Chuyện cái nhà

(TGĐA) - Tôi có thói quen hay quan sát tỉ mỉ kiến trúc nội ngoại thất mỗi khi đến một đất nước, một thành phố hay thậm chí tư gia của một gia đình nào đó. Tôi tuyệt đối cho rằng, ngoài những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết văn hóa sống, thì thứ dễ thấy nhất chính là không gian sống.

Từ những kiến trúc của một cộng đồng

Không gì bộc lộ rõ nét hơn về tính cách, văn hóa, thẩm mỹ… của chủ nhân qua lối kiến trúc căn nhà của họ, mà đôi khi chính họ cũng không nhận ra. Những ngôi nhà của người Pháp mang một nét rất đặc trưng của những tâm hồn khoáng đạt, lịch lãm với cửa trắng hoặc xanh lá cây và ban công phủ đầy hoa hồng và đỗ quyên. Kích thước cửa sổ rất lớn, to gần bằng cửa ra vào, có lắp thêm cánh cửa chớp bằng gỗ và phần mái dốc quay ra mặt tiền. Nhà của người Đức, trái lại thường sử dụng gam màu trầm hơn như nâu, ghi xám, màu gạch đỏ nguyên bản, cửa sổ nhỏ, không cửa chớp, chóp mái quay ra mặt tiền và không có bao lơn. Sau khi chinh phục hàng loạt thuộc địa, người Pháp mang nguyên si kiến trúc của họ đến nơi ở mới và kết hợp với một chút kiến trúc bản xứ, thành thử ra giờ vẫn còn những ngôi nhà ở Lào, Campuchia và Việt Nam mang kiến trúc Đông Dương đặc thù. Ấy là nhà nào nhà nấy đều hai tầng gác, cửa sổ to tướng, tường sơn màu vàng, cửa xanh lá cây và đương nhiên có cả cửa chớp.

chuyencainha1

Nhà của người Trung Quốc cũng mang lại một kinh ngạc lớn cho du khách nào lần đầu tiên đến thăm. Cửa ra vào một tòa nhà hay một khu chợ lớn của người Trung Quốc (dù ở Hồng Kông hay Trung Hoa đại lục) bao giờ cũng bé tẻo teo, tưởng chừng bên trong chỉ có một hai căn hộ nhỏ hẹp là cùng, ai ngờ bước chân vào mới thấy ngợp bởi hàng trăm ki ốt bán hàng và người qua kẻ lại tấp nập. Nếu ai có dịp quá bộ đến những khu nhà của Hoa kiều xưa kia ở khu phố Hàng Buồm, cũng sẽ bắt gặp một cảm giác tương tự. Những chủ nhân người Việt gốc Hoa sáng tạo nên một thứ cửa ra vào như ngụy trang, nhưng dãy hành lang hun hút bên trong lại tỏa ra vài chục căn hộ đông đúc. Nhìn bề ngoài, không ai tưởng tượng được đằng sau những ô cửa bé xíu, thay vì một cổng chào khổng lồ, lại là cuộc sống ồn ã, sinh động của cả một cộng đồng. Đó cũng là tính cách đặc trưng của người Trung Quốc. Những cộng đồng người Hoa sống ở hải ngoại luôn có một mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với nhau song khó người bên ngoài nào xâm nhập được vào những khu China Town dường rất kín đáo và bí ẩn của họ. Ngược hẳn với người Trung Quốc, người Thái Lan thường để nhà có hai mặt tiền với một dãy hàng hiên rộng chạy bao quanh, vừa để hứng gió mát cho phù hợp với khí hậu địa lý, vừa thể hiện rõ nét đặc tính thân thiện của người Thái qua một không gian mở. Người Brunei theo đạo Hồi, kiến trúc nhà cửa đặc biệt xấu. Có lẽ tôi chưa thấy nhà ở đâu xấu như ở Brunei. Khắp thành phố, nhà cửa chỉ là những khối hình chữ nhật mang tông màu ghi xám. Nhợt nhạt và đơn điệu. Ngay cả khách sạn The Empire được mệnh danh là 6 sao mà bề ngoài cũng rất tẻ nhạt. Nhưng khi bước chân vào bên trong, người ta phải choáng ngợp vì những cột trụ nhà lớn khảm hoa văn tinh xảo như đền đài, cung điện. Nhà dân thường, nhà của người có thu nhập thấp cũng vậy, bên ngoài rộc rệch nhưng bên trong nhất thiết phải có thảm nhung trải sàn, gờ tường khắc họa tiết cầu kỳ. Người Hồi giáo Brunei bản tính kín đáo, không phô trương nên mặc dù là một quốc gia giàu có, ta cũng khó nhận thấy điều đó nếu chỉ nhìn từ bên ngoài.

