Những người đã gặp

(TGĐA) - Trong 2 tháng qua, ngành điện ảnh nước nhà liên tiếp chia tay các nghệ sỹ tên tuổi, những người đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Ông Hồ Trí Phổ

Ông Hồ Trí Phổ

Đó là các nghệ sỹ: Diễn viên - Chủ nhiệm phim Nguyễn Văn Đây (từ trần ngày 29/1/2016); Đạo diễn Phan Thị Hằng Nga (từ trần hồi 7h00 ngày 2/2/2016; Biên kịch - Đạo diễn Hồ Trí Phổ (từ trần vào hồi 17h25 ngày 04 tháng 02 năm 2016; Đạo diễn - NSND Trương Qua từ trần vào hồi 4h20 ngày 9/2/2016; Đạo diễn - NSƯT Lê Dân (từ trần vào lúc 11h30 ngày 26/2/2016); Đạo diễn Châu Huế (từ trần lúc 4h00 ngày 4/3/2016). Sự ra đi của họ để lại những mất mát to lớn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ.

Hội điện ảnh Việt Nam, Tạp chí Thế giới Điện ảnh chân thành gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Diễn viên - Chủ nhiệm phim Nguyễn Văn Đây; Đạo diễn Phan Thị Hằng Nga; Biên kịch - Đạo diễn Hồ Trí Phổ; Đạo diễn - NSND Trương Qua; Đạo diễn - NSƯT Lê Dân, Đạo diễn Châu Huế.

Diễn viên - chủ nhiệm phim Nguyễn Văn Đây sinh ngày 17/05/1934 tại xã Bình Thanh Trung, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp. Ông tham gia Cách mạng từ đầu năm 1947, làm liên lạc rồi trinh sát của Tiểu đoàn độc lập tỉnh Sa Đéc. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc đến năm1960 ông chuyển ngành, theo học Trường Ca kịch dân tộc Hà Nội - Bộ Văn hóa. Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Cải lương Nam Bộ.

Tháng 5/1975, ông chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, là diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang. Cuối năm 1979, ông chuyển về Hãng phim Giải phóng.

Ông tham gia đóng phim từ năm 1978, tính đến năm 1983 ông đã có 3 vai chính, 3 vai thứ và 2 vai phụ trong các phim Kỷ niệm vùng ven, Người mở đường, Cư xá màu xanh, Ngon lửa Krongdung, Vùng gió xoáy,...

Từ cuối năm 1983 trở đi, ông chủ yếu làm công tác chủ nhiệm phim. Thời gian này ông còn tham gia các phim truyền hình và điện ảnh: Bản hợp đồng năm 2000; Sương gió biên thùy năm 2001; Dòng máu anh hùng năm 2006 và phim cuối cùng Đường Hồ Chí Minh trên biển năm 2012. Ông là Bí thư chi bộ Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh hơn hai nhiệm kỳ (2007 và 2012 ), từng phụ trách chi hội diễn viên Cascadeur. Trong công việc, ông luôn là người thẳng thắn, nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao, luôn cầu thị và rất mực chân thành nên được nhiều anh em bạn bè đồng nghiệp yêu mến

Biên kịch - Đạo diễn Hồ Trí Phổ sinh ngày 10 tháng 8 năm 1940, tại xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Sinh ra trong một gia đình lao động, có truyền thống Nho học trên dải đất miền trung nhiều bão tố, lớn lên trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh, được sự động viên quan tâm của cha mẹ, ông đã nỗ lực theo học phổ thông tại quê nhà, vừa tham gia lao động giúp đỡ gia đình để có thêm thu nhập. Dù nhỏ tuổi, nhưng câu chuyện “Cậu Phổ” giỏi đánh cá, khéo đặt trúm lươn, biết làm mộc, giỏi chọn bò…đến nay vẫn được nhiều người trong làng và họ tộc truyền kể. Không chỉ chăm lo việc nhà, ông còn tích cực tham gia các hoạt động đầy ý nghĩa của địa phương như: dạy Bình dân học vụ, tham gia Ban Thuế nông nghiệp, Ban Tuyên truyền của Xã. Với những đóng góp tích cực của mình, tháng 5 năm 1955, ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.

