(TGĐA) - Sự bùng nổ chương trình truyền hình thực tế nở rộ đã mang đến những giá trị giải trí mới đáng ghi nhận. Ngoài phát hiện ra nhiều nhân tố mới thật sự tài năng để dấn bước vào làng giải trí thì phần nhiều còn góp phần hâm nóng lại các tên tuổi nghệ sĩ dần bị khán giả lãng quên. Tất nhiên, một thị trường béo bở mở ra, ai cũng nhìn thấy điều lợi, ai cũng muốn được phần sẽ sinh tất yếu là đua tranh kém minh bạch.
Những vị giám khảo - người có quyền cầm cân nảy mực - nhận nhiệm vụ phát hiện ra các tài năng luôn nhận được sự trân trọng thì nay đã bị săm soi hơn bao giờ về tính công tâm. Một câu hỏi đã được đặt ra: Giám khảo ghế nóng có thực sự nóng hay là chiếc ghế lạnh vô hồn?
|
Đã từng có những tài năng từ chương trình thực tế
Còn nhớ những mùa đầu tiên của chương trình Việt Nam idol đã có công phát hiện ra nhiều tên tuổi ca sĩ như Quốc Thiên, Thanh Duy, Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương… thì dàn giám khảo là những tên tuổi lớn trong âm nhạc như nhạc sĩ Anh Quân, Quốc Trung, ca sĩ Mỹ Linh… Và khi những những idol ngày xưa trưởng thành, ghi dấu trong âm nhạc với phong cách riêng như Uyên Linh, Văn Mai Hương thì chính họ lại đã truyền lửa và chọn ra những thế hệ VietNam idol nhí rất đáng quý như Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường…
Ở những chương trình truyền hình thực tế khác dạng gameshow như Bước nhảy hoàn vũ, X - factor, Danh ca vọng cổ, Thần tượng tương lai, Hãy nghe tôi hát, Gương mặt thân quen, Cùng nhau tỏa sáng… thì việc tìm kiếm tài năng càng đòi hỏi tính công bằng hơn bao giờ. Ở những chương trình này sự công tâm luôn đặt với lằn ranh của thị hiếu, quan điểm và tai nghe của mỗi người khác nhau. Vấn đề này chưa cần đi đến thống nhất cuối cùng thì sự công tâm đã được đặt ra khi hàng loạt các chương trình sau này luôn xảy ra dư luận ồn ào vì ban giám khảo đều có “gà ruột” là thí sinh đi thi. Còn nhớ chương trình The Voice đã xảy ra câu chuyện hậu trường về mối quan hệ có hay không tình yêu của giám đốc âm nhạc với 1 thí sinh. Câu chuyện đến nay vẫn không có lời xác nhận từ chính người trong cuộc, chỉ biết rằng, nhờ có giám đốc âm nhạc mà trong và sau cuộc thi cô ca sĩ này dần khẳng định phong cách của mình hơn.
|
Ở một chương trình khác Người hát tình ca, với chất giọng mượt mà ấm áp, thí sinh tomboy Nguyễn Mỹ Tiên luôn chiếm tuyệt đối số phiếu bình chọn của khán giả và nhận cơn mưa lời khen từ giám khảo ở từng vòng thi nên kết quả chung cuộc dành cho cô nàng tomboy này ai cũng dễ dàng đoán được. Tuy nhiên, điều bất ngờ như ở phút 89 của 1 trận đấu bóng đá đã xảy ra: dù là tiết mục được đầu tư hoành tráng nhất, chất giọng ổn định nhưng thí sinh Nguyễn Mỹ Tiên chỉ được giải nhì trong sự tiếc nuối của người xem. Các giám khảo đồng loạt nhận xét về chất giọng không hay của thí sinh này dù trước đó chính họ, đã liên tục dùng những mỹ từ: “Hãy là chính em, với phong cách và chất giọng này thì em sẽ không có đối thủ. Tôi thần tượng em. Em có chất giọng rất tình cảm…”. Lúc này thì khán giả và thí sinh chỉ biết cười trừ trong quyết định của những người có thẩm quyền.
