Đã từ lâu, màn ảnh nhỏ Hàn Quốc không thiếu gì những bộ phim kinh dị rùng rợn được sản xuất dựa theo những câu chuyện ma được lưu truyền từ lâu trong dân gian. Vì tính chất đặc thù nên khán giả của những bộ phim này chủ yếu là những người yêu thích thể loại rùng rợn, kinh dị, thích cảm giác lạnh ớn xương sống.
Thay vì hình ảnh đáng sợ của các nhân vật kinh dị, gần đây, các nhà làm phim xứ Kim chi mang tới nhiều thay đổi lớn cho người xem, như thêm chất hài hước, vui nhộn, khiến các nhân vật vốn rất đáng sợ trong phim kinh dị thành đáng yêu.
Nhưng gần đây, một xu hướng làm phim ma, kinh dị mới đang nở rộ ở xứ sở kim chi. Thay vì khiến khán giả sợ xanh mặt, các nhà làm phim đã thay thế yếu tố kinh sợ bằng sự hài hước, thú vị giúp người xem có cảm giác thoải mái khi thưởng thức. Vẫn là những truyền thuyết dân gian đó nhưng khi lên phim với những nhân vật năng động và hài hước, câu chuyện trở nên sống động, thú vị hơn, các bóng ma không còn là nỗi ám ảnh với người xem nữa.
Poster phim Arang and the Magistrate có sự tham gia
của Shin Min Ah và Lee Jun Ki.
Và xu hướng này có vẻ như khá hiệu quả trong vịêc làm dịu đi cái oi bức của mùa hè. Đó là trường hợp của bộ phim kinh dị giả tưởng Arang and the Magistrate của đài MBC đang phát sóng. Phim dựa trên câu chuyện dân gian nổi tiếng của Hàn Quốc kể về ma nữ tên Arang quay trở về trần gian để tìm hiểu về cái chết oan uổng của mình cùng với sự giúp đỡ của một người đàn ông có thể nhìn thấy ma.
Truyền thuyết ban đầu là hình ảnh ma nữ Arang đáng sợ, đầy ai oán, trong khi đó với Arang and the Magistrate, câu chuyện được khai thác theo hướng tích cực hơn. Nhân vật Arang do nữ diễn viên Shin Min Ah thủ vai là người vô tư, nhí nhảnh, muốn bắt kẻ giết mình và tìm kiếm hạnh phúc riêng cho bản thân.
Poster The Thousandth Man
Tương tự như thế, sitcom giả tưởng The Thousandth Man mới lên sóng biến đổi nhân vật trung tâm là hồ ly 9 đuôi Gumiho từ một sinh vật khao khát máu, sống dựa vào việc ăn gan của con người trở nên khao khát một tình yêu đích thực.
Năm 2010, đài SBS cũng lên sóng tác phẩm tình cảm hài hước My Girlfriend is a Gumiho mà trong đó, cô nàng hồ ly 9 đuôi được Shin Min Ah thể hiện vô cùng đáng yêu, được khán giả yêu mến.
Một bộ phim gần đây cũng nói về ma nữ là Don't Worry, I'm a Ghost của đài KBS kể về cô gái đáng yêu Kim Yeon Hwa không may qua đời sớm rồi trở thành hồn ma do nữ diễn viên Park Shin Hye đóng. Kim Yeon Hwa luôn tràn trề sức sống, thậm chí đôi khi quên mất rằng mình là ma nữ.
Nhân vật ma nữ đáng yêu của Park Shin Hye.
Việc làm thay đổi hình ảnh đáng sợ của ma nữ trở nên thú vị, đáng yêu đã khiến các khán giả truyền hình không còn cảm thấy họ đáng sợ nữa. Điều này được giới chuyên môn đánh giá cao.
“Khán giả Hàn Quốc ngày nay có thể xem rất nhiều phim, bao gồm cả phim truyền hình Mỹ nhiều thể loại kinh dị và máu me” - nhà phê bình Gong Hee Jung nói. “Bởi vậy, người xem cảm thấy chán nản khi những bộ phim này mặc dù đã được các đài phát sóng xem xét và chỉnh sửa sao cho mức độ kinh dị vừa phải”, ông khẳng định thêm.
Kang Cheol Woo – đạo diễn của sitcom The Thousandth Man cũng đồng tình với ý kiến này: “Kỷ nguyên con ma tóc dài truyền thống đã hết”. Lời nói của Kang Cheol Woo có cơ sở bởi điều kiện sản xuất của những bộ phim ma cổ hủ nay đã phiền hà hơn vì chi phí trang phục và hiệu ứng kỹ xảo tốn kém. Thêm vào đó, chi phí cao nhưng tỷ suất xem đài (rating) thấp khiến bộ phim không thể thu hút được nhiều nhà tài trợ, quảng cáo.
Những ma nữ, sinh vật kỳ dị của màn ảnh nhỏ xứ Hàn
giờ đã bớt ghê rợn hơn.
“Những phim kinh dị thường làm dựa theo lịch sử hoặc có chứa các hình ảnh tiêu cực, vì lý do này, các nhà tài trợ khi bỏ tiền thường có thái độ không thoải mái” - Gong Hee Jung nói tiếp.
Nhà làm phim Kim Jin Man nói thêm: “Với Arang and the Magistrate, thật khó để tìm nhà tài trợ vì nó là phim lịch sử nhưng cuối cùng đã thu hút được rất nhiều nhãn hàng không kém gì những bộ phim truyền hình nổi tiếng khác”. Kể từ khi lên sóng, rating của Arang and the Magistrate liên tục tăng cao lên 16%.
Một cảnh trong The Thousandth Man - một bộ phim dựa
theo truyền thuyết hồ ly 9 đuôi
Việc đưa một câu chuyện kinh dị trở nên thú vị không hề dễ dàng, các nhà làm phim phải tìm cách để cốt truyện có phần mới mẻ, chất hài hước nhẹ nhàng. Ví dụ như Arang and the Magistrate, chi tiết nhân vật Arang mất trí nhớ khi trở thành ma khiến bộ phim hấp dẫn hơn.
Còn về The Thousandth Man, “Tất cả mọi người đều biết Gumiho muốn hại người. Để phá vỡ thành kiến ấy, nhân vật Goo Ji Min được xây dựng để cho mọi người thấy rằng: mặc dù cô không giống người bình thường nhưng cô ấy vẫn có thể yêu” – đạo diễn Kang kết luận.
(Theo 2sao)