(TGĐA) - Trong chương trình Kính đa chiều, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong “vén màn” câu chuyện 9 án tử mà Tả quân Lê Văn Duyệt bị khép tội sau khi qua đời.
Danh ca Ngọc Ánh: Tôi rất hâm mộ Sơn Tùng M-TP | |
'Kính đa chiều': Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng giải mã điệu múa hẩu của người Hoa Phúc Kiến |
Thời gian gần đây, vở kịch lịch sử Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử thu hút nhiều sự chú ý của công chúng. Để cung cấp thêm thông tin về 9 án tử mà Tả quân Lê Văn Duyệt bị gán sau khi qua đời, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM) đã góp mặt trong chương trình Kính đa chiều nhằm chia sẻ về sự việc này cũng như những diễn biến về cuộc đời của bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn.
Tả quân Lê Văn Duyệt là một nhà chính trị, quân sự, tham gia phò tá Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với quân Tây Sơn. Sau khi kết thúc chiến tranh, Lê Văn Duyệt được vua Gia Long, vua Minh Mạng phong làm Tổng trấn Gia Định thành, ông có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển vùng đất Nam bộ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, đi cùng với các chiến công và sức ảnh hưởng của Tả quân Lê Văn Duyệt là những sự đố kỵ, gièm pha từ các thế lực khác. Sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt làm quan dưới triều của vua Gia Long và vua Minh Mạng. Dưới thời vua Gia Long, vì Tả quân Lê Văn Duyệt lập nhiều công lao lớn nên được nhà vua ưu ái ban nhiều đặc ân. Trong đó, có thanh thượng phương bảo kiếm, cho phép Tả quân Lê Văn Duyệt “tiền trảm hậu tấu”. Bên cạnh đó, Tả quân Lê Văn Duyệt còn có đặc ân được phép vào triều để chầu mà không cần phải lạy vua.
Trong lần vua Gia Long mời Đức Tả quân Lê Văn Duyệt cùng Nguyễn Văn Thành và nhiều người khác để nghị sự chọn người kế vị thì Tả quân Lê Văn Duyệt không ủng hộ hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng sau này) mà chủ trương ủng hộ con trai của hoàng tử Cảnh (đã mất) vì hoàng tử Cảnh là con trai trưởng của nhà vua. “Ngay từ việc chọn người kế vị thì Tả quân Lê Văn Duyệt đã thể hiện thái độ rõ ràng và quyết đoán khi ủng hộ dòng chính. Đó có thể là một điểm khiến vua Minh Mạng nhớ mãi về sau”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.
Ngoài ra đến thời vua Minh Mạng, trong các buổi nghị triều, Tả quân Lê Văn Duyệt cũng không cần phải lạy vua và có những quan điểm thẳng thắn, đôi khi đi ngược lại với chủ trương của vua Minh Mạng ngay tại triều chính. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng đây là nhân tố thứ hai dẫn đến những sự việc sau này.
Sau khi vua Gia Long qua đời, sức ảnh hưởng của Tả quân Lê Văn Duyệt và những người tùy tùng, thuộc hạ của ông tại miền Nam quá lớn. Vì vậy, vua Minh Mạng đã bí mật sai người điều tra, lật lại những việc trước đây của Tả quân Lê Văn Duyệt, để tìm cách hạ bệ uy tín cũng như sức ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt.
Đến khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời, những án cũ của ông được lật lại và bị gán vào 9 án tử, trong đó có 7 án trảm (chém đầu) và 2 án giảo (treo cổ). Ngoài ra, còn có án sung quân, tức là phải đi lính ở biên thùy. Liên quan đến các tội danh mà Tả quân Lê Văn Duyệt bị gán, có thể kể đến việc ông phái sứ giả giao lưu qua lại với triều đình Miến Điện mà không thông qua triều đình nhà Nguyễn. Hay có những lần ông không thực hiện theo chỉ vụ của nhà vua nên bị khép vào tội chuyên quyền, lạm quyền hay khi quân và đây đều là những tội chết.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm: “Do hướng đến lợi ích của khu vực miền Nam nên việc đóng thuyền đưa hàng hóa, thủy binh ra biển lớn rất quan trọng. Những việc đó không thông qua sự đồng ý của triều đình nên cũng bị khép vào những tội như thế”.
Sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời, tất cả các quyến thuộc, thuộc hạ của ông ở miền Nam cũng bị xử tử, chỉ có những người dưới 15 tuổi, không liên can đến những tội trạng của ông mới may mắn thoát chết.
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong còn chia sẻ thêm một câu chuyện liên quan đến biến cố của Lê Văn Khôi khiến mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt bị quật và xiềng xích.
Theo lời kể của nam Tiến sĩ, Lê Văn Khôi khởi loạn ở Cao Bằng. Khi quân của Lê Văn Duyệt đến Thanh Hóa, Lê Văn Khôi đã ra đầu thú, xin làm tùy tùng cho ông. Sau đó, Lê Văn Khôi được Tả quân Lê Văn Duyệt nhận làm con nuôi. Khi Tả quân Lê Văn Duyệt về làm Tổng trấn thành Gia Định thì ông đưa Lê Văn Khôi vào đây để hỗ trợ công việc điều binh khiển tướng. Khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời và bị khép tội, Lê Văn Khôi và những người khác cũng bị liên đới. Do đó, Lê Văn Khôi thực hiện một cuộc binh biến chiếm lấy thành Phiên An và chống đối triều đình nhà Nguyễn.
Phải mất 3 năm, triều đình nhà Nguyễn mới dẹp được loạn do Lê Văn Khôi gây nên và quy trọng tội cho Lê Văn Duyệt vì đã dung dưỡng cho một nhóm cướp chống lại triều đình. Sau đó, mộ của ông bị quật và xiềng xích lại cùng tấm bia ghi rằng “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ”, có nghĩa đây là nơi quan Lê Văn Duyệt phải chịu hình phạt của triều đình.
Đến thời vua Thiệu Trị, một số quan lại tâu về những công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt nên nhà vua ra chỉ dụ rửa oan cho ông. Đến thời vua Tự Đức thì các biện pháp được thực thi cụ thể hơn khi xây dựng lại lăng mộ cho Tả quân Lê Văn Duyệt, chôn cất ông và vợ cùng một nơi và đưa ông vào thờ tự ở lăng miếu…
Kính đa chiều chủ đề tiếp theo Thời kỳ rực rỡ của hát bội với sự tham gia của host Lê Hoàng và nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm sẽ được phát sóng vào lúc 20h00 ngày 4/9 trên kênh VTV9.
Danh ca Ngọc Ánh: Tôi rất hâm mộ Sơn Tùng M-TP (TGĐA) - Trong chương trình Kính đa chiều, danh ca Ngọc Ánh thẳng thắn bày ... |
'Kính đa chiều': Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng giải mã điệu múa hẩu của người Hoa Phúc Kiến (TGĐA) - Trong chương trình Kính đa chiều, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc ... |
Mi Ty