Phim Hoạt hình Việt Nam – Những chặng đường không thể quên

(TGĐA) - Tháng 6/1960, bộ phim hoạt họa đầu tiên Đáng đời thằng Cáo ra mắt người xem, đánh dấu sự khai sinh một loại hình nghệ thuật mới tại nước ta – điện ảnh Hoạt hình Việt Nam.

ng_ch_Trng_Chinh_n_thm_xng_phim_hot_hnh_nm_1973

Đồng chí Trường Chinh đến thăm Xưởng phim hoạt hình năm 1973

Tháng 4/1977, tại LHP Việt Nam lần thứ IV, bộ phim hoạt họa màu Cây chổi đẹp nhất của Xưởng phim tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã dự thi và giành được Bông sen Bạc. Đến tháng 6/1981, riêng Xí nghiệp phim hoạt hình Hà Nội đã sản xuất đến bộ phim thứ 95, còn Xưởng phim hoạt họa thành phố Hồ Chí Minh đã làm được 22 bộ phim hoạt họa, cắt giấy.

21 năm với ngót 120 bộ phim được làm ra, hàng năm, cả 2 cơ sở hoạt hình đã sản xuất được đến 16 phim – thật là một con số chỉ có trong mơ.

Thời kỳ mở Lớp thực tập hoạt họa (1959 - 1964) là thời kỳ đào tạo đội ngũ, tìm hiểu và xây dựng các thể loại phim hoạt hình. Bộ phim vẽ của Lớp thực tập hoạt họa Đáng đời thằng cáo , một số họa sỹ có nhiệt tình đã tìm tòi và thể nghiệm một loại phim mới – phim giấy cắt có tên Con một nhà nói về giá trị các loại cây lương thực là ngô, khoai, sắn… (1961, đạo diễn Trương Qua, họa sỹ Lê Huy Hòa). Năm 1962, một loại phim mới xuất hiện – phim búp bê Chú thỏ đi học (đạo diễn Nguyễn Tích, họa sỹ Ngô Đình Chương, quay phim Đỗ Trần Hiệt) dựa theo ngụ ngôn dân gian “rùa nhanh hơn thỏ”.

10.Cac_the_he_Hoat_hinh_Viet_Nam

Các thế hệ hoạt hình Việt Nam

Những bộ phim hoạt hình đầu tiên này không tránh khỏi sự non yếu về tay nghề, nhưng điều đáng hoan nghênh là sự mạnh dạn tìm tòi, cố gắng thể hiện các hình thức đó lên màn ảnh. Một số phim làm sau đó đã có chất lượng khá hơn, như Chiếc vòng bạc (1962, đạo diễn Trương Qua), như Cây khế (đạo diễn Nguyễn Tích), những phim hoạt họa như Giấc mơ hoa (1963, đạo diễn Hoàng Sùng) hoặc Đêm trăng rằm (đạo diễn Trương Qua, 1964). Đề tài kháng chiến chống Mỹ, vấn đề nóng hổi của đất nước trở thành nguồn thôi thúc sáng tác của anh em làm phim. Dựa vào truyện phim đèn chiếu từ miền Nam gửi ra, đạo diễn Lê Minh Hiền đã đưa lên màn ảnh hoạt họa chuyện hai anh em nhỏ dùng tổ ong rừng tấn công lũ giặc Mỹ - ngụy mang tên Binh ong, mở đầu loạt phim đả kích – chính trị.

5 năm đầu tiên, Xưởng đã làm được 16 phim các loại hoạt họa, búp bê, cắt giấy với nhiều thể tài phong phú. Nét chung của thời kỳ này là sự tìm hiểu những phương tiện diễn đạt nghệ thuật bằng tiếng nói của tạo hình và diễn xuất. Tuy còn có những mặt yếu và hình thức nghệ thuật, nhưng đó là những phim có nội dung rõ ràng, có hình tượng dễ hiểu và bộ lộ nhiệt tình tìm tòi của tác giả. Đó là điều kiện quan trọng chuẩn bị cơ sở cho thời sau của hoạt hình.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ và ác liệt là thời kỳ phát triển mạng mẽ của hoạt hình Việt Nam. Lúc đó, Xưởng phim Hoạt họa phải sơ tán về các vùng nông thôn thiếu thốn phương tiện làm việc.., nhưng sản xuất không bị ngừng trệ, trái lại được nâng cao về mặt thể hiện nghệ thuật.

