(TGĐA) - Sau khi gây bão tại các nước phương Tây, phong trào #MeToo tiếp tục càn quét Bollywood. Nhưng quấy rối và xâm hại tình dục không phải vấn đề mới mà là một vấn nạn đã có từ rất lâu trong kỹ nghệ điện ảnh Ấn Độ. Và đây cũng không phải lần đầu tiên những kẻ quấy rối tình dục bị tố cáo công khai trên mặt báo và các mạng xã hội.
Tallinn Film Fest giải thích lý do vẫn giữ phim của Rajat Kapoor | |
Priyanka Chopra và Nick Jonas khẳng định đã đính hôn |
#MeToo Ấn Độ
Phong trào #MeToo ở Ấn Độ đạt đến cao trào khi nhiều phụ nữ lên Twitter tố cáo các danh hài, diễn viên, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất phim ảnh từng xâm hại tình dục hay có hành động, lời nói bất nhã đối với họ. Khi nói lên sự thật hoặc “không phải sự thật” họ đã khơi dậy cuộc tranh luận về khác biệt giữa: sự bằng lòng, “trao đổi” và cưỡng bức.
| |
Đây không phải lần đầu tiên có tố cáo xâm hại tình dục ở Bollywood |
Khác với các đồng nghiệp Mỹ, phong trào #MeToo Ấn Độ không đến từ các nhà báo điều tra mà chính một số nhà báo cũng là nạn nhân. Thật khó để nói bản sao của #MeToo Hollywood tại Ấn Độ khởi phát từ đâu nhưng có vẻ từ ngày 4/10, khi một diễn viên hài trẻ đứng ra tố cáo Utsav Chakraborty, một nam diễn viên hài 33 tuổi đã gửi ảnh chụp… “của quý” của anh ta cho cô! Sau đó là hàng loạt cáo buộc tương tự được đưa lên tài khoản Twitter của người tố cáo kèm theo những tin nhắn gạ tình tục tĩu với tên người gửi được làm mờ. Họ nói nam diễn viên hài này cũng gửi cho họ những bức ảnh khỏa thân và đề nghị họ gửi lại cho “công bằng”. Thay vì bác bỏ các cáo buộc, Chakraborty thừa nhận ngay từ đầu trên Twitter và ngày hôm sau ngỏ lời “thành thật xin lỗi vì đã có hành vi sai trái”. Sau vụ Chakraborty, nhiều diễn viên và nữ phóng viên kịch trường cũng đua nhau chia sẻ câu chuyện về quấy rối và xâm hại tình dục mà thủ phạm là những người hoạt động trong lĩnh vực của họ. Chỉ trong 3 ngày, hàng chục diễn viên nổi tiếng, trưởng trang giải trí, chủ bút, nhà văn tên tuổi, đạo diễn và nhà sản xuất phim bị “hạ knock-out”. Rất nhanh chóng, hashtag #MeToo trở thành “mốt” trên mạng xã hội Twitter. Hàng trăm tweet kèm theo hình ảnh và tin nhắn gạ tình được đưa lên mạng. “Ăn theo” là bình phẩm của nhiều “chuyên viên” quan hệ xã hội về sự thật đằng sau các cáo buộc. Họ nêu lên ba câu hỏi chính: có sự bằng lòng, có sự trao đổi và có bị tấn công.
| |
Đạo diễn Vikas Bahl cũng bị điều tra sau khi bị tố cáo |
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn xâm hại được đưa ra dư luận tại Ấn Độ. Năm 2017, một sinh viên luật giấu tên công bố một danh sách “Những kẻ săn mồi tình dục” trên Facebook, mà thủ phạm là 50 giáo sư! Nhưng lần này, có một số người tố cáo không giấu tên. Các phóng viên văn hóa văn nghệ đóng vai trò quan trọng nhất trong phong trào #MeToo ở Ấn Độ, vì họ có nghề và biết cách đẩy những cáo buộc lên cao trào. Vì vậy, nhiều người bị họ tố cáo phải từ chức hay bị mất việc. Họ đe dọa sẽ không để phong trào chìm xuống và sẽ làm mọi cách để có thêm những cáo buộc mới. Hiện đã có hơn 100 người bị tố cáo nên có người gọi phong trào #MeToo Ấn Độ là “vụ săn phù thủy lớn nhất tại Bollywood”. Những cáo buộc không nằm ở trang trong các nhật báo mà xuất hiện ngay trên trang trước và chiếm các cột báo dễ thấy nhất. Các bản tin truyền hình giờ cao điểm cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác vấn đề nóng sốt này. Có ít nhất một tờ báo lớn hứa sẽ mở cuộc điều tra sau khi có 7 phụ nữ tố cáo trưởng trang điện ảnh quấy rối tình dục và dọa đuổi việc nếu họ không đáp ứng thú tính của ông ta hay định nói ra sự thật. Một tờ báo khác cho biết, một người phụ trách trang văn hóa văn nghệ đã bị đuổi việc do có các hành vi không đoan chính với nhân viên.
“Lần đầu tiên những cáo buộc đã được công chúng và những người có trách nhiệm xem xét một cách nghiêm túc chứ không xem là chuyện của người khác, không phải của mình nữa” – một nhà quan sát nói. Tiếng nói của các nạn nhân đã được lắng nghe.
