Phim tài liệu – sáu mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

(TGĐA) - Có thể nói, nếu sắp xếp những bộ phim tài liệu do người Việt sản xuất từ khi điện ảnh du nhập vào nước ta đến nay, chúng ta có một một tập đại thành khổng lồ phim tài liệu. Tập đại thành ngọn núi khổng lồ này có thể phân chia thành những ngọn núi lớn khác mang tên Sử thi. Sử thi phim về các đề tài Chiến tranh, Lao động, Chính luận, Chân dung, Tiểu sử... và bây giờ thêm thể loại mới là Ký sự hay Du ký.

Lm_phim_ti_liu_ti_chin_trng

Làm phim tài liệu tại chiến trường

Con đường của phim tài liệu khởi đầu không hề suôn sẻ. Những chặng đường tiếp theo của nó cũng bị đứt đoạn nhiều lần. Song càng về sau, ý thức làm phim tài liệu của các nghệ sỹ ngày càng mạnh mẽ và thiết thực. Nguyên nhân do thực tế cuộc sống và nhu cầu của công chúng.

Trở lại những bước đi ban đầu của phim tài liệu. Ngay từ năm 1926, ông chủ hiệu ảnh Hương Ký ở Hà Nội là Nguyễn Lan Hương đã tự mình quay những bộ phim tài liệu đầu tiên nhằm ghi lại những sự kiện quan trọng. Năm đó, ông đã quay hai phim là Đám tang Vua Khải ĐịnhLễ Tấn tôn Đức vua Bảo Đại. Rất tiếc, người viết bài này đã liên hệ với những người thân của ông Nguyễn Lan Hương, hiện sổng ở Đắc Lắc, nhưng họ cho biết là không lưu giữ được những bộ phim đó và nhiều phim khác.

Phim_Trn_Mc_Ha_nm_1946

Phim Trận Mộc Hóa năm 1946

Rồi những thập niên 30 và 40 trôi qua, lịch sử điện ảnh nước ta vắng bóng phim tài liệu. Những thập niên đó, người Việt, ở cả hai miền, đều tập trung làm phim truyện. Mãi đến năm 1948, những nghệ sỹ - chiến sỹ điện ảnh ở Nam bộ mới khởi động lại làn sóng làm phim tài liệu ở Khu 7, khu 8 và khu 9 với bộ phim trình làng nhan đề Trận Mộc Hóa. Và sau đó, hàng chục bộ phim tài liệu đã ra đời trong vùng sông nước bưng biền.

Trước đó, vào năm 1946, những người Việt Kiều ở Pháp đã lập nhóm Điện ảnh mang tên ''Sao Vàng'' , quay một số phim tài liệu như Hồ Chủ tịch tại Pháp, Phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Pháp...Những thước phim đó đã tỏa ra nguồn sức mạnh lớn lao trong việc tuyên truyền.

Trên núi rừng Việt Bắc, những nghệ sỹ cũng ngày đêm bám sát dấu chân anh Vệ quốc. Họ đã quay được những thước phim vô cùng quý giá. Và những thước phim ấy đã khiêm tốn góp phần để đạo diễn Nga Roman Carmen làm nên bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi và một số pjhim tài liệu khác của bạn bè quốc tế.. Mãi đến năm 1953, với những hình ảnh quay được trong kháng chiến, những nghệ sỹ đó mới mạnh dạn dựng thành bộ phim tài liệu có nhan đề rất chất phác là Giữ làng giữ nước.

Nh_quay_phim_Ma_Cng_b_thng_trong_khi_lm_nhim_v

Nhà quay phim Ma Cường bị thương trong khi làm nhiệm vụ

Những bước đi đầu tiên khiêm nhường như vậy có nhiều lý do. Một lý do quan trọng nhất là chúng ta thiếu nhân lực và vật liệu. Những người làm phim tài liệu đầu tiên đến với nghề đều do lòng yêu điện ảnh. Có tình yêu, họ mới tự học. Mà tài liệu để tự học đâu có nhiều. Tôi đã thấy hai tập sách dạy làm phim tiếng Pháp đã ngả màu nhan đề ''Amater'' ở trong nhà một nghệ sỹ bưng biền.Ông vẫn để ngay ngắn trên bàn. Cuốn sách ấy có mùi bom đạn, có mùi sình lầy và cỏ cây, mùi mồ hôi và mùi tình yêu. Cũng may mà cuốn sách đó bìa cứng. Ôi những cuốn Kinh Thánh đầu tiên của nghề! Tôi cũng được nghe ông Khánh Dư kể về những ngày đeo máy quay phim hành quân chống Pháp. Chiếc máy quay phim hồi đó còn quý hơn sinh mạng của chính mình. Ông Khánh Dư kể chuyện hết sức thản nhiên. Hàm răng đượm khói thuốc lào của ông cười rất hiền về những lần hút chết. Bao nhiêu người có cuộc đời tương tự như ông!