Phim Mèo con (theo truyện Nguyễn Đình Thi, biên kịch Nguyễn Thế Hội, đạo diễn Ngô Mạnh Lân, họa sỹ Lưu Đức) phải làm trong điều kiện khó khăn như vậy. Bộ phim được dư luận đánh giá cao không những ở tư tưởng của chuyện chú mèo nhỏ bé dám đương đầu quyết liệt và biết đánh thắng lão chuột độc ác, mà còn ở trình độ thể hiện của tác phẩm. Tiếp theo, một loạt phim đồng thoại có chất lượng đã ra đời như Những chiếc áo ấm (1968, đạo diễn Ngô Mạnh Lân), Gà trống hoa mơ (1971, đạo diễn Hồ Quảng), Ong, Bướm, Kiến (1972, đạo diễn Đỗ Trần Hiệt), Cá sấu ngứa răng (1974, đạo diễn Hoàng Thái), Rừng hoa (1974, đạo diễn Ngô Mạnh Lân), Tôm nhỏ và Hải quỳ (đạo diễn Nghiêm Dung) v.v và v.v

4._Poster_Meo_con_doat_giai_QT

Poster phim Mèo con

Về đề tài hiện đại, nhiều phim phản ánh cuộc sống của các em với những mơ ước đẹp đẽ như muốn trở thành thợ xây dựng – Em làm thợ xây, 1967 – đạo diễn Đỗ Trần Hiệt, noi gương chú bộ đội ở Buổi sáng yên tĩnh, 1969 – đạo diễn Nghiêm Dung, thật thà nhận lỗi trong Em bé và lọ hoa, 1971- Nghiêm Dung…

Tiếp tục thể phim đả kích – chính trị, ca ngợi thiếu như miền Nam, hoạt hình đã đạt được một số kết quả như Pháo đài xanh, 1966 - Hoàng Sùng, Trâu Húc, 1968 - Nguyễn Yên… Nổi lên hơn cả là Con sáo biết nói, 1967 - Ngô Mạnh Lân, Bài ca trên vách núi, 1967- Trương Qua, Nguyễn Yên, Con khỉ lạc loài, 1973 - Hồ Quảng v.v… Ở đây các tác giả đã kết hợp yếu tố thực với tưởng tượng có sức thuyết phục người xem.

Ở thể cổ tích – thần thoại dân gian, hoạt hình Việt nam cũng đạt được những thành tựu quan trọng với những phim như Chuyện ông Gióng, 1970, Khăm Phạ - Nàng Ngà, 1971, Sơn Tinh – Thủy Tinh, 1972. Phim búp bê Chuyện ông Gióng – biên kịch Tô Hoài, đạo diễn Ngô Mạnh Lân, họa sỹ Mai Long, đã mở đầu cho loại phim thần thoại, nêu cao tinh thần quật cường và ý chí bất khuất chống ngoại xâm, có một bố cục chặt chẽ và lối thể hiện truyền cảm. Phim Sơn Tinh – Thủy Tinh – biên kịch Võ Quảng, đạo diễn Trương Qua, họa sỹ Mai Long, đã sử dụng kỹ thuật cắt giấy với phong cách tạo hình trống đồng cổ đại. Còn Khăm Phạ - Nàng Ngà – biên kịch Ngô Thông, Nguyễn Xuân, đạo diễn Hoàng Sùng, Nguyễn Tích, họa sỹ Mai Long là câu chuyện cổ tích dân gian Lào có lối kể chuyện hấp dẫn và tạo hình trau chuốt.

Nhung_nghe_sy_gan_bo_voi_hoat_hinh_Viet_Nam_NSUT_Mai_Long_NSUT_Ho_Quang_va_NSND_Ngo_Manh_Lan


Trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ, hoạt hình Việt Nam đã quay được gần 40 phim, trở thành thời kỳ rất quan trọng trên chặng đường phát triển của mình. Nét chung của thời kỳ này là sự phong phú về đề tài, ở đó mỗi thể loại đều đạt được những kết quả khả quan, là sự tìm tòi có kết quả những phương tiện biểu hiện nghệ thuật có sức truyền cảm, thuyết phụ người xem, là sự đa dạng của ngôn ngữ tạo hình mang hình nét và màu sắc dân tộc độc đáo. Thành tựu đó đã được khẳng định bằng ngót 20 giải thưởng trong nước và quốc tế trao cho phim hoạt hình trong thời gian này.

