(TGĐA) - Tại Liên hoan phim Cửa sổ mở vào châu Âu hàng năm lần thứ XXV diễn ra từ ngày 6 - 12/8/2017 ở Vyborg, phóng viên báo Film Pro/ Công nghiệp điện ảnh Elizaveta Zimaryova đã gặp gỡ và trao đổi với giám đốc hãng Mosfilm, nhà sản xuất phim, đạo diễn, biên kịch Karen Shakhnazarov. Ông nói về những khuynh hướng phát triển điện ảnh đương đại, và vì sao, theo ông, không nên ca ngợi phim Cuộc di tản Dunkirk. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Có rất nhiều đạo diễn phim đầu tay dự thi tại LHP Cánh cửa mở vào châu Âu. Theo ông, trước hết các tác giả mới này thiếu điều gì?
Tôi không thể nói hệ thống giáo dục hiện nay chú trọng điều gì, vì bản thân tôi không dạy học. Nếu nói về cái thiếu của nền điện ảnh chúng ta hiện nay thì hình như chúng ta có nhiều phim, nhưng không ai biết kể chuyện. Khi cần kể một câu chuyện sâu sắc thì hóa ra rất ít đạo diễn biết làm điều đó. Chúng ta gặp khó khăn về trình độ chuyên môn, tay nghề.
Giám Đốc Karen Shakhnazarov |
Theo quan điểm của tôi, rất khó tìm được một đạo diễn có thể làm một bộ phim và kể một câu chuyện mạch lạc. Tại sao lại xảy ra điều đó - tôi không thể nói. Đây là vấn đề chung của điện ảnh Nga và Liên Xô, nó mang tính chất di truyền. Quả thật, dưới thời Liên Xô, người ta bắt kể chuyện, nhưng điều đó bao giờ cũng khó khăn. Ví dụ, người Mỹ biết kể chuyện, còn điện ảnh Nga bao giờ cũng giàu tính hình tượng. Cần phải nói rằng các đạo diễn Liên Xô như Eyzenshtein, Pudovkin, Dovzhenko đã tạo ra hình tượng trong điện ảnh. Trong điện ảnh Mỹ không có tính hình tượng này. Họ vay mượn nhiều của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim yêu thích của Martin Scorsese là Tôi - Cuba
Xin cho biết ông có thể chúc các đạo diễn đầu tay điều gì, những sai lầm nào họ nên tránh?
Nhiều thứ bắt nguồn từ thói quen ít đọc sách. Cần phải đọc văn học cổ điển và nói chung là đọc nhiều hơn nữa. Đương thời, các nhà văn cổ điển Nga rất giỏi kể chuyện. Các bạn trẻ nghĩ rằng khi người ta khuyên họ đọc sách thì trên thực tế đọc sách không có ý nghĩa. Tôi bao giờ cũng rút ra điều gì đó từ sách. Khi đọc sách, tôi quan sát xem người ta viết như thế nào và tôi có thể rút ra điều gì từ đó. Ví dụ, tôi coi “Những câu chuyện Sevastopol” của Tolstoy là đỉnh cao của những gì nhà văn có thể viết. Xét về kịch thì tác phẩm này hiện đại đến mức điện ảnh bắt đầu để ý tới câu chuyện này hiện nay. Nếu bạn đọc sách với một tinh thần như vậy thì bạn có thể làm sáng tỏ một điều gì đó cho bản thân. Để kể một câu chuyện trước hết phải hiểu nó được kể như thế nào. Còn để hiểu câu chuyện cần đọc những tác phẩm hay. Có thể lưu ý tới các kịch bản được viết một cách rất công phu của Kurosawa và Fellini.
Karen Shakhnazarov hiện là giám đốc hãng Mosfilm |
Với tư cách khán giả và nhà chuyên môn, ông nhìn thấy những khuynh hướng nào trong nền điện ảnh Nga hiện nay? Các đồng nghiệp của ông quan tâm những đề tài gì và chúng được chuyển thể điện ảnh như thế nào?
