Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm: Được sáng tác về Bác là niềm hạnh phúc lớn đối với anh chị em nghệ sỹ chúng tôi

(TGĐA) - Nhà tiên tri, bộ phim mới nhất về Bác Hồ được các nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện trong những ngày tháng Năm lịch sử vừa qua. Như một sự tri ân, một tình yêu vĩ đại dành cho con người vĩ đại – vị cha già Dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả kịch bản phim Nhà tiên tri là nhà thơ, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Anh đã dày công sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác để làm chất liệu viết nên kịch bản phim vào năm 2007, sau đó đã tiến hành sửa chữa, nâng cao nhiều lần. 7 năm tuy chưa phải khoảng thời gian dài nhưng Nhà tiên tri đã đem đến hạnh phúc cho Hoàng Nhuận Cầm. Một cảm giác hạnh phúc mà anh không thể nói hết trong sự hạn hẹp của câu chữ…

Nha_bien_kich_Hoang_Nhuan_Cam

Anh có thể cho biết xuất phát từ ý tưởng nào và nguyên nhân bắt đầu từ đâu mà anh có được kịch bản Nhà tiên tri đang chuẩn bị bấm máy?

Vâng, như bạn đã biết, khi Bác ra đi về cõi vĩnh hằng, nhà thơ Việt Phương đã viết bài thơ khóc Bác Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp non sông trong đó có hai câu thơ làm tôi nhớ mãi: “Cả dân tộc khóc người thương mình nhất. Người được thương hơn tất cả những người thương.” Được viết về Bác, được sáng tác về Bác là một thách thức nhưng cũng là niềm hạnh phúc lớn đối với anh chị em nghệ sỹ chúng tôi. Cuộc đời của Bác, hình tượng của Bác mãi mãi là ngọn nguồn cảm hứng lớn lao, vô tận dành cho các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Khi kết thúc kịch bản Hà Nội mùa đông năm 1946, tôi đã nghĩ là sẽ phải viết tiếp Việt Bắc – năm 1947, 1948, 1949... Đó là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp do Bác Hồ lãnh đạo. Tôi đã tìm đọc hai tác phẩm của Bác được chính Người viết ra ngay trong những tháng ngày gian khổ đó là: Việt Bắc anh dũngGiấc ngủ 10 năm. Khi đọc xong hai tác phẩm này, tôi càng có động lực cầm bút viết kịch bản Nhà tiên tri và những đoạn đầu của kịch bản đã đến với tôi rất nhanh. Đó là những cảnh về núi rừng Việt Bắc.

Vậy có thể hiểu Nhà tiên tri là phần tiếp theo của Hà Nội mùa đông năm 1946?

Đứng về mặt lịch sử thì đúng là như vậy. Như mọi người đã biết Hà Nội mùa đông năm 1946 là toàn quốc kháng chiến. Lúc đó, chúng ta đã rút lên rừng Việt Bắc. Chắc bạn còn nhớ cảnh cuối cùng của Hà Nội mùa đông năm 1946 là những đoàn quân rời khỏi Hà Nội bỏ lại sau lưng kinh thành lửa cháy và đúng như lời hẹn ước sẽ trở về trong ngày giải phóng thủ đô. Đó chính là ngọn nguồn cảm hứng để tôi đi tiếp dòng lịch sử đó. Và Nhà tiên tri như là phần tiếp theo của Hà Nội mùa đông năm 1946 về mặt lịch sử. Còn sở dĩ trước đó tôi chọn thời điểm lịch sử Hà Nội mùa đông 1946 là vì trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, Hà Nội ta có rất nhiều thời điểm đáng nhớ. Năm 1946 hay năm 1972 đều là những cột mốc nhiều kịch tính, đều là những thời điểm mà cuộc chiến đấu đang ở vào giai đoạn gian lao. Ví dụ năm 1946 là lúc… sẵn sàng đốt cả kinh thành lên, đốt cả thủ đô yêu dấu để thể hiện tinh thần toàn quốc kháng chiến. Đến năm 1972 thì có Điện Biên Phủ trên không. Đó là những thời điểm mà tinh thần yêu nước của nhân dân toát lên rất rõ rệt. Cho nên sau khi viết Hà Nội mùa đông năm 1946 xong tôi thấy nếu không viết 47 thì thật đáng tiếc. Bởi đó là những năm đầu của cuộc kháng chiến đầy gian khổ và cũng rất ác liệt. Nói một cách kỹ hơn, bạn phải hiểu năm 1947 đó là năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Việt Bắc anh dũng và vận mệnh đất nước Việt Nam chúng ta lúc này đang như ngàn cân treo sợi tóc, trước sự vây ráp của chính quyền thực dân. Bằng truyện ngắn Giấc ngủ 10 nămViệt Bắc anh dũng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một thế giới mới của tương lai, một thế giới mới của niềm mơ ước ngay trong lòng quần chúng nhân dân. Một chi tiết nữa là trong Giấc ngủ 10 năm, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được trận đánh cuối cùng Giáp Ngọ 1954, chính là sự kiện Điên Biên Phủ.

