(TGĐA Online) - Vừa qua, tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, TP.HCM kết hợp với Hiệp hội thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật, Hội Mỹ thuật TP, Trường Đại học Kiên trúc đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Đổi mới đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam – Từ thực tiễn đến ứng dụng.
Có hơn 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu lý luận, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Ý, Pháp và Mỹ) đến tham dự.
Bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, design - mỹ thuật ứng dụng ngày càng “có đất” phát triển mạnh mẽ, trực tiếp phản ánh cụ thể nhất những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật của đời sống đương đại. Hiện lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng – design chuyên sâu như: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện, Thiết kế trang trí nội ngoại thất, Thiết kế truyền thống, Thiết kế thời trang… đã tạo ra các sản phẩm phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế sản xuất hàng hoá, đồng thời đóng góp vào việc giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho cộng đồng.
Hiện ở nước ta, có khoảng 20 đơn vị đào tạo về mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, thiết kế trên cả nước, sự đào tạo ồ ạt nguồn nhân lực thiết kế ở Việt Nam trong những năm qua đã tạo được nguồn lực đáng kể góp phần thúc đẩy sự phát triển thiết kế cho nước nhà. Tuy nhiên, không ít sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Số khác theo nghề không bền lâu, chủ động bỏ nghề, chuyển nghề vì thu nhập thấp hoặc nhiều lý do khác.. rất dễ nhận thấy thực trạng và đào tạo mỹ thuật ứng dụng còn khá nhiều bất cập.
Tại hội thảo có 30 ý kiến đóng góp, trong đó có 4 ý kiến của chuyên gia nước ngoài đã thẳng thắn xoay quanh các vấn đề tiêu biểu : Việc đào tạo họa sĩ mỹ thuật ứng dụng có xu thế đại trà, mang tính ứng dụng kinh tế hơn là sáng tạo. Nghệ thuật mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam thiếu vắng bản sắc Việt (Ở Việt Nam có 29 chữ cái, nhất là các dấu hay chữ viết thư pháp…đó chính là bản sắc riêng, không nhất thiết phải là hình ảnh con trâu, hoa sen, nón lá, áo dài, bánh chưng, dưa hấu, phở… Rất cần có cảm hứng sáng tạo, có cảm xúc, thoát khỏi khuôn khổ thông thường; Đào tạo qua mô hình trái tim, khối óc, đôi bàn tay. Xuất phát điểm đi lên của một đất nước là thiết kế rất quan trọng trong nền phát triển kinh tế; Rất cần sự sáng tạo, sự quan tâm của Nhà nước; Mối liên hệ giữa các nhà thiết kế và các nhà sản xuất (ví đào tạo thiết kế ở Việt Nam như hệ phổ thông cấp 4, học lý thuyết quá nhiều, không có xưởng để thực hành) chỉ đào tạo cơ sở chưa đào tạo cho xã hội; Mỹ thuật ứng dụng cần gắn liền cuộc sống - xây dựng mô hình xưởng nhà máy trong nhà trường; Tăng cường những môn cần thiết, tăng cường ngoại ngữ, vi tinh, kết hợp tham quan các bảo tàng, hội thảo khoa học trong, ngoài nước; Liên kết với các nhà tuyển dụng, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp rất cần nguồn nhân lực thiết kế… Đặc biệt, hiện mối quan hệ giữa 4 bên, gồm: Nhà sản xuất, thương mại (tham gia tuyển dụng nguồn nhân lực), các nhà trường đào tạo và sinh viên mỹ thuật ứng dụng chưa tạo được kết nối mật thiết với nhau, chưa gặp gỡ, gắn kết nên chưa thể giải quyết các bất cập nêu trên.
Tóm lại ở một quốc gia với nền văn hóa phát triển mới tạo ra được các sản phẩm thực sự mang tính thiết kế. Thêm giá trị văn hóa vào sản phẩm không có nghĩa đối nghịch với sản xuất thương mại mà việc tăng cường yếu tố văn hóa vào sản xuất là một quy trình không thể thiếu đối với việc phát triển giáo dục thiết kế tại Việt Nam…
Vũ Liên