(TGĐA) - Sau thành công của Encanto, ông lớn hoạt hình Pixar sẽ tiếp tục chiêu đãi khán giả một siêu phẩm khác trong năm nay chính là Turning Red (Gấu đỏ biến hình). Tác phẩm lần này sẽ lấy trung tâm là một cô bé châu Á với nội dung mang đậm màu sắc và ý nghĩa gia đình quen thuộc với khán giả Việt Nam. Đặc biệt, đạo diễn phim cũng là Domee Shi - người từng mang đến câu chuyện đầy cảm xúc trong phim ngắn Bao (2018) cách đây 4 năm.
Câu chuyện gia đình ý nghĩa của Bao trở lại trong Gấu đỏ biến hình
Ra mắt năm 2018, Bao là câu chuyện về một người phụ nữ nấu bánh bao cho chồng. Một trong số đó bỗng có sự sống và được bà yêu thương, chăm sóc như con ruột. Thế nhưng càng lớn, cậu bé càng xa rời vòng tay “mẹ” và trở nên hư hỏng. Cuối cùng, bà quyết định ăn luôn chiếc bánh mà mình nuôi dưỡng bấy lâu. Hóa ra, mọi thứ chỉ là giấc mơ khi bà và cậu con trai ruột mâu thuẫn. Phim kết thúc đầy cảm xúc khi họ thông cảm cho đối phương và cùng nhau làm bánh bao.
Bao nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cả khán giả lẫn giới phê bình và thắng giải Phim hoạt hình ngắn xuất sắc tại lễ trao giải Oscar 2019. Câu chuyện ý nghĩa và gần gũi với người Á đông về tình cảm gia đình, sự xung đột giữa hai thế hệ nay trở lại một cách trọn vẹn trong Gấu đỏ biến hình qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn Domee Shi. Cô từng giải thích lý do vì sao bánh bao trong Bao là nam giới: “Mối quan hệ giữa con gái và mẹ cần phải thể hiện qua cả một bộ phim dài”.
Câu nói như lời tiên tri về Gấu đỏ biến hình. Ban đầu, Mei (Rosalie Chiang) rất yêu mẹ mình. Thế nhưng, ở độ tuổi dậy thì, cô bé dần có những mối quan tâm khác như bạn bè, thần tượng và các nghịch phá con trẻ. Trong phim, giai đoạn này được thể hiện một cách thú vị khi cảm xúc của Mei bùng nổ thì cô bé sẽ biến thành con gấu trúc đỏ khổng lồ. Nhà sản xuất Lindsey Collins nói: “Đó là khoảng thời gian trong cuộc đời khi chúng ta muốn biết mình là ai”.
Mei luôn bị giằng xé giữa gia đình và bạn bè và dần nhận ra bản thân không giống mình từng nghĩ. Mẹ của Mei đối mặt với việc con gái bỗng thích những ca khúc lạ và các cậu trai khác. Cô ấy phải đấu tranh với việc buông bỏ để Mei trở thành người mà cô bé mong muốn. Đó là một chủ đề không bao giờ cũ khi bạn vẫn còn là con hay đã trở thành phụ huynh”. Gấu đỏ biến hình hứa hẹn là một bộ phim đầy thông điệp nhân văn về gia đình và sự trưởng thành, thấu hiểu.
Nguồn cảm hứng từ anime độc đáo
Bên cạnh những ý nghĩa sâu sắc, Gấu đỏ biến hình còn sở hữu phần hình ảnh và chất lượng đồ họa xịn sò, lấy cảm hứng từ cuộc sống. Theo đạo diễn nghệ thuật nhân vật Jason Deamer, tầm nhìn của Shi về các nhân vật được lấy từ nhiều nguồn và phong cách. Deamer nói: “Cô ấy thực sự quan tâm đến anime và phim hoạt hình tĩnh vật, và tôi nghĩ rằng cô ấy muốn kết hợp những thứ đó với nhau với gương mặt lớn, nhiều biểu cảm của anime và tỷ lệ cơ thể ngắn trong phim hoạt hình tĩnh vật”.
Ngoài ra, nữ đạo diễn sinh năm 1989 còn là một fan cứng của Hayao Miyazaki, loạt phim Sailor Moon (Thủy thủ mặt trăng) và Edgar Wright. Những tài liệu tham khảo và nguồn cảm hứng lâu năm này cùng với cách tiếp cận độc đáo của Shi trong việc làm phim đã dẫn đến một tác phẩm mới mẻ và khác biệt. Collins nói: “Phần thiết kế rất chỉn chu và có kết cấu rõ ràng. Biểu cảm nhân vật rất thú vị, cách họ di chuyển cũng mang đến cảm giác mới mẻ”.
