(TGĐA) - Phải qua hai chốt an ninh bảo vệ nghiêm ngặt mới tới được khu vực quay phim của Kong: Skull Island nên hầu hết cánh báo chí đều không có cách nào vượt qua và giải pháp thường là hỏi dò người dân quanh vùng cũng như chụp ảnh vòng ngoài, những thứ có liên quan tới đoàn phim Hollywood đang quay, hay cùng lắm thì có được tấm hình từ rất xa qua những ống kính tele. May mắn, bằng “quan hệ riêng”, nhóm PV Tạp chí Thế giới điện ảnh đã có nguyên một buổi sáng “tận mục sở thị” cảnh quay Kong: Skull Island ở Ninh Bình, chào hỏi các diễn viên trong đoàn phim, đứng sát đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng ekip để xem chỉ đạo diễn xuất và thậm chí, còn dùng smartphone ghi lại những hình ảnh ở tại trường quay với “thỏa thuận ngầm”: Chỉ đăng sau ngày 15/3, khi đoàn phim rút khỏi bối cảnh đó!
Trạm an ninh đầu tiên, cũng là nơi tập kết của đoàn phim trước khi vào bối cảnh quay là nơi chúng tôi đổi xe để vào trường quay
Sáng 8/3, khi mà tất cả cánh mày râu đang loay hoay nghĩ cách tặng quà cho một nửa của thế giới này thì nhóm chúng tôi, 100% là đàn ông, lại được một người phụ nữ trong đoàn Kong: Skull Island “tặng quà” bằng cách dẫn vào tận nơi thăm đoàn phim đang quay ở bối cảnh đầm Vân Long, nằm trong quần thể Khu danh thắng Tràng An (Gia Viễn, Ninh Bình). Đây là một ưu ái “vượt rào” bởi trước đó, mới chỉ có vài đoàn khách đặc biệt như của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại sứ quán Mỹ, Bộ VH-TT&DL hay Cục điện ảnh, ban ngành địa phương được vào thăm chứ chưa hề có đoàn báo chí nào được bén mảng lại gần. Điều này được thể hiện ngay trong ánh mắt “lạ lẫm” dành cho chúng tôi của tất cả những thành phần tham gia Kong: Skull Island từ chốt an ninh vòng 1 cho đến các thành phần phục vụ, ekip trong đoàn.
Muốn vào được bối cảnh quay, bạn phải có trong mình chiếc thẻ này
Chốt an ninh thứ hai luôn có nhiều người túc trực kiểm soát người vào ra bối cảnh quay
Hàng chục chiếc xe chờ đợi đoàn phim. Bên cạnh đó là hệ thống toilet riêng phục vụ đoàn phim
Dừng xe tại chốt an ninh vòng một, nơi tập kết của đoàn phim để ăn sáng, nghỉ ngơi, chúng tôi được điều chuyển qua một xe khác của đoàn mới có thể tiếp tục đi sâu vào bối cảnh. Mỗi người trong đoàn được phát một chiếc thẻ in chữ “Titan” mới có thể được đi lại trong trường quay, cốt không cản trở đoàn phim đang làm việc. Theo người dẫn đoàn, mỗi chiếc thẻ này lấy ra, chị phải ký tên đầy đủ và trả lại nguyên vẹn tránh tình trạng thất thoát khiến người lạ trà trộn vào. Đây cũng chính là lý do mà tôi bị lắc đầu quầy quậy khi có ý định xin một chiếc về làm kỷ niệm “nhân một chuyến ghé thăm đoàn phim bom tấn Hollywood”.
