Bài ca của sự im lặng – Hơi thở mới của điện ảnh Trung Quốc

(TGĐA) - Cùng với Diva của Hong Kong, Bài ca của sự im lặng (Song of silence) là một trong hai tác phẩm đại diện của nền điện ảnh Hoa ngữ tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2012. Với sự dàn dựng của hai đạo diễn thuộc thế hệ cuối 7X, đầu 8X, cũng như cách lựa chọn đề tài và phong cách thể hiện độc đáo, hai bộ phim được coi là sự phản ánh trọn vẹn về bối cảnh phim ảnh Hoa ngữ những năm gần đây. Trong những ngày liên hoan phim diễn ra tại Hà Nội, nhà sản xuất Lại Nhất Phạn, đại diện của Song of Silence đã dành cho TGĐA cuộc trao đổi ngắn gọn và chân thành chia sẻ về đời sống điện ảnh của Trung Quốc đại lục hiện nay.

i_din_on_lm_phim_Bi_ca_ca_s_im_lng_ln_nhn_thay_gii_thng_N_din_vin_chnh_xut_sc_nht_cho_Yin_Yaning

Đại diện đoàn làm phim Bài ca của sự im lặng lên nhận thay giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Yin Yaning

Song of silence có tên gốc là Dương Mai Châu. Câu chuyện phim tái dựng đời sống khắc khổ của người dân sinh sống tại một khu vực kém phát triển, thuộc địa phận Trường Sa, tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc. Họ là những con người sống dưới đáy của xã hội, giữa lúc nền kinh tế đất nước đang phát triển thịnh vượng và mạnh mẽ. Thông qua việc xây dựng hình tượng nữ nhân vật bị câm bẩm sinh, người đạo diễn như ngụ ý lột tả thân phận thấp hèn của người dân của cả một vùng miền. Sống trong cảnh bần hàn, cơ cực, họ không thể lên tiếng cầu cứu bất cứ một ai, xã hội không mảy may đoái hoài đến họ, thậm chí không ý thức được sự tồn tại của những con người như thế. Đây cũng chính là lý do vì sao, nhà làm phim quyết định lựa chọn Song of silence làm tên tiếng Anh cho phim.

Trần Trác, đạo diễn của Song of silence sinh ra và lớn lên ở Trường Sa, cho nên những nội dung và ý đồ anh phô diễn trong tác phẩm của mình đều bắt nguồn từ đời sống thực tế và trải nghiệm cuộc sống của bản thân anh. Bởi vậy mà phim điện ảnh đầu tay này, trên mọi phương diện, đều được đạo diễn trẻ tuổi thể hiện một cách chân thực nhất, mà cũng bản năng nhất. Với số vốn đầu tư hạn hẹp và sự non trẻ của người đạo diễn, Song of silence khó lòng quy tụ được dàn diễn viên ngôi sao đình đám. Tuy vậy, diễn xuất của những nghệ sỹ không tên tuổi trong phim lại bất ngờ nhận được phản hồi tích cực từ giới làm phim cũng như một bộ phận khán giả. Các chuyên gia điện ảnh tại Mỹ từng không tiếc lời khen ngợi biểu hiện của nữ diễn viên Doãn Nhã Ninh, người đảm nhận vai diễn chính trong phim. Chia sẻ về việc này, nhà sản xuất Lại Nhất Phạn cho biết, đó hoàn toàn là quyết định của đạo diễn Trần Trác. Vì vốn dĩ xuất thân từ miền quê là bối cảnh của phim, Trần Trác mong muốn tìm kiếm được những gương mặt có điểm tương đồng với con người ở mảnh đất này, đồng thời cũng phải bộc lộ một cách tự nhiên nhất nội tâm và nếp sống của họ. Với nội dung sâu sắc, phương thức biểu đạt mang đậm dấu ấn của người trẻ cùng diễn xuất tròn trịa của các diễn viên, Song of silence đã giành được thiện cảm từ phía các nhà làm phim và gặt hái thành công đầu tiên với giải thưởng Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Hong Kong 2012 diễn ra cách đây không lâu. Đến tham dự HANIFF lần này, bộ phim cũng nhận được những đánh giá tốt đẹp của giới báo chí và đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Khi được hỏi về những điểm sáng của bộ phim, nhà sản xuất Lại Nhất Phạn tự tin khẳng định, sức hút lớn nhất của Song of silence nằm ở chính bản thân người đạo diễn. Anh ta vốn dĩ xuất thân không phải dân điện ảnh, mà là một giáo viên, một nhà nghệ thuật. Khi thực hiện bộ phim này, anh ta không những phá vỡ cách làm phim theo lối mòn truyền thống, mà còn đưa vào mạch câu chuyện rất nhiều quan niệm cảm thụ nghệ thuật cá nhân của mình, tạo nên tính đột phá đầy mới lạ cho bộ phim. Ngoài ra, Lại Nhất Phạn cũng đánh giá cao nội dung chứa đựng tính nhân văn mà phim thể hiện, anh nói: “Bên cạnh việc mô tả nền văn hóa của một vùng miền, Song of silence còn khắc họa rõ nét quan niệm truyền thống và đời sống tín ngưỡng của người dân ở đây. Họ cho rằng việc sinh con gái khiến cho gia cảnh trở nên nghèo khổ, nhất là khi những đứa con gái ấy lại bị câm bẩm sinh. Có thể nói, thứ quan niệm cổ hủ này có ảnh hưởng rất sâu sắc tới đời sống của mỗi con người”.