Nh_quay_phim_Nguyn_Th_chng_nng_sau_khi_b_thng_ti_chin_trng

Nhà quay phim Nguyễn Thụ chống nạng sau khi bị thương tại chiến trường

''Sức nén càng chặt, sức bật càng căng'' - điều đó như một chân lý. Sau những bước dò dẫm ban đầu, những người làm phim tài liệu ào vào cuộc sống mới ở miền Bắc, ra trận cùng các chiến sỹ ở miền Nam. Nhưng thước phim họ quay, những bộ phim họ làm đã tiếp thêm những nguồn sinh lực, nguồn năng lượng vĩ đại cho hàng triệu đồng bào. Những đơn vị làm phim như Xưởng phim Tài liệu, Điện ảnh Quân đội, Xưởng phim Giải phóng...như những người thu ký dũng cảm và chân thực, ghi lại kịp thời những trang sử vô giá của đời sống và chiến đấu của quân dân hai miền. Hơn 200 liệt sỹ Điện ảnh đã ngã xuống chiến trường! Con số đó là minh chứng cao cả về sự hy sinh vĩ đại của những người lính Tài liệu. Đọc danh sách hơn 200 con người vĩ đại ấy, tôi chợt dừng lại tên một người con gái. Cô ấy mới 21 tuổi. Mãi mãi 21 tuổi! Bao nhiêu câu hỏi bình thường về đời sống bình thường của một con người bình thường vang lên trong đầu mà tôi không dám hỏi cô - Người Anh Hùng - Người Chị của tôi!

Quay_phim_chin_dch_ng_9_-_Nam_Lo

Quay phim chiến dịch đường 9 - Nam Lào

Làm sao tôi có thể kể hết tên những người làm phim tài liệu? Làm sao tôi có thể kể hết những bộ phim họ quay? Những người nghệ sỹ ấy sinh ra để theo cái nghề làm đẹp cho tâm hồn con người. Họ đưa lên màn ảnh bao con người dũng cảm, bao hình ảnh đẹp đẽ và hào hùng, nhưng người xem có bao giờ nhìn thấy mặt họ đâu. May ra chỉ có những dòng tên chạy cuối phim. Thì lúc ấy đèn đã bật sáng, mọi người đứng dậy ra về. Chỉ một vài người đọc những dòng tên đó thôi. Nhưng có hề chi. Họ vẫn lên đường. Làm phịm là hơi thở của họ.

Làm sao tôi có thể đi hết những chặng dường mà những người làm phim tài liệu đã đi qua? Ai đi lại Khu 8, khu 9? Ai đi lại núi rừng Việt Bắc? Ai đi lại những con đường Trường Sơn? Những con đường trên biển, trên sông? Những con đường cheo leo biên giới, hải đảo. Những con đường heo hút xứ người?

Ước có một ngày, những người làm phim tài liệu gặp lại nhau, dưới một mái nhà. Họ nói gì với nhau? Dù họ nói những chuyện gì đi chăng nữa, nhưng tôi tin chắc rằng, họ không nói nhiều và cũng không nói to như những người anh em bên phim truyện. Bởi đặc trưng cái nghề của họ là Chân thực và Trung thực. Bởi tôi đã thấy ông Nguyễn Thế Đoàn ít nói ra sao. Và tôi đã thấy ông Trương Thành Hỷ khiêm nhường thế nào ở một Đại hội Điện ảnh.

Tôi muốn nói nhiều về họ, về nghề của họ, cả những mặt rực sáng và những chướng ngại cần phải vượt qua. Nhưng hôm nay là ngày vui của ngành. Hãy để những nghệ sỹ làm phim tài liệu vui chung với đại gia đình những người làm phim. Và sau mươi năm ấy, có thể là gần 100 năm ấy, biết bao nhiêu tình, biết bao nhiêu nghĩa. Ngoài những tên tuổi thành danh trong chiến tranh như đã kể trên, con đường của phim tài liệu ngày càng rộng mở và kéo dài với những tên tuổi như TFS, Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Đà Nẵng, Cần Thơ, truyền hình An ninh v.v....

Và tôi tin, theo con đường của họ, rất nhiều bạn trẻ đang tiếp sức. Và họ sẽ bước qua biên giới, mang phim tài liệu ''Made in Vietnam'' hội nhập toàn cầu.

Phụng Công