Đấy là những đặc điểm chung của kiến trúc không gian sống trong một quốc gia, còn kiến trúc mỗi vùng miền lại khoanh vùng những nội hàm hẹp hơn. Tôi đã một lần đến Huế, và vô cùng ngạc nhiên trước những ngôi nhà kiểu cũ của người xứ đô. Người Huế đất rộng, hầu như nhà nào cũng có sân vườn mênh mông. Tuy nhiên, bên trong thì vô cùng trái ngược. Nhiều gia đình Huế ngày nay vẫn sống chung nhiều thế hệ, nên mỗi gia đình nhỏ lại thiết kế cho mình một không gian riêng, đó là những bức tường ngăn giữa các phòng con trong một căn phòng lớn. Mỗi phòng chỉ rộng hơn chiếc giường đôi một chút, vừa đủ để kê một chiếc giường, một chiếc tủ nhỏ cho một gia đình sinh hoạt. Tôi ngạc nhiên rằng khuôn viên sống của họ rất rộng, khu vườn nhà nào nhà nấy đều rộng gấp năm gấp chục lần không gian sinh hoạt riêng, vậy mà họ phải chịu ở khổ trong những căn phòng chũm chọe ấy. Liệu có phải cũng lại là một đặc thù tính cách và văn hóa sống của người xứ Trung kỳ, những con người sống tằn tiện, tiết kiệm song không hề keo kiệt. Họ luôn sẵn sàng mở cửa chào đón những người hàng xóm, những khách phương xa mong muốn được nghỉ chân, nhưng lại cần kiệm với chính mình.

Tôi để ý thấy nhiều vùng đồng bào dân tộc cũng rất thích sống trong một khuôn viên tí hon như vậy cho dù họ thừa đất để dựng một ngôi nhà lớn. Thậm chí, những căn nhà sống chung ba thế hệ của đồng bào Bana, Ê đê… có diện tích rất rộng với phòng sinh hoạt chung có cỡ mặt bằng mà bất kỳ người thành phố nào đều ao ước, song khuôn viên sinh hoạt cá nhân của mỗi gia đình cũng chỉ lớn hơn chiếc chiếu đôi là cùng. Có thể hoàn toàn không phải vì thiếu đất, mà văn hóa của người Việt chúng ta thích một sự đầm ấm sum vầy trong một không gian thật nhỏ hẹp chăng?

Chuyencainha2

Con người ta, ăn mặc, ẩm thực… có thể dễ dàng thích nghi và thay đổi, dễ dàng ngụy trang và ngụy biện, song không gian sống là cái đã ăn vào máu thịt, không dễ gì đổi khác được. Con người thế nào, không gian sống thế ấy.

Nhà ở thành thị Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thường có hình ống. Đó cũng là một loại “văn hóa thích nghi”. Chúng ta thích nghi với địa hình, thích nghi với cơ chế mở nên nhà nào nhà nấy đua nhau chen chúc một xíu mặt tiền cho dù chỉ là mặt tiền hai mét, rồi từ đó xây nên một căn nhà hình hộp diêm dẹp lép.

