(TGĐA) - Cuối tuần qua, tại rạp Dcine Bến Thành, quận 1, TP. Hồ chí Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông Line Pro đã tổ chức buổi giao lưu trong chương trình Thời khắc đẹp: Long Thành cầm giả ca – Từ thơ đến phim giữa nhà nghiên cứu văn học - nhà thơ Nhật Chiêu và đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn cùng đại diện các thầy cô, đông đảo sinh viên 3 trường đại học: Sân khấu Điện ảnh TP.HCM; Văn Lang và Phan Thiết.
Nhật Kim Anh chấp nhận đổ mồ hôi, máu và nước mắt vì vai diễn mới | |
Long thành cầm giả ca – Phim lịch sử Việt Nam có thể làm tại Việt Nam |
Thời khắc đẹp là chương trình giao lưu học thuật phi lợi nhuận về: Văn học - Nghệ Thuật Điện ảnh và Phong cách sống do Công ty cổ phần truyền thông Line Pro sáng lập. Chương trình được sự cố vấn từ nhà nghiên cứu văn học - Nhà thơ Nhật Chiêu.
Sau buổi giao lưu khởi đầu khá thành công của chương trình là tìm hiểu về nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Kawabata Yasunari qua tác phẩm Bồ Công Anh trong tháng 3 vừa qua nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, thì trong tháng 4 này, Thời khắc đẹp sẽ dành trọn cho tác phẩm điện ảnh Long Thành cầm giả ca.
Sau màn trình diễn đàn nguyệt mở đầu của nghệ sĩ Lâm Thị Kim Hồng - sinh viên Nhạc viện TP.HCM, khán phòng được xem toàn bộ nội dung bộ phim Long Thành cầm giả ca.
Bộ phim Long Thành cầm giả ca (bài ca người gảy đàn thành Thăng Long) được phỏng theo bài thơ chữ Hán cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du trong tập thơ Bắc Hành Tạp Lục. Chuyện phim kể về cô Cầm - một ca kỹ mà Nguyễn Du đã gặp nhiều lần trong nhà của người anh vốn là một sủng thần của nhà Lê. Thời thế đổi dời khi quân Tây Sơn chiếm Thăng Long và nhan sắc xưa giờ đã tiều tụy, già nua với đám ăn mày ở Kẻ Chợ. Nhiều năm sau, trên đường đi sứ Nguyễn Du ghé qua thành Thăng Long... và đã gặp lại người ca kỹ xưa trong một buổi yến tiệc của triều đình. Nhưng đêm ấy, cô cho biết mình không có tên... Cho đến nay Long Thành cầm giả ca vẫn là một bộ phim lịch sử cổ trang của điện ảnh Việt Nam truyền tải được ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thấm đẫm tâm hồn Việt so với một số phim điện ảnh Việt Nam đã làm về lịch sử - văn hóa.
Sau những tràng vỗ tay kéo dài khi phim kết thúc đã nhận được khá nhiều lời khen về bộ phim và rất tiếc vì bộ phim ít được phổ biến trên hệ thống rạp quốc gia.
Nhà nghiên cứu văn học - nhà thơ Nhật Chiêu (từng xem mấy lần bộ phim Long Thành cầm giả ca) xúc động chia sẻ: Bài thơ chữ Hán Long Thành cầm giả ca, được Nguyễn Du viết năm 1813, ghi chép lại lịch sử khi ông trở lại Thăng Long để đi sứ Trung Quốc: Nam Hà quy lai đầu tận bạch/ Quái để giai nhân nhan sắc suy… Dịch nghĩa: Tôi từ trong Nam về lại, đầu đã bạc trắng/ Chẳng trách nhan sắc nàng phai tàn…
Có thể nói biên kịch Văn Lê đã nắm được cái cốt cách và thần thái của bài thơ, bằng cách nhìn lịch sử hoàn toàn khác biệt của mình. Ông đã xây dựng và phát triển một kịch bản đầy sáng tạo về những lần gặp của nhà thơ Nguyên Du với người danh cầm đất Thăng Long cùng số phận của cô. Song cũng có thể hiểu số phận của nàng Cầm chính là số phận của nghệ thuật trong giai đoạn cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn. Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du cực kỳ ngắn gọn, nhưng lại có độ nén cực kỳ dữ dội.
Và chính đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn là thầy “phù thủy” đã mở được độ nén của giá trị bài thơ bằng ngôn ngữ điện ảnh đầy tinh tế. Hình ảnh cái giếng hình đàn nguyệt cùng câu chuyện huyền thoại chung quanh cái giếng. Một cái kết phim thật tuyệt vời khi đạo diễn để Cầm nằm ôm đàn còn Tố Như khi viết xong bài thơ Long Thành cầm giả ca đã đem để cạnh bên nàng. Đây là nút mở nén tinh tế, đẹp nhất của đạo diễn về một thế giới mà Nguyễn Du đã nén chặt trong thơ, khắc họa một Tố Như tài hoa, nhạy cảm, đầy trắc ẩn cùng tình yêu không chỉ với nàng Cầm mà còn là tình yêu muôn loài trong từ bi tâm hồn của Nguyễn Du.