Trang sử mới của lịch sử dân tộc đã mở ra sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975. Từ đó cũng bắt đầu thời kỳ mới – thời kỳ thứ 3 của hoạt hình Việt Nam.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã mở rộng phạm vi đề tài và thể loại, hướng sự chú ý của các em nhỏ vào khoa học kỹ thuật, đồng thời mở rộng đối tượng phục vụ ra các lứa tuổi.

Những phim Bàn tay khổng lồ (1976 - Trương Qua, Ngô Mạnh Lân), Chú bé và người máy (1978 - Lê Thanh), Một cuộc thi tài (1978 - Bảo Quang) nêu sức mạnh và tương lai của khoa học kỹ thuật trong việc chinh phục thiên nhiên, bảo vệ đời sống… giúp các em hiểu và yêu thích lĩnh vực quan trọng này, tuy thể hiện còn chưa nhiều sức thuyết phục. Phim đồng thoại hiện đang chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó nhiều phim có yếu tố khoa học giúp tăng nhận thức cho các em. Một số phim có chất lượng khá đã được đánh giá cao tại các Liên hoan phim như Con kiến và hạt gạo (1976 - Hồ Quảng, Nghiêm Dung), Giấc mơ bay (1976 – Hữu Đức), Anh bạn mũi dài (1977 – Nghiêm Dung), Giải nhất thuộc về ai? (1979 – Bảo Quang) v.v… Ngoài ra còn có thể kể thêm những phim khá như Con cóc xấu xí (Bảo Quang), Những bông hoa thời gian (Lê Thanh), Ngôi nhà sóc (Hoàng Thái), Đôi chân thỏ trắng (Ngô Đình Chương) v.v… Trong thể loại này, những phim như Giải nhất thuộc về ai? Cún con làm nhiệm vụ, Đáp số (1980 – Đặng Hiền) là những phim có sắc thái riêng về đạo diễn, về tạo hình, về diễn đạt tính cách nhân vật đem lại nhiều cảm tình cho người xem, mở ra những lối thể hiện mới, hấp dẫn.

trien_lam_20_nam_hoat_hinh_viet_nam_tai_lien_xo

Triễn lãm 20 năm hoạt hình Việt Nam tại Liên Xô

Loại phim lịch sử cũng có những thành công nhất định. Nếu trước kia Kơpa Lơlon là một phim sử dụng hình tĩnh, thì những phim gần đây được diễn tả sinh động lên nhiều. Như Yết Kiêu, 1976 – Hoàng Thái, Ông Trạng thả diều, 1977, Trận đánh kỳ lạ, 1980 – đều của Đình Trang Nguyên đạo diễn. Riêng Ông Trạng thả diều (kịch bản Hà Ân) được dư luận đánh giá cao không những vì nội dung hiếu học của cậu bé nhà nghèo, vì câu chuyện giản dị mà có sức truyền cảm, mà còn vì có lối tạo hình khỏe khắn chân chất mà có duyên, màu sắc tươi tắn mà dung dị hòa hợp, đượm chất dân tộc của họa sỹ Tô Ngọc Thành.

Phim cổ tích – thần thoại sản xuất không nhiều, nhưng cũng có thành tựu. Đáng tiếc là những hạn chế về tạo hình, diễn xuất và kỹ xảo đã ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của phim, như Đảo dưa, 1977 - Đỗ Trần Hiệt, Thạch Sanh, 1976 – Ngô Mạnh Lân… Phim thần thoại Âu cơ – Lạc Long Quân, 1980 – biên kịch Trần Ngọc Thanh, Mai Long, đạo diễn Nghiêm Dung, Mai Long, được thể hiện khá công phu và hoàn chỉnh, tạo được không khí cổ xưa và tính hoành tráng vũ trụ của sự kiện cũng như nhân vật.

