Những mặt tối xã hội đời thực trên màn ảnh Hàn

(TGĐA) - Kbiz trong những tháng đầu năm 2019 liên tục bị tấn công bởi những scandal “động trời” và khiến một đế chế giải trí bị lung lay. Đời thật là thế, song khán giả truyền hình Hàn Quốc có lẽ sẽ không mấy ngạc nhiên với những tin tức chấn động này bởi các biên kịch xứ Kim chi đã sớm đặc tả mặt tối của xã hội Hàn Quốc qua những bộ phim truyền hình. Tiêu biểu nhất phải kể đến Pinocchio, Witch’s court, và Sky castle.    

nhung mat toi xa hoi doi thuc tren man anh han
Cảnh trong phim Pinocchio.

1. Pinocchio: Khi truyền thông thao túng sự thật

Pinocchio bắt đầu bằng cái chết oan ức của một người lính cứu hoả trong một vụ hoả hoạn lớn và kéo theo hàng loạt sự kiện thương tâm của gia đình ông: vợ ông dẫn theo hai đứa con trai tự tử vì không chịu được dư luận xã hội. May mắn thay, hai người con trai đã thoát chết và trưởng thành tìm cách đòi lại công lý và trả thù cho cha mình nhưng bằng hai con đường khác nhau. Trong phim Lee Jong Suk và Yoon Kyun Sang lần lượt vào vai hai anh em Ki Ha Myung và Ki Jae Myung, hai người con trai của người lính cứu hoả quá cố.

nhung mat toi xa hoi doi thuc tren man anh han
Cảnh trong phim Pinocchio

Đây là một trong những phim truyền hình đầu tiên khai thác cuộc sống và thế giới của những người làm việc trong bộ phận tin tức của đài truyền hình, một trong những kênh thông tin có sức mạnh thao túng thế giới. Hàng loạt những “chiêu trò” mà giới truyền thông dùng để thay đổi cách nhìn của công chúng về sự thật lần lượt được phơi bày qua từng tập phim. Từ việc khiến tin đồn của người nổi tiếng trở thành “hot trend” để công chúng quên đi những tin tức quan trọng liên quan đến các chính khách, cho đến hiện tượng “câu view” bằng tin giật gân mà không xác nhận nguồn tin, Pinocchio khắc họa cách vận hành của một xã hội thông tin một cách chân thực nhất. Bên cạnh đó là những vụ hối lộ, những người quyền thế dùng tiền để thao túng thông tin nhằm che lấp tội ác của mình.

Phim dĩ nhiên sẽ một phần phản ánh thực tế và lấy tư liệu từ đời thật. Khi scandal mại dâm chấn động Burning Sun diễn ra, nhiều người nhận ra hoá ra sự thao túng của truyền thông là có thật như trên phim. Việc hàng loạt những người nổi tiếng như Seung Ri, Jung Yoon Young hay Choi Jong Hoon ngày nào cũng xuất hiện trên mặt báo với hàng loạt tin tức “bên lề” không giúp công chúng biết được diễn biến thực sự của vụ án chính là một trong những ví dụ rõ ràng nhất. Bên cạnh đó, Park Yoo Chun cũng bị cho là “nạn nhân” của thao túng truyền thông khi scandal ma tuý của anh đã bùng phát với tốc độ chóng mặt và hiện nam ca sĩ đối mặt với án tù lên đến 7 năm trong khi tội ác và số phận của bạn gái cũ anh, Hwang Hana, tiểu thư nhà tài phiệt lại ít khi được nhắc đến.

Công chúng ngày nay đã không còn “ngây thơ” như xưa. Người xem đã trở nên đa nghi hơn khi nghe những bản tin và luôn tìm kiếm sự thật qua những cổng thông tin khác nhau. Và như thông điệp mà Pinocchio muốn nói, có lẽ chúng ta phải thay đổi cách thức mà chúng ta truyền tải thông tin và tiếp nhận thông tin trong thời đại này.

2. Witch’s court: Những vụ án lạm dụng tình dục bị xã hội lãng quên

nhung mat toi xa hoi doi thuc tren man anh han

Là một trong hàng chục phim truyền hình lấy đề tài tư pháp trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc, Witch’s court vẫn có chỗ đứng riêng nhờ vào nội dung mới lạ của nó khi đề cập đến những nạn nhân của tội ác lạm dụng tình dục.

nhung mat toi xa hoi doi thuc tren man anh han
Cảnh trong phim Witch’s court 2

Witch’s court chính là phơi bày “hậu trường” của những vụ án lạm dụng tình dục mà đa phần nạn nhân là phái yếu. Những vấn đề vốn nhạy cảm tại Hàn Quốc như phụ nữ bị lạm dụng thì ít khi lên tiếng và luôn bị xem thường, hay thế nào là ranh giới giữa cưỡng hiếp và quan hệ tình dục có sự đồng thuận của cả hai phía, hay thủ phạm thường dùng tiền để bịt miệng nạn nhân… đã lần lượt được đề cập qua từng vụ án của phim. Witch’s court xứng đáng là một trong những phim “có tâm” nhất của dòng phim tư pháp trong những năm gần đây. Phim không ngần ngại “hô to” khẩu hiệu nữ quyền thông qua nhân vật nữ chính tuy ngang tàng, ranh ma, nhưng cũng cực kỳ chính nghĩa Ma Yi Deum (Jung Ryeo Won). Bên cạnh đó, việc khắc họa tâm lý của nạn nhân một cách tinh tế như một cách giáo dục công chúng về nạn lạm dụng tình dục.

