(TGĐA) - Tuy khoé mắt đã ẩn hiện vài dấu chân chim, nhưng trông chị vẫn rất trẻ ở cái tuổi lục tuần, vẫn khiến người ta dễ dàng nhận ra cô ca sỹ của Nỗi buồn hoa phượng hơn 40 năm về trước.
Nhờ sự phát hiện giọng ca lạ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông (hãng dĩa Continental), mà Phạm Như Mai, cô học trò trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) đã sớm rời xứ sương mù vào thành phố Sài Gòn để theo tiếng gọi của… âm nhạc. Tuy cha không ủng hộ, nhưng Như Mai cũng cố nài nỉ để thực hiện cho được mơ ước của mình.
Danh ca Thanh Tuyền |
Hè 1964, chị chính thức vào Sài Gòn tiếp tục đi học và bắt đầu sự nghiệp ca hát với sự dìu dắt của thầy Nguyễn Văn Đông. Nhà nghèo lại đông con, Mai là con thứ nhì, nên chị đã gánh hầu hết trách nhiệm lo cho gia đình. Dường như trời sinh Mai ra để hát. Tiếng hát vút cao, trong vắt của chị chẳng mấy chốc đã trở thành “hit” trong làng ca nhạc, cạnh ca sỹ Hoàng Oanh. Mai lớn lên tại Đà Lạt, nơi có nhiều suối, nhiều cây. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông ví tiếng hát của chị như ngọn suối trong xanh và nghệ danh Thanh Tuyền đã ra đời từ đó.
Năm 1978, chị rời Việt Nam đến Mã Lai, năm sau, sang Mỹ. Như bao nghệ sĩ khác, thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng chị và các con rất chật vật. Cộng đồng người Việt lúc đó còn rời rạc, nên chẳng ai giúp ai được. Chị từng làm công nhân ở nhà in trước khi tích cóp mở được một cửa hàng tạp hóa cho đến nay. Nhịp sống cứ cuốn trôi mình khiến chị không dám nghĩ rằng có ngày mình được trở lại nghề xưa. Ngày nào cũng nhớ quê nhà, nhớ cha, nhớ mẹ. Mỗi tối, chị thường ra trước sân quét dọn cho sạch trước khi đóng cửa tiệm, và lần nào tôi cũng nhìn lên trời cao, đen thăm thẳm, mênh mông, lòng càng thấy nhớ nhà…
Năm 1982, Trung tâm Thúy Nga mời Thanh Tuyền qua Houston hát. Từ đó, mỗi cuối tuần, chị có dịp hâm nóng lại bầu nhiệt huyết dành cho ca nhạc tưởng đâu sẽ mãi mãi bị nguội lạnh theo năm tháng. Bên cạnh những Nỗi buồn hoa phượng, Đà Lạt hoàng hôn, chị còn hát những bài đậm đà tình quê hương như Điệu buồn Phương Nam, Sông quê… Người nghe khóc và chị cũng khóc. Đây cũng là dịp để kiều bào gặp nhau vì ngày thường ai cũng bận rộn mưu sinh.
|
Năm 1995, chị trở về Việt Nam lần đầu để chịu tang mẹ. Chị thú thực, trước khi về, chị rất hoang mang, cứ sợ không được nhà nước Việt Nam cho phép. Nhưng mọi việc đều tốt đẹp, không như chị lo ngại. Lần thứ ba, chị lại về lo đám cưới cho con trai lớn của chị với nghệ sỹ cải lương Ngọc Huyền. Và lần thứ năm, gần đây, để làm từ thiện, hỗ trợ chi phí mổ mắt cho nhiều người già, chi phí mổ tim cho trẻ em nghèo.
Ở tuổi 60, lẽ ra chị đã về hưu, an hưởng hạnh phúc bên chồng con. Nhưng hình như cái nghiệp cầm ca của chị chưa dứt, vì khán giả vẫn còn thương chị, còn muốn nghe chị hát. Sau những lần về Việt Nam, chị quyết định tiếp tục đứng trên sân khấu và với thu nhập ấy, chị có thể giúp đỡ được nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Cứ mỗi lần gặp họ, sau mỗi chuyến đi từ thiện, chị lại khó ngủ, vì lòng dạ cứ day dứt khôn nguôi. Và vì thế, chị thường sắp xếp thời gian về Việt Nam thường xuyên hơn, để góp công sức xoa dịu những mất mát đau thương của đồng bào.
Cây có cội, nước có nguồn. Về đây, nhìn con sò huyết chị cũng thấy chạnh lòng, ngửi mùi thơm của mắm cũng khiến chị muốn trào nước mắt. Đó là những “quốc hồn quốc túy” mà ở nước ngoài, chị cũng không sao tìm được đúng hương vị của quê nhà.
Bốn người con của chị đều đã trưởng thành, cô con gái thứ ba Shayla, nối nghiệp mẹ và là ca sỹ Việt Nam đầu tiên được hãng băng đĩa Mỹ đầu tư vào thị trường Mỹ. Chị đang rất hạnh phúc cạnh người chồng từng chia ngọt sẻ bùi với chị suốt mấy mươi năm qua.
Mỗi ngày chị đều dành ra 3 tiếng đồng hồ để chạy bộ, 1 tiếng để tập thể dục thẩm mỹ hay chơi tennis, bơi lội. Theo chị, giữ sức khoẻ và nhất là ngoại hình, là yếu tố rất quan trọng đối với người nghệ sĩ để dưỡng nghề và tôn trọng khán giả. Ngoài ra, chị luôn cố gắng giữ chữ “xả’ của đạo Phật, tìm sự bình yên cho tâm hồn bằng các công việc xã hội. Phải chăng vì thế mà thời gian đã bước chậm lại trên nhan sắc của chị?
Trở về và lại ra đi Ngày 15/6/2012, Thanh Tuyền sẽ có đêm nhạc Trở về mái nhà xưa tại phòng trà Tiếng Xưa (442 Cao Thắng, Quận 10), nơi mà mỗi lần trở về Việt Nam, chị không quên dành thời gian cho các khán giả thân thương của mình. Trong lần tái ngộ này, chị sẽ ru hồn người bằng những ca khúc từng gắn bó với giọng ca “sương mù” của chị như Trúc đào, Sầu lẻ bóng, Chiều cuối tuần, Ai cho tôi tinh yêu, Chuyện hẹn hò, Thành phố buồn, Giọt lệ sầu… Và đêm Chủ nhật 17/6/2012 sẽ là đêm tạm biệt khán giả để rồi ngâm ngùi, luyến tiếc “Biết nói gì đây” ngoài những ca khúc hát theo yêu cầu tại chỗ của khán giả. Ra đi để rồi trở lại, chị sẽ còn có những chuyến trở về quê nhà để gặp lại, hát và tâm sự cho mọi người nghe… |
Minh Tuyền