Sự trừng phạt của công chúng
Vụ diễn viên Tanushree Dutta tố cáo nam diễn viên đàn anh Nana Patekar xâm hại mình cách nay 10 năm cũng được khơi lại nhờ #MeToo. “Các nạn nhân dùng bất cứ phương tiện nào có sẵn, mạng xã hội, báo chí, smartphone, laptop để kể sự thật và câu chuyện của họ không còn bị bỏ qua như trước. Dùng mạng xã hội để phổ biến câu chuyện của mình cho thấy người dân đã không còn tin vào đơn thư tố cáo gửi lên các cơ quan chức năng. Họ muốn thủ phạm phải bị trả giá bằng sự tẩy chay của công chúng hay sự mất mặt trước công luận. Mạng xã hội đã trở thành công cụ lợi hại để các nạn nhân đạt được mục tiêu. Sự tẩy chay của công chúng và phản ứng tại những nơi thủ phạm làm việc là rất tích cực. Nhiều người bị tố cáo đã phải trả giá cả trước khi tòa án vào cuộc”, luật sư Karuna Nundy làm việc cho Tòa án tối cao nhận xét.
| |
Nhờ làn sóng #metoo, những vụ như tố cáo nam diễn viên Nana Patekar xâm hại lại được nhắc trở lại |
Sau vụ khơi mào Tanushree Dutta, ngày 6/10, trang tin giải trí HuffPost India bắt đầu xuất bản cuộc điều tra dài nhiều tháng liên quan đến đạo diễn Vikas Bahl và hành vi quấy rối các thành viên nữ trong đoàn làm phim vào năm 2015. Và sau đó, là loạt điều tra lại những vụ án cũ mà trước đây, thường rơi vào im lặng. Năm 2018 là lần đầu tiên việc tố cáo những kẻ quấy rối và xâm hại tình dục đã trở thành phong trào tại Bollywood. Các thủ phạm không còn xem thường dư luận mà bắt đầu có thái độ phục thiện hơn. Ví dụ Kashyap, người vừa xin lỗi vừa hứa sẽ “không để lập lại thái độ thiếu tôn trọng đối với các đồng nghiệp nữ”. Công ty sản xuất Phantom do Kashyap thành lập chung với Bahl và hai người nữa cũng bị giải tán vào ngày 6/10. Về vụ Utsav Chakraborty bị tố cáo, dù Utsav thề là chỉ vô tình gửi ảnh khỏa thân cho nạn nhân nhưng nhiều diễn viên hài khác lên mạng xã hội than thở là trường hợp của Chakraborty đã “làm xấu hổ cộng đồng hài”.
| |
Diễn viên hài Utsav Chakraborty bị tố cáo có hành vi quấy rối với nhiều nữ diễn viên |
Chuyện thường ngày tại Bollywood
Nhiều người đặt dầu hỏi phong trào #MeToo Ấn Độ có dẫn đến những hệ quả khốc liệt như tại Hollywood với nhiều “tai to mặt lớn” bị mất hết sự nghiệp như nhà sản xuất Harvey Weinsteins? Có lẽ không, vì phong trào mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Tìm ra người lộ mặt kể lại câu chuyện của mình cũng không dễ mà nếu có kể, “địa chỉ” cũng không rõ ràng như ở Mỹ. Một số nạn nhân chụp ảnh tin nhắn quấy rối đưa lên mạng nhưng không thể đẩy phong trào đi xa hơn vì họ vẫn không dám nêu tên người gửi.
Mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ trẻ đẹp đến thành phố Mumbai, thủ đô của điện ảnh Ấn Độ với hy vọng “đổi đời” và Bollywood sẽ chào đón họ. Nhưng nhiều người thấy giấc mơ trở thành ác mộng. Nhiều diễn viên thú nhận họ thường xuyên bị các đạo diễn và người phân vai quấy rối tình dục kèm lời khuyên: Nếu không chấp nhận thì không thể nhận vai! Như trường hợp nữ diễn viên trẻ Sujatha, khi cô trình báo với cảnh sát nhưng lại nhận được câu trả lời: đây là “chuyện bình thường” của những người có quyền lực trong kỹ nghệ điện ảnh. “Họ có thể làm bất cứ những gì họ muốn” – một cảnh sát nói.
“Lúc tôi mới chân ướt chân ráo đến Bollywood, có người bảo tôi nên… ngủ với đạo diễn và nhà sản xuất để sớm có vai diễn lớn. Nếu muốn được nổi tiếng thì tôi phải cho họ cái gì đó theo kiểu ‘có qua có lại’. Ở đây là thân xác. Nhiều cô gái mơ Bollywood không có sự chọn lựa nào khác ngoài sự đồng ý. Nếu không bạn sẽ rất chật vật để vào nghề” – nữ diễn viên Usha Jadhav chia sẻ. |
Nhiều người hiểu biết về Bollywood cho biết việc đổi sex lấy vai diễn là chuyện không hiếm của điện ảnh Ấn Độ. Nhiều diễn viên trẻ thú nhận họ thường xuyên nhận được những đề nghị khiếm nhã khi đi tìm vai diễn. Usha Jadhav thuộc số rất ít diễn viên dám nói lên sự thật. Đã đóng phim hơn 10 năm và đoạt giải thưởng điện ảnh trong nước nhưng cô vẫn nhận được những đề nghị như thế. Cô hy vọng câu chuyện của mình sẽ khuyến khích các đồng nghiệp nữ khác kể câu chuyện của họ.
| |
Không có nhiều diễn viên nữ Ấn Độ dám thẳng thắn vạch trần nhiều gương mặt tên tuổi như nữ diễn viên Usha Jadhav |
Tallinn Film Fest giải thích lý do vẫn giữ phim của Rajat Kapoor | |
Priyanka Chopra và Nick Jonas khẳng định đã đính hôn |
Lập Xuân