Đến các kiến trúc tư gia lai tạp

Kiến trúc tổng thể thì là như vậy, còn kiến trúc nội thất của từng ngôi nhà thì rõ rồi, khách đến thăm có thể dễ dàng “đọc” được phông văn hóa và thẩm mỹ của chủ nhân thông qua không gian sống của họ. Thời bao cấp, chúng ta chẳng có kiến trúc nội thất nào đặc biệt. Nhà nào cũng giường gỗ, tủ chè, sang trọng hơn thì có ti vi màu. Nhưng nay, kiến trúc nội thất thực sự là một cuộc trình diễn đa phương diện, đa màu sắc của rất nhiều chủ nhân.

Tôi có vài cô bạn thân, và những lần đến thăm nhà mới của họ thực sự là một điều thú vị. Nhà một cô họa sỹ có ve tường màu xanh cốm, sa lông xanh cốm, tủ quần áo cũng xanh cốm. Hoa giả có chân đế sắt đen được treo cầu kỳ ở khắp nơi. Bộ giường ghế complex cũng được thửa riêng bằng sắt đen có hoa văn. Cô ấy có tính cách mạnh, vẽ tranh thích thể hiện gam màu sặc sỡ, nên nhà cửa đương nhiên cũng sặc sỡ trăm màu hoa. Một cô bạn khác lại thiết kế phòng ngủ y như phòng làm việc ở một building hạng sang. Tất tật giường tủ, bàn phấn, buồng tắm đứng đều được thửa riêng bằng chất liệu gỗ công nghiệp xám có gắn kính. Trông căn phòng lịch lãm y như chủ nhân của nó, song không kém phần lạnh lẽo. Tôi cũng được tham quan nhiều khuôn viên cầu kỳ khác, tỉ như một giảng viên mỹ thuật sân khấu thiết kế nhà cũng như… sân khấu, với các loại bậc lên bậc xuống gập ghềnh như đạo diễn đang có ý đồ thay cảnh, chưa kể những bức tranh khổ lớn treo la liệt trên tường nhà không khác gì một phòng trưng bày. Rồi tư gia một kiến trúc sư với vòm cuốn cầu kỳ trên mái gara và các loại đèn đủ màu sắc được kết nối thành một cuộc trình diễn ánh sáng. Một thương gia có đủ cả suối nước reo, bãi cát, bãi sỏi và phù điêu phun nước trong nhà.

chuyencainha3

Tuy nhiên, cho dù là kiến trúc nội thất theo phương thức nào thì tính thẩm mỹ đầu tiên phải là sự đồng bộ. Rất nhiều gia đình kiến trúc theo trào lưu, thấy thiên hạ có gì đẹp thì vác về nhà mình. Có một thời, đầu thập niên 90, nhà nhà đua nhau đóng… quầy bar trong nhà. Nhà nào mới xây, muốn đẹp, muốn sang trọng nhất định phải có một quầy bar. Ở phương Tây, thói quen uống rượu mạnh, uống cocktail đã hình thành nên một văn hóa, nên quầy bar của họ luôn có sẵn các loại ly, rượu và quầy bar đương nhiên được đặt trong một phòng khách cỡ lỡn. Còn ở đây, khách đến nhà đương nhiên uống chè chén là chính, cùng lắm thì cà phê, và phòng khách chỉ rộng chừng hai - ba chục mét vuông, quầy bar to uỵch chiếm gần hết chiều ngang nhà, nhìn ngồn ngộn phát bức mắt. Sau người ta thấy quầy bar chả ích lợi gì, chẳng ai khao khát muốn ngồi bar thay vì ngồi ghế đẩu nên nhiều chủ nhân đành thải về quê róc ra làm củi.

Dạo sau này, người ta chán quầy bar, chuyển sang thửa lò sưởi giả, rất châu Âu sang trọng, song bên dưới lại là bàn ghế khảm trai. Và như bất kỳ thứ mốt thời thượng nào cũng có chu kỳ lên xuống của nó, lò sưởi giả cũng dần thoái trào, nhưng bar thì có thể vứt đi được, còn lò sưởi đã gắn vào tường sao có thể tùy tiện đẽo gọt, lại đành theo “văn hóa thích nghi”, dần dần biến thành chiếc kệ đựng đủ thứ trên đời…

Di Li