De_men_phieu_luu_ki

Phim Dế mèn phiêu lưu ký

Ngoài phim cho trẻ em, mấy năm gần đây đã ra đời loại phim châm biếm phục vụ đối tượng người lớn, vạch ra những hiện tượng tiêu cực trong đời sống và sản xuất, biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, như Chiếc bật lửa (1978 - Nghiêm Dung), Mưa (1978 - Đỗ Trần Hiệt), Bộ đồ nghề nổi giận (1978 - Ngô Mạnh Lân, Minh Trí), Ông Ích và ông Kỷ (1979 - Nghiêm Dung). Phim ngụ ngôn – triết lý cũng được thể nghiệm như Trước cửa nhà thỏ (1979), Cỗ máy bên đường (1980) hai phim của Hữu Hồng. Tuy loại phim này được hoan nghênh nhưng việc sử dụng khả năng châm biếm sắc sảo vốn có của hoạt hình chưa cao, nên hình tượng chưa nổi về chiều sâu và tư tưởng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, phim hoạt hình Việt nam có thêm một thành viên mới, một bạn đồng nghiệp – đó là Xưởng phim hoạt họa thuộc Xí nghiệp phim tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Qua 5 năm xây dựng, Xưởng đã sản xuất được trên 20 bộ phim hoạt họa, cắt giấy và đang thể nghiệm làm phim búp bê.

Thể loại chính của Xưởng là đồng thoại, nên lên những phẩm chất như thật thà, chăm chỉ, thương yêu nhau, yêu lao động, bảo vệ cái đẹp v.v … như các phim Cây chổi đẹp nhất (1977 – Vỹ Nguyên), Chú bé và cây non (1977 – Kha Thùy Châu), Ba chú dê con (1978 – Nguyễn Vy), Chú rùa và toa xe (1980 – Hồ Đắc Vũ). Đặc biệt, Cây chổi đẹp nhấtBa chú dê con của đạo diễn Nguyễn Vy được dư luận đánh giá cao trong LHP về chủ đề dễ hiểu, diễn xuất sinh động, vui tươi, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, tình cảm hồn nhiên của các em.

Số phim khác đi vào đời sống lao động và học tập của các em như Mẹ bằng lòng, 1976 – Vỹ Nguyên, Con heo đất, 1977 – Kha Thùy Châu, Đúng như vậy! 1979 – Hồ Đắc Vũ, Hiệp sỹ và công nhân, 1979 – Nguyễn Vy, Dòng sông Hơ Mên, 1979 – Kha Thùy Châu, Em bé và chiếc gương, 1978 – Trương Qua… Có phim ngụ ngôn như Bài học đáng nhớ, 1977 – Kha Thùy Châu, Cốc và cò, 1978 – Hồ Đắc Vũ, có phim thiên về triết lý như Chú diều cánh biếc, 1980 – Nguyễn Vy, Bé rơm, 1980 – Song An hoặc ẩn dụ về chính trị như Vua hổ, 1980 – Phạm Văn Châu… Nhìn chung, những phim nói trên tuy chưa đạt đến mức hoàn chỉnh nghệ thuật, nhưng mỗi phim cũng có cách tìm tòi riêng, có khi là sự cố gắng thể hiện hiệu quả chân thực, có khi là áp dụng lối nhìn của trẻ em qua những hình vẽ ngộ nghĩnh, có khi là việc sử dụng màu sắc phong phú của tranh hội họa.

Poster_Con_sao_biet_noi

Poster phim Con sáo biết nói

Chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng sang màn ảnh hoạt hình là việc làm còn mới mẻ, nhưng Xưởng đã mạnh dạn thực hiện. Trước nay ở Xưởng Hà Nội cũng đã có nhiều phim làm theo tác phẩm văn học như Cái Tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi), Chú đất nung (Nguyễn Kiên), Những chiếc áo ấm (Võ Quảng) v.v… Nhưng việc đưa một truyện dài nổi tiếng có 10 chương với nhiều sự việc và tình tiết như Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài lên màn ảnh hoạt hình miền Nam là việc làm đầu tiên. Bộ phim dài 4 cuốn do Trương Qua đạo diễn được xây dựng khá công phu, có những tìm tòi mới, nhất là về hình tượng nghệ thuật màn ảnh, về hiệu quả không gian, đem lại một số kết quả tốt, đồng thời cũng gợi ra nhiều vấn đề đáng bàn bạc.

Nét chung đáng quý của Xưởng phim thành phố Hồ Chí Minh là sự cố gắng tìm hiểu, đi sâu vào bản chất nghệ thuật hoạt hình, ngày càng nâng cao tay nghề, loại dần những ảnh hưởng ngoại lại, bớt dần khuynh hướng nệ thực. Ngoài ra, tuy chưa có được trang bị kỹ thuật hiện đại, nhưng Xưởng vẫn giữa được chất lượng cao về kỹ thuật phim màu và âm thanh.

NSND – Đạo diễn Ngô Mạnh Lân