(TGĐA) - Tiếp sóng phần 2 bộ phim Kẻ sát nhân cô độc, Hãng phim TFS giới thiệu 21 tập bộ phim Miền quên lãng, biên kịch Trần Thị Bảo Châu - một đề tài mới, đột phá ngay cả nội dung lẫn thủ pháp dàn dựng của đạo diễn Hồng Phúc (tức Hồng Chi).
Nam Cường bị stress, ngủ mơ cũng đọc thoại khi nhận vai diễn chàng trai bị thiểu năng | |
'Lụa' - Sự trở lại của dòng phim tâm lý tình cảm trên sóng giờ vàng, từng tạo tiếng vang của hãng phim TFS |
Hội đủ các yếu tố gay cấn, hồi hộp đan xen ma mị tâm linh
Chuyện phim là câu chuyện đầy kịch tính, ma mị đan xen giữa mưu đồ chiếm đoạt kho báu của Đỗ Hội cùng các xung đột trong gia đình và những người liên đới. Gia đình họ Đỗ có dòng dõi quan quyền. Ông của Đỗ Hội là quan triều đình được vua ban rừng Cấm, núi Cấm sau khi có công dẹp băng cướp Cấm Sơn hơn 50 năm về trước. Từ đời cha ông Hội, tới đời ông Hội, rừng, núi Cấm giờ đã là nơi trồng quế. Cơ ngơi là một Đỗ gia trang hoành tráng. Ông Hội sống an nhàn hạnh phúc cùng hai bà vợ với hai dòng con và vợ chồng người em trai bị thiểu năng.
Chuyện xưa đội mồ sống lại khi hậu duệ của lâm tặc Cấm Sơn bí mật trở về vùng rừng núi trước kia để tìm kho báu - nơi mà ông cha họ từng cát cứ nhưng bị quan quân đánh đuổi phải tháo chạy qua Lào. Ông Hội vì muốn có được tấm bản đồ kho báu đã sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc của người em trai bị thiểu năng của mình, thâm độc giết người khác để đạt mục đích. Vì lòng tham không đáy của ông Hội và lời nguyền trước khi chết của người em dâu, mà cả dòng họ Đỗ đã tan nát, kẻ còn người mất, ly tán khắp nơi…
Tại buổi ra mắt, Hãng phim TFS đã giời thiệu tóm tắt nội dung phim qua 40 phút phim tiêu biểu. Đúng là cách kẻ của đạo diễn có nhiều nét mới, đột phá như thường gặp ở thương hiệu TFS. Rõ nhất là cách diễn viên diễn theo nét nhạc tình huống và cách cảm theo từng động tác của những cú máy quay khá sinh động. Kịch tính và ghê rợn nhất khi chứng kiến phân cảnh Đỗ Hội lột da chỗ có tấm bản đồ xăm trên lưng của cả Đạt và Mẫn. Lúc này cả 3 diễn viên diễn khá tốt cùng hiệu quả hóa trang khá chân thật từ miếng da lưng.
Để có những cảnh quay đẹp ấn tượng trong khu rừng cổ nơi các nhân vật trong phim phải lội suối, băng rừng, rượt đuổi, đoàn phim phải chọn nhiều bối cảnh khác nhau như ở quận 9, Bình Dương, Thác Mai, Đà Lạt, Lâm Đồng… Trong đó, có 17 ngày quay đầy vất vả ở thác Mai gặp mưa liên tiếp cùng lũ côn trùng xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Song tất cả đã không cản được độ khó và độ chịu khó của cả ekip đoàn phim.
Trong các tuyến nhân vật của Miền quên lãng đáng chú ý là cặp diễn viên Nam Cường và Nguyệt Thi trong vai vợ chồng. Nam Cường vai Đỗ Trị - một người thiểu năng khù khờ, hiền lành, sống dưới sự xếp đặt, định đoạt của anh trai Đỗ Hội. Tuy khù khờ, nhưng Trị lại có tài nhớ và vẽ lại những gì mình thích. Trị hết lòng yêu thương vợ. Khi vợ chết, Đỗ Trị dồn hết tình thương cho con trai và dần dần phát triển trí tuệ theo sự lớn khôn của đứa con của mình.
Ngoài đời Cường khá thông minh, nhưng khi trao đổi về nhân vật, phát hiện một số biểu cảm lạ trong tính cách làm đạo diễn nghĩ ngay đến Đỗ Trị trong tưởng tượng của anh và cho rằng đây sẽ là cơ hội mới cho Cường thể hiện vai chàng khờ.
