Nhà quay phim – NSƯT Đường Tuấn Ba: Từ cú máy định mệnh “Người Việt trên sông nước” tới sở trường trong “Cánh đồng hoang”

Thật ý nghĩa khi cuốn sách thứ 8- 10 bí quyết hình ảnh (tác giả Lê Minh) của tủ sách điện ảnh, do đạo diễn Việt Linh khởi xướng, được các công ty FAHASA và Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn đầu tư từ năm 2006, vừa ra mắt bạn đọc thành phố HCM lần 3 trong tháng 8 vừa qua. Đó là những chia sẻ đầy thú vị và bất ngờ của 10 nhà quay phim tiêu biểu, đại diện nhiều thế hệ từng đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế như: Lê Đình An, Đường Tuấn Ba, Nguyễn Khánh Dư, Trần Trung Nhàn, Nguyễn Hữu Tuấn, Phạm Việt Thanh, Phi Tiến Sơn, Đinh Anh Dũng, Lý Thái Dũng và Phạm Hoàng Nam.

(TGĐA) - Ống kính của tôi vừa tả thực, nhưng vẫn lồng lộng trào dâng chất trữ tình, hùng tráng trước bối cảnh vô cùng khốc liệt của cuộc chiến.


Đây chính là động lực dẫn đến cuộc gặp gỡ thú vị giữa PV và nhà quay phim- NSƯT Đường Tuấn Ba.

Nỗi đam mê, những bí quyết và bao câu chuyện ý nhị về nghề dần được ông chân thành bộc bạch qua gần 40 năm sự nghiệp cầm máy, tạo hình.

Nhà quay phim Đường Tuấn Ba

Ông có nhận xét gì về cuốn sách ?

Cảm ơn các bạn trẻ đã kịp thời ghi lại những gì mà chúng tôi đã làm. Có thể xem đây là những bí mật phía sau nghề nghiệp được đúc kết qua hàng chục năm làm nghề của mỗi nhà quay phim. Song tất cả bí quyết này nhằm tạo thêm sự đa dạng, phong phú cho mục đích cuối cùng của chúng tôi là luôn tạo nên những khung hình sinh động, ấn tượng và thật ý nghĩa.

Thế còn sự nghiệp cầm máy của riêng ông?

40 năm cầm máy với kết quả khiêm nhường ( tính từ sau ngày Miền Nam giải phóng ) đã quay 87 phim, trong đó có 22 phim truyện nhựa, 45 phim truyện video và gần 20 phim tài liệu, cải lương. Bộ phim Trái đắng (năm 2001) có thể là phim nhựa cuối cùng, còn phim video….thì…(cười).

Một đúc kết khá độc đáo, song tôi vẫn muốn nghe lại những mốc thời gian và sự chuyển mình trong nghề của ông?

Dài lắm, có cần thiết không?

Dạ, rất cần vì đó sẽ là minh chứng cho lòng đam mê cầm máy mãi của ông, chứ không giống một số nhà quay phim lâu năm đã chuyển qua vai trò đạo diễn.

Thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945), gia đình tôi sống ở tỉnh KumTum, vừa tròn 15 tuổi, tôi xung phong ngay vào bộ đội giải phóng quân. Thấy tôi có vẻ hoạt bát, lãnh đạo giao ngay công tác vũ trang tuyên truyền với công việc cụ thể lưu giữ hình thức nổi như: khẩu hiệu, truyền đơn, kịch, lưu động, đặc biệt là phụ trách khâu in litho truyền đơn, nhưng thực chất tôi vẫn mê được cầm máy chụp hình.

Sau 1954 đến 1966, tôi hồi cư về sống với gia đình cũng tại Kum Tum đúng thời điểm “ xôi đậu”( câu thường dùng của người dân sống lẫn lộn trong vùng giữa ta và địch). Thật may không phải đi quân dịch, tôi được tuyển vào Ty Thông tin Kum Tum và chọn ngay nghề nhiếp ảnh. Những bức ảnh đầu tiên là chân dung, cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Thượng bằng chiếc máy chụp hình hiệu Roleyflex. Cho đến nay chiếc máy này vẫn được lưu giữ cẩn thận cùng các bộ chụp hình, quay phim VHS “đàn em” trong chiếc tủ kính lâu năm của gia đình.

