(TGĐA) - Trong khoảng 10 năm gần đây (2010 – 2019), khi chính sách xã hội hóa điện ảnh đi vào cuộc sống, khi nền kinh tế vận hành theo hướng thị trường đã đánh thức nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia làm phim. Đồng thời, nhờ mạng internet phát triển, kỹ thuật – công nghệ điện ảnh với tốc độ cao, nguồn phim ngoại nhập ngày một tăng, các cụm rạp chiếu phim đạt chuẩn quốc tế… đã khích lệ các nhà làm phim trong nước tăng nhanh số lượng và thể loại phim. Cũng do chính sách xã hội hóa mà vai trò sản xuất phim của Nhà nước ngày càng thu hẹp, điện ảnh tư nhân ngày càng phát triển và hầu như áp đảo về số lượng phim sản xuất hàng năm, chiếm lĩnh thị trường điện ảnh phim sản xuất trong nước. Số lượng phim nhiều kéo theo đó là sự thay đổi về hình mẫu nhân vật chính trong phim. Chủ yếu gồm những kiểu nhân vật sau:
'Hồn Papa da con gái' đạt hơn nửa triệu vé, doanh thu 40 tỷ đồng | |
Hé lộ cảnh 'thân mật' giữa hotboy Quốc Anh và Nhã Phương trong trailer mới của 'Trạng Quỳnh' |
Nhân vật chính thứ nhất : Những người hài hước
Trước khi có chủ trương xã hội hóa, các Hãng phim Nhà nước có nhiệm vụ sản xuất những bộ phim tuyên truyền mang tính nghệ thuật. Nhân vật chính của những bộ phim này là những chiến sỹ cách mạng, những gương anh hùng trên các mặt trận… Cũng do xác định nhiệm vụ tuyên truyền là chính nên các bộ phim này có nhược điểm chung là quá khô khan, quá nghiêm túc, đưa ra những bài học giáo huấn một cách quá lộ liễu… Điều đó gây cảm giác nhàm chán đối với người xem. Và cách tuyên truyền thẳng thắn đó dường như đã bỏ quên một chức năng quan trọng khác của nghệ thuật. Đó là chức năng giải trí. Chính vì vậy, khi các nhà sản xuất tư nhân tham gia làm phim, thì điều họ quan tâm nhất là làm phim sao cho kéo khán giả đến rạp một cách nhiều nhất, đông vui nhất. Để thực hiện điều đó, không gì khác hơn là làm phim hài.
|
Năm 2013, có 19 phim điện ảnh thì có đến 14 phim hài. Năm 2014, có 24 phim thì phim hài chiếm đến một nửa. Năm 2015, tỷ lệ phim hài là 21/40 phim. Các năm sau, tỷ lệ này hầu như không thay đổi. Nội dung các phim hài này hầu như không có gì sâu sắc. Ví dụ phim Nhà có 5 nàng tiên (2013). Câu chuyện về một đôi vợ chồng nghèo khổ, đi nhặt ve chai. Và họ lượm được 5 bé gái bị bỏ rơi. Họ mang về, nuôi nấng. Về sau, 5 cô lớn lên, đều xinh đẹp và đều lấy được 5 ông chồng sáng giá. Thế là vợ chồng nhà đó đổi đời. Một câu chuyện mà trong cổ tích cũng không thể có. Nhưng khán giả vẫn đông. Và vài năm sau, nhà sản xuất lại tiếp tục khai thác câu chuyện theo hướng ngược lại là Nàng tiên có 5 nhà. Phim kể về một cô gái đẹp chinh phục các đại gia để có nhiều nhà.