Bối cảnh hôm đó là một làng thổ dân, nơi toán thám hiểm người Mỹ đổ bộ vào
Một đôi cột mang đậm chất thổ dân được dựng lên giữa làng
Cây cờ cách điệu không biết lấy ý tưởng từ đâu
Những căn lều bằng tre nứa - nơi trú ẩn của thổ dân
Những đạo cụ đậm chất Việt Nam được lồng ghép vào làng thổ dân tưởng tượng trong phim
Đường vào bối cảnh phim lầy lội bởi những cơn mưa mù ẩm ướt của tiết tháng 3 nhưng chính vì thế mới thấy được quy mô cũng như tính chuyên nghiệp của đoàn phim đến từ Hollywood. Ngoài 2 chốt an ninh kiểm soát cùng một xe cảnh sát giao thông đi tuần thì suốt dọc đường vào bối cảnh là hàng chục chiếc xe lớn nhỏ chở đồ đạc, ekip làm phim nối đuôi đứng chờ. Chúng tôi được lệnh tắt toàn bộ điện thoại, giảm âm thanh gần như chỉ còn tiếng thì thầm khi bắt đầu qua chốt an ninh cuối. Cả đoàn phim im phăng phắc dù đông nghẹt nhân viên hiện trường, luôn tay luôn chân theo kiểu đã phân công “việc ai người nấy làm”. Cả trường quay rộng lớn gồm 3 bối cảnh nhỏ với 3 kip quay mà chỉ nghe mỗi tiếng đạo diễn hô “action” từ phía ven hồ, nơi đặt monitor cũng như chỗ nghỉ của diễn viên chính. Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, người từng “cày nát” bối cảnh này khi làm phim Đinh Tiên Hoàng Đế cách đây vài năm cũng không khỏi trầm trồ trước sự chu đáo của người Mỹ. Những gờ đất lầy lội đều được đoàn phim đóng thang gỗ chắc chắn để mọi người di chuyển, tránh trơn trượt. Trước mỗi cảnh quay, con đường đất trong đoàn lại được đội ngũ nhân viên phục vụ xếp từng tấm thép mỏng, trải những miếng vải gai để mọi người dễ di chuyển. Đoàn phim có hệ thống toilet riêng được thuê lắp đặt tại trường quay phục vụ mọi người, liên tục được quét dọn sạch sẽ. Theo thông tin được chia sẻ thì đoàn phim Kong: Skull Island mang 243 người từ Mỹ sang thì trong đó có 9 cô chỉ chuyên làm nhiệm vụ… nhặt rác trong đoàn. Vài chục cộng tác viên người Việt phục vụ hiện trường cũng được tuyển với yêu cầu rất cao, trong đó đặc biệt là phải biết giao tiếp tiếng Anh lưu loát, hiểu công việc điện ảnh mới được chọn dù có khi vào trường quay chỉ để phát café, bánh mỳ. Chỉ mới thế thôi đã thấy sự chuyên nghiệp của đoàn phim Hollywood là thế nào. Theo nhân viên an ninh giám sát thì đoàn phim đã phát lịch quay, công việc của từng bộ phận ngần ấy ngày trước cho mọi nhân viên trong đoàn. Theo đó, cứ 6h30 bắt đầu quay, ăn trưa tại hiện trường, 18h tối nghỉ. Suốt thời gian quay chỉ có duy nhất một buổi quay đêm là vào lúc 21h. Ngày 15 dự kiến đóng máy, tiệc đêm ngay tại bối cảnh này.
Một bếp lò được đắp ở bối cảnh
Một thổ dân ngồi chờ cảnh quay của mình ngay tại bối cảnh
Bối cảnh hôm đó chúng tôi được thăm quan là cảnh nhóm thám hiểm người Mỹ khám phá ra ngôi làng của một bộ lạc trên đảo, nơi xuất hiện của quái vật King Kong. Điều đặc biệt của ngôi làng thổ dân này ngoài sự tồn tại của các loài vật nguyên thủy thì còn xuất hiện một chiếc tàu chiến của một người da trắng lạc vào và sinh sống trước đó. Trên bối cảnh, chiếc tàu chiến được dựng tạm bằng một phông sắt lớn. Theo lời kể một người trong đoàn thì chỗ đó, khi làm hậu kỳ sẽ được công nghệ CGI tạo ra một chiếc tàu cũ kỹ, đúng như trong kịch bản.
