(TGĐA) - Từ văn học, kịch, cải lương, kho tàng chuyện cổ tích, thậm chí cả remake kịch bản của nước ngoài đều đã được những nhà làm phim Việt đưa lên màn ảnh nhưng riêng ở mảng truyện tranh thì lại chưa từng có tiền lệ. Sắp tới, nếu hai dự án được công bố là Bad Luck và Trạng Tí ra mắt khán giả thì chắc chắn, đó được coi là phim chuyển thể từ truyện tranh đầu tiên của điện ảnh Việt. Từ cường quốc như Hollywood đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan, việc chuyển thể từ truyện tranh lên phim không có gì là lạ. Vì sao điều đó lại chưa thể có ở nền điện ảnh Việt Nam? Dưới đây, là 10 lý do “biện minh” cho câu hỏi này.
Vẫn còn nhiều tài nguyên chưa khai thác hết
Phim Việt bùng nổ về số lượng mới chỉ trong vài năm gần đây. Về thực chất, kịch bản mới chỉ khai thác phần bề nổi, vẫn dò dẫm thị trường từ nội dung cho đến thể loại.
Số lượng phim có thể lớn nhưng đều hao hao giống nhau, tạo khái niệm về một chiếc bong bóng xà phòng thổi phồng hời hợt chứ chưa thực sự chạm tới cũng như đủ lực khai thác những tài nguyên dồi dào sẵn có từ văn học, lịch sử, sân khấu cho đến các kho tàng dân gian Việt…
Chúng ta còn quá nhiều tài nguyên chưa khai thác, ví dụ như Truyện Kiều kinh điển này |
Vẫn còn có rất ít tác phẩm văn học, sân khấu được chuyển thể; các nhân vật, biến cố lịch sử hào hùng vẫn nằm yên trên trang giấy; kho tàng truyện cổ tích gần đây mới được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân manh nha tận dụng và Truyện Kiều thì mãi tới tận hôm nay mới được đạo diễn Lưu Trọng Ninh sờ tới… Vì thế, truyện tranh, vẫn chưa phải là mục tiêu hàng đầu để các nhà làm phim khai thác, lục lọi.
Chưa đủ hiệu ứng truyền thông và khán giả
Với các nhà sản xuất phim tư nhân, lợi nhuận luôn được tính đến hàng đầu. Nếu việc chuyển thể đủ hiệu ứng từ truyền thông cho tới khán giả đánh động, chắc chắn sẽ có một mối lương duyên thật chặt. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gần đây là một ví dụ về mối lương duyên giữa điện ảnh – văn học khi tác phẩm nguyên gốc đủ làm hiệu ứng truyền thông lẫn tận dụng sẵn số lượng khán giả hâm mộ.
Dạ cổ Hoài lang cũng vậy, là lôi kéo khán giả từ vở cải lương nổi tiếng. Các phim remake bùng nổ gần đây, là lợi dụng trên các phim đã từng thành công ở nước ngoài và thậm chí game online Võ lâm truyền kỳ gây sốt một thời cũng từng được hãng Phước Sang tận dụng làm phim. Truyện tranh Việt suốt nhiều năm, gần như chưa có một tác phẩm nào đủ gây tiếng vang, tạo hiệu ứng động tâm tới các nhà sản xuất phim.
Đến bao giờ truyện tranh Việt mới có mối lương duyên với điện ảnh tốt như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh |
Quan niệm nghèo nàn về truyện tranh
Quan niệm sai lệch này đến cả từ 3 phía: Độc giả người lớn, Nhà sản xuất phim và cả tác giả. Với độc giả người lớn (các bậc phụ huynh) hay bạn trẻ nói chung không quá nhiều quan tâm tới truyện tranh thì suy nghĩ chung là truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi. Nội dung đơn giản, thậm chí giáo điều, chủ yếu mang tính giáo dục còn lại là giải trí vui vẻ. Thậm chí, khi có những tác phẩm “vượt khung” giới hạn thì đều đánh đồng bằng quan điểm nặng nề rằng, nó gây ảnh hưởng đến tâm hồn của trẻ em.
Tương tự đó là các tác giả vẽ truyện. Tác giả truyền thống thì tư duy y hệt phụ huynh, những người trẻ, phá cách thì một là sáng tác “lai căng”, ảnh hưởng nặng nề từ các truyện tranh nước ngoài từ nội dung đến nét vẽ, hai là chỉ loanh quanh giải trí nhằm mục đích gây cười. Những điều này, rất ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, các nhà làm phim. Họ không có hướng “mở” ở đầu ra khi bị các quan niệm của độc giả người lớn chặn đường và cũng ít có tác phẩm từ phía tác giả để thay đổi cách tư duy.
