(TGĐA) - 'Chiêu trò' tạo cao trào có thể giúp gameshow truyền hình tăng thêm sức cạnh tranh lại các nền tảng để lôi kéo khán giả, nhưng việc dàn dựng drama kệch cỡm, lố lăng càng khiến khán giả thêm chán ngán, sẵn sàng quay lưng.
Gameshow hot nhất mùa hè 2023: 'Rap Việt' và 'Người ấy là ai' giữ vững phong độ, tân binh 'Hành trình rực rỡ' độc đáo | |
Khả Như 'thu phục' thêm nhiều fan qua gameshow |
Sau thời gian vắng bóng, gần đây, loạt gameshow đình đám đang trở lại sóng truyền hình như The Face, Rap Việt, Người ấy là ai... Tuy nhiên, thay vì được đón nhận nồng nhiệt, các chương trình này liên tục bị khán giả phản ứng vì những hạt sạn lớn.
Thí sinh lu mờ trước drama nhố nhăng của 'thầy'
Chương trình The Face Vietnam trở lại sau 5 năm vắng bóng đang bị khán giả phản ứng ngay từ tập đầu tiên lên sóng vì có màn tranh cãi gay gắt xoay quanh... chỗ đứng của huấn luyện viên. Cặp Minh Triệu - Kỳ Duyên thậm chí còn đòi bỏ quay nếu không được đứng cạnh nhau chụp ảnh.
Dù nhà sản xuất khẳng định tình huống này xảy ra bất ngờ, không sắp đặt nhưng việc đưa lên sóng với góc quay cận cảnh biểu cảm của từng huấn luyện viên cho thấy rõ mục đích dùng drama để câu view. Phần tranh cãi được phát sóng cũng kéo dài lê thê, chiếm khá nhiều thời lượng chương trình, dù nó không hề nêu bật chất lượng thí sinh. Thậm chí, nhà sản xuất còn sắp xếp phỏng vấn riêng từng huấn luyện viên sau tranh cãi để tăng thêm kịch tính, rồi tung nhiều video trên các nền tảng. Với khán giả, việc phải xem tranh cãi kéo dài hàng chục phút, với những câu nói lặp lại từ các nhân vật khiến nhiều người chán nản, phát ngấy và cảm thấy mất thời gian.
Tới tập The Face tiếp theo lên sóng, người mẫu Vũ Thu Phương lại tiếp tục gây tranh cãi bằng những "chiêu trò" tạo sóng gió. Cô thậm chí còn khóc lóc, chất vấn Nam Trung vì cho rằng đội mình bị đối xử bất công khi phải quay hình trước. Vũ Thu Phương liên tục gây hấn, kèn cựa và tỏ thái độ gay gắt với những huấn luyện viên còn lại.
Trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi với tính thưởng thức ngắn (chỉ một clip 1 phút cũng tóm gọn được nhiều thông tin trong đó), khán giả sẽ không đủ kiên nhẫn để xem một chi tiết tranh cãi nhỏ kéo dài, bôi ra đến hàng chục phút trên sóng truyền hình. Rõ ràng, với cách làm lỗi thời và lặp lại như vậy, gameshow truyền hình đang tự đánh mất khán giả của mình, khiến công chúng cảm thấy bị coi thường.
Điều đáng nói là những chi tiết drama này xuất hiện quá nhiều trong một tập lên sóng, khiến khán giả bị bội thực và phải tự hỏi đang xem drama hay xem một cuộc thi về người mẫu. Một số người còn nói đùa rằng, kiếm một tập The Face không drama, chỉ tập trung chuyên môn còn khó hơn những tập có tranh cãi.
Chưa dừng lại, một số khán giả còn cho rằng hành động, ứng xử của các huấn luyện viên tại The Face thật sự thiếu chuyên nghiệp, làm xấu đi hình ảnh người mẫu trong mắt công chúng.
Không thể phủ nhận nỗ lực của các nhà sản xuất gameshow truyền hình trong việc tạo nên kịch bản hấp dẫn để níu chân khán giả trong thời buổi cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng mạng xã hội. Tranh luận là cần thiết tại các cuộc thi mang tính đối kháng, nhưng chỉ nên dừng ở chuyên môn. Không nên sa đà vào tranh cãi những tiểu tiết bên lề, lấy huấn luyện viên (là những người nổi tiếng) ra câu view, át hết sự hiện diện của thí sinh.
Sai lệch về kiến thức, sạn lớn của gameshow truyền hình
Gần đây, nhiều gameshow tỏ ra hời hợt về kiến thức, từ kiến thức chuyên môn đến kiến thức phổ quát, tạo nên nhiều hạt sạn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng chương trình.
Chẳng hạn, ngay ở tập đầu chương trình Người ấy là ai mùa 5, MC Trấn Thành gây tranh cãi trước phát ngôn về một khách mời chuyển giới bị khán giả phản ứng mạnh. Sự việc buộc ê-kíp Người ấy là ai đã chia sẻ lên Fanpage chính thức của chương trình lời xin lỗi khán giả và khách mời. Cụ thể, phía ê-kíp cho biết: "Do sơ suất trong khâu biên tập, ở tập 1 của chương trình, chi tiết nhân vật NPAK nói về nguồn gốc vết sẹo trên cánh tay chưa được truyền tải theo đúng nội dung nhân vật chia sẻ. Chúng tôi chân thành cáo lỗi NPAK cùng quý khán giả". Sau lời xin lỗi này, phần phụ đề và đoạn phát biểu gây tranh cãi của Trấn Thành cũng được ê-kíp xử lý, cắt bỏ ở tập 1 của chương trình đăng tải lên các phương tiện mạng xã hội như Facebook, YouTube...
Tiếp đó, chương trình Rap Việt cũng bị chỉ trích vì phần biểu diễn của thí sinh Dubbie (Khương Lê) khiến khán giả bất bình. Hiện trên các nền tảng online của chương trình, đoạn rap nhạy cảm đã bị cắt bỏ. Sự việc khiến công chúng yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong khâu kiểm duyệt nội dung trước khi đưa lên sóng.
Thí sinh Rap Việt gây tranh cãi vì lời rap |
Nhiều bình luận ngán ngẩm: "Drama quá lố, huấn luyện viên quá ồn ào", "Gameshow bây giờ quá nhiều, nhưng văn minh không cao. Trước những chiêu trò thiếu văn minh, hổng kiến thức, con trẻ xem cùng cha mẹ sẽ suy nghĩ như thế nào, không ai đoán được", "Nghệ sĩ không phải ai cũng có ý thức giữ gìn hình ảnh. Tôi thực sự lo lắng trước một bộ phận người trẻ cho rằng như thế là hay ho"...
Từ thực tế phản ánh có thể thấy nhiều chương trình, gameshow giải trí ở nước ta không thiếu sự nhố nhăng. Điều này đã và đang làm khán giả bức xúc, mất dần cảm tình đối với các chương trình giải trí trên sóng truyền hình. Nhiều khán giả thẳng thắn kêu gọi tẩy chay chương trình, yêu cầu nhà đài nên kiểm duyệt, biên tập kỹ nội dung, hình ảnh trước khi phát sóng. Nếu không, chương trình, gameshow giải trí truyền hình bị khán giả quay lưng chỉ là vấn đề thời gian.
Gameshow hot nhất mùa hè 2023: 'Rap Việt' và 'Người ấy là ai' giữ vững phong độ, tân binh 'Hành trình rực rỡ' độc đáo | |
Khả Như 'thu phục' thêm nhiều fan qua gameshow |
Theo Thanh niên