Nghề quay phim – nghiệp truyền hình theo suốt cuộc đời tôi

(TGĐA) - Kỷ niệm 42 năm ngày phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi cũng đã có 37 năm làm nghề. Như một giấc mơ dài, nghề quay phim đã theo tôi suốt cuộc đời. Từ một chàng thanh niên trẻ, nay đã chuẩn bị về hưu, nhưng cái nghề, cái nghiệp lúc nào cũng như một nỗi ám ảnh bên mình.

DSC_0154

Ký họa chân dung NSƯT Nguyễn Lê Văn do bạn bè vẽ tặng

Tốt nghiệp Khoa quay phim khóa VI - Trường điện ảnh Việt Nam cùng với tôi có có 23 học viên và 3 người bạn đến từ nước CHDCND Lào, trong đó có NSND Nguyễn Hữu Tuấn (Hãng phim truyện Việt Nam), NSƯT Phạm Việt Thanh (Hãng phim truyện Việt Nam), NSƯT Hoàng Dũng (Hãng phim tài liệu Khoa học Trung ương), NSƯT Vi Kiến Hòa (Đài Truyền hình Việt Nam), NSƯT Lê Khôi (Hãng phim hoạt hình Việt Nam), NSƯT Vương Khánh Luông (Hãng phim tài liệu khoa học TW…

Năm 1976, tôi chính thức về làm việc tại Tổ phim tài liệu - Ban vô tuyến truyền hình Việt Nam (nay là Đài Truyền hình Việt Nam). Tổ phim tài liệu lúc đó gồm có: Ông Vũ Xuân Thu, bà Xuân Phượng, ông Trung Việt… Thời đó, quay hoàn toàn bằng phim nhựa đen trắng 16mm qua khâu in tráng, dựng phim và làm tiếng rồi tiếp TELECINE để phát sóng. Thời bấy giờ, chúng tôi được giao nhiệm vụ sản xuất các chương trình phim ngắn, phóng sự tài liệu, đặc biệt là quay các bức ảnh liên hoàn để dựng thành những chương trình giới thiệu vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam. Tôi nhớ nhất chương trình "Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi", giới thiệu những vùng đất, những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước. Làm chương trình hồi đó còn thô sơ đến như vậy nhưng chúng tôi ai cung có đầy nhiệt huyết với nghề.

DSC_0157


Năm 1978, từ tổ phim tài liệu, được nâng cấp thành phòng phim tài liệu - trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, lúc đó được bố trí ở khu nhà 4 tầng bây giờ. Phòng phim tài liệu thời điểm này do ông Vũ Xuân Thu làm trưởng phòng và có thêm đạo diễn Trịnh Thanh, bà Lê Ngọc Thuý (lúc đó là người chuyên sưu tầm ảnh từ Thông Tấn xã Việt Nam), ông Bùi Ngọc Hà, ông Hoài Giao, ông Nguyễn Anh Tuấn v.v… Công việc lúc đó là sản xuất các phim tài liệu, chính trị giới thiệu đất nước con người Việt Nam. Theo sự phân công của trưởng phòng, mỗi người làm một chương trình khoảng 15 phút. Tôi còn nhớ ông Trịnh Thanh và Bùi Ngọc Hà là đồng tác giả phim Giành lại màu xanh cho quê hương - Nói về công tác rà soát bom mìn của Mỹ để tạo ra những vùng đất phì nhiêu, trù phú trồng lúa, ngô, khoai sau chiến tranh. Phim đã được giải thưởng tại liên hoan truyền hình cộng hòa dân chủ Đức. Phim Việt Nam và chiếc xe đạp, Tiếng trống trường của những tác giả bà Xuân Phương, ông Việt Tùng, ông Trung Việt và ông Trịnh Thanh, Bùi Ngọc Hà đã được giải thưởng và gây được tiếng vang trong giới truyền hình bấy giờ.

Năm 1977, tôi được phát một chiếc máy quay phim đầu tiên mang nhãn hiệu "Hòa Bình" của Trung Quốc, lúc đó, tôi vô cùng bồi hồi, xúc động khi lần đầu được chủ động quản lý một chiếc máy quay phim nhựa, cũng đồng nghĩa với sự tin cậy của các cấp lãnh đạo Đài. Từ đó chiếc máy quay "Hòa Bình" đã cùng tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Có những chuyến công tác sang Lào, Campuchia và biên giới phía Bắc để quay những thước phim giá trị, những thời khắc mà bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp quân đội và nhân dân nước bạn.

Năm 1979, sau khi lật đổ chế độ PônPốt - tôi cùng với đạo diễn Xuân Phượng tham gia một chuyến làm phim ghi lại những hình ảnh về sự sụp đổ của chế độ PônPốt, giải phóng Campuchia, mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân rồi những chuyến đi nhiều ngày ở biên giới phía Bắc…

DSC_0151


Đầu năm 1980, trung tâm nghe nhìn được thành lập, phòng phim tài liệu cũng được chuyển về trung tâm nghe nhìn (trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam). Lúc đó Ông Vũ Xuân Thu là xưởng trưởng (sau này là giám đốc), xưởng phó là ông Trương Tử Tần và ông Bội Ngọc. Nhiệm vụ của xưởng lúc đó vẫn là sản xuất các phim tài liệu và các chương trình phim Khoa học cho Đài và các tổ chức Liên hiệp quốc v.v… Cũng thời gian đầu này tôi được phát một máy quay phim nhựa ARRIFLEX quay bằng phim màu âm bản (NEGATIVE - KODAK 7247 - 16mm, mỗi bành phim là 120mm của Mỹ), lúc đó in tráng phim màu phải mang sang Bankok - Thái Lan.

