Điện ảnh Quân đội Nhân dân: Hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2014)

(TGĐA) - Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân, ngày Truyền thống Tổng cục Chính trị (22/12/1944 – 22/12/2014) và 25 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014); 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, song song với thực hiện nhiệm vụ chính trị làm phim công tác Đảng, công tác chính trị, Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã chủ động tham mưu đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc Phòng, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục chính trị về việc làm các bộ phim trọng điểm chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và Quân đội.

Cnh_lm_phim_Hnh_trnh_gi_nc

Cảnh làm phim Hành trình giữ nước

Hai bộ phim tài liệu nhựa đã được hoàn thành và giới thiệu đợt này là Hành trình giữ nước30/4 - ngày chiến thắng.

Hành trình giữ nước (Kịch bản NSƯT Phạm Minh Lợi - đạo diễn, NSƯT Lưu Quỳ) là bộ phim tài liệu lịch sử nhằm ca ngợi sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành với truyền thống “Đã ra quân là chiến thắng”. Đồng thời ca ngợi hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ có lòng yêu nước thiết tha, trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập – tự do của Tổ quốc.

30/4 – ngày chiến thắng (kịch bản NSƯT Phạm Minh Lợi – NSND Lê Thi, đạo diễn, NSND Lê Thi) nhìn lại sự kiện 30/4/1975 nhằm phân tích tình hình quốc tế và những bài học chỉ đạo trong chiến tranh, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới cái nhìn đa chiều của cả phía ta, phía đối phương và những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến, ý kiến của các chính khách và những nhà nghiên cứu lịch sử… sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, non sông liền một mối. Qua bộ phim, hồi ức của những tướng lĩnh cầm quân cũng sẽ góp phần làm sáng tỏ những sự kiện chiến trường dưới sự chỉ đạo của Đảng CSVN, thông minh, sáng tạo, quyết đoán, độc lập, tự chủ; sử dụng tổng hợp sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao, sức mạnh 3 thứ quân, 3 vùng chiến lược, 3 mũi giáp công; kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với tinh thần ấy, toàn dân tộc Việt Nam đang hướng về mục tiêu lớn nhất: Bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Phim truyện nhựa Người trở về (Kịch bản: Đặng Thái Huyền, Nguyễn Thu Dung) lấy ý tưởng từ truyện ngắn Người về bến sông Châu - nhà văn Sương Nguyệt Minh đang gấp rút được triển khai. Góp mặt trong bộ phim bên cạnh những gương mặt gạo cội trong làng điện ảnh như NSND Như Quỳnh, NSƯT Cường Việt là dàn diễn viên trẻ Lã Thanh Huyền, Trương Minh Quốc Thái, Hồng Minh… Điều đặc biệt của Người trở về so với những phim truyện nhựa của ĐAQĐ trước đây là đội ngũ làm phim đa phần là những người trẻ, sử dụng tối đa người của đơn vị tham gia nên ekip chủ chốt là người do ĐAQĐ đào tạo. Bên cạnh đó, trong khi các hãng khác đã chuyển sang quay số thì ĐAQĐ vẫn giữ lập trường quay nhựa, vì cho rằng chất liệu nhựa vẫn cho ra chất lượng đỉnh cao về hình ảnh.

Cnh_lm_phim_t_lnh

Cảnh làm phim Đất lành

Là một trong số hiếm nữ đạo diễn thuộc thế hệ trẻ của ĐAQĐ, khi bắt tay đảm nhận một bộ phim về đề tài hậu chiến, phải khắc họa tâm lý nặng nề của những người phụ nữ Việt Nam thập niên 80, đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ: “Áp lực, khó khăn đương nhiên là không tránh khỏi. Vì mình phải tìm hiểu, nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, rất nhiều về một thời kỳ mình đã không được trải qua. Tuy nhiên, phim ảnh cho phép chúng ta cũng có những không gian tưởng tượng đa chiều và nó vượt lên trên cả tính tả thực. Điều đó có nghĩa đúng chưa chắc đã hay và chưa đúng chưa chắc đã dở. Quan trọng là phải làm nổi bật được tinh thần của con người và thời đại đó. Người xem cảm thấy tin và cảm được là mình đã thành công”. Là người trẻ, chưa trải qua chiến tranh nhưng khi có cơ hội bắt tay thực hiện một bộ phim điện ảnh về đề tài tâm lý hậu chiến như Người trở về, đạo diễn Đặng Thái Huyền thực sự cảm thấy hào hứng. Bởi theo cô: “Phim nhựa, phim điện ảnh là thánh đường mà bất kỳ nhà làm phim chuyên nghiệp nào cũng muốn được vươn tới.Tôi đã chờ đợi cơ hội được thực hiện một bộ phim lớn như thế này từ rất lâu rồi và nghĩ mình đang ở thời kỳ chín chắn, sung sức nhất về nghề nghiệp để hoàn toàn tự tin bắt tay thực hiện Người trở về”.

