(TGĐA) - Tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện quốc gia Paris, nghệ sĩ violon tài năng Nguyễn Hữu Nguyên trở thành một trong hai thành viên người Việt duy nhất của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp danh tiếng. Đêm nhạc được diễn ra vào lúc 20h00 thứ bảy ngày 03/02/2018 tại Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, Nguyễn Hữu Nguyên theo học Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh từ năm 14 tuổi và trở thành Quán quân của nhiều giải thưởng quốc gia như giải nhất Tài năng trẻ violon 1989, giải nhất Cuộc thi âm nhạc quốc gia Mùa thu 1990. Vào năm 1991, với sự hỗ trợ của Maurice Bourgue, nghệ sĩ kèn ô-boa nổi tiếng của dàn nhạc giao hưởng Berlin Karajan, anh đã được tới Pháp để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình. Tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Boulogne, Nguyễn Hữu Nguyên thi đỗ vào ngôi trường âm nhạc danh tiếng nhất nước Pháp – Nhạc viện Quốc gia Paris.
Giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế danh tiếng như giải nhất trong cuộc thi của Nhạc viện quốc tế Maurice Ravel và cuộc thi Nhạc thính phòng FNAPEC (Paris), nhưng có lẽ thành tích quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Hữu Nguyên là việc anh được tuyển chọn vào Dàn nhạc Quốc gia Pháp danh tiếng và cùng với em trai mình (nghệ sĩ violon Nguyễn Khôi Nam) trở thành hai trong số bốn thành viên người châu Á duy nhất của dàn nhạc.
|
Đêm nhạc lãng mạn mang tên Nguyễn Hữu Nguyên và những người bạn sẽ đưa chúng ta bồng bềnh qua những giai điệu ngọt ngào, êm ái của Bản sonate viết cho đàn violon và piano cung la trưởng FWV 8 của nhạc sĩ thiên tài César Franck. Nghệ sỹ violon tài năng Nguyễn Hữu Nguyên sẽ thể hiện tác phẩm này cùng bạn diễn, nghệ sỹ piano Nguyễn Thu Hiền.
Bản Sonate cung la trưởng viết cho đàn violon và piano sẽ là một sự mở đầu tươi sáng, hân hoan cho đêm nhạc. Được viết vào năm 1886, bản nhạc là món quà mừng đám cưới của ông dành cho nghệ sĩ violon người Bỉ Eugène Ysaÿe. Tác phẩm là đặc trưng tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà soạn nhạc người Pháp César Franck: cấu trúc chặt chẽ, chủ đề đa dạng với những chuyển động, biến đổi theo tính chu kỳ mang đến một tổng thể hài hòa, thống nhất. Ông cũng đặc biệt chú ý đến sự cân bằng và đối thoại giữa hai loại nhạc cụ, khiến bản nhạc trở thành một cuộc “so tài” về kỹ thuật biểu diễn hết sức đặc sắc. Vẻ đẹp trong giai điệu và sự phong phú trong hòa âm đã khiến Bản sonate cho đàn violon và piano trở thành một trong số những bản nhạc nổi tiếng và được trình diễn nhiều nhất tại Pháp và cả trên thế giới.
Bộ sáu nghệ sĩ gồm Nguyễn Hữu Nguyên và Lê Minh Hiền (violon), Phạm Vũ Thiên Bảo và Bùi Anh Sơn (viola), Trần Thị Mơ và Ngô Hoàng Quân (cello) sẽ biến không khí buổi diễn trở nên lôi cuốn, quyến rũ, như sự kết hợp ma mị của một đêm đông nước Nga đầy sương mù và băng tuyết với ánh sáng dịu dàng của thành Tuscan nước Ý qua bản lục tấu Kỷ niệm thành Florence của Tchaïkovsky. Được viết từ năm 1887 đến 1890, trong khoảng thời gian Tchaïkovsky sống ở thành phố Florence-Ý, Kỷ niệm thành Florence thấp thoáng niềm hứng khởi vốn không xuất hiện trong lối sáng tác đượm sầu thường thấy của nhà soạn nhạc. Bản lục tấu cho đàn dây này được hoàn thành vào năm 1890, một năm thành công đã chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm khác của ông như vở opera La dame de pique (Con đầm pích) và vở ballet nổi tiếng Hồ thiên nga. Trong lời tựa cho tác phẩm của mình, nhà soạn nhạc người Nga, vốn rất kín đáo, đã phải thốt lên: "Một bản lục tấu tuyệt vời! Đoạn đối âm phức điệu ở cuối thật tuyệt! Thật đáng sợ đến nỗi tôi cũng phải phục bản thân mình".
Các nghệ sĩ tham gia
Tốt nghiệp loại ưu Học viện âm nhạc Quốc gia Paris và là Quán quân nhiều cuộc thi danh giá trên thế giới, Phạm Vũ Thiên Bảo được đánh giá là một trong những tay viola tài năng nhất Việt Nam hiện nay.
Nghệ sĩ viola Bùi Anh Sơn được nhận học bổng toàn phần hệ Cao học của trường Tasmania University (Úc) và từng là bè trưởng viola trong dàn nhạc Australian International Symphony Orchestra Institut (AISOI).
Hai gương mặt cello quen thuộc trong lục tấu lần này là bộ đôi NSND Trần Thị Mơ và Ngô Hoàng Quân. Hai nghệ sỹ cello tài năng này cùng bước ra từ ngôi trường danh tiếng, Học viện âm nhạc quốc gia Tchaikovski, Nga và đã tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc trong nước và quốc tế.
Nghệ sỹ piano Nguyễn Thu Hiền tốt nghiệp Học viện âm nhạc Gnhexin Russian Moscow, nơi chỉ dành cho những tài năng âm nhạc trẻ tiềm năng.
Tốt nghiệp Học viện âm nhạc Matxcova, từng tham gia masterclass với giáo sư Maryvonne Le Dizes (giải nhất cuộc thi Paganini 1962) tại Pháp, nghệ sĩ violon Lê Minh Hiền hiện đang giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nguyễn