(TGĐA) - Trong chương trình Kính đa chiều, nhạc sĩ Nguyễn Quang bật mí những thủ thuật hòa âm phối khí, giúp tôn lên ưu điểm trong chất giọng của một ca sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Chương trình bị chê thì lỗi đầu tiên thuộc về Giám đốc âm nhạc | |
Danh ca Ý Lan tri ân khán giả với hơn 30 ca khúc trong đêm nhạc |
Nhạc sĩ Nguyễn Quang không chỉ được biết đến là con trai của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà còn nổi tiếng với vai trò là “phù thủy âm nhạc”, người đứng sau nhiều chương trình âm nhạc đình đám trong và ngoài nước. Góp mặt trong chương trình Kính đa chiều mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Quang có những chia sẻ sâu sắc về công việc của một người làm hòa âm phối khí, một công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tận tâm đến từng chi tiết.
Để hòa âm của một bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Quang thường nghiên cứu kỹ nhạc phẩm để khúc để tìm ra tinh thần cốt lõi để truyền tải cảm xúc đến khán giả. Khi đã hiểu rõ nội dung và thông điệp của bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Quang tiếp tục tìm ca sĩ phù hợp để thể hiện ca khúc. Nam nhạc sĩ ví công việc này như một nhà thiết kế chọn người mặc sau khi may một chiếc váy có chất liệu đẹp, nhằm tôn vinh ưu điểm và che đi nhược điểm.
Nhạc sĩ hòa âm cũng tương tự như vậy, khi làm bản phối sao cho tôn lên chất giọng sở trường của ca sĩ và bài hát, cũng như dùng những thủ thuật âm nhạc để che đi những khuyết điểm trong giọng hát của người thể hiện. Chẳng hạn như với một giọng hát hay nhưng có làn hơi ngắn thì nhạc sĩ hòa âm phải dùng thủ thuật thêm nhạc cụ hoặc tạo một dòng nhạc để dẫn dắt, làm cầu nối để ca sĩ hát những câu tiếp theo mà khán giả không hề nhận ra.
Ngoài ra, một bản hòa âm tốt còn phải được sắp xếp ngăn nắp, tức nhạc sĩ hòa âm phải tính toán đến thời gian nghỉ và thở cho ca sĩ trong những đoạn nhạc nhanh. Khi đó, nhạc sĩ hòa âm phải tăng thêm 1 hoặc 2 ô nhịp để ca sĩ có kịp thời gian để lấy hơi và che lấp hơi thở nhằm không gây cảm giác hụt hẫng cho người nghe. Để làm được điều này, đòi hỏi nhạc sĩ hòa âm phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng về bài hát, từ giai điệu đến ca từ và cả chất giọng của ca sĩ biểu diễn.
Từ việc nghiên cứu ca khúc, nhạc sĩ hòa âm có thể kết hợp các nhạc cụ phù hợp để gợi cảm xúc cho người nghe. Nhạc sĩ Nguyễn Quang ví người hòa âm như một đạo diễn phim khi chọn lựa vai chính và các vai phụ thì nhạc sĩ hòa âm cũng phải chọn nhạc cụ chính và phụ để tạo sự hài hòa cho tổng thể âm nhạc.
Chẳng hạn như khi hòa âm bài hát về tình yêu cao nguyên có thể kết hợp cùng tiếng kèn đặc trưng của vùng cao và các nhạc cụ phụ để tạo sự đối đáp, gợi hình ảnh áng mây bay qua núi, một nhành cây hay một chú chim… Ngược lại nếu muốn diễn tả sa mạc rộng lớn mênh mông thì có dùng tiếng sáo bay bổng, du dương. Nếu trong trường hợp này sử dụng đàn cello thì sẽ phản tác dụng, vì tiếng đàn gợi sự trầm buồn.
Qua ví dụ của nhạc sĩ Nguyễn Quang có thể thấy tác dụng quan trọng của nhạc cụ trong việc hòa âm phối khí cho một bài hát. Đây cũng là “phép màu” giúp nhạc sĩ hòa âm biến âm nhạc thành một câu chuyện đầy cảm xúc, có thể hình dung rõ ràng.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, việc hòa âm trở nên dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn. Theo nam nhạc sĩ, ngày xưa khi mới bắt đầu làm hòa âm phối khí, anh chỉ tưởng tượng trong đầu và gói gọn trên từng tờ giấy và nốt nhạc. Từ những năm 2000 trở đi, máy tính và công nghệ mới giúp nhạc sĩ có thể nghe lại những gì bản thân đã sáng tạo, giúp nhạc sĩ kiểm chứng và điều chỉnh ý tưởng để đạt kết quả như ý muốn.
Kính đa chiều chủ đề tiếp theo Áp lực cho ca sĩ trẻ với sự tham gia của host Lê Hoàng và danh ca Ngọc Ánh sẽ được phát sóng vào lúc 20h00 ngày 26/11 trên kênh VTV9.
Danh ca Ý Lan tri ân khán giả với hơn 30 ca khúc trong đêm nhạc (TGĐA) - Trở lại Việt Nam sau hơn 3 năm, đêm diễn tại Sky Lounge ... |
Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Chương trình bị chê thì lỗi đầu tiên thuộc về Giám đốc âm nhạc (TGĐA) - Trong chương trình Kính đa chiều, nhạc sĩ Nguyễn Quang khẳng định một ... |
Mi Ty