(TGĐA) - Đại Tần đế quốc, Trường An 12 canh giờ, Như Ý truyện, Phong khởi Lạc Dương...đâu mới là bộ phim Hoa ngữ tái hiện lại văn hóa, lịch sử cổ đại một cách chân thực, chính quy nhất.
Trong những năm gần đây, xuất hiện khá nhiều bộ phim truyền hình cổ trang Hoa ngữ được ra mắt với mục đích khôi phục lại văn hóa lịch sử đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Gần đây nhất có thể kể đến Thượng Thực, Phong khởi Lạc Dương điển hình hơn trước đó là Như Ý truyện, Minh Lan truyện...
Dưới đây là Top 9 bộ phim cổ trang Hoa ngữ được đánh giá là có sự đầu tư, tìm kiểu kỹ lưỡng nhất về văn hóa cổ đại, xứng đáng đại diện cho những tác phẩm nghệ thuật góp phần làm sống dậy văn hóa, lịch sử cũ.
1. Thượng Thực: Từ văn hóa phục trang đến ẩm thực đều thể hiện rõ nét đặc trưng thời Minh.
Thượng Thực là dự án phim cổ trang, cung đình do Vu Chính làm biên kịch sau Diên Hi Công Lược và Li Ca Hành. Phần lớn trang phục trong những bộ phim cổ trang do Vu Chính sản xuất ban đầu đều có màu sắc sặc sỡ, tươi tắn. Tuy nhiên, kể từ sau Diên Hi Công Lược, Vu Chính đã chuyển sang một thái cực hoàn toàn khác, phong thái, tone màu tổng thể trở nên trầm nhạt và tao nhã hơn hẳn, phù hợp với bối cảnh của từng triều đại.
Phục trang của Thượng Thực được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đánh giá là đã tái hiện gần như hoàn chỉnh đặc điểm trong thời kỳ Vĩnh Lạc, triều đại nhà Minh. Từ thường phục tao nhã, quý tộc của Thái tử đến trang phục của cung nữ... họa tiết, chất liệu và đường chỉ đều rất tinh tế.
Với văn hóa ẩm thực, Thượng Thực đã phác họa rõ ràng 8 nền ẩm thực lớn với hàng nghìn món ăn độc đáo, lạ miệng, cuốn hút người xem. Thượng Thực bao hàm hầu hết mỹ vị được nhắc đến trong các tác phẩm văn học cổ đại như: Đào Am Mộng Ức, Ô Thanh Trấn Trí, Khách Tọa Chuế Ngữ... Dường như để hoàn thành Thượng Thực, biên kịch phim Vu Chính đã phải bỏ ra không ít công sức nghiên cứu sách xưa.
Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu quá trình quảng bá, bộ phim đã bị netizen Hàn tẩy chay triệt để vì cho rằng Thượng Thực bắt chước Hanbok và đạo nhái lại bộ phim Nàng Dae Janggeum của nước này. Sau đó, Vu Chính đã lên tiếng phản hồi trên Instagram cho biết: Thượng Thực được xây dựng dựa trên sự thật lịch sử. Trong khi đó, Nàng Dae Janggeum lấy bối cảnh thời Lí, mà trang phục thời Lí thực chất được truyền lại từ thời nhà Minh.
2. Li Ca Hành: Phục trang tái hiện nguyên trạng như bước ra từ bích họa Đôn Hoàng.
Li Ca Hành được lấy bối cảnh ở thời nhà Đường. Sau khi phim lên sóng, một số cư dân mạng đã tinh ý phát hiện ra rằng nhiều chi tiết trong phim được xây dựng, phục chế dựa trên những bức tranh vẽ cổ đại, trong đó có bích họa Đôn Hoàng. Tạo hình của các nhân vật trong phim hoàn toàn khớp với những bức vẽ này.
Trang phục trong Li Ca Hành được thiết kế vô cùng tinh tế và đẹp mắt. Nhiều chi tiết độc nhất vô nhị khiến khán giả ấn tượng. Ngay cả những nhân vật phụ, những vai diễn nhỏ cũng được chăm chút ngoại hình kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, màu sắc tổng thể trong Li Ca Hành lại có chút u tối, ảm đạm dù thực chất thời Đường cũng rất chuộng những màu sắc tươi sáng. Một điểm trừ nữa của Li Ca Hành đó chính là cốt truyện quá nhàm chán, kỹ năng diễn xuất của diễn viên dở tệ. 2 yếu tố kể trên đã khiến bộ phim dù được đầu tư nhiều về phần nhìn nhưng vẫn không gặt gái được thành công như mong đợi.
3. Trường An 12 canh giờ: Chi phí dành cho phục trang lên đến 400 triệu nhân dân tệ (gần 1,5 nghìn tỷ VND).
Nhắc đến những bộ phim cổ trang mang yếu tố lịch sử cao, cái tên đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến đó chính là Trường An 12 canh giờ. Xem phim, khán giả như thật sự lạc vào triều đại nhà Đường. Tạo hình của các nhân vật trong phim tựa như bước ra từ những bức vẽ trên tường đá, từ áo giáp, thanh gươm, thanh kiếm đến vương miện, cách trang điểm đều mang đậm đặc trưng thời Đường.
