(TGĐA) - Bộ phim Only the brave dựa theo bài báo “No Exit” (tạm dịch: Không lối thoát hiểm) của tác giả Sean Flynn, kể về chủ đề không thường thấy trên màn ảnh, đầy gay cấn, nhiều xúc cảm về tình đồng nghiệp và nhất là với tình gia đình lứa đôi, thông qua một thảm họa cháy rừng khủng khiếp ở bang Arizona hồi năm 2013.
Đội đặc nhiệm cứu hỏa địa phương đầu tiên của nước Mỹ sinh nghề tử nghiệp
Trận hỏa hoạn kinh hoàng có tên Yarnell Hill Fire này tại bang Arizona xảy ra do sét đánh, chỉ trong vài giờ lửa đã lan rộng từ 200 mẫu ra 2.000 mẫu tại thời điểm diễn ra thảm nạn với những người lính cứu hỏa trong câu chuyện phim. Về sau có tới hơn 8.000 mẫu rừng đã bị cháy, cùng với 200 ngôi nhà dân trong thị trấn ven rừng đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Sau thảm kịch, đội cứu hộ tìm thấy chất nhựa nối các shelters (tấm bạt chống lửa) đã bị chảy nhũn ra, chứng tỏ nhiệt độ cháy lên tới 500 độ C, trong khi chỉ với 300 độ C là đủ làm chết người ngay. Dẫu vậy, cho đến giờ thì người ta vẫn chưa hiểu rõ thảm họa đã xảy ra trong tình huống nào và mọi thứ còn lại hiện tại chỉ là phỏng đoán.
|
Đội cứu hỏa gặp nạn có tên gọi Granite Mountain Hotshots, với 20 thành viên toàn đội, đóng quân tại căn cứ ở Prescott, Arizona. Sở cứu hỏa Prescott chỉ có tổng cộng 5 đội vào thời gian đó. Họ không phải là lính cứu hỏa bình thường, họ chính là Đặc nhiệm cứu hỏa.
Để được làm Đặc nhiệm cứu hỏa cần phải có thể lực tốt và trải qua chương trình huấn luyện rất căng thẳng, khắc nghiệt. Họ thường xuyên phải tập chạy 2,5 km và đi đường núi 4,5 km trong khoảng thời gian gói gọn là 45 phút, bên cạnh là hành trang mang theo trên lưng với 23 kg. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong số những đòi hỏi nghề nghiệp mang tính cơ bản, tối thiểu. Để đi đến nơi làm nhiệm vụ, thông thường họ phải lội bộ dọc dài qua rừng qua núi, vì ngay cả các phương tiện cơ giới vượt địa hình như xe ủi cũng khó thể vào sâu. Các loại vật dụng cá nhân không thể thiếu với từng Đặc nhiệm cứu hỏa bao gồm cưa máy, shelter, các chất tiếp liệu “hỏa công”. Bởi lẽ, cách mà đội Đặc nhiệm cứu hỏa Granite Mountain Hotshots chiến đấu với lửa cháy rừng sẽ rất khác so với những gì mà mọi người vẫn nghĩ. Họ không quan tâm đến nước dập lửa như thói thường, họ dùng lửa chiến với lửa. Họ đào những đường rãnh, chặt cây và cố gắng tạo nên một dãy phân cách với từng đám cháy, như đường biên giới. Trên các dãy phân cách theo kiểu chiến hào ấy, họ đốt lửa, tạo nên đám cháy ở hướng ngược lại. Có thể nói, họ đã dùng “binh pháp” theo kiểu “dĩ độc công độc” để chống lại cháy rừng!
|
Tại thời điểm thảm họa năm ấy, cả nước Mỹ chỉ có 107 đội Đặc nhiệm cứu hỏa kiểu này, với tổng quân số 2.140 người. Họ được tổ chức thành từng đơn vị 20 người mỗi đội, hoạt động gần như tự lực cánh sinh giữa các đám cháy, có thể so sánh như những nhóm lực lượng đặc biệt kiểu “biệt kích” trên chiến trường.