Phim độc lập vẫn chưa có chỗ đứng thực sự

Được dàn dựng bởi đạo diễn trẻ Trần Trác, Song of silence là tác phẩm tiêu biểu của các nhà làm phim độc lập Trung Quốc đại lục. Tương tự như ở Việt Nam, dòng phim độc lập tại thị trường phim ảnh Hoa ngữ hiện nay vẫn chưa tìm được một chỗ đứng thực sự và phải đối diện với hàng tá những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như phát hành. Nói về vấn đề này, nhà sản xuất Lại Nhất Phạn cho biết: “Khó khăn lớn nhất nằm ở khâu kiểm duyệt. Các phim điện ảnh độc lập ở Trung Quốc rất khó được thông qua kiểm duyệt, mà đôi khi kiểm duyệt thành công cũng không có nghĩa là chắc chắn được công chiếu trong nước, mà chỉ được trình chiếu tại một số chương trình nghệ thuật. Vì thế mà các nhà làm phim độc lập như chúng tôi rất hiếm có cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng”. Anh cũng bật mí thêm, bản thân Song of silence trước khi ra mắt người xem cũng từng trải qua những ngày đầu tiên gian nan trong quá trình tìm kiếm nhà tài trợ. Đạo diễn Trần Trác khi ấy đã tìm đến sự hỗ trợ từ người thầy của mình, nhưng cũng chỉ gom góp được vẻn vẹn 700 ngàn NDT. Áp lực nặng nề từng có lúc khiến anh hoang mang, nhưng rốt cuộc, anh vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu nghệ thuật của mình.

poster_phim_Bai_ca_cua_su_im_lang

Trước chủ đề “Điện ảnh châu Á – Thái Bình dương, thống nhát và phát triển” của LHP năm nay, nhà sản xuất Lại Nhất Phạn, với tư cách một nhà làm phim độc lập, luôn đau đáu nghĩ ngợi về hướng đi cho dòng phim này của khu vực, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Mặc dù trong suốt buổi phỏng vấn, anh không ngừng than thở về sự khắt khe của công tác kiểm duyệt điện ảnh tại Trung Quốc, nhưng anh vẫn phần nào tỏ ra lạc quan trước sự thay đổi dần tốt đẹp hơn của bối cảnh làm phim tại đất nước mình. Theo như lời chia sẻ của nhà sản xuất này, trong hai năm trở lại đây, dưới sự ảnh hưởng của phim ảnh nước ngoài, phim độc lập Trung Quốc dần được nới lỏng hơn trong việc kiểm duyệt, các đạo diễn ngày càng có nhiều cơ hội giới thiệu tới người xem những nguồn cảm hứng của mình. Đồng thời, Lại Nhất Phạn cũng nhấn mạnh thêm rằng, công tác hậu kỳ phim với sự hỗ trợ từ một số công ty cũng đang dần được cải thiện, trở thành nhịp cầu đưa phim ảnh đến gần khán giả, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển điện ảnh Trung Hoa.

Không khó khăn gì để nhận ra, sức lan tỏa của phim độc lập ngày càng rộng lớn hơn trong thị trường điện ảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vị thế của nó xem ra vẫn chưa thực sự cân xứng với sự phát triển mạnh mẽ này. Hy vọng, trong một tương lai gần nào đó, ngành điện ảnh của các quốc gia trong khu vực sẽ đưa ra các chính sách thích hợp để tạo ra không gian sáng tạo rộng lớn hơn dành cho những nhà làm phim độc lập trẻ tuổi.

Thùy Dương