Phong cách trang điểm vẽ thêm cánh đào trên trán chính là nét độc đáo tại thời điểm này. Người ta phải mất hàng giờ để hoàn thành công đoạn trang điểm cho diễn viên, để khi lên hình được hoàn chỉnh nhất.
Ngoài ra, Trường An 12 canh giờ còn phục dựng lại 108 quảng trường của thành Trường An cùng các khu chợ Đông Tây sầm uất và nhộn nhịp trong sử sách. Chi phí sản xuất phim lên đến 600 triệu nhân dân tệ (hơn 2,1 nghìn tỷ VND), riêng trang phục, đạo cụ và cảnh quay đã chiếm tới 70% tổng chi phí, lên tới hơn 400 triệu nhân dân tệ (hơn 1,4 nghìn tỷ VND).
4. Phong khởi Lạc Dương: Bối cảnh dựng phim rộng tới 40 nghìn mét vuông.
Cùng với Trường An 12 canh giờ, Phong khởi Lạc Dương là bộ phim tiếp theo trong thời gian gần đây được thực hiện một cách chỉn chu, phục hồi gần như hoàn chỉnh nhất diện mạo thịnh vượng của nhà Đường. Trong đó, bộ phim đã sử dụng hơn 40 nghìn mét vuông đất để dựng cảnh, gần 15 nghìn đạo cụ được chế tác tỉ mỉ, 5 nghìn bộ trang sức và y phục, quy tụ hơn 25 nghìn diễn viên quần chúng. Thậm chí, cả ổ khóa cổng và cửa ở trong phim cũng được thiết kế dựa trên cơ sở lịch sử.
Dù so với Trường An 12 canh giờ, Phong khởi Lạc Dương vẫn còn nhiều điểm thiếu sót, song đánh giá tổng thể, đây vẫn là một bộ phim hiếm thấy có sự đầu tư chất xám một cách chuyên nghiệp.
5. Diên Hi Công Lược: Chỉ riêng 1 bộ trang phục của hoàng hậu đã có giá trị lên đến 400 nghìn nhân dân tệ (gần 1,5 tỷ VND)
Theo biên kịch Vu Chính, để hoàn thành Diên Hi Công Lược, bản thân anh đã phải tham khảo rất nhiều tài liệu về phục trang, phụ kiện tóc, đạo cụ, thậm chí là đến tận bảo tàng để quan sát sau đó làm lại từng chi tiết một, cố gắng tái hiện đúng nhất với lịch sử. Đội ngũ thiết kế là những nghệ sĩ thủ công có tay nghề hàng chục năm, tự tay tạo ra từng bộ y phục với họa tiết thêu tỉ mỉ...
Kiểu tóc búi ngang hai bên trong Diên Hi Công Lược cũng vô cùng hiếm thấy trong các bộ phim cung đấu nhà Thanh trước đây. Kiểu tóc búi độc đáo trên đặc biệt được làm trên nền tóc thật của diễn viên, trông thanh tú và bớt khoa trương hơn hẳn.
Theo thông tin, chi phí làm phim lên đến 300 triệu nhân dân tệ (hơn 1 nghìn tỷ VND) nhưng thù lao của các diễn viên lại chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 24 triệu nhân dân tệ (hơn 86 tỷ VND). Như vậy, số hiện kim còn lại đều đổ dồn vào việc xây dựng bối cảnh, phục trang... vô cùng hoành tráng.
6. Như Ý truyện: Triều phục phong hậu có giá trị lên đến hàng triệu USD, được bảo tàng Cố Cung chứng nhận là cổ phục được phục hồi nguyên bản.
Nhắc đến phim về nhà Thanh không thể không nhắc đến siêu phẩm cung đấu Như Ý truyện. Theo đánh giá từ các nhà nghiên cứu chuyên môn, bố cục bối cảnh phim đã phục dựng đúng 100% theo nghi thức cung đình xưa. Các vật dụng nhỏ như tách trà, bàn ghế, đồ dùng tuy trông có vẻ thông thường nhưng lại rất tốn thời gian và công sức để mô phỏng. Thậm chí, trang phục, trang điểm và phụ kiện của các phi tần trong phim kỳ công đến mức người ta phải gọi đó là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.
Những bối cảnh trong phim như: Diên Hi cung, Dực Khôn cung, bãi săn Mộc Lan... đều là cảnh thật. Đến du thuyền của vua Càn Long cũng do chính đoàn phim bỏ công sức ra đóng thành để đáp ứng đúng yêu cầu bối cảnh, thời đại.