Tương tự trong chương trình Hãy nghe tôi hát, nếu có mặt tại phim trường nghe được các ca sĩ trình diễn hát live, người nghe dễ dàng nhận ra được thí sinh nào hát hay và ai là người hát phô. Có những ca sĩ hát xong nhận được toàn bộ lời khen của giám khảo nhưng khi chấm điểm thì chỉ nhận được con số khiêm tốn để đến khi xếp hạng chung cuộc thì luôn đứng vị trí 4/6 thí sinh dự thi. Câu hỏi được đặt ra là vì sao lời khen và số điểm lại tỉ lệ nghịch như thế? Và đa số cách chấm điểm của các cuộc thi đều có điểm chung là giữ lại số điểm của 1 vị giám khảo khách mời…
|
Câu trả lời chung là: Để tạo yếu tố hấp dẫn cho bạn xem đài và đảm bảo tính cạnh tranh của các thí sinh, không tác động tâm lý thi của các thí sinh. Tuy nhiên, thông tin “hành lang” đã liên tục được đưa ra: Chỉ khi 1 số điểm được bí mật thì sự thay đổi mới được “bật mí” trong ngỡ ngàng. Và lúc này, giám khảo là những cây đa, cây đề trong làng âm nhạc liệu có còn quyền lực thực sự trên vị trí được mời. Hay khi nhận lời mời từ ban tổ chức thì bên cạnh chuyên môn được đề cao vẫn phải xếp theo thỏa thuận của ban tổ chức và sự can thiệp quyền hạn nhà đài với nhà tài trợ!?
Một ca sĩ là thí sinh trong 1 cuộc thi đã chia sẻ rất thẳng thắn: “Một lời nhận xét ra của BGK có tâm sẽ có tác dụng khích lệ tinh thần cho các thí sinh rất lớn và ngược lại, một lời nhận xét vì bị chi phối bởi 1 thế lực sau lưng sẽ làm cho thí sinh tuột cảm xúc kinh khủng. Tôi nhận được nhiều lời mời dự thi gameshow lắm nhưng phải chọn chương trình với các thành phần ban giám khảo có tiếng nói tôi mới dự thi. Tôi tôn trọng những vị giám khảo nào chấm điểm vì cái tâm, đừng vì thế lực nào chi phối, vì nếu làm thế thì họ đã đánh mất sự tôn trọng của người nghệ sĩ hậu bối dành cho mình”.
Và giám khảo được quyền hay chỉ là người cầm tay chỉ việc?!
|
Vậy ra khi nhận lời ngồi “ghế nóng” các chương trình truyền hình thực tế, bên cạnh những cái “được”, không ít nghệ sĩ đã tự làm xấu hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Ví dụ như một diễn viên hài kiêm MC được coi là người hoạt ngôn đang ăn khách hiện nay. Tuy nhiên, có lẽ do “bệnh nghề nghiệp”, nói quá nhiều, quá nhanh nên đôi khi anh không kiểm soát được lời nói của mình. Ngồi ghế giám khảo chương trình Tìm kiếm tài năng Việt, anh khiến khán giả bội thực với những ngôn từ kiểu như “Tôi há hốc, tôi trơ trọi, tôi đóng băng, xơ cứng động mạch không còn nói năng gì nữa”!!!
“Các show truyền hình thực tế không vì nghệ thuật mà vì kinh doanh. Khi đó, tất cả những lựa chọn cũng sẽ bị tác động. Một sân chơi như thế không bao giờ lành mạnh và công bằng được”. |
Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng ví von rằng truyền hình là nơi để khoe… cái dốt nhanh nhất trước hàng chục triệu người. Nói như thế để thấy rằng, khi tham gia các gameshow các nghệ sĩ phải đối diện với những được – mất không thể lường trước. Có những người vì tham gia gameshow mà hình ảnh được biết đến, nổi tiếng nhanh chóng nhưng ngược lại, có những người tên tuổi bị hủy hoại chỉ sau… một đêm. Chính vì thế, các nghệ sĩ phải suy nghĩ thấu đáo, có trách nhiệm với hình ảnh và lựa chọn của mình.
Với một góc nhìn khác, một vị giám cũng từng chia sẻ: “Các show truyền hình thực tế không vì nghệ thuật mà vì kinh doanh. Khi đó, tất cả những lựa chọn cũng sẽ bị tác động. Một sân chơi như thế không bao giờ lành mạnh và công bằng được”.
Điều này không chỉ đúng với những thí sinh mà với những giám khảo, đôi khi họ cũng không làm chủ được hình ảnh cũng như “vận mệnh” của mình tại cuộc chơi. Đã có những nghệ sĩ ngồi ghế giám khảo nhưng họ cũng chỉ là “con cờ” của nhà sản xuất, dù biết bị “sắp đặt” nhưng “đâm lao đành phải theo lao”? Cứ đà này thì khi sức nóng của các chương trình truyền hình thực tế chưa kịp phát huy hết lực đã sớm bị tạt nước lạnh bởi sự chi phối của những chiếc ghế nóng nhưng lại rất lạnh, chừng như vô hồn…/
Thủy Tiên