Được biết, sau phim truyền hình 13 Bến nước, đây là bộ phim thứ hai Thái Huyền tham gia công tác biên kịch. Ngoài mục đích chính phát hành trong quân đội nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 2015, bộ phim Người trở về còn được ĐAQĐ kỳ vọng đem đi tham dự các giải hội nghề nghiệp trong thời gian tới cũng như mong muốn bộ phim sẽ để lại dấu ấn nhất định trong lòng bạn bè đồng nghiệp.

Ở mảng phim video, hai tác phẩm phim truyện Đất lành (kịch bản Nguyễn Thu Dung – đạo diễn Đặng Thái Huyền), phim tài liệu Sức mạnh niềm tin (Kịch bản: Nguyễn Thành Lập ; NSƯT Nguyễn Thành Thái – đạo diễn NSƯT Nguyễn Thành Thái) cũng là những bộ phim đã và đang được ĐAQĐ gấp rút hoàn thành để kịp thời tuyên truyền tới nhân dân và bộ đội vào đúng dịp kỷ niệm 22/12/2014 – 30/4/2015.

Tóm tắt nội dung phim truyện nhựa Người trở về:

Ra_mt_phim_Ngi_tr_v

Casting phim Người trở về

Mây khoác ba lô trở về làng với hạnh phúc được đoàn tụ bên gia đình và San – người yêu. Cô không biết rằng, gia đình đã nhận được giấy báo tử của cô cách đây một năm. Và ngày cô trở về trớ trêu cũng là ngày cưới của San.

Ngay đêm tân hôn, biết tin Mây còn sống , quay về, San đã tìm gặp Mây. Anh xin cô được bỏ vợ để cả hai làm lại từ đầu. Mây khóc, từ chối vì cho rằng: “Một người phụ nữ đau khổ và lỡ dở đã là quá đủ”.

Vậy là từ đó, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ và Mây ở bên nhà, cách nhau có hàng rào tre, diễn ra hết sức trớ trêu và đau khổ: Thanh (vợ San) cố phô diễn trước mặt Mây cuộc sống hạnh phúc lứa đôi, San yêu Mây nhưng nặng gánh trách nhiệm với gia đình và không nỡ làm Thanh đau khổ. Mây yêu San nhưng cố giấu trong lòng, chịu đựng để mong San sẽ hạnh phúc. Giải quyết nỗi khó xử cho cả ba người, Mây rời nhà bỏ ra bến đò sống. Đêm đêm, trong chiếc lán ven sông, những ám ảnh về tình yêu đầu, về sự khốc liệt của chiến tranh, những hy sinh mất mát của đồng đội, luôn hiện về trong những giấc mơ của Mây. Nó khiến cô trở nên câm lặng và thu mình như người đi bên lề cuộc sống thường nhật.

Một ngày, dân làng Châu đón một người lính về tận làng tìm Mây. Đó là Quang. Quang là anh lính trinh sát bị thương khi đạn pháo bỏ trúng hầm trú ẩn. Mây đã lấy thân mình che cửa hầm cứu Quang còn bản thân mình bị bom vùi. Quang gặp lại Mây. Dù cô trốn chạy và lảng tránh nhưng Quang quyết định ở lại bến sông Châu nguyện chăm sóc và bù đắp cho Mây suốt quãng đời còn lại.

Ngày Mây quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết được một sự thật. Đó là đòn định mệnh đau đớn nhất giáng xuống cuộc đời Mây. Mây hắt hủi, vì sự thật đó mà lánh xa Quang. Và để Quang thêm đau đớn, Mây nói rằng: càng tới gần ngày cưới, cô càng nhận ra mình chưa bao giờ quên được mối tình đầu là San, cô yêu Quang để lấp chỗ trống. Đau khổ, uất hận, lòng tự trọng của một thằng đàn ông bị tổn thương, Quang đã quyết định là người ra đi.

Một đêm mưa gió, Mây một mình lên đò thả trôi theo dòng sông Châu. Một người đàn ông xuất hiện, băng mình qua dòng nước lũ để tới được cứu Mây. Con đò chở hai người trôi về phía hạ nguồn.

Phương Hà