Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới – Bức tranh đa sắc

(TGĐA) - Có thể nói, trong lịch sử 60 năm phát triển, điện ảnh Việt Nam thực sự có những bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn đổi mới. Điều này đã được các đồng nghiệp quốc tế ghi nhận và đánh giá trong các cuộc giao lưu, gặp gỡ với nghệ sỹ Việt Nam. Và mới đây, tại Hội thảo Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 2, “những thông điệp về sức mạnh từ quá khứ”, “những cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong hành trình của điện ảnh Việt Nam” … đã được bạn bè quốc tế một lần nữa nhấn mạnh về giai đoạn có tên là Đổi mới của điện ảnh nước...

Canh_trong_phim_Gai_nhay

Cảnh trong phim Gái nhảy

Các bộ phim được sản xuất trong giai đoạn này đều có cách nhìn mới mẻ, bám sát và phản ánh chân thật về hiện thực xã hội, cuộc sống như Cô gái trên sông, Canh bạc, Xương rồng đen… và sau này là Gái nhảy. Hơi thở của luồng gió đổi mới giai đoạn đầu đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ từ phía dư luận. Có người khen, có người chê, và đó là dấu hiệu đáng mừng vì giờ đây sự nhìn nhận cũng như cách nghĩ về điện ảnh đã khác. Điện ảnh không còn kể những câu chuyện chung mà đã đi vào cái tôi của từng cá nhân trong tác phẩm, mạnh dạn nói lên tiếng lòng mình, từ trong bản ngã… Điều đó đã tạo nên một sự đa dạng trong sáng tác điện ảnh, khiến các tác phẩm này trở nên gần gũi với người xem. Các bài tranh luận về những bộ phim thời kỳ này cũng chứng tỏ một không khí sáng tác và sinh hoạt điện ảnh cởi mở, mở đường cho sự ra đời của những tác phẩm mới mẻ, táo bạo về nội dung mang cá tính của người làm ra nó. Bên cạnh đó, dấu ấn nổi bật của phim Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới được chú trọng ở cách đặt vấn đề, cách phản ánh, khai thác vấn đề, phương thức thể hiện với các bộ phim được sản xuất trong những năm 1985 – 1988 như Bao giờ cho đến tháng 10, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Cô gái trên sông, Tướng về hưu… Tiếp nối xu hướng đổi mới trong phản ánh hiện thực, một số bộ phim ra đời từ năm 1989 cho đến 1995 có thể coi là những tác phẩm tiêu biểu. Công cuộc đổi mới của điện ảnh nước nhà cũng đã góp phần tạo ra một thế hệ đạo diễn trẻ đã có những sự bứt phá ngoạn mục khi họ được đào tào làm phim trong một cơ chế mới, tiếp xúc với dòng chảy điện ảnh mới của thế giới như Mỹ, Trung, Ấn bên cạnh lý thuyết làm phim kinh điển của Liên Xô cũ. Vì thế mới có một Lưu Trọng Ninh gai góc quyết liệt với Canh bạc, một Lê Hoàng sâu sắc và giàu hàm ý với Chiếc chìa khóa vàng, một Phi Tiến Sơn trong trẻo với Vào Nam ra Bắc… bên cạnh Xương rồng đen của đạo diễn Lê Dân, Người tìm vàng của đạo diễn Đào Bá Sơn.

Ngoài những bộ phim được nhắc đến ở trên, còn nhiều tác phẩm khác cũng lấy hiện thực cuộc sống làm gam màu chính để thể hiện như Phần đời không muốn nhớ, Chiếc bình tiền kiếp, Đời hát rong, Chuyện tình trong ngõ hẹp… Mỗi bộ phim là một mảnh đời, thân phận người nhưng khái quát được cả một vấn đề xã hội có cả nước mắt lẫn nụ cười, khổ đau và chân thật. Điểm đáng giá của chùm phim này là cách phản ánh hiện thực xã hội táo bạo, mới mẻ so với các giai đoạn trước, nhưng cốt lõi của các phim vẫn rất nhân văn. Đó chính là nguyên nhân khiến phim Việt Nam giai đoạn này có sức hấp dẫn với bạn bè thế giới. Năm 1992, Giám đốc LHP Quốc tế Fukuoka, ông Tadao Sato, đã lựa chọn 9 bộ phim và tổ chức chương trình đặc biệt về phim Việt Nam trong LHP này.

