(TGĐA) - Trong 50 năm qua, Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng đã phấn đấu không ngừng nghỉ, thường xuyên có mặt tại nhiều điểm khó khăn, gian khổ, miền đất xa xôi của Tổ Quốc, đem ánh sáng của Đảng đến với chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đơn vị, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ, tâm sự về nghề của những quân nhân đang hăng say làm việc trong thời bình để kịp thời mang đến cho khán giả cả nước những thước phim chân thực nhất về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ nơi hải đảo biên giới.
Đạo diễn, biên tập Nguyễn Minh Tùng
Ngay từ những ngày đầu thành lập, dù lực lượng còn non trẻ về chuyên môn, nghiệp vụ, phương tiện tác nghiệp thiếu thốn nhưng những cán bộ phóng viên của Điện ảnh Biên phòng đã vượt lên trên tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội chiếu bóng với 20 phân đội tác chiến độc lập vừa tự sửa chữa máy móc, phim ảnh, vừa cơ động có mặt khắp các địa bàn, trận địa cả ngày lẫn đêm để phục vụ đồng bào và các chiến sĩ trên trận tuyến chống quân thù.
Đạo diễn - Biên tập Nguyễn Minh Tùng (giữa) trong một chuyến công tác cùng các đồng nghiệp ĐA-TH BĐBP |
50 năm là một dấu ấn đặc biệt để nhắc nhớ cho tôi về những năm tháng công tác đã qua. Tôi hy vọng rằng những năm tiếp theo Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, có nhiều tác phẩm hay để xứng đáng với truyền thống lịch sử Điện ảnh Biên phòng trong 50 năm qua.
Mỗi chuyến đi công tác với tôi là một kỷ niệm vì đã là phóng viên Bộ đội Biên phòng thì nơi tác nghiệp đều rất xa xôi, hẻo lánh, nơi “sơn cùng thủy tận” của đất nước. Đến nơi ấy, gặp những hoàn cảnh khó khăn của bà con, của chiến sĩ biên giới khiến tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn với những công việc mình làm.
Đến với Là Si là bộ phim tôi tâm đắc nhất bởi khi phim được phát sóng trên kênh VTV1 cả tỉnh Lai Châu đều rất xúc động, bộ phim giúp cho khán giả cả nước hiểu hơn về đời sống khó khăn của bà con nơi đây, đối với chúng ta củ mài được coi là đặc sản, nhưng với họ đó là bữa ăn hàng ngày, ăn để duy trì sự sống. Đứng trên cương vị là một đạo diễn, nhiệm vụ của tôi là phản ánh đúng sự thực về đời sống của các chiến sĩ, đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Dựng phim Hoàng Thị Thanh Hoa
Những ngày đầu bước sang năm 2018, tất cả các anh chị em trong đơn vị đều hồi hộp mong chờ đến ngày kỷ niệm như ngày sinh nhật của mình vậy. Đây là dịp để chúng tôi được gặp lại các cô chú thế hệ trước của Điện ảnh Biên phòng. Trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi luôn phấn đấu, làm việc hết mình để các cô chú đi trước thấy đội ngũ kế cận mình đã cố gắng như thế nào để đưa đơn vị ngày càng phát triển.
Dựng phim Hoàng Thị Thanh Hoa |
Tôi về công tác tại Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng đã 15 năm. Lúc đó tôi trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề. Tôi được bác Cốc, cô Phong, chú Oa, chú Bình, chú Hòa, chú Thanh, chú Trung chỉ dạy nhiều điều, đó là thầy cô giáo giúp tôi trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống. Sắp đến ngày kỉ niệm 50 năm thành lập đơn vị, những kỉ niệm đó lại ùa về. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được là thành viên của ngôi nhà Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng. Được khoác trên mình bộ màu xanh áo lính, quân hàm màu xanh trên vai. Để tôi thấy tự hào hơn với truyền thống 50 của đơn vị.
Trước đây đơn vị làm điện ảnh, đến nay được bổ sung thêm nhiệm vụ truyền hình để kịp thời phản ánh các hoạt động của Bộ đội Biên phòng trên cả nước đến với khán giả nhanh nhất. Tôi là một trong số ít cán bộ kế tiếp từ thế hệ trước làm điện ảnh, được cùng cô chú làm phim tài liệu nhựa, đó là phim nhựa dựng trên công nghệ số. Vừa tìm tòi học hỏi cùng bộ phim đó tôi đã có mảnh đất màu mỡ để làm nghề, cho đến thời điểm hiện tại khi làm truyền hình chúng tôi luôn cố gắng trong tác phẩm vẫn có chất của điện ảnh với những khuôn hình góc máy được tính toán. Những năm gần đây khi khoa học kĩ thuật phát triển, đơn vị được đầu tư trang thiết bị mới và chúng tôi có nhiều cơ hội sử dụng kĩ xảo mang đến những tác phẩm hấp dẫn hơn cho khán giả.
