(TGĐA) - Năm 2020, ngành biểu diễn nghệ thuật là một trong những ngành ảnh hưởng nặng nhất bởi lần đại dịch Covid-19. Những kinh đô nghệ thuật lớn nhất của thế giới đã phải đóng cửa hoàn toàn. Một số nơi chỉ có thể biểu diễn trực tuyến với những nhà hát không khán giả.
Đêm hòa nhạc của hai nhà soạn nhạc Franz Liszt và Antonin Dvorak tại TP.HCM | |
Đêm hòa nhạc thính phòng của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) |
Ở Việt Nam, tuy không có sự tham gia hợp tác của các nghệ sĩ quốc tế nhưng mùa diễn 2020 của loại hình âm nhạc giao hưởng thính phòng này lại rất thành công bởi sự linh hoạt, hợp tác giữa các tổ chức trong nước, tạo lên một sự giao lưu, phát triển về chuyên môn trong nội địa rất mạnh mẽ. Điều này cũng khẳng định mặt bằng trình độ nghệ sĩ tại Việt Nam ở loại hình này đã đạt mức độ cao, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay cả người Việt và người nước ngoài.
Năm 2020, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO), Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAM)...
Năm 2021 sẽ đánh dấu sự hợp tác lớn nhất từ trước tới nay giữa HBSO và Dàn nhạc Giao hưởng Hà nội - Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong dự án hòa nhạc đặc biệt được tổ chức tại hai thành phố lớn nhất của đất nước: TP.HCM và Thủ đô Hà Nội. Dự án quy tụ sự tham gia của đông đảo NSND, NSƯT và trên 100 nghệ sĩ giao hưởng hàng đầu của Việt Nam, khai mở cơ hội trau dồi chuyên môn, nâng cao trình độ biểu diễn và cũng là cơ hội mang đến những chương trình nghệ thuật chất lượng đỉnh cao tới khán giả.
Hòa nhạc đặc biệt The Great German Three B’s đem đến cho khán giả âm nhạc của ba tên tuổi vĩ đại thế giới Beethoven, Bruch và Brahms sẽ được tổ chức vào hồi 20h00 ngày 25/4/2021 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh thông qua ngón đàn điêu luyện của hai nghệ độc tấu tài năng NSƯT Bùi Công Duy (violin) và nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo (viola) dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch.
Chương trình biểu diễn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh được bắt đầu với Egmont Overture của Beethoven. Tác phẩm này được sáng tác cho vở kịch kinh điển cùng tên của nhà văn Đức Goethe về một chiến binh nổi tiếng đấu tranh vì độc lập dân tộc Hà Lan.
Tiếp theo là bản Double Concerto của Max Bruch, một bản concerto cho hai nghệ sĩ độc tấu. Bruch ban đầu viết tác phẩm này cho các nghệ sĩ clarinet và violin trình tấu, nhưng sau này nó thường được chơi bởi một nghệ sĩ violin và viola. Đây chính là phiên bản chúng ta sẽ được thưởng thức ngày 25/4.
Hai nghệ sĩ độc tấu không thể đặc biệt hơn, NSƯT Bùi Công Duy được nhiều người công nhận là nghệ sĩ violin hàng đầu Việt Nam, nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo chắc chắn là nghệ sĩ viola hàng đầu Việt Nam.
Double Concerto của Bruch giàu âm điệu và giai điệu. Đã có một bản thu âm tuyệt vời do các nghệ sĩ độc tấu Viktor Tretyakov và Yuri Bashmet trình diễn trên youtube. Một phiên bản khác đặc biệt trên CD, được ghi âm bởi các nghệ sĩ độc tấu Davide Alogna và Jose Adolfo Alejo (Brilliant Classics, 95241).
NSƯT Bùi Công Duy đã giành được vô số giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, anh hiện đang giữ cương vị phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh trực tiếp giảng dạy các học sinh violin được tuyển chọn đặc biệt, và đã có nhiều học trò xuất sắc đoạt giải thưởng quốc tế.
Phạm Vũ Thiên Bảo ban đầu học violin nhưng chuyển sang viola sau khi thấy được vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của đàn viola. Anh từng học viola nhiều năm tại Paris, và sau đó biểu diễn ở nhiều trung tâm âm nhạc châu Âu như Pháp, Ý, Áo, Tây Ban Nha... Năm 2015, anh trở về Việt Nam và hiện nay là thành viên của HBSO.
Phần 2 của chương trình là bản giao hưởng số 4 tuyệt vời của Brahms. Đây được coi là bản giao hưởng hay nhất trong số 4 bản giao hưởng của nhà soạn nhạc này. Tác phẩm được kết thúc với phần "passacaglia" xuất sắc, một điệu nhảy thế kỷ 17 nhưng ở đây được thể hiện bởi dàn nhạc giao hưởng, minh họa cho niềm tin của Brahms rằng những gì tốt nhất của âm nhạc truyền thống châu Âu có thể và nên được đưa vào các tác phẩm đương thời.
Nhà âm nhạc nổi tiếng Donald Tovey đã viết rằng bản giao hưởng số 4 của Brahms này là "một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất dành cho dàn nhạc kể từ thời Beethoven", trong khi nhà phê bình cùng thời với Brahms, nhà phê bình Eduard Hanslick, cho rằng nó "giống như một cái giếng tối; càng nhìn kỹ, thì các vì sao càng tỏa sáng rực rỡ".
Phạm Vũ Thiên Bảo cho biết, những người mới tiếp cận với thể loại âm nhạc cổ điển có thể cảm thấy khó hiểu và trừu tượng. Nhưng họ nên thư giãn, anh tin rằng, khi để trí tưởng tượng được tự do, tâm hồn của họ sẽ đón bắt được những trải nghiệm mới lạ, tuyệt vời, những vẻ đẹp khác thường của nghệ thuật âm nhạc cổ điển.
Đêm diễn tiếp theo sẽ được tổ chức tại phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào lúc 20h00 ngày 10/9/2021. Chương trình sẽ có thêm sự tham gia của nghệ sĩ piano trẻ tài năng Lưu Đức Anh, người đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Chương trình hòa nhạc hợp tác lần này cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Chương trình đồng thời cũng là lời chúc mừng đặc biệt sinh nhật lần thứ 65 năm của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi đào tạo âm nhạc lớn nhất cả nước.
Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM tái diễn chương trình 'Tổ khúc Ballet Carmen' (TGĐA) - Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ... |
Đêm hòa nhạc của hai nhà soạn nhạc Franz Liszt và Antonin Dvorak tại TP.HCM (TGĐA) - Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) ... |
Vũ Liên