(TGĐA) - Thời gian gần đây, hãng phim truyền hình Việt Nam VFC liên tiếp trình làng những bộ phim thu hút được số lượng lớn khán giả truyền hình, thậm chí có bộ phim còn 'gây bão' cộng đồng mạng như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Tuổi thanh xuân, Thương nhớ ở ai… Là một người nhiều năm gắn bó, tâm huyết với hãng phim truyền hình Việt Nam, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh đã có những chia sẻ thú vị, bổ ích về câu chuyện làm nghề…
Anh cũng như những đồng nghiệp ở VFC đã có những bước đi, thay đổi ra sao để gặt hái được thành công như ngày hôm nay?
Thực ra sự khởi sắc của Hãng phim truyền hình Việt Nam VFC mới khoảng 3 năm gần đây, từ những phim Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Thương nhớ ở ai… Để có được những thành công như vậy Giám đốc Đỗ Thanh Hải đã định hướng cho tất cả đội ngũ của VFC phải ngày càng tiến đến sự chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, không chỉ riêng đạo diễn mà tất cả thành phần khác như quay phim, kỹ thuật, dựng phim, âm thanh …đều được tạo cơ hội đi sang các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua các dự án hợp tác làm phim như Người cộng sự, Tuổi thanh xuân… với mục đích tạo điều kiện cho anh em được làm việc, cọ xát, giao lưu với những con người, những quốc gia từng rất chuyên nghiệp trong việc làm phim truyền hình. Từ đó, anh em làm phim có thể cập nhật những công nghệ mới nhất cũng như được chuyên nghiệp hóa phong cách làm phim. Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy đội ngũ làm phim của Nhật Bản cũng không khác gì VFC nhưng mỗi người trong số họ đều chuyên môn hóa phần việc của mình. Những thành phần trong đoàn phim của VFC trước đó bị coi nhẹ như tổ chức sản xuất thì tại các quốc gia phát triển về quy hoạch họ lại rất được quan tâm, thậm chí họ có thể thay thế đạo diễn, là người nắm quyền hành lớn nhất trong đoàn phim chứ không phải đạo diễn.
Người phán xử - bộ phim mua kịch bản chuyển thể từ tác phẩm The Abitrator của Israel |
Người tổ chức sản xuất phải sắp đặt thời gian, quán xuyến tất cả mọi việc, mọi khâu từ họa sĩ, hóa trang… phải nghe theo họ. Đạo diễn lúc ấy chỉ có một nhiệm vụ là sáng tác nghệ thuật và toàn tâm toàn ý vào công việc đó, tác phẩm của họ vì thế luôn đạt được chất lượng tốt nhất. Nếu trước đây ở VFC, đạo diễn là người gần như cầm nắm mọi thứ từ A-Z như về kinh tế, điều hành, casting diễn viên, thậm chí là cả khâu kịch bản. (Hiện nay rất ít biên kịch có thể viết một kịch bản mà đạo diễn có thể làm phim ngay, do vậy đạo diễn sẽ phải tham gia cả khâu viết kịch bản cùng biên kịch, sau đó khi đã hoàn thành kịch bản rồi, đạo diễn cầm kịch bản và lên phương án về đội ngũ sản xuất, chọn DOP, họa sĩ, hóa trang, casting diễn viên…) Khi đó đạo diễn chỉ còn 30-40% tâm sức để quan tâm đến công việc sáng tác. Điều này lý giải tại sao chất lượng phim truyền hình của ta không bằng các nước khác. Do vậy khi tiếp cận ekip làm phim của nước bạn, thấy được cách làm phim rất chuyên nghiệp, chúng ta đều học tập được điều đó.
Sự chuyên nghiệp của VFC còn được thể hiện ở việc đầu tư vào những công nghệ mới như máy quay 4k chất lượng gần tương đương với điện ảnh, công nghệ chỉnh màu…. Một yếu tố quan trọng không kém để góp phần tạo nên thành công của một số bộ phim VFC đó là khâu kịch bản. Có những kịch bản được mua bản quyền của nước ngoài đã được thẩm định và có tiếng vang tại chính quốc gia đó. Bản thân người viết kịch bản đó cũng rất chuyên nghiệp, họ biết cân đo đong đếm cảm xúc của khán giả, tạo ra tính cách nhân vật tuyệt vời, đưa đẩy làm câu chuyện phim trở nên cực kỳ hấp dẫn… Khi mua về, chúng ta chỉ việc xào lại, Việt hóa kịch bản đó. Do vậy bên cạnh đội ngũ chuyên nghiệp, VFC còn có những kịch bản chuyên nghiệp để có thể tạo nên một tổng thể chuyên nghiệp.