Và có lẽ, nhiều người mê phim cũng sẽ không mấy quen thuộc với từ “hotshot” trong tên gọi của đội Đặc nhiệm cứu hỏa trong câu chuyện khu biệt này: Granite Mountain Hotshots. Như đã được giải thích trong phim, cách gọi đặc biệt và trân trọng này là để chỉ những người lính cứu hỏa hàng đầu của nước Mỹ chuyên về cứu hộ cho các trận cháy rừng - giống như Navy Seals của phòng cháy chữa cháy vậy!
|
Những anh hùng trong kỷ nguyên siêu anh hùng trên màn ảnh
“Trong kỷ nguyên của siêu anh hùng, Only the brave là bộ phim về những người anh hùng bằng xương bằng thịt”, đạo diễn Joseph Kosinski (từng thực hiện phim Oblivion; Tron: Legacy - đã được phát hành tại Việt Nam) cho biết. "Phim khám phá khái niệm về tình huynh đệ, sự hi sinh, sự cứu rỗi và tất cả được đặt trong bối cảnh đặc biệt là thế giới của nạn cháy rừng - đây là điều tôi chưa bao giờ xem trên màn ảnh trước đây”. Đạo diễn chia sẻ.
“Điều gì đã dẫn dắt những người đàn ông này đến với lửa? Điều gì đã làm cho họ muốn thực hiện công việc này”, nhà sản xuất Trent Luckinbill băn khoăn. “Những người đàn ông này đang mạo hiểm tính mạng của mình mỗi ngày để cứu người khác, cứu cộng đồng, để cứu con đường sống của mỗi người. Và câu chuyện này khao khát khám phá tại sao họ làm công việc này? Đây là loại nghề nghiệp nguy hiểm chết người! Đó còn là câu chuyện đẹp về những con người được sống đúng là mình và có tình huynh đệ của một đội”.
|
Ngay sau thảm họa, nhà sản xuất Dawn Ostroff và Jeremy Steckler của Hãng Condré Nast Entertainment đã nhận định câu chuyện này có khả năng chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh, vậy nên đã bắt đầu quá trình phát triển dự án bằng cách làm việc với đạo diễn Joseph Kosinski và biên kịch Ken Nolan. Trong khi đó, nhà sản xuất Michael Menchel chính là người có quá trình theo dõi tự thân với hầu hết những sự kiện cháy rừng của bang Arizona và cũng từng đến thăm “Hotshots”, gặp gỡ các nhân vật có thật như Brendan McDonough (Miles Teller đóng) và Amanda Marsh (Jennifer Connelly đóng) nhiều lần. Anh hợp tác với Condré Nast và nhà sản xuất Lorenzo di Bonaventura trong dự án này. Lúc đó, họ mang kịch bản đến cho Black Label Media, đơn vị cùng tham gia để phát triển kịch bản xa hơn, thành phim.
|
Kể từ khi thảm kịch này xảy ra, câu hỏi luôn được nhiều bên liên quan đặt ra và nhắc đi nhắc lại, rằng tại sao những lính cứu hỏa “siêu việt” lại bị chết vì lửa? Dan Fraijo, Giám đốc Sở cứu hỏa Prescott đã giải thích từ góc độ thực tế lẫn chuyên ngành: Đội Đặc nhiệm cứu hỏa Granite Mountain Hotshots được điều động tới đối phó, vốn dĩ vẫn không thể biết trước rằng thời tiết nóng và gió mạnh bất ngờ đã biến khu vực cháy thành một “hỏa ngục” kinh hoàng mà họ chứng kiến lần đầu cũng là lần cuối trong đời!
Thảm nạn xảy ra trong vụ cháy rừng lịch sử này ở bang Arizona đã gây thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất cho lính cứu hỏa Mỹ, kể từ sau vụ khủng bố 11/9 cướp đi sinh mạng của 340 lính cứu hỏa New York.
Bộ phim Only the brave được làm ra dựa trên câu chuyện có thật, để tưởng nhớ đội Đặc nhiệm cứu hỏa Granite Mountain Hotshots thuộc Sở cứu hỏa Prescott, bang Arizona, Mỹ.
Vũ Liên