
Kể từ thành công của ba phần phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, các hãng phim Hollywood thi nhau thực hiện chuyển thể các tác phẩm tiểu thuyết, truyện tranh,v.v…thành phim. Đây là một lựa chọn cực kỳ thông minh. Thứ nhất, thương hiệu của tác phẩm gốc giúp cho việc marketing trở nên dễ dàng hơn.
Thứ hai, phần nhiều những người hâm mộ của tác phẩm gốc sẽ đến rạp xem bộ phim chuyển thể. Làm vừa lòng những người hâm mộ này dễ hơn nhiều so với nhà phê bình, do họ vốn đã quen thuộc và ưa thích nội dung của bộ phim.
Một ví dụ gần đây cho hiện tượng này là bộ phim Câu chuyện Ninja Lego (The LEGO Ninjago Movie). Trong khi mọi nhà phê bình đều đánh giá thấp chất lượng của tác phẩm chuyển thể từ series phim hoạt hình TV này, người hâm mộ của series Ninjago (phần nhiều là các em từ 4-10 tuổi) vẫn đổ xô đến rạp xem phim và tỏ ra thích thú.
|
Cho đáng đồng tiền bát gạo
Ngay cả một vấn đề nhỏ nhặt nhất như có phải trả tiền xem phim hay không cũng ảnh hưởng đến ý kiến phê bình điện ảnh. Bên làm phim thường phải tổ chức những buổi công chiếu miễn phí dành riêng cho giới phê bình. Nhưng với khán giả, họ phải bỏ tiền (và cả thời gian nữa) để có thể thưởng thức một bộ phim. Chính vì vậy mà khả năng phân tích của họ bị ảnh hưởng theo. Nếu người xem cho rằng bộ phim họ đã xem không hay, thì điều đó tương đương với việc họ đã “ngu ngốc” lãng phí đồng tiền vé của mình. Để đối phó với sự thật không lấy gì làm hay này, khán giả có thể cố gắng “tự bắt mình” thưởng thức bộ phim.
Sự bất đồng ý kiến giữa người thưởng thức và nhà phê bình tồn tại ở trong mọi loại hình nghệ thuật. Nhưng, với điện ảnh, đây lại là một vấn đề rất quan trọng. Nhiều nhà làm phim đang vì lợi nhuận của mình mà quá chú tâm đến việc làm vừa lòng người xem thay vì cải thiện chất lượng tác phẩm. Nếu hiện tượng này còn có cơ hội tiếp tục phát triển, rồi sẽ đến lúc chúng ta sẽ chỉ còn được xem những bộ phim vô hồn, cảm tưởng như được lắp ráp hàng loạt trên dây chuyền tự động.
Lê Công Vũ
Tổng hợp