Có những phim, xem xong, người xem không hiểu tác giả muốn nói gì, muốn kể chuyện gì. Chẳng hạn như phim Đời cho ta biết bao lần đôi mươi (2017). Cả phim, suốt 90 phút, chỉ thấy một nhóm các cô gái ngồi ôm gối trên giường nói linh tinh hết chuyện này sang chuyện khác. Hoặc phim Ba vợ cưới vợ ba (2017). Câu chuyện chỉ xoay quanh chuyện một cô gái trẻ muốn lấy một anh chàng đã có hai vợ nhưng cả hai bên gia đình đều phản đối.
|
Hoặc phim Yêu là phải xài chiêu kể chuyện một anh chàng ngốc, bị đám đông chọc ghẹo. Một cô gái giải nguy cho anh. Và anh ngốc thích cô gái. Anh kể tâm tư của mình với một một người anh quái đản. Thế là chuyện tình tay ba hài hước kéo dài… Danh sách những phim hài còn rất dài như Biết chết liền, Xui mà hên, Sơn đẹp trai, Thám tử Hên-ry, Gái già lắm chiêu, Thần tiên cũng nổi điên v.v… Những phim hài sắp ra mắt như Em đẹp em có quyền, Em trên 18, Thầy ơi em có bầu v.v… cho thấy, dòng phim hài vẫn tiếp tục phát triển.
Chính vì chạy theo thị trường nên các nhà sản xuất phim hài cũng như các nghệ sỹ thi nhau tạo ra những sản phẩm kém chất lượng. Và những loại phim này, may ra, giúp các nhà làm phim kiếm tiền chứ không đóng góp được gì cho việc phát triển điện ảnh.
Nhân vật thứ hai: Ma quỷ
Đề tài phim kinh dị và phim ma luôn hấp dẫn các nhà làm phim. Từ đạo diễn Việt kiều đến các nhà làm phim trẻ, từ sinh viên các trường điện ảnh đến các đạo diễn mới vào nghề. Bởi các câu chuyện về ma không cần vốn sống thực tế, bất chấp logic, cứ tập trung hóa trang cho kinh dị, tạo nhiều tình huống bất ngờ, sử dụng bối cảnh u ám thần bí cùng âm thanh, tiếng động một cách phản cảm… là có phim ma. Có thể liệt kê một danh sách dài những phim ma quỷ - kinh dị như Đoạt hồn, Mất xác, Quả tim máu, Chung cư ma (2014); Hợp đồng bắt ma, Ma dai, Oan hồn, Ngủ với hồn ma, Con ma nhà họ Vương (2015); Bệnh viện ma, Ma nữ báo thù, Mặt nạ máu, Phim trường ma (2016) v.v…Tất cả những phim ma này đều tương đối giống nhau ở cốt chuyện, cách giải quyết xung đột và… kết thúc một cách vui vẻ.
|
Ví dụ như phim Hợp đồng bắt ma kể câu chuyện ba thầy trò ngoại cảm từ Sài Gòn lên Đà Lạt làm nhiệm vụ bắt ma. Tại đây họ gặp toàn ma nữ xinh đẹp, trong đó có cô ma nữ có số phận bất hạnh và luôn bám theo họ. Thế là bao tình huống dở khóc dở cười xảy ra. Hay phim Bệnh viện ma kể về một chàng sinh viên y khoa vừa tốt nghiệp về làm việc tại một bệnh viện. Tại đây, anh gặp rất nhiều điều bí ẩn. Với sự tiếp sức của một cô gái, cả hai cùng khám phá ma trong bệnh viện.
Không thể phủ nhận dòng phim ma quỷ - kinh dị luôn hấp dẫn các nhà làm phim trên toàn thế giới. Nhưng chúng ta không đủ kinh phí để đầu tư vào việc xây dựng những cốt truyện có chiều sâu, những nhân vật có sự ám ảnh, những bối cảnh cuốn hút người xem, những loại nhạc tác động mạnh đến từng giác quan v.v… Vì vậy, so với phim ma quỷ của quốc tế, phim ma quỷ của chúng ta vẫn còn thua kém về nhiều mặt. Nếu đề tài phim ma quỷ cứ tiếp tục khai thác một cách dễ dãi như hiện nay sẽ nhanh chóng đi vào ngõ cụt.