Họ tụ tập thành từng nhóm, thì thầm kể chuyện hay ăn uống bằng đồ ăn đoàn phim cung cấp
Một thổ dân ra giao lưu với nhóm tình nguyện viên phục vụ phim trường
Nỗi khổ của “thổ dân” Một “thổ dân” kể chuyện vui rằng, sau 6 tiếng hóa trang, khi soi gương, họ không thể nhận ra được mình nữa. Chính vì vậy, sau ngày quay đầu tiên vào nhập nhoạng tối, họ trở về nhà và chó đã không nhận ra chủ, sủa nhặng lên và lao vào cắn. Báo hại hôm sau cứ rời khỏi trường quay phải tẩy rửa thật kỹ mới dám về nhà. Một “nữ thổ dân” khác lại kể khó khăn khi cứ 2h sáng rời nhà đóng phim và tối mịt mới về tới khiến ông chồng điên tiết vì bị đảo lộn cuộc sống đã dọa rằng: Mai cô mà đi thì… tôi giết. Nhưng khi đem chuyện phải đền nhiều tiền nếu phá hợp đồng ra dọa thì ông chồng đành nghiến răng chịu cho vợ đi dù ngày nào về cũng thấy ánh mắt chồng còn khủng hơn cả… King Kong! |
Một thổ dân không ngại ngần cho chúng tôi chụp ảnh
Một thổ dân khác ngồi bó gối chờ đợi
Vì là phim thể loại viễn tưởng nên ngôi làng của thổ dân do họa sỹ phía Việt Nam – NSƯT Vũ Huy dựng nên cũng đầy tính ước lệ, pha trộn. Sự xuất hiện của những chiếc vỏ sò, vỏ dừa, mực khô phơi trên giàn cho biết đây là thổ dân ở một hòn đảo giữa đại dương nhưng nó còn rất “Việt Nam” khi xen kẽ đó là chút xương trâu, chùm ớt tỏi khô, vài củ riềng, ít măng khô, vài trái dưa hấu, trái dứa dại hay thậm chí, nguyên cả một… buồng cau. Vài chục diễn viên quần chúng được hóa trang theo phong cách thổ dân kỳ lạ, sinh sống trong những túp lều chóp nhọn bằng chất liệu tre nứa nhưng dùng bếp lò đắp bằng đất nung. Khi chúng tôi tới thì toàn bộ “thổ dân” đang được nghỉ ngơi để đoàn phim quay cảnh nhóm người Mỹ đổ bộ lên đảo. Từng tốp thổ dân ai ngồi nguyên đó, được phục vụ café, đồ ăn tại chỗ, ăn thỏa thích suốt thời gian quay. Chia sẻ với chúng tôi, một diễn viên quần chúng kể lại rằng, họ được thuê với giá 350-450 ngàn đồng/1 ngày vào vai thổ dân, hơn ngày công nếu đi làm ruộng nhưng khá vất vả. Nếu như đoàn phim cứ 6h30 – 7h bắt đầu quay thì họ phải có mặt từ 2h sáng cho chuyên viên trang điểm vẽ mặt, chuẩn bị phục trang. Thời gian tạo hình thường từ 4-6 tiếng, ngày nào cũng vậy. Theo lời kể của họ, đoàn phim có 5 chuyên gia trang điểm từ Mỹ sang nhưng mỗi người họ chỉ vẽ mẫu cho một nhân vật, còn lại là các chuyên gia Việt, khoảng hơn 30 người từ TPHCM tới đoàn để đảm nhận công việc này. Khi chúng tôi giơ điện thoại chụp ảnh họ, nhiều người tỏ ra khó chịu và yêu cầu gỡ bỏ ảnh. Chỉ khi hứa rằng, sẽ chỉ đăng sau ngày đoàn phim rút đi, chúng tôi mới được giữ lại ảnh. Họ chia sẻ, khi ký hợp đồng, đoàn phim yêu cầu họ không được cung cấp thông tin, hình ảnh, nếu rò rỉ, có thể họ sẽ phải đền hợp đồng khoảng 200% thù lao nhận được, tức là khoảng 60-80 triệu đồng nếu tính theo mức giá họ được thuê. Thật đúng là không đùa được với Hollywood!
Trong khi đó, tổ hiện trường gấp rút làm đường để phục vụ cho cảnh quay kế tiếp
Đao diễn Trần Tuấn Hiệp tham quan lại bối cảnh mình đã từng làm khi quay bộ phim Đinh Tiên Hoàng Đế
Ông Đinh Trọng Tuấn - TBT Tạp chí Thế giới điện ảnh bên một túp lều thổ dân ở trường quay Kong: Skull Island
Nhắc tới chuyện hợp đồng và Hollywood, một thành viên Việt Nam trong đoàn phim tiết lộ, trên giấy tờ, họ luôn “chốt hạ” một câu: “Mọi sáng tạo của người được thuê, bản quyền đều thuộc về nhà sản xuất”. Cũng chính vì điều này mà khi họa sỹ Vũ Huy cùng tỉnh Ninh Bình có xin giữ lại bối cảnh làng thổ dân để làm điểm du lịch cho khách tham quan thì câu trả lời “thiện chí” nhất của ekip làm phim đến từ Hollywood là: Phim quay xong, họ sẽ đốt toàn bộ bối cảnh. Sau khi Kong: Skull Island ra mắt khán giả vào tháng 3/2017 thì họ mới cho phép tỉnh phục dựng lại bối cảnh để làm du lịch.