Vậy nhân vật chính trong Nhà tiên tri chính là chủ tịch Hồ Chí Minh?

Đúng vậy, hầu như trường đoạn nào, phân đoạn nào cũng có Bác xuất hiện và Bác hiện ra đúng như lòng tôi mong ước. Vừa giản dị, vừa vĩ đại. Bác lẫn vào trong rừng cây, lẫn vào quần chúng, lẫn vào nhân dân, lẫn vào như một chiến sỹ trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Sự vĩ đại ẩn trong sự giản dị thể hiện trong từng câu nói, từng hành động, từng quyết sách.

Anh tâm đắc nhất với trường đoạn nào của kịch bản?

Thú thật, tất cả các trường đoạn tôi đều rất tâm đắc, nhưng có những trường đoạn mà tôi rất chờ đợi vì nó đóng góp rất lớn cho bộ phim. Ví dụ như trận đánh sông Lô. Nếu đã từng nghe bài hát Sông Lô của nhạc sỹ Văn Cao thì bạn có thể hình dung ra tầm vóc, quy mô và sự oai hùng của trận đánh đó – trận mở đầu cho cuộc kháng chiến này. Và đây là quyết định rất đúng, mở đầu cho chiến dịch Việt Bắc và đưa đến những thắng lợi tiếp theo của cuộc kháng chiến trường kỳ. Còn một trường đoạn nữa là sự hi sinh của cô Chín - người cấp dưỡng của Bác, rất bi tráng. Thêm nữa là cảnh bác đối thoại với tên Pôn Muýt, đến để thuyết phục Bác đầu hàng nhưng bị Bác thuyết phục lại... Nhưng có lẽ phải dừng ở đây vì bao nhiêu phân đoạn tôi đều tâm đắc hết. Câu Bác nói với Paul Mus (Pôn Muýt – phiên âm) là: “Việt Nam muốn hòa bình, nhưng không phải hòa bình theo điều kiện của Cao ủy Bolae mà phải là hòa bình trong độc lập tự do.”

Được biết kịch bản đã trao cho đạo diễn Vương Đức. Hỏi thật anh có yên tâm không?

Không yên tâm thì cũng phải yên tâm vì đó là cách làm việc tốt nhất giữa biên kịch và đạo diễn. Khi đã trao đứa con tinh thần của mình cho ai đó thì ta phải có lòng tin. Lòng tin không phải là tất cả nhưng thiếu nó thì rất là tai hại. Anh Vương Đức được cái rất say mê với kịch bản này. Tôi nói đùa: Say mê thì tốt nhưng đừng có mê muội đấy. Làm phim về Bác, ngoài cảm xúc còn phải rất tỉnh táo thì phim mới hay được. Anh Đức rất nghiêm túc trả lời: Phải tỉnh táo chứ, thế anh không biết là tôi đã bỏ rượu hơn 1 năm nay rồi à. Tôi cũng cười bảo: Không cần phải bỏ hẳn. Hẹn lại ngồi uống với anh sau khi phim làm xong nhé. Anh Đức cười rất tươi: Kể cũng hơi lâu đấy, nhưng không sao, đây là phim lớn, phải hết mình.

Anh có thể cho biết thành phần chính của đoàn làm phim? Nhất là ai sẽ có vinh dự vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim này?

