(TGĐA) - Tháng Chín vừa qua, tôi được Hội Điện ảnh cử đi dự Liên hoan phim Kim Kê -Bách Hoa của Trung Quốc. Năm nay, bộ phim Tôi không phải là Phan Kim Liên đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng như Biên kịch , Đạo diễn, Quay phim và Diễn viên nữ xuất sắc nhất. Bộ phim đã đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Người xem cảm thấy, nền điện ảnh Trung Quốc luôn gần gũi với công chúng, đồng hành cùng khán giả, chia sẻ với người dân những bài toán cuộc sống mà quần chúng luôn đối mặt.
Nội dung bộ phim kể câu chuyện về một vụ ly hôn giả giữa Lý Tuyết Liên và người chồng của mình là Tần Ngọc Hà. Những năm gần đây, ở Trung Quốc rộ lên phong trào ly hôn giả để nhận được căn hộ. Lý Tuyết Liên và chồng giả ly hôn. Chồng cô được căn hộ mới. Còn cô được nhà ở quê (tỉnh Chiết Giang).
Poster phim Tôi không phải là Phan Kim Liên |
Nhưng chồng cô, sau khi nhận nhà, lại cưới cô vợ mới. Thế là cô đi kiện. Suốt 10 năm, cô kiện từ huyện, đến thành phố, đến tỉnh. Thậm chí lên tận Bắc Kinh. Cô kiện gì? Kiện vì các quan chức các cấp biết vợ chồng cô ly hôn giả nhưng vẫn xử là thật. Kiện vì chồng cô trở mặt. Nhưng bên nào cũng có lý của mình. Đây là đoạn đối thoại giữa chồng và cô: Tôi nói cho cô biết, cô không phải là Lý Tuyết Liên – Tại sao? – Khi yêu tôi, cô có còn trinh tiết không? Đêm tân hôn, chẳng phải cô đã từng lên giường với thằng khác rồi sao? Cô là Phan Kim Liên mới đúng! Những ai đã từng đọc tiểu thuyết Kim Bình Mai, đều biết Phan Kim Liên là nhân vật dâm đãng. Lý Tuyết Liên cảm thấy mình bị xúc phạm. Cô đi kiện khiến quận trưởng mất chức. Chưa xong, cô đi kiện tiếp. Các cấp chính quyền vừa ngăn cản cô, vừa khiến cô bực tức. Phải đi kiện cho ra nhẽ.
Lên Bắc Kinh, cô tìm được người bạn học hồi phổ thông, đang làm đầu bếp. Anh này thầm yêu cô từ lâu, nay mới được dịp mở lòng. Nhưng trớ trêu thay, chính người cô tin yêu lại ăn ở hai lòng, khiến cô tức giận, nguyền rủa hắn là “đồ súc sinh’’.
Trải qua nhiều biến cố khác, khi Lý Tuyết Liên bị ốm, bác sỹ đòi tiền, cô đang đi vay tiền của người quen ở chợ thì bị các quan chức địa phương phục kích. Họ bắt và thông báo cho cô tin xấu: chồng cô đã chết trong một tai nạn giao thông. Cô gào lên giữa chợ: “Tần Ngọc Hà! Đồ súc sinh! Anh chết rồi mà vẫn còn hại tôi sao? Giữa hai chúng ta còn bao chuyện không nói được!’’Trở về, cô định treo cổ tự tử ở cái cây đầu làng. Nhưng ông chủ khu đất này phát hiện. Ông khuyên cô sang treo cổ ở khu đất kế bên, nơi đối thủ của ông đang làm ăn.
Phạm Băng Băng trong vai Lý Tuyết Liên |
Cuối phim, cô đi làm phục vụ ở một quán ăn thì gặp anh quận trưởng, người mất chức vì cô, ghé quán. Anh này về quê làm mộc, trên đường đến Bắc Kinh gặp đối tác. Cô kể cho anh nguyên nhân mình đi kiện. Thực ra, câu chuyện ly hôn giả giữa cô và chồng chỉ là bề ngoài, che đậy uẩn khúc bên trong. Giữa cô và chồng đã thỏa thuận, ly hôn giả để cô có thai, sinh ra một đứa con nữa. Nhưng không ngờ, ly hôn giả thành ly hôn thật. Đứa con cô không kịp chào đời. Cô kiện thay đứa con. Đó mới là nguyên nhân chính.
Kịch bản được viết bởi nhà văn Lưu Chấn Vân, một tên tuổi rất quen thuộc với bạn đọc nước ta. Đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã mang vào phim phong cách dàn dựng mới nhưng vẫn không quên sở trường châm biếm hài hước của mình. Diễn viên Phạm Băng Băng đã lột tả thành công chân dung người phụ nữ đơn độc nhưng mang trong mình bao đau khổ. Bộ phim xứng đáng nhận được sự ủng hộ của Ban Giám khảo cũng như khán giả Trung Quốc.
Xem xong phim, theo quán tính, nhìn về điện ảnh Việt Nam mấy năm qua, tôi không khỏi chạnh lòng. Quả thực, mỗi năm , điện ảnh nước ta vẫn sản xuất được khoảng 40 - 50 phim. Nhưng đa số là những phim thương mại, giải trí. Nội dung quá hời hợt. Bạo lực trong phim quá dễ dãi. Các màn đấu võ, bắn nhau chẳng vì lý do gì. Bối cảnh trong phim toàn resort , khách sạn. Các nhân vật hào nhoáng, nói năng như những siêu nhân trên mây… Không thấy bóng dáng người công nhân, nông dân hay những người lính đang gìn giữ núi rừng, biển khơi. Và doanh thu của những phim đó đều được các phương tiện truyền thông thổi lên đến hàng chục tỷ đồng. Ai không tin thì nghe mãi cũng gật gù. Phải chăng chúng ta đang có một loại điện ảnh không đi trên mặt đất mà đang lượn bay trong thế giới ảo? Phải chăng chúng ta đang có một loại điện ảnh không cần đến những người cần lao?
Phim Tôi không phải là Phan Kim Liên |
Tôi nhìn poster phim Tôi không phải là Phan Kim Liên thấy hình một con trâu đứng giữa hai cô gái là Lý Tuyết Liên và Phạm Băng Băng. Nếu phim nước mình, in hình con trâu lên poster thì chắc chẳng ai đi xem, ngay cả khán giả nông dân. Nhưng tại sao ở Trung Quốc, người dân đi xem đông thế? Có thể, câu chuyện này động chạm đến mỗi gia đình, đến các cấp chính quyền, đến mỗi người dân? Và sâu xa hơn, đó là hình ảnh người phụ nữ Trung Quốc đương đại? Hoặc cũng có thể là bóng dáng của hàng triệu sinh linh không thể chào đời? Tôi tin chắc mình chưa cảm nhận được những chiều sâu của bộ phim. Nhưng dù sao, bộ phim rất ám ảnh tâm trí tôi nhiều ngày sau.
Đoàn Tuấn