Đoàn làm phim Ngôi nhà oan khốc

2 năm sau (1966-1968), do vẫn nuôi nguyện vọng được quay những hình ảnh động, tôi mạo muội một mình vào Sài Gòn thi tuyển trường Điện ảnh-Truyền hình thuộc Trung tâm Điện ảnh quốc gia Sài Gòn. Tháng đầu tiên, các thí sinh đều được giới thiệu đại cương lý thuyết cơ bản 6 môn học:Biên kịch, Quay phim, Đạo diễn, Âm thanh, In tráng và Ráp nối (từ dựng phim sau này). Sau đó mỗi người chọn đúng nghành học sở trường của mình. Và bộ môn Quay phim vẫn là đam mê của tôi. Một năm học lý thuyết, một năm quay thực hành qua nhiều thước phim tư liệu, tôi luôn được nhà trường đánh giá là biết sử dụng động tác máy sinh động và rất có “hồn”.

Bộ phim tài liệu đầu tay (30 phút, màu , nhựa35ly-1969 ) Người Việt trên sông nước, đề cập tới cuộc sống bồng bềnh của những người dân không bao giờ biết lên bờ cạn, là dấu ấn đầu tiên lưu đọng trong tiềm thức khá lý thú, giúp tôi tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho sự hình thành sở trường thích được quay những bối cảnh sông nước mênh mông.

Sau ngày 30/4/1975, tôi được nhận ngay vào làm quay phim tại xưởng phim Tổng hợp thành phố HCM (nay là hãng phim Giải phóng ). Đến năm 1978 và liên tiếp 3 năm sau ( 79,80,81 )-sau gần 10 năm cầm máy, tôi nhận được tới 3 cơ hội “ngàn vàng” là thực hiện các phim : Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang và Vùng gió xoáy đều của cố đạo diễn-NSND Hồng Sến. Như cái duyên định mệnh cả 3 phim, đặc biệt là Cánh đồng hoang đều có nội dung liên quan tới các bối cảnh sông nước. Thế là tôi được mặc sức sáng tạo ( sau này cả3 phim đều vinh dự nhận được các giải thưởng cao trong nước và quốc tế ).

Trong phim Cánh đồng hoang, khi quay cảnh cây sào cắm đứng xuống nước, để cùng lúc giữ cho được sinh mạng vợ chồng Ba Đô và đứa con nắm sào ẩn sâu dưới lòng sông tránh máy bay địch ruồng bố. Hai tay cầm máy mà lòng tôi như thắt lại trước loạt thao tác rất nhanh của vợ chồng Ba Đô như bồng thằng nhỏ, bỏ vào bao ni-lông rồi nhấn nhanh xuống nước đến mấy phút đồng hồ. Trong khi đấy động cơ tiếng máy bay ầm ĩ, trộn lẫn những mảng gió bạt mạnh nghiêng ngả liên hồi, từ 3 chiếc cánh quạt của máy bay trực thăng. Tất cả tạo thành bối cảnh đau nhói thuộc hai thái cực đối lập sinh tử ấn tượng. Một bên là tìm diệt, một bên cố lẩn trốn để bảo vệ sự sống. Ống kính của tôi vừa tả thực, nhưng vẫn lồng lộng trào dâng chất trữ tình, hùng tráng trước bối cảnh vô cùng khốc liệt của cuộc chiến.

Khi quay trung cảnh Sáu Xoa (làm tiền cảnh) chạy lao về phía trước tìm chồng con, khi bị địch bắn vỡ xuồng. Còn hậu cảnh là cánh đồng nước bị đẩy lui về phía sau. Tôi quyết định sử dụng động tác máy traveling cầm tay và ngồi trên xuồng cùng lướt thật nhanh theo nhân vật; Có khi lại liều mạng treo mình bên cánh cửa máy bay dùng ống kính top shot (trên cao quay xuống), để quay toàn cảnh máy bay trực thăng quần thảo trên cao, còn ở dưới mặt đất tạo hình ảnh, từng đợt sóng lúa đổ nghiêng lăn tăn lan tỏa….

Năm 1991 tôi nghỉ hưu sau đúng 15 năm, 7 tháng, liên tục năm nào cũng cầm máy và quay được 17 phim, đoạt nhiều giải thưởng cao. Song thực ra nào đâu tôi có nghỉ, bởi cái lòng ngày một thêm đam mê, còn đôi tay nào đâu muốn buông máy… Cho đến ngày hôm nay, sau gần 17 năm tôi vẫn tiếp tục cầm máy thực hiện hơn 50 bộ phim truyện nhựa và video.

Như vậy nghiệp cầm máy của ông quả khá dài. Thế cái được, cái thăng lý thú trong nghề là gì?