Ban đầu, khi bị đem ra so sánh với Diên Hi Công Lược, Như Ý truyện từng bị chê là có trang phục thiếu thẩm mĩ. Tuy nhiên, ít ai biết được, kỹ thuật phục dựng của Như Ý truyện hoàn toàn xứng đáng đứng ở tầm cao mới. Trang phục nhà Thanh màu sắc phong phú, lộng lẫy, tươi sáng, tượng trưng cho từng cấp bậc, địa vị khác nhau. Riêng triều phục mà Như Ý (Châu Tấn) mặc trong buổi phong hậu đã có giá trị lên đến hàng triệu USD, được Cố Cung công nhận là bản phục tác hoàn chỉnh.
7. Minh Lan truyện: Phục hồi đúng nguyên bản Thanh minh thượng hà đồ.
Minh Lan truyện là đại diện cho những bộ phim cổ trang điển hình lấy bối cảnh thời Tống. Nếu để ý kỹ, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra, thiết kế đường phố, ký tự bảng hiệu... hoàn toàn trùng khớp với Thanh minh thượng hà đồ (Tác phẩm mô tả cảnh sinh hoạt của người dân Trung Quốc đời Tống tại kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong ngày nay) với đầy đủ những hoạt động thường nhật, trang phục, ngành nghề, các chi tiết kiến trúc, đường sá cũng được mô tả kỹ lưỡng với nhiều màu sắc. Thanh minh thượng hà đồ được vẽ trên một cuộn giấy dài có kích thước 24,8×528,7 cm).
Thiết kế trang phục của các tầng lớp xã hội trong triều đại này cũng dựa theo quy cách riêng, cổ áo thắng, áo váy liền thân, màu sắc phân theo từng cấp bậc. Quan cửu phẩm trở lên dùng màu đen, quan thất phẩm trở lên dùng màu xanh lá, quan ngũ phẩm trở lên dùng màu đỏ, quan tam phẩm trở lên dùng màu tím... tất cả đều được thể hiện vô cùng tỉ mỉ.
8. Khúc nhạc thanh bình: Khắc họa hình ảnh nhân vật lịch sử đúng chuẩn 100%.
Cùng với Minh Lan truyện, Khúc nhạc thanh bình được lấy bối cảnh thời nhà Tống, hơn nữa cùng do công ty Daylight sản xuất. Do đó, nếu đem cả 2 bộ phim ra cùng so sánh, khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều điểm tương đồng. Chỉ có điều màu sắc trong Khúc nhạc thanh bình có phần tươi sáng, rực rỡ hơn.
Từ y phục của hoàng đế, mũ đội đầu cho đến ghế rồng đều tái hiện rất thành công chân dung của Tống Nhân Tông trong sử sách.
Tạo hình của nhân vật Tào Đan Thù - Từ Thánh Quang Hiến Tào Hoàng hậu khớp hoàn toàn với nguyên bản. Từ trang điểm, trang phục cho đến những chi tiết nhỏ như đường viền cổ áo cũng được mô phỏng theo đúng quy củ hoàng hậu triều Tống.
Có thể thấy, đoàn làm phim Khúc nhạc thanh bình đã nghiên cứu rất kỹ cuốn Tống sử: Dư Phục Chế.
9. Đại Tần đế quốc: Thiết kế trang phục nguyên bản, đến phong cách đi đứng cũng chuẩn sổ sách ghi lại.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần điển hình đó chính là Đại Tần đế quốc, một trong số những bộ phim truyền hình cổ trang lấy bối cảnh thời Xuân Thu - Chiến Quốc được ra mắt trong những năm gần đây.
Bộ phim nhận được nhiều lời tán thưởng từ phía khán giả khi bất luận là trang phục, trang điểm hay là những phép tắc, ứng xử trong phim đều vô cùng gần gũi, đúng với lối sống, quy củ thời nhà Tần.
Một trong những đặc điểm điển hình của giai đoạn này đó chính là là ít có sự xuất hiện của trang phục bằng lụa, lụa chỉ được dùng để mặc lót bên trong, nam lẫn nữ đều không có quần dài, lớp trong cùng ôm sát cơ thể nhưng cũng tạo được sự thoải mái. Vì khả năng sản xuất hạn chế nên thường dân không được phép mặc đồ lụa. Thay vào đó, vải lanh trở thành chất liệu chính và phổ biến nhất.
Chính vì trang phục được may bằng vải lanh, khá nặng, ống tay rộng, trên người lại mang vác theo nhiều đồ nên bước đi của các nhân vật trong phim cũng yêu cầu phải vững vàng. Áo giáp tướng sĩ sử dụng da bò thật, có trọng lượng hơn 30kg.
Để khôi phục lại lịch sử một cách chỉn chu nhất, đoàn làm phim Đại Tần đế quốc đã di chuyển đi đến 6 cơ sở điện ảnh và truyền hình lớn trên cả nước, từ bối cảnh kiến trúc đến trang phục, đạo cụ, tất cả đều tuân thủ nghiêm ngặt theo tư liệu lịch sử, tạo nên khí thế sôi nổi thời chiến.
Hồng Nhung