Để tránh mất thời gian, đạo diễn đã gửi cho Cường một số diễn viên từng đóng các vai thiểu năng thành công trên màn ảnh để Cường tham khảo, trong đó có cả diễn viên Tom Hanks trong Forrest Gump để Cường tìm ra chất riêng cho mình.
Thường thì diễn viên cần được nuôi dưỡng tâm lý theo mạch câu chuyện từ đầu đến cuối kịch bản sẽ dễ hòa nhập cho những cảnh tiếp theo và phân đoạn khó thường được quay sau để diễn viên có thời gian hòa nhập vai. Nhưng với điều kiện kinh phí hạn chế hay lệ thuộc bối cảnh thì quy trình làm phim truyền hình ít có cơ hội như vậy dành cho các bạn diễn viên. Cảnh quay đầu tiên Cường phải thế hiện lại là cảnh khó nhất trong phim đó là Đỗ Trị luôn bị ám ảnh màu của máu, vừa bị lên cơn động kinh (xùi bọt mép), nhưng vẫn phải thể hiện được cảm xúc tương tác với mọi diễn biến xung quanh mình. Sau này khi về chỉnh sửa (edit) mới thấy Cường không những nắm bắt rất tốt nhịp điệu phim mà luôn giữ racco tâm lý xuyên suốt từ tập 1 đến tập 21. Để làm được điều này sẽ rất khó cho các diễn viên mới vào nghề, vì luôn phải quay “nhảy cóc” chứ không theo thứ tự... Rất cần tố chất người diễn viên vừa phải có nhiều kinh nghiệm cùng sự đam mê.
Nữ diễn viên Nguyệt Thi vai Hoàng Ý - một cô gái đẹp, giỏi giang nhưng lấy phải người chồng khờ Đỗ Trị theo sự sắp xếp của anh trai. Trước hoàn cảnh này biến Hoàng Ý trở thành cô gái mưu mô, đầy tham vọng, nhưng trong cách ứng xử đôi lúc lại khá tinh tế.
Khá ấn tượng ở khuôn mặt lạ, ánh mắt toát lên được sự hoang dã và khí chất bên trong mạnh mẻ, phù hợp với nhân vật Hoàng Ý trong phim. Lần đầu tiên tham gia phim dài tập, vốn chưa đủ kinh nghiệm để tự tung tự tác nên nhiều lần làm đạo diễn cũng mất ăn mất ngủ. Vốn luôn thích sự thử thách, sự khó khăn để tìm ra một nhân tố mới nên đạo diễn quyết định giao vai cho Nguyệt Thi. Sau khi nhận được nhiều sư giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp trong quá trình quay, kết quả Thi đã làm đạo diễn hài lòng cùng sự chấp thuận của hội đồng duyệt phim.
Lý giải về vấn đề tại sao đến giờ hãng phim TFS vẫn chỉ đạo quay 1 máy và đạo diễn Hồng Phúc (tức Hồng Chi) luôn là người hứng thú thực hiện quy trình này. Anh chia sẻ ngay lợi thế nhất của việc quay 1 máy là bố trí (set up) ánh sáng hiệu quả hơn quay 2 máy. Với phim điện ảnh quay 1 máy là chuyện bình thường, nhưng còn phim truyền hình thì lại rất hiếm. Chắc giờ chỉ còn mỗi hãng phim TFS vẫn giữ khái niệm quay 1 máy, cho nên đa số các bạn say nghề, muốn được trải nghiệm thì mới mong muốn tham gia, còn không thì phải có cách nào đó tăng chi phí thì họ mới nhiệt tình cộng tác, vì thực sự quay 1 máy cực hơn, tốn nhiều thời gian hơn, mà chi phí cho phim thì có giới hạn...
Chính vì vậy, khi bắt tay vào triển khai dự án đạo diễn luôn chủ động tìm đồng nghiệp cùng chung nhiệt huyết, tạo thành ekip, những người sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi về thù lao, song bù lại được lao động cùng đam mê làm nghề. Nhưng suy cho cùng giải pháp đang làm chỉ là tạm thời, còn về lâu dài hãng phim cần định hướng, tính toán lại để hỗ trợ tốt nhất cho những người sáng tác. Về quan điểm quay 1 máy là phim điện ảnh, truyền hình phải 2 máy, thiết nghĩ điều đó không còn tồn tại nữa. Chỉ cần cú nhấp chuột vào các trang web xem các nước Đông Nam Á xung quanh ta thôi thì không thể phân biệt đâu là phim điện ảnh, đâu là phim truyền hình. Và Hồng Phúc cũng đang cố gắng nâng cao vai trò hình ảnh theo khả năng của mình có thể sao cho gần gũi hơn với ngôn ngữ điện ảnh trong điều kiện khó khăn hiện tại.