Và thực sự, truyện tranh Việt Nam chưa có nhiều phân khúc tác phẩm dành cho người lớn.
Truyện tranh Việt chưa sẵn sàng trở thành biểu tượng văn hóa
Không chỉ nói về bề dày lịch sử của nền truyện tranh Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay Âu Mỹ với đa dạng về thể loại, sâu sắc về nội dung mà quan trọng, truyện tranh từ lâu đã trở thành biểu tượng, bản sắc văn hóa.
Những phim mang bản sắc như Thần đồng Đất Việt quá ít và vẫn đơn thuần dành cho thiếu nhi |
Chúng ta có thể nhìn thấy văn hóa Mỹ, khí chất siêu cường qua các anh hùng Marvel cứu thế giới trên màn ảnh; nhìn thấy biểu tượng, khát vọng Nhật Bản qua các nhân vật truyện tranh như Ninja Rùa, Doraemon, Songoku… lên phim hay văn hóa, lịch sử Hàn qua những phim như Goong (Hoàng cung), Huyền thoại Iljimae… Tất cả những điều đó khiến những nhân vật tưởng chỉ dành cho thiếu nhi chợt có sự đồng cảm khát khao của người lớn, trở thành biểu tượng cho cả một quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với khao khát chuyển tải lên màn ảnh, khuếch trương nó lan rộng của các nhà sản xuất phim, của khán giả nhận được sự đồng hành của cả thể chế đất nước đó.
Truyện tranh Việt Nam, một vài năm gần đây, một vài Trạng Tí nhỏ chưa đủ tạo nên một tầm vóc.
Chưa có ý thức để truyện tranh lên phim
Chúng ta chưa có tiền lệ cho việc chuyển thể từ truyện tranh lên phim. Bộ phim Cho em gần anh thêm chút nữa ra mắt 2016 được cho là “gần gũi” : thể loại này thì lại chính là quy trình ngược.
Từ truyện ngắn thành phim, rồi từ phim vẽ thành truyện tranh phát hành. Chính vì không có đường nên truyện tranh vẫn chỉ đóng khung trong phạm trù của nó. Điều này rất khác với Hàn Quốc hiện nay khi nhiều webtoon (truyện tranh trên mạng) ra đời ngay từ đầu đã nhắm tới mục đích chuyển thể thành phim.
Từ khuôn hình, định hình khuôn mặt theo diễn viên, tiết tấu truyện tới việc lấy ý kiến khán giả, liên hệ nhà sản xuất phim kết hợp truyền thông trước đều được chuẩn bị kỹ.
Những truyện tranh như Misaeng không chỉ dành cho thiếu nhi mà khai thác triệt để cuộc sống của giới văn phòng |
Chính vì mục đích này, nội dung của truyện tranh cũng dần phong phú, không chỉ bó hẹp trong những câu chuyện ngôn tình, lịch sử mà còn bám thể loại hành động, kinh dị hay đi sâu vào nhiều vấn đề xã hội, nghề nghiệp khá kỹ càng như Dae Mul (chính trị), Gourmet (nghề đầu bếp), Misaeng (giới văn phòng)… Các tác giả tham gia trào lưu webtoon định hướng làm phim cũng có tư duy sâu sắc hơn khi cũng bỏ công tìm tòi tư liệu, phỏng vấn, xâm nhập thực tế để những tác phẩm của mình dễ dàng tìm được nhà sản xuất cũng như đồng cảm hơn với số đông khán giả.
Chuyển thể truyện tranh lên màn ảnh có khá nhiều lợi thế. Ngoài nội dung phong phú thì các khuôn hình truyện tranh đều có bối cảnh, nhân vật, góc máy và lời thoại… rất gần với việc vẽ storyboard cho một bộ phim trước khi sản xuất. Chưa kể, hiệu ứng truyền thông của những truyện tranh có lượng người theo dõi đông là cực kỳ thuận lợi cho việc quảng bá phim. Tuy nhiên, khó khăn dẫn đến thất bại không phải không có. Bài học từ những nhân vật thuộc loại dễ tạo “bom tấn” như Fantastic Four, Green Lantern, Catwoman, Suppergirl… hay Dragonball: Evolution (remake) là một ví dụ. Áp lực lớn đến từ việc khán giả so sánh với nguyên tác truyện tranh. Thứ hai là phải kiểm soát được sự cô đọng của tác phẩm khi đưa hàng ngàn chương của truyện co gọn trong 120 phút phim.
Thứ ba là “làm mới” nó thế nào để tránh nhàm chán cũng như tránh việc “anh đi xa em quá”. Và cuối cùng, đừng để mất văn hóa, bản sắc của nó khi đưa lên thành phim, như Dragonball: Evolution hay hầu hết những tác phẩm anime được Hollywood mua bản quyền thành phim. |
Thành Sơn