Thời gian trước, sản xuất hậu kỳ thường chỉ làm tại đơn vị nhưng hiện nay với đặc thù của truyền hình cần nhất sự nhanh nhạy kịp thời như những chương trình trực tiếp, diễn tập vì thế chúng tôi được lập thành ekip đầy đủ để lên biên giới sản xuất trực tiếp ngay tại hiện trường. Như các chương trình giao lưu với các nước láng giềng hay diễn tập ở biên phòng các tỉnh. Dù sản xuất phim tại hiện trường hay ở đơn vị chúng tôi đều phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một tác phẩm truyền hình.
Bất kể khi đã cầm máy quay, với tôi thước phim nào cũng đều ấn tượng cả |
Chuyến đi Tây Nguyên trùng với lịch nghỉ lễ lớn 30/4 – 1/5 chính là chuyến công tác khiến tôi gặp nhiều áp lực nhất và cũng vỡ òa cảm xúc nhất. Mới đầu, chúng tôi xác định đi một tuần nhưng do thời tiết thay đổi khiến chuyến công tác bị kéo dài hơn, thêm vào đó là kịch bản thay đổi theo giờ khiến tôi cảm thấy rất lo lắng. Nhưng khi nhìn vào gương, thấy mình đang mang quân hàm xanh trên vai thì mọi lo sợ đều tan biến. Tôi như có thêm sức mạnh, càng khó khăn mình sẽ cố gắng để vượt qua. Khi đó chúng tôi phải kết hợp cùng các bộ phận khác để phát sóng trực tiếp một chương trình lớn của Bộ Quốc Phòng, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả ekip. Tất cả anh em chúng tôi rất lo lắng nhưng đến khi chương trình kết thúc và được sếp động viên, anh em chúng tôi như vỡ òa vì hạnh phúc.
Đó là công việc của tôi – nữ quân nhân Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng. Nghề có vất vả đó nhưng chỉ cần bạn có niềm đam mê tôi tin chắc rằng dù có khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua được hết.
Quay phim Phạm Ngọc Anh
Trong không khí hân hoan đón mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng, tôi và đoàn viên thanh niên đơn vị cảm thấy rất vinh dự và tự hào về những thành quả, những đóng góp của đơn vị vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Thế hệ trẻ chúng tôi tự hào là những người đang và sẽ viết tiếp trang sử 50 năm truyền thống của Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng. Chúng tôi luôn ý thức được rằng, những thành quả mà chúng tôi kế thừa ngày hôm nay là công sức, mồ hôi, trí tuệ của các thế hệ đi trước đã gầy công dựng xây, tạo lập nên.
QP Phạm Ngọc Anh (đầu tiên từ trái qua) trong một chuyến công tác biên giới |
Với chuyên môn là phóng viên quay phim nhưng đặc thù công việc trong lực lượng vũ trang của chúng tôi thì một người phải giỏi một việc và biết nhiều việc. Khi đi công tác xa, dài ngày làm những sự kiện nóng hổi thì thường một phóng viên phải vừa quay, vừa biên tập, vừa dựng phim, đảm bảo thời gian phát sóng, lúc đó trong chúng tôi ai cũng cảm thấy rất bận rộn, khẩn trương nhưng đó là những khoảnh khắc cảm thấy rất quý giá, khi những tin bài của mình được phát sóng.
Năm 2010 tôi được đơn vị cử đi quay hoạt động của đoàn công tác Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng vào bản Là Si thuộc xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khánh thành Mái ấm biên cương cho bà con dân tộc người La Hủ. Chúng tôi đi bộ 6 tiếng mới đến được bản. Trên đường hành quân mong muốn ghi lại những cảnh gian khổ của cán bộ chiến sĩ tham gia, khi đi qua một con suối tôi có ngồi ở dưới suối quay cảnh mọi người đi qua, do mải quay phim không chú ý nước lũ chảy về khiến tôi bị đẩy đi một đoạn, lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng phải bảo vệ máy quay và kêu mọi người giúp đỡ. May mắn có một đồng nghiệp đã đuổi theo cầm máy và kéo tôi lên. Đó thật sự là kỷ niệm không thể quên và là kinh nghiệm của tôi trong những chuyến đi tác nghiệp sau này.