Đạo diễn kiêm làm nhạc nền cho phim
Khi thực hiện phim Mẹ trùm ở khâu hậu kỳ thì đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, trong khi phim lại chuẩn bị lên sóng. Do quá gấp rút, lại di chuyển khó khăn vì qui định của thành phố về lệnh phong tỏa và cách ly. Khi đó nhạc ca khúc do nhạc sĩ viết cho phim Mẹ trùm đã xong, còn nhạc tình huống, nhạc nền cho phim thì còn khá nhiều chổ chưa phù hợp, nên nhạc sĩ gợi ý giao cho đạo diễn toàn bộ dàn máy, hướng dẫn cách vận hành… Thế là Hồng Phúc liều mạng gật đầu. Và đó là kỉ niệm khó quên lần đầu tiên trong đời làm nhạc cho phim.
Tới phim Miền quên lãng, cũng vì muốn tiết kiệm chi phí dồn hết cho phần quay nên ban giám đốc có gợi ý cho đạo diễn tiếp tục làm nhạc cho phim. Thú thực việc làm nhạc cho phim là khá khó. Có nhiều khi làm 4 đến 5 ngày mới xong 1 tập, nhưng có lúc hứng lên chỉ 1 ngày đã làm được 2 -3 tập là bình thường, thậm chí mãi say làm luôn đến sáng hôm sau mà không hề hay biết. Có 1 lần làm được 2 tập thì máy trục trặc sập nguồn, thế là bao nhiêu công sức làm xong mất sạch, mà 2 tập đó là 2 tập đinh của phim với bao tâm huyết và cảm xúc dồn hết vào đó. Khi mất hết dữ liệu, mãi đến hơn 10 ngày sau đạo diễn mới có thể ngồi xuống làm lại được. Đó là những trải nghiệm thú vị khi làm nhạc phim. Từ đó đến nay, đạo diễn Hồng Phúc có thêm niềm đam mê mới.
Về thủ pháp làm phim, Hồng Phúc chia sẻ: mỗi lần nhận kịch bản, luôn tìm cho mình cách kể câu chuyện như thế nào và luôn đặt mình vào vị trí khán giả để tìm câu trả lời. Khi có được câu trả lời sẽ phân cảnh chi tiết mỗi phân đoạn về góc máy, cách dàn dựng sao hiệu quả nhất. Ở Miền quên lãng anh quyết định phải chọn cách kể gay cấn, hồi hộp đan xen yếu tố ma mị tâm linh. Nhất là phải tạo cảm giác tò mò sau mỗi phân đoạn là sự bí ẩn cần khám phá cho câu chuyện hấp dẫn… Đặc biệt là nhân vật Đỗ Trị sẽ là nhân vật “át chủ bài” lật ngược diễn biến câu chuyện phim được thực hiện tiếp ở phần 2 của Miền quên lãng. Hy vọng với cách kể trên, phim sẽ được nhiều khán giả truyền hình quan tâm đón nhận.
Phim có sự tham gia của các diễn viên: Nam Cường, Huy Cường, Kim Lệ, Phạm Hồng, Nguyệt Thi, Lê Mạnh Phương, Phạm Hoàng Nguyên, Lê Minh Thuấn, Phước Tài, Hoàng Nhân, Phương Bằng, Lê Phương Anh Dũng…
Phim Miền quên lãng đang được phát sóng lúc 22h00 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7, từ ngày 4/7/2024.
Nam Cường bị stress, ngủ mơ cũng đọc thoại khi nhận vai diễn chàng trai bị thiểu năng (TGĐA) - Tối 4/7/2024, bộ phim truyền hình đặc biệt Miền quên lãng của đạo ... |
'Lụa' - Sự trở lại của dòng phim tâm lý tình cảm trên sóng giờ vàng, từng tạo tiếng vang của hãng phim TFS (TGĐA) - Sau thời gian nghiên cứu kịch bản, hãng phim TFS quyết định đầu ... |
Vũ Liên