(TGĐA Online) - Qua mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, văn học đã cung cấp cho điện ảnh những mẫu hình tượng nhân vật đa dạng, phong phú từ diện mạo lẫn tính cách. Nhiều công trình nghiên cứu, bài viết đi sâu tìm hiểu con người Việt Nam qua các nhân vật trong văn học và điện ảnh ở nhiều phương diện, gắn bó với từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử... Tất cả đã là thông điệp, chất liệu ý nghĩa gợi cho tiến sĩ Phan Bích Thủy trưởng khoa Mác- Lê nin và kiến thức cơ bản - Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện và trở thành tác giả của cuốn sách Từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh. Công trình này vừa được Hội Điện ảnh Việt Nam và Nhà xuất bản Mỹ thuật thực hiện, xuất bản vào cuối tháng 4/2014 vừa qua.
Cuốn sách gồm 316 trang với 7 chương: Phim chuyển thể - mối gắn kết văn học và điện ảnh; Văn học - Điện ảnh và mối quan hệ tương đồng; Văn học - Điện ảnh và mối quan hệ khác biệt; Những yếu tố cơ bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh; Quy trình sản xuất phim chuyển thể điện ảnh; Một số phim truyện chuyển thể tiêu biểu của Điện ảnh Việt nam và Một số thành công - hạn chế của phim truyện chuyển thể Việt Nam. Một công trình tìm hiểu vẻ đẹp từ những trang viết đến hình ảnh trong khuôn hình, đi sâu phân tích quá trình chuyển hóa từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ của hình ảnh và âm thanh, qua đó tác giả muốn rút ra lý giải hữu ích, nhằm góp phần nâng cao nghệ thuật chuyển thể tác phẩm văn học lên màn ảnh trong sáng tác phim truyện điện ảnh hiện nay.
Đối tượng chính là một số cặp tác phẩm văn học và phim truyện chuyển thể tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Pháp như: Một chuyện chép ở bệnh viện và phim Chị Tư Hậu; Truyện ngắn Câu chuyện một bài ca và phim Con chim vành khuyên; Những tác phẩm thời kỳ trong và sau kháng chiến chống Mỹ như: truyện ký Mẹ vắng nhà và phim truyện cùng tên, tiểu thuyết Thời xa vắng và phim cùng tên, tiểu thuyết Bến không chồng và phim cùng tên, truyện ngắn Tướng về hưu và phim cùng tên, truyện ngắn Ba người trên sân ga và phim Đời cát, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm và phim Đừng đốt, truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng và phim cùng tên… Hy vọng qua cuốn sách, tiến sĩ Phan Bích Thủy mong muốn đưa tới khán giả và những ai quan tâm, yêu mến văn học và điện ảnh hiểu biết thêm về công việc của nhà văn và các tác giả điện ảnh trong quá trình sáng tạo tác phẩm cả 2 thể loại, đặc biệt là các phim truyện chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Hồng Liên