Quay lại chuyện hiện trường Kong: Skull Island. Khi chúng tôi tham quan cảnh quay thì có 3 máy quay hoạt động cùng một bối cảnh. Một máy quay đón hình ảnh nhóm người Mỹ đổ bộ vào hòn đảo, một máy quay sinh hoạt của thổ dân và một máy quay cảnh toàn. Điều đặc biệt khác với phim trường Việt Nam là họ không dùng đèn dù trời mù hơi nước, không sáng sủa cho lắm. Theo lý giải của một quay phim theo đoàn thì đoàn phim Hollywood hiếm khi đánh đèn ở ngoại cảnh bởi những hình ảnh thô như vậy khi về làm hậu kỳ dễ chỉnh sửa bằng công nghệ hơn. Chỉ duy nhất một máy đánh đèn, cũng rất nhỏ, vừa đủ sáng mặt là máy quay đón nhóm người Mỹ đổ bộ vào đảo. Theo một người trong đoàn đùa vui mà rất thật là: Với Hollywood, người Mỹ luôn phải đẹp lung linh!
Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được “sát sạt” công việc của đoàn phim Kong: Skull Island đến thế. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts có vẻ khá vui tính, dí dỏm khi kiếm được ở đâu một chiếc lá khoai nước làm mũ đội trên đầu dù trời không hề có chút nắng; giám đốc hình ảnh Larry Fong, người từng đứng sau máy quay của nhiều phim nổi tiếng như 300, Now you see me hay Batman v Superman: Dawn of Justice đang chuẩn bị ra mắt lại có vẻ khá nghiêm túc và… khó tính. Trong khi đó, dàn sao Hollywood như Tom Hiddleston, John C. Reilly lại khá thân thiện khi sẵn sàng chào hỏi, cười khi chúng tôi bắt chuyện. Bên cạnh lán đặt monitor của đạo diễn là một lán nhỏ khác đặt 4 chiếc ghế dành cho các diễn viên nghỉ ngơi sau mỗi cảnh quay. Đáng chú ý là cạnh ghế của Tom Hiddleston có 2 chiếc tạ tay. Theo quan sát của phóng viên thì nó được Tom Hiddleston dùng trước mỗi cảnh quay, khiến cơ thể có sức căng cũng như mồ hôi tự nhiên, phù hợp với hoạt động của nhân vật trong cảnh quay. Trong lúc nghỉ giải lao, phóng viên có xin chụp một tấm hình chung với Tom Hiddleston. Chàng tài tử mỉm cười có vẻ đang định đồng ý thì một nhân viên người Mỹ trong đoàn đã ra dấu nhắc nhở “no photo” ngay vì không muốn rò rỉ hình ảnh.
Ekip chúng tôi đã có món quà đáng nhớ khi được đặc cách vào thăm bối cảnh Kong: Skull Island
Đây chính là nơi chúng tôi đợi xe, chụp ảnh và bị an ninh cấm chụp dù chỉ là phong cảnh vòng ngoài
Ngoài 2 nam diễn viên thì 2 nữ diễn viên còn lại cũng gây ấn tượng với hình ảnh của mình. Brie Larson thì đẹp hơn nhiều so với trong ảnh hay khi lên nhận giải Oscar bởi có lẽ, phong cách bụi bặm này tôn dáng cô lên rất nhiều. Bối cảnh ngày hôm đó còn xuất hiện nữ diễn viên Trung Quốc Cảnh Điềm với một vai trong phim. Sự xuất hiện của Cảnh Điềm trong bom tấn Kong: Skull Island không có gì là lạ khi mà gần đây, thị trường đông dân của Trung Quốc là tiềm năng số một mà Hollywood đang hướng tới. Sự xuất hiện của cô hứa hẹn mang tới sự thu hút không nhỏ khi Kong: Skull Island phát hành ở đây vào tháng 3/2017 tới…
“VTV quay ở đây thôi mà về còn có nguyên cả phóng sự!” Đó là lời của một bạn an ninh của đoàn phim nhắc nhở chúng tôi khi tất cả đồng loạt giơ điện thoại lên chụp cảnh ở vòng ngoài của bối cảnh, khi chúng tôi đợi xe đoàn phim đến đón để rời trường quay. Tôi cười chống chế, rằng ở đây không có đoàn làm phim làm việc, tưởng có thể chụp thoải mái thì nhận được câu trả lời như vậy. Bạn an ninh giải thích, nhóm phóng viên VTV đến đây, chỉ đứng vòng ngoài quay cảnh núi non sông nước thôi mà về có hẳn một phóng sự trên đài, khiến cả nhóm an ninh của cô bị “sạc” một trận te tua… |
Thuận Nhân
Photo: Nhóm PV TGĐA