Canh_trong_phim_Canh_bac

Cảnh trong phim Canh bạc

Một mảng đề tài nữa trong giai đoạn đổi mới được thể hiện tương đối xuất sắc và toàn diện là đề tài chiến tranh, hậu chiến và tôn vinh lãnh tụ, những nhân vật anh hùng. Đây là các phim do nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ sản xuất để công chiếu phục vụ những ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, dân tộc. Như vậy, có thể thấy rằng, ngay cả trong hoàn cảnh những năm đầu của thời kỳ kinh tế thị trường thì điện ảnh vẫn được nhà nước quan tâm với mục đích tuyên truyền, khẳng định truyền thống vẻ vang của dân tộc. Một số bộ phim tiêu biểu cho đề tài này là: Tuổi thơ dữ dội (đạo diễn Vinh Sơn), Hẹn gặp lại Sài Gòn (đạo diễn Long Vân), Đất nước đứng lên (đạo diễn Lê Đức Tiến), Chân trời nơi ấy (đạo diễn Huy Thành), Người con gái đất đỏ (đạo diễn Lê Dân), phim hợp tác giữa Việt Nam và Algeria có tựa đề Bông sen (đạo diễn Trần Đắc của Việt Nam và đạo diễn Ama Laskri người Algeria), Lưỡi dao (đạo diễn Lê Hoàng), Dòng sông hoa trắng (đạo diễn Trần Phương), Chiến trường chia nửa vầng trăng (đạo diễn Hồng Sến), Hoa ban đỏ (đạo diễn Bạch Diệp)… Nhìn chung, các bộ phim trên tuy sử dụng kinh phí nhà nước cấp nhưng các nhà làm phim đều giành hết tâm huyết, đầu tư công sức, thời gian và nhiệt huyết để cho ra đời những tác phẩm điện ảnh đạt chất lượng ở mức cao nhất, có tác dụng nhất định đối với xã hội.

canh_trong_phim_Lua_chay_thanh_Dai_la

Cảnh trong phim Canh bạc

Trong giai đoạn đổi mới, phim truyện Việt Nam về đề tài hậu chiến đặc biệt gây nhiều xúc động với người hâm mộ điện ảnh nước nhà và bạn bè quốc tế. Tiêu biểu có Phía sau cuộc chiến (đạo diễn Huy Thành), Chuyện tình bên dòng sông (đạo diễn Đức Hoàn), Anh chỉ có mình em (đạo diễn Đới Xuân Việt), Anh sẽ về (đạo diễn Lê Anh), Người yêu đi lấy chồng (đạo diễn Vũ Châu)… Nhìn chung, trong thời kỳ đổi mới, điện ảnh Việt Nam dường như có thêm nội lực của làn gió thị trường, sự động viên, khích lệ của nhà nước và với cái tâm của người nghệ sỹ còn vẹn nguyên, chưa bị chi phối nhiều bởi cơm áo gạo tiền nên mỗi sản phẩm điện ảnh làm ra đều được công chúng chào đón. Đơn cử như các bộ phim Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng), tuy hai đề tài khác nhau, với câu chuyện khác nhau nhưng đều là hai bộ phim mà cho đến bây giờ, khi nhắc đến, hầu như ai cũng vẫn nhớ, vẫn thích.

Cũng trong thời kỳ đổi mới này, dòng phim thương mại phát triển mạnh mẽ sản sinh ra nhiều ngôi sao thần tượng. Đó là Lý Hùng, Diễm Hương, Mộng Vân, Thu Hà, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh… Đây là những gương mặt có khả năng hút người xem đến rạp và chủ yếu tham gia trong các bộ phim do hãng phim tư nhân sản xuất trên chất liệu Video. Dòng phim này hoạt động rất sôi nổi vào các năm 1992, 1993 với tốc độ sản xuất lên tới vài chục phim mỗi năm. Theo số liệu của Cục Điện ảnh, kể từ khi bộ phim truyện nhựa đầu tiên Chung một dòng sông ra đời, tổng số phim truyện nhựa mà nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã sản xuất được tính đến năm 1988 là 217 phim. Trong 7 năm điện ảnh thị trường hoạt động đã có tới 139 phim truyện điện ảnh, 211 phim truyện video ra đời bao gồm cả phim do các hãng phim Nhà nước sản xuất và phim do Tư nhân sản xuất. Như thế để thấy rằng, bức tranh điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới chuẩn bị tiến tới hội nhập đã phát huy được thế và lực của mình. Khi dòng phim thị trường tàn lụi, điện ảnh nhà nước tiếp tục sức mạnh của đất nước, nhân dân thông qua những bộ phim đậm tính dân tộc, giàu yếu tố nhân văn, lay động lòng người. Các giá trị thực vẫn có một vị trí nhất định và có sức sống bền bỉ nhờ thế, vẫn có những tác phẩm thành công, được dư luận trong nước và một số LHP Quốc tế đánh giá cao. Không chỉ riêng mảng phim truyện, mà phim tài liệu, hoạt hình Việt Nam cũng liên tục gặt hái được thành công.