NSND Đào Bá Sơn |
Nhà nghiên cứu văn hóa - tiến sĩ Nguyễn Nam, tuy cũng đã xem phim đôi lần, nhưng vẫn thốt lên: “Phim hay quá. Đọc thơ, một độ dài không nhiều mà từ thơ đến phim là câu chuyện kể luôn truyền cảm hứng bởi độ hàm chứa thông tin vô cùng lớn. Tôi thực sự tâm đắc với hình ảnh kết của bộ phim. Phim cần được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học”.
Đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn một lần nữa bày tỏ sư khâm phục và tri ân tới cố biên kịch Văn Lê cùng cảm ơn các thầy cô và các em sinh viên đã đến dự sự kiện Thời khắc đẹp thật ý nghĩa này. Anh xúc động nhắc lại kịch bản của Văn Lê là cái nhìn về lịch sử rất khác biệt. Kịch bản đã đoạt giải nhất tại cuộc thi viết vê 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những nhân vật, những hành động hay ngôn ngữ thoại của Văn Lê rất riêng biệt, độc đáo, thế giới tâm linh trong hệ thống nhân vật của anh được khai thác triệt để, bật lên hồn cốt Việt và đầy ắp chất văn hóa dân gian. Văn Lê đã phát triển rất tốt ý tưởng của đại thi hào Nguyễn Du về thông điệp "Mọi triều đại rồi cũng sẽ qua đi nhưng văn hóa văn nghệ thì trường tồn mãi cùng dân tộc"...
Nhân dịp này, lần đầu tiên đạo diễn tiết lộ hậu trường bí mật “hộp đen” của đoàn phim Long Thành cầm giả ca (đến nay đã tròn 13 năm). Vậy mà thần thái và khí chất làm nghề của người đạo diễn lại lần nữa "bùng nổ" trong anh, vừa hóm hỉnh, vừa chất chứa sâu sắc những kỹ năng, sự sáng tạo tinh tế trong làm nghề... trước hành trình thực hiện lịch sử của bộ phim. Đó là chuỗi câu chuyện thú vị đầy sinh động về cách “ giật gấu vá vai” trước kinh phí áp lực được nhà nước cấp cho hãng phim là hơn 8 tỷ đồng.
Bắt đầu từ hành trình tâm linh 3 lần ra mộ thắp nhang cho cụ Nguyễn Du tới ý tưởng thay hình ảnh bối cảnh dòng sông trong kịch bản bằng bối cảnh cái giếng có thật (một đặc trưng văn hóa Việt) giống hệt cây đàn nguyệt. Đại cảnh quân Thanh (là toàn bộ đồng bào dân tộc Ê đê vào vai) tấn công vào Thăng Long (bối cảnh quay tại Đà Lạt) cùng đàn ngựa rầm rộ hơn 80 con (mướn ngay tại địa phương)... Thật là một bối cảnh “ăn gian – tinh ma” vẫn mang lại hiệu quả khá chân thật. Về âm nhạc của phim và đặc biệt anh rất lưu ý tới ý tưởng cấu trúc xuyên suốt về hình vòng tròn trong cả bộ phim. Đó là ngôn ngữ đậm chất điện ảnh của cái giếng, cối xay gạo, cây đàn... Tất cả là vòng xoay cuộc đời của Nguyễn Du cùng mẫu số chung lớn nhất trước số phận của con người.
Có thể thấy với ý tưởng và mô hình của Thời khắc đẹp đã và sẽ thực hiện là những chương trình rất ý nghĩa, có giá trị tích cực lan tỏa cho thế hệ trẻ về kỹ năng sống, kỹ năng làm nghề, đặc biệt là các em sinh viên đang theo học ngành văn hóa cũng như loại hình nghệ thuật đặc thù.
Dịp này, chương trình đã kết hợp với Nhà xuất bản trẻ bán được 53 cuốn sách in toàn bộ kịch bản Long Thành cầm giả ca của nhà biên kịch Văn Lê.
Line Pro là một công ty sáng tác, sản xuất phim, có chức năng truyền thông và thực hiện quảng cáo. Đơn vị tập trung sáng tạo những nội dung hiện đại, hấp dẫn đậm nhân văn dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Chương trình là sự kết nối rộng rãi cảm xúc cho cộng đồng và được nhượng quyền hình ảnh, sản xuất, phân phối sản phẩm trên các hệ thống bán lẻ và sàn thương mại điện tử.
Với ý tưởng trân trọng nét đẹp trong cuộc đời và những nét đẹp mà khiến mọi người dễ gặp gỡ nhất vẫn là nét đẹp của nghệ thuật. Do vậy, chương trình luôn muốn tạo ra Thời khắc đẹp trong không gian trao đổi và sáng tạo cùng nhau của các nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân... vào những dịp cuối tuần theo định kỳ mỗi tháng một lần.
Nhật Kim Anh chấp nhận đổ mồ hôi, máu và nước mắt vì vai diễn mới (TGĐA) - Đầu tháng 11, teaser của bộ phim Cạm bẫy – Hơi thở của quỷ đã gây ... |
Long thành cầm giả ca – Phim lịch sử Việt Nam có thể làm tại Việt Nam (TGĐA) - Kịch bản Long thành cầm giả ca được nhà biên kịch Văn Lê ... |
Vũ Liên