Giám sát hoạt hình Aaron Hartline đã bị thu hút bởi sự tươi mới đó. “Domee là một đạo diễn mới với giọng nói và phong cách mới. Thật thú vị khi cô ấy muốn thử một cái gì đó hoàn toàn khác về phong cách hoạt hình. Cô ấy gọi nó là đông tây kết hợp nơi anime đại diện cho phương Đông và hoạt hình Pixar đặc trưng là phương Tây”, anh nói. Nữ đạo diễn trẻ đã truyền vào bộ phim những tình tiết táo bạo nhưng được đặt chiến lược từ anime.
Cô nói: “Tôi thích cách các nhà làm phim Nhật Bản chơi đùa với cảm xúc, cách các biểu cảm có thể thay đổi ngay lập tức. Nếu Mei nhìn thấy cậu bé mà mình thích hoặc xem quảng cáo nhóm nhạc 4*TOWN, đôi mắt của cô sẽ giãn to ra với ánh sáng lấp lánh đi kèm hiệu ứng ngôi sao. Chúng tôi thực sự muốn đẩy hoạt ảnh để phản ánh cảm xúc của nhân vật”. Cô còn tiết lộ Mei như Hulk phiên bản đáng yêu khi cách duy nhất cô bé trở lại thành người là phải bình tĩnh, hít thở sâu.
Ê-kíp tên tuổi, bảo chứng chất lượng phòng vé
Chất lượng của Turning Red được bảo chứng qua tay nghề của Domee Shi. Cô từng là thực tập sinh tại Pixar Animation Studios năm 2011 và nhanh chóng trở thành họa sĩ kịch bản cho Inside Out (2015). Nhà làm phim trẻ sau đó góp mặt trong nhiều dự án nổi tiếng như Incredibles 2 (2018), Toy Story 4 (2019), Onward (2020), Soul (2020). Ngoài ra, Shi còn đứng sau nhiều phim ngắn xuất sắc như Bao, Purl (2019) và Kitbull (2019).
Nhà sản xuất Lindsey Collins cũng là cái tên quen thuộc tại Pixar. Cô gia nhập hãng từ năm 1997 và tham gia sản xuất nhiều phim như A Bug’s Life (1998), Toy Story 2 (1999), Finding Nemo (2003) và Ratatouille (2007). Sau đó, Collins nhận vị trí sản xuất Wall-E (2008), John Carter of Mars (2009) và Finding dory (2016. Sau đó, cô đảm nhận vai trò phó chủ tịch phát triển của Pixar và đi tiên phong trong chương trình Pixar’s SparkShorts, được tạo ra để khám phá những nhà làm phim mới, khám phá các kỹ thuật kể chuyện và thử nghiệm với quy trình sản xuất mới.
Dàn diễn viên phim có sự góp mặt của Sandra Oh - ngôi sao gốc Hàn Quốc từng thắng hai giải Quả cầu vàng với loạt Killing Eve và Grey's Anatomy cùng một loạt đề cử Emmy Primetime, Screen Actors Guild Awards danh giá. James Hong - ngôi sao gốc Hong Kong gạo cội từng góp mặt trong hơn 650 bộ phim ở Hollywood. Dàn diễn viên nhí như Rosalie Chiang, Ava Morse, Maitreyi Ramakrishnan và Hyein Park hứa hẹn sẽ là làn gió mới cho tác phẩm.
Turning Red (Tựa Việt: Gấu đỏ biến hình) chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ 11/3/2022.
Trailer Gấu đỏ biến hình:
'Free! The final stroke': Bộ anime hấp dẫn về tuổi trẻ và sự nhiệt huyết với bộ môn bơi lội (TGĐA) - Phần phim hoạt hình cuối cùng của thương hiệu Free! là màn tổng ... |
'Những kẻ xấu xa': Hoạt hình mới nhất của DreamWorks ấn định khởi chiếu tại Việt Nam, ra mắt trước Bắc Mỹ 3 tuần (TGĐA) - Bộ phim hoạt hình tội phạm – hài/hành động mới tới từ xưởng ... |
Vũ Liên