Được liên tiếp làm việc với cố đạo diễn-NSND Hồng Sến- người nghệ sĩ tài ba giỏi quay phim và cả dựng cảnh (nhất là đề tài chiến tranh), vậy mà trong thời gian làm cả ba phim, ông không bao giờ kiểm tra, nhìn đến viseur của máy quay. Ong hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào sự sáng tạo của tôi qua các khung hình. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc tới về con người, tính cách của ông , trong tôi luôn tràn ngập sự nâng niu và quý trọng.

Thật hạnh phúc khi luôn chủ động được cầm máy ( giảm dùng chân máy), giúp tạo khuôn hình cực kỳ biến hóa, sinh động. Được sử dụng sáng tạo những cú máy sở trường luôn cầm tay quay như: trên sông nước, trên máy bay, bom nổ, động tác khẩn trương, rượt đuổi… rất cần yếu tố thao tác ống kính mạnh; Thích những cảnh traveling cầm tay trên xuồng và traveling cầm tay bằng ray trên bờ, đem lại hiệu quả thôi thúc, hăng hái, tươi vui, tấp nập… Song đôi khi lại rất cần đưa vào khung hình hiệu quả của cảnh Rejim trữ tình, thơ mộng và luôn được làm chủ nguồn sáng.

Nếu có một lời khuyên về nghề thật súc tích cho thế hệ trẻ?

Luôn cầm máy bằng tay; Sử dụng tinh tế, hiệu quả các động tác máy và những thế mạnh của ống kính.

Là người quay phim lão luyện, lại luôn thích sử dụng “ ống kính mạnh”,có khi nào vì quá chú tâm chạy theo diễn xuất nhân vật mà ông bị ngã chưa?

Thần kinh vững, sức khỏe tốt, biết định hướng bối cảnh, sẽ là những tố chất không thể thiếu của người quay phim.

Đã quay ngót 90 bộ phim, nhưng tôi chưa bao giờ có cú “vấp” chân bất ngờ. Nhưng lại có một cú “hồn xiêu” duy nhất trong cuộc tháo chạy kinh hoàng vì ông “quản tượng” lên cơn quất vòi và rống ầm ĩ. Số là để quay được cảnh toàn rộng đoàn voi chở những tên buôn lậu đi trong rừng (phim Chiếc vòng bạc, năm 1982), cả 3 người đạo diễn, quay phim và phó quay phải ngồi trên lưng một con voi khác. Ai dè khi 3 anh em sắp đến gần chuẩn bị leo lên lưng…thì “ông tượng” bất thần nổi cơn. Thế là chúng tôi chạy bán sống,bán chết đến nỗi khi dừng lại, ai cũng thấy “lạnh” cả đáy quần (cười)… Ui cha thật may toàn bộ máy móc, không hề bị trầy xước…

Nhà quay phim Đường Tuấn Ba và Đạo diễn Lê Mộng Hoàng

làm phim Vết thù năm tháng

Thưa ông, thế còn những dấu “lặng” âm ỉ cứ mãi hoài da diết?

15 năm, 7 tháng, tôi đã làm tròn vai của người công chức và một nghệ sĩ. Nhà nước đã 4 lần ghi nhận thành tích: Huân chương lao động hạng nhì, Huy chương kháng chiến hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp điện ảnh, danh hiệu NSƯT… nhưng cho tới ngày về hưu tôi chỉ nhận vỏn vẹn một triệu bốn trăm ngàn đồng (không sổ hưu, không sổ bảo hiểm y tế)…. Thế nhưng nào đâu tôi có “ngã” lòng, mà vẫn tiếp tục hăng say cầm máy.

Điểm tựa chính của ông là bà Nguyễn Thị Minh- người vợ phúc hậu hết mực thủy chung, thương yêu chồng con. Hơn 30 năm sống trong căn hộ chật hẹp (33m2 ở cư xá Thanh Đa ) cùng 6 người con (khi chưa lập gia đình riêng). Vậy mà mỗi khi ông nói chưa chính xác năm sản xuất bộ phim nào là bà điềm đạm nhắc lại thật chính xác.

Với ông bây giờ niềm vui và tự hào là có người con trai út Đường Anh Tuyền đã theo nghề của ông hơn 10 năm nay. Thường xuyên tham gia mọi sinh hoạt trong CLB Hội viên điện ảnh lão thành và vẫn tự tin khi tôi hỏi “nếu có lời mời quay một kịch bản mới” -ông nghĩ sao?-“sẵn sàng lại cầm máy… nhưng phải xem kịch bản có đã không chớ” (cười phúc hậu)…

Chân thành cảm ơn ông- Chúc ông và gia đình nhiều sức khỏe và may mắn.

Minh Đức