Một năm trước, ekip làm phim Kong: Skull Island có mặt tại Việt Nam để thực hiện các cảnh quay với bối cảnh tại Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình. Sau 12 tháng thực hiện, bộ phim sẽ được công chiếu trên toàn cầu trong đó có Việt Nam bắt đầu từ 10/ 3. Với những cảnh quay tập trung tại các địa điểm được biết đến là những danh lam thắng cảnh bậc nhất Việt Nam, bộ phim đã thu hút sự chú ý đông đảo của người hâm mộ điện ảnh và là cơ hội “lăng xê” du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong dự án phim bom tấn của nhà sản xuất Legendary và Warner Bros... Những công việc hậu trường thú vị khác về phim được tiết lộ cho thấy Kong: Skull Island thực sự là một dự án điện ảnh quy mô và hoành tráng.
Đội ngũ siêu đẳng
| Kong Skull Island quy tụ đội ngũ sáng tạo thuộc hàng siêu đẳng của Hollywood | |
Ngoài dàn diễn viên ngôi sao, như đa số chúng ta đã biết, thì đội ngũ sáng tạo của Kong: Skull Island cũng đều là những tên tuổi nổi tiếng, bao gồm đạo diễn hình ảnh Larry Fong – từng chịu trách nhiệm hình ảnh cho Batman v Superman: Dawn of Justice, thiết kế sản xuất Stefan Dechant – người đã giám sát chỉ đạo nghệ thuật cho True Grit và Avatar, dựng phim Richard Pearson từng được đề cử Oscar cho các phim United 93 và The Bourne Supremacy, thiết kế trang phục Mary Vogt – phụ trách phục trang cho các tập phim Men in Black và nhà soạn nhạc Henry Jackman là người quen của Captain America: Civil War. Nhóm hậu trường cũng rất tiếng tăm, bao gồm hóa trang từng đoạt giải Oscar Bill Corso với tập phim Star Wars: The Force Awakens và giám sát điều phối viên đóng thế George Cottle – từng tham gia các phim Interstellar, The Dark Knight Rises. Nhân vật chính Kong được hồi sinh dưới quy trình hoàn toàn mới tại Industrial Light & Magic dưới bàn tay tài hoa của “phù thủy” Stephen Rosenbaum – người đã hai lần đoạt giải Oscar cho các phim Avatar và Forrest Gump, cùng cộng sự Jeff White trong vai tò giám sát cao cấp hiệu ứng hình ảnh, từng được đề cử Oscar với phim The Avengers. Để khiến khán giả hoàn toàn đắm mình vào trong hòn đảo bí ẩn Skull, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts và đoàn làm phim của anh quay qua ba châu lục trong sáu tháng, ghi hình phong cảnh nguyên thủy ở Oahu, Hawaii - nơi bắt đầu quá trình làm phim, tiếp đến là Gold Coast tại Úc, và cuối cùng là ở Việt Nam với nhiều địa điểm khác nhau. Đa số bối cảnh Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ bộ phim nào của Hollywood.
| Một cảnh trong Kong Skull Island | |
Kong: Skull Island lấy bối cảnh thập niên 1970, nơi mà con người vẫn tin là họ có thể gặp được những hiện tượng kỳ bí. Phim kể câu chuyện về một nhóm người gồm nhiều thành phần khác nhau như nhà khoa học, lính, nhà thám hiểm, nhiếp ảnh gia… hợp nhất thành một đội để khám phá hòn đảo thám hiểm huyền thoại ở Thái Bình Dương. Hòn đảo bí ẩn này được phát hiện bởi chương trình thiết lập bản đồ của NASA và được đặt tên là Đảo Đầu lâu. Nhận thấy đây là nơi vừa đẹp vừa nguy hiểm, đoàn thám hiểm quyết định cách ly khỏi tất cả mọi thứ họ biết và tiến vào lãnh địa của Kong hùng mạnh, tạo ra các trận chiến khốc liệt giữa con người và thiên nhiên. Khi nhiệm vụ khám phá trở thành một trong những lựa chọn sống còn, họ phải chiến đấu để thoát khỏi thiên đường nguyên sơ, vốn dĩ là nơi không thuộc về con người.