Cuối cùng, truyền thông cũng là yếu tố quyết định tạo nên thành công của phim. Ở nước ngoài điều này không có gì mới mẻ bởi mỗi bộ phim trước khi ra mắt khán giả đã được nhà sản xuất lên ý tưởng truyền thông ngay từ khi bắt đầu manh nha làm phim… Họ đẩy những nhân vật lên đến đỉnh điểm và điểm bùng truyền thông chính là lúc bộ phim phát hành.
Cảnh trong phim Thương nhớ ở ai |
Trong khi đa số các bộ phim truyền hình có tỉ suất người xem cao, gây được tiếng vang lớn đều là những phim được mua bản quyền, chuyển thể từ kịch bản nước ngoài thì Thương nhớ ở ai với một kịch bản thuần Việt nhưng đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Chắc rằng bộ phim đã tạo cho anh rất nhiều cảm hứng với dòng phim thuần Việt, anh có ý định tiếp tục đi sâu hơn vào vào dòng phim này?
Bất cứ quốc gia nào muốn lưu giữ nền văn hóa, tạo ra bản sắc, họ phải giữ được văn hóa gốc, đó là âm nhạc, là con người, bối cảnh, là câu chuyện… Để có những kịch bản thuần Việt hay là điều không phải dễ dàng, bởi bên cạnh nền văn học Việt Nam còn ở mức khiêm tốn thì những nhà biên kịch của chúng ta cũng chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Muốn có những kịch bản hay, chuyên nghiệp mang tầm quốc tế, đương nhiên đội ngũ biên kịch hiện tại phải cọ xát, học hỏi rất nhiều.
Ngoài sự chuyên nghiệp, người đạo diễn còn phải có văn hóa, cá tính riêng cũng như cái tâm với tác phẩm. Bản thân tôi luôn ấp ủ mong muốn làm được những phim lịch sử cổ trang, ban đầu có thể chỉ là những dự án phim ngắn tập, tuy nhiên điều này cũng không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi người đạo diễn phải có vốn hiểu biết, phải đọc, phải sống gần như nhập đồng để đặt mình vào không gian, không khí, tư duy con người thời kỳ lịch sử đó…
Vậy hướng đi lâu dài là vẫn nên tiếp tục mua bản quyền kịch bản nước ngoài?
Thương nhớ ở ai theo xu hướng của dòng phim nghệ thuật chứ không phải phim thị trường. Nếu như có nhiều bộ phim như thế này chưa hẳn đã tốt bởi nói thẳng ra không phải phim nào cũng có nguồn thu, VFC cũng như rất nhiều đơn vị sản xuất phim phải đối mặt với vấn đề phải có nguồn thu ở phim đó, vậy là họ phải tìm mọi cách, thậm chí mọi “thủ đoạn” để làm sao đạt được điều đó như tạo ra các yếu tố gây tò mò cho khán giả… Do vậy xu hướng chung của các hãng sản xuất bây giờ vẫn là đi sâu khai thác kịch bản chuyển thể nước ngoài, để có sự cọ xát tuyệt đối đương nhiên họ phải có khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng lãnh đạo VFC, bên cạnh việc mua kịch bản nước ngoài, sẽ vẫn tìm tòi những biên kịch có thể viết ra những kịch bản thuần Việt. Một khi đội ngũ làm phim cũng như đội ngũ viết kịch bản đã tư duy được một cách chuyên nghiệp, đương nhiên họ sẽ chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng từ ý tưởng.
Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cùng đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhận giải thưởng Cánh diều vàng cho bộ phim Thương nhớ ở ai |
Giờ đang là lúc giao thời, tìm tòi của phim truyền hình Việt Nam để làm sao vừa đánh trúng thị hiếu khán giả, nói ra những điều dư luận đang quan tâm cộng vừa học hỏi cách làm phim chuyên nghiệp của nước ngoài. Không chỉ riêng VFC mà nhiều nhà sản xuất phim bên ngoài cũng đang mong muốn làm được những bộ phim mang hơi thở, câu chuyện của người Việt, tư duy người Việt nhưng có thể vươn ra tầm thế giới, làm được điều này đương chúng ta phải cần khá nhiều thời gian…
Và phim truyền hình có nên tiếp tục đi theo cách làm phim tiệm cận với điện ảnh như Thương nhớ ở ai?
Theo tôi là không, truyền hình vẫn nên đi theo lối làm phim của truyền hình, tất nhiên sau này sẽ chau truốt hơn về hình ảnh. Đặc thù của điện ảnh là tập trung chau truốt hình ảnh, câu chuyện, thoại, âm nhạc…tất cả đạt đến độ tinh túy nhưng truyền hình không có thời gian để làm điều đó vì có rất nhiều tập. Tóm lại với phim truyền hình, yếu tố nội dung là quan trọng nhất, bên cạnh đó là hình ảnh được chau truốt đầu tư kỹ càng hơn.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Sau 'Người phán xử', VFC còn rất nhiều phim hấp dẫn! | |
“Sống chung với mẹ chồng” và sự lột xác ‘tai quái’ của NSND Lan Hương |
Phương Hà