Năm 1957, ông được người anh cả là ông Hồ Trí Dụ đưa ra Hà Nội. Sau khi hoàn thành nốt bậc phổ thông tại Trường Thăng Long, ông đã tham gia công tác tại nhiều cơ quan khác nhau như: Công trường xây dựng Nhà máy in Tiến bộ- Hà Nội; Công trường xây dựng Xưởng phim Cổ Loa; Xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung ương.

Với nhiệt tình của tuổi trẻ, theo yêu cầu của Tổ quốc, năm 1963, ông nhập ngũ, được đưa về lớp học lái xe thuộc E245 Cục quản lý xe. Kết thúc khóa học, với trình độ có được, ông được giữ lại làm giáo viên dạy lý thuyết lái xe tại đơn vị. Bước sang năm 1966, do yêu cầu của chiến trường, ông được điều động vào làm Trợ lý tham mưu tại các nhiều đơn vị khác nhau thuộc đoàn 559. Và chính trong môi trường quân ngũ, ông đã trưởng thành, được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường vào năm 1967.

Với hơn 9 năm tham gia quân đội trong đó có 5 năm tham gia chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn lịch sử, đến tháng 6 năm 1971, ông bị bệnh và được chuyển ra Bắc điều trị bệnh tại Viện 559, rồi được đưa đi an dưỡng và chờ công tác tại Đoàn 251 Quân khu Tả Ngạn

Sau thời gian an dưỡng, sức khỏe ổn định, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với quân nhân hoàn thành nhiệm vụ, tháng 10 năm 1972, ông chuyển ngành về cơ quan cũ là Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương và được phân công làm cán bộ tổ chức. Sau 4 năm gắn bó với công tác tổ chức, đến tháng 10 năm 1976, ông chuyển đổi công tác sang một lĩnh vực hoàn toàn mới với chức danh Biên kịch điện ảnh và gắn bó với công việc yêu thích này cho tới tuổi nghỉ hưu vào năm 2000.

Suốt quãng thời gian công tác tại Xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung ương, nay là Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương với chức danh Biên kịch, và kể cả sau này khi tham gia đảm nhận vai trò là đạo diễn phim, ông Hồ Trí Phổ đã luôn chứng tỏ một tinh thần cầu thị, ham học hỏi, luôn tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn. Và chính nhờ khả năng sáng tạo cùng tinh thần làm việc nghiêm túc, đầy nhiệt huyết của mình, ông đã cùng đồng nghiệp và tập thể đơn vị xây dựng được nhiều tác phẩm phim tài liệu, phim khoa học có chất lượng tốt. Nhiều phim do ông làm biên kịch và đồng biên kịch đã được trao tặng các giải thưởng có giá trị tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và quốc tế như:Chuyện tử tế - Giải Bồ câu bạc- Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Đức (năm 1988); Chuyện từ góc công viên- Giải A Hội điện ảnh VN (năm 1996); Trở lại Ngư Thủy - Giải nhất phim ngắn xuất sắc nhất LHP Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 43(năm 1998); Giải A Hội điện ảnh VN (năm 1998); Giải Bông sen vàng LHP Việt Nam (năm 1999) – (đồng tác giả); Tiếng Vĩ cầm ở Mỹ Lai- Giải nhất phim ngắn xuất sắc nhất LHP Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 44 (năm 1999); Giải A Hội điện ảnh VN (năm 1998); Giải Bông sen bạc LHP VN (năm 1999); Người thắp lửa - Giải nhì Kịch bản “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Giải cánh diều vàng Hội điện ảnh VN (năm 2010); Giải bông sen bạc LHP VN (năm 2011); Giải ba Liên hoan phim và ảnh các nước Asean (năm 2010); Giải khuyến khích Giải báo chí toàn quốc (năm 2010).

Với quá trình tham gia công tác và tham gia chiến đấu trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hồ Trí Phổ đã được Nhà nước và quân đội tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ Giải phóng và nhiều hình thức khen thưởng cao quý khác.

Vân Thảo