Nói thật, tôi không nhìn thấy những khuynh hướng nào đặc biệt. Tôi nghĩ rằng trong nền điện ảnh đương đại, cũng như nghệ thuật đương đại nói chung, nếu có một nền nghệ thuật như thế, hiện nay không có bất cứ khuynh hướng nào. Nghệ thuật đang gặp nhiều khó khăn. Để có khuynh hướng cần phải xuất hiện một tư tưởng xã hội mạnh mẽ nào đó và được mọi người theo đuổi. Tại LHP Cửa sổ mở vào châu Âu, người ta lấy phim Cuộc di tản Dunkirk làm ví dụ.
Tôi biết rằng nhiều người thích bộ phim này, nhưng đó là một bộ phim kinh khủng. Nó không nói về cái gì. Nó vô nghĩa. Họ chiến đấu với ai? Ai đánh nhau với ai? Tôi không hiểu điều gì xảy ra, họ chạy trốn ai. Ở đấy không có chiến tranh – có ba chiếc máy bay đang bay, qua đó tôi phải hiểu rằng họ đánh nhau với quân Đức. Đó là một trong những trang bi thảm nhất của Thế chiến thứ hai. Về Dunkirk, tôi nhớ đã có một bộ phim tuyệt vời của Belmondo.
Cảnh trong phim Dunkirk |
Có thể làm phim về cuộc sống về cái chết, còn phim này không ai hiểu gì cả. Nhưng một khi có người thích thì nghĩa là đã xuất hiện một thế thấy điều đó hấp dẫn. Thậm chí nó không cần nghĩ ngợi. Còn về đoạn kết tôi sẽ không nói gì. Không có tính cách, không con người, không số phận. Và những bộ phim như vậy do thế hệ mới tạo ra, một thế hệ được nuôi dưỡng không phải bởi cuộc sống mà là bởi thế giới ảo, nơi giới thanh niên đang sống.
Họ sống trong thế giới internet. Sự khác nhau là ở chỗ này đây. Có lẽ đây chính là khuynh hướng – tạo ra một cuộc sống giả. Nền điện ảnh đương đại nói chung không nói gì về cuộc sống. Có lẽ, đơn giản là làm phim về con người, về việc họ sống như thế nào không còn hấp dẫn nữa. Một nền văn hóa phi con người. Đối với thế hệ trẻ sống trong thế giới ảo điều đó rất nguy hiểm. Nó có thể khiến họ bấm nút đỏ vào bất cứ lúc nào, và lúc đó những quả tên lửa sẽ lao vút lên.
Hiện nay ông đang làm phim gì?
Pano quảng bá hãng Mosfilm |
Trước mắt tôi đang phụ trách sản xuất bộ phim gọi là Ước mơ của Zhenia – kẻ khủng bố. Hiện đang ở giai đoạn quay.
Xin ông cho biết về công việc tái thiết hãng Mosfilm?
Quá trình này đang diễn ra đã 3 - 4 năm nay. Chúng tôi tham gia với tư cách người đặt hàng. Nếu như công việc xây dựng diễn ra thuận lợi thì đây sẽ là giai đoạn mới đối với Mosfilm. Nhưng tất cả diễn ra rất chậm chạp. Bệnh quan liêu mà. Hình như hiện đang bắt đầu xây dựng kho bảo quản trang phục. Nghĩa là chúng tôi sẽ có một cái kho bảo quản trang phục và đạo cụ. Những gì mà hiện nay chúng tôi có được xây dựng từ thời Liên Xô, và nó hoàn toàn không thích hợp nữa. Sẽ xây dựng hai trường quay mà từ trước đến nay trên lãnh thổ của chúng tôi không có. Sẽ xây dựng một phòng hòa nhạc mở cửa ra phố Mosfilm. Ở đấy có thể chiếu phim và biểu diễn nghệ thuật, có nghĩa là một trung tâm văn hóa.
Trần Hậu