Nhân vật thứ ba : Những người đồng tính
Có thể kể một loạt những phim thuộc đề tài đồng tính như Chơi vơi (2010), Lạc giới (2014), Cầu vồng không sắc, Hotboy nổi loạn (1 và 2), Yêu (2015), Xóm trọ 3D, Tao không xa mày , Lô tô (2017) v.v…Một số phim khác cũng có yếu tố đồng tính như Sài Gòn anh yêu em (2015), Song Lang (2017) … Những bộ phim trên tập trung vào hai sắc thái nổi bật là đồng tính nam và đồng tính nữ. Nếu không có dòng phim tư nhân, đề tài phim đồng tính mãi nằm trong bóng tối.
|
Các nhà làm phim đã dũng cảm kể những câu chuyện tình yêu đồng giới. Song nhược điểm chung là dắt tay nhau đi trên lối mòn. Nghĩa là motip quen thuộc. Chơi với nhau từ nhỏ. Bỗng một ngày phát hiện ra giới tính không bình thường của nhau. Nhưng không xa lánh mà vẫn bên nhau. Nhìn chung, loại phim này chưa khai thác chiều sâu số phận nhân vật. Hơn nữa, các nhà làm phim thường lãng mạn hóa mối tình đồng tính nên chú trọng những bối cảnh đẹp mà không quan tâm đến sự biểu hiện tâm lý nhân vật. Có một số phim, thường là tài liệu, được làm công phu hơn. Ví dụ như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (2014) hay Đi tìm Phong (2018 – về đề tài chuyển giới). Các nhà làm phim trẻ đã kiên trì bám sát nhân vật trong nhiều năm, quay được nhiều đoạn phim chân thực, cảm động. Những bộ phim phi hư cấu đó thật sự thuyết phục người xem bởi sự chân thực đến đau lòng của các nhân vật có thật trong cuộc sống.
|
Ngoài ra, cũng cần nhắc đến một số phim về đề tài xã hội đen với nhiều yếu tố bạo lực như Bụi đời Chợ Lớn, Hương ga, Truy sát, Vệ sỹ Sài Gòn... Những cảnh bạo lực hoàn toàn bắt chước phim Mỹ. Cũng có một số phim làm lại từ phim nước ngoài như Em là bà nội của anh, Ngày mai Mai cưới, Chàng vợ của em, Bạn gái tôi là sếp v.v… Những phim này, tuy có bối cảnh Việt, do các nghệ sỹ Việt đóng nhưng hầu như chỉ có mục đích thương mại chứ không góp phần thể hiện văn hóa Việt.
Kết luận
Đương nhiên, trong nửa thời gian đầu (2010 - 2015), có một số phim đặt hàng của Nhà nước Sống cùng lịch sử, Những người viết huyền thoại, Những đứa con của làng, Thầu Chín ở Xiêm, Đường xuyên rừng, Nhà tiên tri, Cuộc đời của Yến… Các phim trên đều tập trung vào các đề tài lịch sử của đất nước.
|
Song các bộ phim trên chỉ đến được với người xem vào các dịp lễ. Nhà nước cần thiết nên đầu tư đặt hàng cho các Hãng phim làm những bộ phim về đề tài đương đại, đề cao phẩm giá con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số phim tốt như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Lô tô, Cô Ba Sài Gòn… Nhưng số phim này còn quá ít nếu so sánh với hàng trăm phim thuộc dạng bình dân như trên.
Đó là chưa kể đến làn sóng phim ngoại nhập, trung bình mỗi năm khoảng 200 - 300 bộ phim đã nhấn chìm điện ảnh Việt mới chập chững bước vào cơ chế thị trường. Trong 5 năm trở lại đây (2016 - 2020), có nhiều dự án làm phim của Nhà nước nhưng chưa được cấp kinh phí. Nếu Nhà nước bỏ trống lĩnh vực điện ảnh thì trên màn ảnh chỉ hoàn toàn có phim ngoại nhập từ Mỹ và Hàn Quốc với các phim kinh dị, bạo lực, giải trí, thương mại. Bên cạnh đó, dòng phim tư nhân với những loại phim kể trên hầu như không tác động đến trí tuệ và tình cảm người xem.
|
‘Những cô gái trong thành phố’ & chuyện của người trong cuộc | |
Fan khóc hết nước mắt vì Lê Phương với 'Gạo nếp gạo tẻ' |
Đoàn Tuấn