| Một cảnh trong phim được thực hiện tại Việt Nam | |
Hành trình tìm Kong
Trong Kong: Skull Island, mọi thứ trên hòn đảo rất lớn và lớn hơn rất nhiều so với những gì khán giả đã từng thấy trong các bộ phim Kong trước đây. Kích thước của Kong trong phim cũng thuộc hàng “big size” so với các phim trước và được xem là lớn nhất trong lịch sử điện ảnh. Quá trình hoàn thiện tạo hình Kong mất khá nhiều thời gian. Được biết, ngay trước khi có kịch bản nội dung phim thì một nhóm thiết kế sản xuất cùng đội ngũ hiệu ứng đã được thành lập và nhanh chóng bắt tay vào quá trình nhào nặn nên Kong. Vogt-Roberts muốn con quái vật trong phim của mình không phải là một sinh vật bí ẩn mà là một sự hiện diện thực tế. Từ suy nghĩ cần phải đem lại sự độc đáo cho bộ phim Vogt-Roberts mặc định cho mình nhiệm vụ là nếu như một đứa trẻ cũng có thể vẽ nguệch ngoạc về con quái thú ở phía sau cuốn vở bài tập về nhà theo trí tưởng tượng riêng của một học trò lớp 3 thì rõ ràng Kong phải mang tính biểu tượng. Ngoài ra, Kong trong bộ phim mới còn là một Thượng đế cô đơn, là một nhân vật buồn rầu, ì ạch di chuyển quanh đảo mỗi ngày. Đạo diễn cũng tiết lộ quái thú trong phim sẽ chuyển động phần đầu nhiều hơn so với bản gốc bộ phim King Kong năm 1933. Cũng từ phiên bản phim năm 1933, các nhà làm phim muốn tạo ra Kong giống như một sinh vật hai chân và di chuyển theo cách thẳng đứng - trái ngược với thuyết tiến hóa cho rằng loài gorilla lưng bạc đi bằng bốn chân. Kong được phác họa là sinh vật rất mới nhưng cũng rất già nua.
| Vịnh Hạ Long - Việt Nam trong phim | |
Việc chọn bối cảnh Việt Nam cũng không đơn thuần chỉ là tìm một bối cảnh mới. Trong quá trình sáng tác, đạo diễn Vogt-Roberts đã nghĩ đến các bộ phim chiến tranh Việt Nam thập niên 1970. Và đó là điểm mấu chốt để anh tìm thấy lý do tại sao bộ phim cần phải được thực hiện với một phần bối cảnh Việt Nam. |
Tổng hợp tất cả các yếu tố trên, các nhà làm phim đã tạo ra Kong trong Kong: Skull Island là một nhân vật mà để hiểu được nó, chúng ta phải đóng vai người bóc hành tây, kiên nhẫn lột từng lớp vỏ hành trong suốt bộ phim và khi càng biết được đầy đủ nguồn gốc của Kong, con người sẽ càng bộc lộ cảm xúc của mình nhiều hơn từ đó dần tôn trọng và thiết lập mối quan hệ tình bạn với nó. Kong không phải là quái vật trong phim, nó là giống loài có quyền năng của một Đấng tối cao. Kong trong Kong: Skull Island được mặc định không phải chỉ là một con khỉ đột khổng lồ mà là một loài riêng. Nó đã thiết lập cho riêng mình các quy tắc, vì vậy những người làm phim vừa có thể làm những gì họ muốn vừa có thể bày sự tôn trọng với những người làm phim trước đó.
| Bối cảnh núi non Ninh Bình Việt Nam trong phim | |
Vogt-Roberts cũng tiết lộ, không giống như kịch bản gốc mà anh nhận từ hãng phim, Kong: Skull Island là sự hòa trộn giữa Apocalypse Now và King Kong (với ý nghĩa Ngày tận thế gặp Kong). Anh đã không thể làm được gì với kịch bản ban đầu, nói cách khác là không có cách nào chuyển tải nội dung đó trên màn ảnh. Sau khi được hãng phim đồng ý cho thỏa sức sáng tạo kể cả đó là ý tưởng điên rồ, Vogt-Roberts đã hoàn thiện một kịch bản mới mà anh cho rằng đây là những gì mình mong muốn thực hiện, một “phiên bản điên rồ nhất của bộ phim về Kong”. Công thức chung của hầu hết các phim quái vật đều cho rằng khán giả cần phải chờ đợi tới một giờ hoặc 40 phút mới thấy được sinh vật này xuất hiện. Các phần phim về Kong trước cũng thế, nhưng đạo diễn Vogt-Roberts muốn thay đổi điều đó để đem đến sự khác biệt. Phiên bản Kong năm 1933 là phim đen và trắng, vì vậy rất dễ dàng để giả định rằng lông của Kong màu đen. Nhưng theo tài liệu công bố trên các diễn đàn về sinh học thì màu lông của Kong thiên về màu nâu hơn vì các nhà làm phim quyết định màu sắc của Kong sẽ là nâu, trái ngược với màu đen truyền thống. Mục đích của việc này là cố gắng tạo ra cảm giác khi con người ngước mắt nhìn lên Kong, họ lập tức có một phản ứng mang tính bản năng, tự nói với chính mình, "Đây là Đấng tối cao, tôi đang nhìn vào Đấng tối cao”.
| Kong Skull Island là sự hòa trộn giữa Apocalypse Now và King Kong | |