Vai diễn mạnh mẽ của Jung Ryeo Won là hi vọng cho những người phụ nữ trong một xã hội Hàn Quốc trọng nam kinh nữ nặng nề. Nữ diễn viên cũng chia sẻ rằng cô hy vọng thông qua bộ phim, chúng ta sẽ hiểu hơn về tội ác lạm dụng và xâm hại tình dục và quan tâm hơn cũng như phá bỏ định kiến với những nạn nhân. Phong trào #metoo hay những cuộc biểu tình chống lại nạn quay lén phụ nữ trong năm qua tại Hàn Quốc phần nào cho thấy Witch’s court là một bộ phim cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện tại của xứ Kim chi…

3. Sky castle: Khi giáo dục chính là công cụ gây ra tội ác

nhung mat toi xa hoi doi thuc tren man anh han
Porter phim Sky castle

Sky castle gây chấn động màn ảnh nhỏ cuối năm 2018 đầu năm 2019 khi miêu tả một cách châm biếm nhưng không kém phần thực tế nạn thành tích của giáo dục Hàn Quốc, việc mua bằng cấp, và nạn trầm cảm cũng như tự tử của học sinh tại đất nước này.

nhung mat toi xa hoi doi thuc tren man anh han
Cảnh trong phim Sky castle.

Sky castle xoay quanh cuộc sống của những người phụ nữ của những gia đình thành đạt thuộc tầng lớp thượng lưu nhất Hàn Quốc. Công việc và nỗi lo âu nhất của họ chính là làm thế nào để con cái của mình có thể đỗ vào một trong ba trường đại học danh tiếng nhất nước này: Đại học quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc, và Đại học Yonsei. Họ dùng tất cả thủ đoạn từ ngớ ngẩn nhất đến ác độc nhất để đạt được mục đích của họ. Bên cạnh đó là một gia sư tài năng nhưng thủ đoạn không kém nổi tiếng với thành tích đưa con em nhà giàu tiến thẳng vào các trường đại học danh tiếng.

Không ít phim học đường Hàn Quốc miêu tả mặt tối của giáo dục của đất nước này. Thế nhưng Sky castle đã tiếp cận vấn đề bằng một lối đi khác hoàn toàn mới mẻ. Một xã hội thượng lưu chạy theo danh vọng được khắc họa một cách hài hước nhưng lại khiến khán giả sợ hãi khi liên tưởng đến thực tế khắc nghiệt. Không chỉ riêng những ông bố bà mẹ giàu có trên phim, những ông bố bà mẹ nói chung ở Hàn Quốc đều muốn con mình đỗ vào trường đại học danh tiếng. Đó cũng là một trong những lý do vì sao tỷ lệ học sinh mắc bệnh trầm cả và tự tử lại cao đến thế. Bên cạnh hàng loạt nhân vật “lắm tiền” chính là Kim Hye Na (Kim Bo Ra), cô học sinh nghèo mồ côi không cần gia sư cũng có thể học hành xuất sắc nhưng tương lai lại không mấy sáng sủa. Nhân vật này phần nào phản ánh sự bất công của giáo dục cũng như khoảng cách ngày càng xa giữa các tầng lớp trong xã hội Hàn.

Khởi đầu với ratings khiêm tốn 1%, Sky castle trở thành phim có ratings cao nhất lịch sử truyền hình cáp Hàn với ratings chạm ngưỡng 23.8% với tập cuối. Đây là một thành tích đáng nể trong thời buổi hiện nay khi khán giả chẳng còn mặn mà với phim truyền hình và đặc biệt với một phim không có nhiều ngôi sao Hallyu.

nhung mat toi xa hoi doi thuc tren man anh han
Cảnh trong phim Children of nobody
Bên cạnh đó, những phim như Children of nobody, Life, hay Signal Voice cũng đã đem lên màn ảnh những câu chuyện có thật hay phản ánh những mặt “tối” của xã hội Hàn. Nếu Children of nobody nói về nạn bạo hành trẻ em thì Life đặc tả một hệ thống y tế bị đồng tiền và quyền lực chi phối còn VoiceSignal mang những vụ án mạng man rợ nhất từng xảy ra tại đất nước này lên màn ảnh. Có thể nói phim truyền hình Hàn Quốc ngày nay chính là những mảnh ghép nhỏ phản ánh những gì đang diễn ra trong đời thực.

Thúy An