Với đặc thù công việc vừa làm phóng viên vừa làm người lính thì chuyện đi công tác dài ngày hoặc vào những ngày lễ, Tết là công việc bình thường của chúng tôi. Sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đó là mệnh lệnh đã ăn sâu vào tiềm thức của những người lính. Chuyến tác nghiệp tại Tây Nguyên vừa rồi đơn vị có cử tôi cùng với một chị đồng nghiệp chuyên môn dựng phim tham gia. Đây là chương trình Diễn tập điểm của Bộ Quốc Phòng liên quan đến các sở, ban ngành cũng như quần chúng nhân dân của tỉnh Gia Lai, mà thời gian từ ngày chuẩn bị đến ngày diễn thật thì chỉ có 20 ngày, hai chị em chúng tôi đã phối hợp cùng với anh em cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng Gia Lai, Lữ đoàn thông tin 132 bám nắm thao trường tổ chức ghi hình, bố trí máy quay để làm truyền hình trực tiếp. 20 ngày trên thao trường gian khổ có, buồn vui có sau khi chương trình Diễn tập kết thúc tốt đẹp ê kíp chúng tôi đã ôm trầm lấy nhau, có người cười có người xúc động vì chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quay phim Cao Quốc Việt
Được công tác tại đơn vị có truyền thống 50 năm, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào. 50 năm là chặng đường dài, nơi các thế hệ đi trước của chúng tôi đã cống hiến rất nhiều trong những thời kỳ gian khó nhất để giữ vững truyền thống chung của đơn vị, đó là bước đệm để chúng tôi tiếp nối. Chúng tôi – những phóng viên đại diện cho thế hệ trẻ của Điện ảnh Biên phòng đang ngày đêm làm việc để tuyên truyền, nói lên tiếng nói của những chiến sĩ biên phòng đang công tác tại mọi miền Tổ quốc.
NQP Cao Quốc Việt |
Còn nhớ lần đầu tiên tôi được đi công tác năm 2008, chúng tôi lên Điện Biên và trong lúc tác nghiệp gặp cơn lũ to. Trên miền núi khi mưa xuống sẽ xảy ra hiện tượng lũ, suối dâng cao nên chúng tôi phải chờ rất lâu mới có thể trở về đơn vị. Thiên nhiên khắc nghiệt càng làm chúng tôi thêm cố gắng để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
Bất kể khi đã cầm máy quay, với tôi thước phim nào cũng đều ấn tượng cả. Duy chỉ có một lần khiến tôi trăn trở suy nghĩ đó là chuyến đi Lai Châu năm 2009 – 2010, chúng tôi đi làm chương trình phản ánh về bộ đội biên phòng giúp nông dân xây dựng mái ấm cho người nghèo, biên giới hải đảo. Phải đi bộ hơn nửa ngày mới đến được địa điểm quay, chúng tôi bỡ ngỡ khi nhìn thấy có 5 cái lán của người La Hủ, nhiệm vụ được giao là phản ánh khó khăn của đồng bào, rõ ràng họ thực sự rất khổ nhưng làm cách nào để thể hiện cái khổ đó bằng hình ảnh. Lúc đó, tôi gặp một cậu bé chừng 3 – 4 tuổi đang hau háu chờ bố mẹ nấu cơm, nói là nấu cơm nhưng thực tình là cho ít gạo vào nấu cháo. Cháo vừa sôi tới, cậu bé liền lấy thìa xúc ăn, về sau đói quá lấy tay và vào miệng. Quay xong cảnh đó tôi rớt nước mắt.
Công tác tại Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng đã mang đến cho tôi rất nhiều thứ, đầu tiên là được đến nhiều vùng miền của đất nước, vào Nam ra Bắc, lên rừng dưới biển. Thứ hai là trải nghiệm và tiếp xúc với văn hóa đa dạng của các vùng miền. Thứ ba, được gặp và làm việc, trao đổi cùng với các đồng chí cán bộ chiến sĩ đồng bào dân tộc, những con người tâm huyết với việc bảo vệ biên giới Tổ Quốc. Thứ tư, được thưởng thức nhiều đặc sản vùng miền, biết được nhiều ngôn ngữ của bà con đồng bào dân tộc.
Các chiến sỹ Biên Phòng khi làm nhiệm vụ |
Thu Hà