(TGĐA) - Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ qua đời vào ngày 20/3, hưởng thọ 90 tuổi. Ông là nhà biên kịch thế hệ đầu tiên, gắn với nhiều bộ phim kinh điển được nhiều thế hệ khán giả yêu mến
Nữ diễn viên ‘Vĩ tuyến 17 ngày và đêm’, NSND Tuệ Minh qua đời ở tuổi 80 | |
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Những vinh quang thầm lặng |
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ qua đời hôm 20/3, sau thời gian bị bệnh tuổi già, thọ 90 tuổi. Bà Hoàng Thị Hoa, con gái thứ hai của nghệ sĩ, nói sức khỏe bố xuống dốc ba năm nay. Ông bị phổi, huyết áp cao, thường xuyên ra vào bệnh viện. Trước đó, nhà biên kịch giữ tinh thần minh mẫn. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài viết lách. Ông ấp ủ tiểu thuyết, kịch bản liên quan sử thi, thường ngồi cặm cụi nháp hết hàng chồng giấy.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 1/9/1932 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn (nay là phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Từ năm 1946, Hoàng Tích Chỉ đã sớm giác ngộ cách mạng và làm trinh sát ở Ty Liêm phóng Bắc Giang.
Năm 1956, ông làm trưởng phòng văn nghệ Ty Văn hóa Bắc Giang. Năm 1959, tác giả phim Em bé Hà Nội được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961, ông học lớp biên kịch khóa I, Trường Điện ảnh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công làm Trưởng phòng biên tập của Hãng phim Truyện Việt Nam và được bổ nhiệm làm Giám đốc Hãng phim truyện I. Năm 1980, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1996, tác giả phim Em bé Hà Nội nghỉ hưu.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nổi tiếng với những tác phẩm kinh điển như Em bé Hà Nội |
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một trong những đại diện cho thế hệ nghệ sĩ tài năng, trách nhiệm với nghề. Ông là nhà biên kịch thế hệ đầu tiên, gắn với nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam được nhiều thế hệ khán giả yêu mến như: Biển gọi (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ I, 1970); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973, Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ II, 1973); Em bé Hà Nội (Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ III-1975, Giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại LHP Quốc tế Moscow - 1975); Mắt bão (1972) dựng thành phim Tọa độ chết (1985); Mối tình đầu (1977, Bông sen bạc LHP phim Việt Nam lần thứ V - 1980, Giải Chiếc thuyền bạc LHP Hiện thực mới tại Italy - 1981); Thành phố lúc rạng đông (1975, Giải Bồ Câu Vàng đặc biệt, LHP Leipzig - CHDC Đức); tiểu thuyết Tướng cướp hoàn lương dựng thành phim truyện SBC; Người đàn bà bị săn đuổi (1990); từ tiểu thuyết Bóng ma rừng Sác dựng thành phim Bông hoa rừng Sác (1995)…
Lúc còn sống, nhà biên kịch tài ba từng thổ lộ một cách chân tình về sự nghiệp của mình: “Tôi là học viên lớp biên kịch khóa 1 nhưng thực sự không có thầy dạy nghề, chỉ có thầy dạy văn hóa. Chúng tôi học nghề chủ yếu bằng cách xem phim. Vậy mà ra trường bắt tay vào làm phim luôn. Điện ảnh quả là nghề khó! Tôi tự thấy mình may mắn được sinh ra làm 'trai thời loạn', được sống trong những thời khắc lịch sử của đất nước nhưng tôi vẫn tiếc vì mình không có đủ vốn văn hóa để có thể truyền đạt được tất cả những biến thiên của lịch sử, của những số phận con người mà mình đã từng gặp trong đời lên tác phẩm”.
Nhắc đến giai đoạn sáng tác sung sức nhất của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, không thể không nhắc đến đạo diễn Hải Ninh. Hai ông đã tạo thành một cặp bài trùng biên kịch - đạo diễn trứ danh trong làng điện ảnh, với những tác phẩm đều trở thành sáng tác thành công nhất trong sự nghiệp của mỗi người, mang lại cho cả hai ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và để lại cho điện ảnh Việt Nam những tác phẩm kinh điển.
Bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã đánh dấu thành công đầu tiên của cặp biên kịch - đạo diễn Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh. Cũng bắt đầu từ đây họ cùng gắn bó, cộng tác và trở thành một trong số không nhiều những “cặp tác giả” có thành công đặc biệt của điện ảnh Việt Nam với những bộ phim nổi tiếng, trong đó có Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông…
Hoàng Tích Chỉ so sánh khoảng thời gian cộng tác làm phim của ông và đạo diễn Hải Ninh như một “cuộc hôn nhân”. Có lẽ vì quá hiểu tính nhau và giữa hai người gần như không còn khoảng cách, nên ông nhắc đến người bạn đồng nghiệp vong niên của mình với một tình cảm trìu mến chân thành. Nhưng cũng bởi đã cùng nhau trải qua một cuộc “hôn nhân” nên giữa họ không thể thiếu những “trách móc giận hờn”, như biết bao “đôi lứa” trên đời.
Bộ phim kinh điển Vĩ tuyến 17 ngày và đêm |
“Chúng tôi cùng tuổi Tân Mùi, cùng rủ rín nhau đi làm hết phim này đến phim khác. Ông ấy (đạo diễn Hải Ninh) như người chồng, bao quát tất cả mọi công việc, còn tôi giống người vợ, luôn chỉn chu, nhẫn nhịn. Chúng tôi rất khác nhau nhưng lại hợp nhau, có lẽ vì người này bù đắp khuyết thiếu cho người kia. Tôi giao phó kịch bản cho anh ấy một cách tin cậy còn bởi chúng tôi hiểu ý nhau như đôi bạn, mình xúc động trước điều gì thì bạn mình cũng vậy”.
Trong mắt các thế hệ biên kịch sau này khác, Hoàng Tích Chỉ là con người có đầu óc quan sát tinh tường, như nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói về ông: "Những hình tượng ông lựa chọn đều mang tính thời đại, hiện thực và cho mai sau. Một chị Dịu đằm thắm, dịu hiền với sức mạnh thép trước kẻ thù trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, một Cô bé Hà Nội trong veo, với tiếng vĩ cầm mong manh trở thành đối trọng nặng ký với hàng nghìn tấn bom đạn đang trút xuống thành phố quê hương, xuống gia đình em... Tất cả hình tượng ấy đều hàm chứa triết lý giản dị mà mãnh liệt: bản chất của cuộc sống là hướng tới bình yên, là khát vọng hòa bình và yêu thương".
Nữ diễn viên ‘Vĩ tuyến 17 ngày và đêm’, NSND Tuệ Minh qua đời ở tuổi 80 | |
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Những vinh quang thầm lặng |
Tổng Hợp