Bắt đầu những năm đầu tiên của thế kỷ 21, cùng với những thăng trầm của thời gian, những khó khăn thách thức của cơ chế hội nhập mở cửa kéo theo sự xuất hiện của phim ngoại nhập, điện ảnh Việt Nam đã gặp phải không ít khó khăn, ngay cả khi có sự dốc lòng dốc sức của nhà nước và nhân dân. Nhưng con thuyền điện ảnh và những người nghệ sỹ đã giành trọn cuộc đời cho nghệ thuật thứ bảy vẫn đã đang và sẽ tiếp tục tiến về phía trước với nền tảng vững chắc là truyền thống và tình yêu.

Cuốn Lịch sử điện ảnh Việt Nam đã có nhận định khái quát về về giai đoạn đổi mới của điện ảnh Việt Nam như sau: “Có thể nói, điện ảnh Việt Nam trong gần hai thập kỷ của thời kỳ đổi mới đã trải qua nhiều biến động, cả trong lĩnh vực sản xuất phim, liên quan đến những vấn đề cơ chế kinh tế lẫn trong lĩnh vực sáng tác. Tuy có những xáo động không nhỏ trong hoạt động sản xuất phim nhưng luồng gió đổi mới cũng đem đến những tác phẩm điện ảnh mới mẻ, táo bạo, đánh dấu sự cởi mở, tự do chung của xã hội với sự tài trợ hợp lý theo định hướng của nhà nước, kết hợp với quá trình xã hội hóa từng bước hoạt động của điện ảnh. Là một bộ phận của văn hóa, điện ảnh không nằm ngoài mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Cuốn sách còn viết trong giai đoạn đổi mới (từ 1989 đến 2003), số lượng phim truyện tăng vọt so với thời “bao cấp”. Nếu trong 30 năm “bao cấp” (1959 - 1988), tổng số phim truyện là 217 phim thì trong hơn 14 năm từ khi điện ảnh bắt đầu bước vào cơ chế thị trường cho đến năm 2003, số phim truyện nhựa được sản xuất là 218 phim, xấp xỉ số lượng phim trong 30 năm bao cấp. Ngoài ra, còn vài trăm bộ phim video, phim truyền hình nhiều tập, cũng được ra đời.

Canh_lam_phim_Tay_Son_hiep_khach

Cảnh làm phim Tây Sơn hiệp khách

Ngày 30/12/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về Điều kiện hoạt động của hãng phim tư nhân và thủ tục xét duyệt tác phẩm điện ảnh. Năm 2003, sau nửa thế kỷ hình thành và hoạt động của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, ngành điện ảnh bước sang một giai đoạn mới là giai đoạn đẩy mạnh xã hội hóa điện ảnh, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia sản xuất phim.

Nhìn một cách khái quát, có thể thấy rằng, Việt Nam là một đất nước có bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh xã hội đặc biệt với những bước ngoặt, những biến động liên tục, luôn luôn luân chuyển giữa chiến tranh và hòa bình. Đó là nguồn chất liệu đầy ắp và hấp dẫn cho sáng tác điện ảnh nói chung và phim truyện nói riêng. Thực tế này phần nào đã được chứng minh bằng những bộ phim – những thành quả trong suốt chặng đường lịch sử 60 năm qua.

Đối với một số đồng nghiệp nước ngoài và bạn bè quốc tế, tính nhân văn, bản sắc dân tộc đậm nét, những vấn đề gia đình xã hội sâu sắc và sự khai thác tinh tế tính cách, số phận con người trong các bộ phim thành công đã khiến điện ảnh Việt Nam, con người Việt Nam in dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế.

Với sự quan tâm của Nhà nước đối với điện ảnh, với nguồn đề tài – chất liệu sống phong phú của một dân tộc từng trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử và hiện nay đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, với lòng yêu nghề, tâm huyết với nghệ thuật điện ảnh của các thế hệ nghệ sỹ sáng tác và những người làm công tác điện ảnh trong cả nước, chúng ta có quyền hy vọng vào những bước đi lên vững vàng của điện ảnh Việt Nam nói chung và phim truyện Việt Nam nói riêng.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

(Theo Lịch sử Điện ảnh Việt Nam quyển 2)