Những cuốn phim tài liệu không thể kể hết, nhưng những ấn tượng sâu sắc về các phim Khi nước về của đạo diễn Xuân Phượng, Rừng Tràm của đạo diễn Trương Tử Tần, Phá vỡ những hàng rào ngăn cách, SAMAKI… là những kỷ niệm không thể nào quên. Anh Trung Việt và anh Trịnh Thanh là những đạo diễn giỏi tay nghề, tôi thường gắn bó và đi cùng với các anh từ phim này đến phim khác. Trong những chuyến đi, chúng tôi đã hiểu nhau hơn về các thủ pháp làm nghề, gắn bó với nhau hơn về những quan điểm trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật.

Ấn tượng sâu sắc mà tôi còn nhớ mãi là vào đầu tháng 10 năm 1984, nhân chuyến làm phim Cầu hữu nghị vượt đại dương - Trần Tiến Đức làm đạo diễn, chúng tôi đã được đi khắp các vùng lãnh thổ của Liên Xô cũ. Phim kể về những con người, những chuyên gia Liên Xô đã có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng tôi đã được gặp gỡ, giao lưu, phỏng vấn những người thật, việc thật, đi đến những vùng đất xa xôi như SIBIRIK, rồi những miền Viễn đông. Qua chuyến đi, chúng tôi đã có những cảm nhận rất tốt đẹp về đất nước và con người Liên Xô chân thành, giàu lòng mến khách. Đối với tôi, niềm vinh dự nhất trong đời là đã được cùng anh Trần Tiến Đức có mặt trên lễ đài của Hồng Trường, dự buổi lễ duyệt binh, diễu hành nhân ngày mùng 7/11, Cách mạng tháng Mười Nga.

Khoảng từ năm 1986, tôi bắt đầu không quay bằng phim nhựa đen trắng và phim mầu nữa và bắt đầu quay bằng các phương tiện video hiện đại thời bấy giờ như: Máy UMATIC, BVU, BETACAM. Những phim như Đà Lạt - Thành phố du lịch - Đạo diễn Lê Hoàng Hoa - Ông là tác giả của bộ phim nổi tiếng Ván bài lật ngửa. Ngoài ra, tôi đã thường xuyên được tác nghiệp các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các buổi lễ cấp cao của Đảng và Nhà nước và Lễ tang đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng… và được ghi hình những lời chúc tết đầu năm của Chủ tịch nước.

Cuối năm 1995, từ trung tâm nghe nhìn tôi được chuyển công tác về phòng du lịch qua màn ảnh nhỏ - Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam. Lúc đó NSƯT Phùng Biển làm trưởng phòng. Suốt thời gian dài tôi thường cộng tác với các đạo diễn Hồng Trang, Bùi Phùng, Bích Thuỷ, Xuân Hải… Tham gia làm các phim tài liệu du lịch ở khắp mọi miền đất nước và hơn 40 quốc gia trên thế giới, các phim tài liệu như Lạng Sơn - Cửa Bắc của nhà Việt Nam; Cảm giác Luy Lâu… và là đạo diễn của nhiều phim như Hòa sắc bức tranh quê, Phù sa Kinh Bắc, Kim Lân một chất văn làng, Bắc Kạn có hồ Ba Bể, Dòng chảy trong tranh Nguyễn Thị Hiền, Khoảnh khắc về làng, Việt phủ Thành Chương nơi trú ngụ tâm hồn Việt… đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Mỗi phim là một không gian sáng tạo, mội cảm xúc mới mẻ đã theo tôi suốt cuộc đời.

Năm 2012 này - Năm kỷ niệm 42 năm ngày phát sóng đầu tiên, cũng là một dấu mốc đánh dấu 37 năm trong cuộc đời làm phim. Tôi đã đi nhiều, quay nhiều những thước phim, chứng kiến những bước đi thăng trầm của Đài cho đến ngày hôm nay, kỷ niệm cứ ùa về. Khi chuẩn bị bước vào tuổi lục tuần, tôi mới hiểu ra rằng nghề quay phim và nghiệp truyền hình là duyên phận gắn bó cuộc đời tôi. Vì là con trai duy nhất quay phim, họa sỹ, nhiếp ảnh, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, tôi đã được bố dạy dỗ và truyền cho tôi niềm đam mê với nghệ thuật tạo hình. Từ ánh sáng đến bố cục khuôn hình, từ các động tác máy và sự chuyển động của máy quay phim, tôi đã được thừa hưởng từ người cha yêu quý: "quay phim là một nghệ thuật sang trọng".

Kỷ niệm của những năm tháng gắn bó với Đài Truyền hình Việt Nam là những kỷ niệm đã ăn vào máu thịt, cả cuộc đời tôi là sự dấn thân với nghề. Nhìn thấy sự phát triển của Đài, nhìn những gương mặt trẻ trung, tươi mới của ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng, nghề quay phim - nghiệp truyền hình sẽ là lực hút rất lớn đối với nhiều thế hệ con người hôm nay và mai sau.

NSƯT Nguyễn Lê Văn

(Trưởng phòng quay phim và đạo diễn - Ban Khoa giáo - Đài THVN)