Sau rất nhiều lựa chọn, cuối cùng còn lại hai người là diễn viên Bùi Bài Bình và tôi. Anh Bùi Bài Bình muốn tôi đóng, còn tôi lại rất muốn anh Bùi Bài Bình đóng. Cuối cùng anh Bùi Bài Bình được trao cho vinh dự đó, chính xác 100%. Đạo diễn Vương Đức khen mặt anh Bùi Bài Bình vào vai Bác Hồ rất đẹp. Tôi nghĩ không chỉ đẹp đâu, với Bùi Bài Bình, tôi rất yên tâm về nghiệp vụ diễn xuất. Bởi giống Bác về ngoại hình cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là diễn được tinh thần bên trong con người Bác. Mà điều này thì anh Bình đã rèn luyện hơn hai năm rồi. Chúng tôi đã cung cấp rất nhiều tư liệu cho anh ấy. Và trong lần hóa trang gần đây, khi thấy anh Bình trong vai Bác, cả đoàn phim chúng tôi sững sờ vì quá giống. Lúc Bùi Bài Bình bước ra khỏi trường quay, tất cả đã lặng người đi, tưởng tượng xung quanh Hãng phim truyện là một cánh rừng Việt Bắc và như có cảm giác đang chuẩn bị Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi. Ngoài Bùi Bài Bình là diễn viên quan trọng, có một người mà tôi yên tâm nữa là anh Vũ Quốc Tuấn sẽ là người quay bộ phim này. Vốn đã quay Hà Nội mùa đông năm 1946 nên anh rất “thuộc” từng cử chỉ, động tác, phong thái của Bác. Và tôi tin là anh sẽ chọn được những góc máy rất chính xác để chuyển tải được thần thái của Bác. Còn một người nữa là họa sỹ Phạm Quốc Trung đã hơn hai năm nay rất tỉ mỉ, công phu với các bản phác thảo bối cảnh từ những chiến hạm trên sông Lô rất hoành tráng cho đến khẩu pháo, chiếc mũ lá… khiến tôi nghĩ giá mà làm được như thế, như bản phác thảo của anh, thì tôi nghĩ độ hoành tráng của phim chắc chắn là điều không có gì phải phàn nàn. Rồi cả anh Văn Sáu hóa trang… Nói chung trong đoàn làm phim tôi thấy ai cũng tâm huyết, ai cũng nóng lòng chờ đến ngày phim bấm máy để cùng được bộc lộ tình cảm của mình.

Cảm xúc của anh trước ngày bộ phim bấm máy?

Tôi rất hồi hộp và mong đợi từng ngày để đến ngày đó. Và tôi mong rằng cảnh đầu tiên sẽ có hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh do anh Bùi Bài Bình đóng.

Phim về lãnh tụ không tránh khỏi những khó khăn khi đó là nhân vật đã quá quen thuộc với mọi người. Khán giả sẽ đòi hỏi tính chân thực (như những gì mà họ đã biết qua sách báo, tư liệu…) khi xem phim. Anh có lường trước được điều đó không? Và làm thế nào để thuyết phục khán giả trong khi bộ phim vẫn có sức nặng và thể hiện được mong muốn của người làm phim?

Điều mà người cầm bút rất e ngại khi viết về lãnh tụ là vị lãnh tụ đã nằm trong lòng quần chúng rồi, qua sách báo, qua tư liệu và thậm chí có người đã được sống cùng với lãnh tụ nữa nên những gì họ viết có thể sẽ không vượt qua được những sự hiểu biết của người xem. Nhưng tôi nghĩ rằng phải biến khó khăn này thành thuận lợi khi lãnh tụ được mọi người quan tâm. Không có gì hay hơn là đã có một đội ngũ người xem lý tưởng như vậy. Ta phải biến khó khăn đó thành thuận lợi và để thuận lợi thực sự, theo kinh nghiệm từ Hà Nội mùa đông 1946 đến Nhà tiên tri, tôi thấy để xây dựng hình tượng lãnh tụ thành công thì đừng biến Người thành một vị thánh ở cao, xa quá mà hãy biến vị thánh thực sự ấy, vị lãnh tụ ấy trở thành một người rất bình thường. Càng bình thường bao nhiêu thì chất vĩ đại càng lên bấy nhiêu. Đó là kinh nghiệm của tôi đã thể hiện trong kịch bản Nhà tiên tri. Bạn vẫn thấy Bác là người bình thường như một ông Ké, cũng đội mũ nồi, cũng cưỡi ngựa, đi hái măng rừng, ngồi câu cá và bên cạnh đó, ngay cả những quyết sách, chiến dịch rất lớn, Bác cũng phổ biến tới từng chiến sỹ, từng đồng bào theo một cách rất giản đơn. Ví dụ để nói cuộc kháng chiến dài hay ngắn, Bác chỉ cần cầm que củi giơ lên hỏi mọi người: Que củi này dài hay ngắn? Và Bác trả lời luôn: Dài, ngắn là do cách nhìn của mỗi người, cuộc kháng chiến này, nhanh hay chậm là nhờ sự cố gắng của tất cả chúng ta. Đó, Bác hiện ra rất bình dị. Tóm lại, theo kinh nghiệm của tôi để xây dựng hình tượng lãnh tụ đi vào lòng mọi người, hãy thể hiện lãnh tụ hết sức con người, đừng hóa thánh mà thánh hóa thành một con người thật giản dị thì dễ đi vào lòng quần chúng, nhân dân. Vì đúng như ai đó đã viết: Bác chẳng ở đâu xa, Bác ở giữa lòng ta. Khi cúi xuống lòng ta ta gặp Bác. Người đi con đường của Lê Nin của Mác. Lại mang tấm lòng Bồ tát với Giê su.

Cảm ơn anh!