(TGĐA) - Sau hơn một thập kỷ biến mất khỏi màn ảnh lớn, Brendan Fraser trở lại ngoạn mục trong The Whale rồi ẵm luôn một giải Oscar. Truyền thông đánh giá anh là diễn viên có cuộc tái xuất được yêu thích nhất tại Hollywood, gọi nó là “Brenaissance” với ý: “Đây là cuộc phục hưng của Brendan Fraser”. Song có sự thật đáng buồn là cuộc tái xuất càng rực rỡ, chứng tỏ quá khứ càng nhiều đau thương. Brendan Fraser đã trải qua những gì trong thời kỳ đen tối của mình, anh đã đối mặt với quá khứ ra sao? Đó là câu chuyện đầy nước mắt nhưng cũng đầy cảm hứng để khán giả cảm thấy được chữa lành.
|
Biến mất trong cơn bĩ cực
Năm 1991, Brendan Fraser rời trường đại học và chính thức bước chân vào nghiệp diễn ở tuổi 23. Hollywood may mắn có anh trong những ngày tháng rực rỡ nhất và có lẽ khi đó, bản thân anh cũng thấy mình may mắn khi được cống hiến hết mình.
Từ những phim đầu tiên như Encino Man, School Ties (1992) rồi đến George of the Jungle (1997) và 3 phần phim The Mummy (1999 - 2008), Brendan Fraser đã để lại dấu mốc ấn tượng trong văn hóa đại chúng thập niên 90 ở nhiều nơi, làm nên tuổi thơ của nhiều thế hệ. Nhờ vậy mà anh chàng lãng tử, dáng người cao lớn, săn chắc với một tinh thần lăn xả ít thấy ở đâu đã sớm ghi tên mình trong hàng ngũ ngôi sao hạng A của Hollywood.
|
Tuy nhiên từ 2008, sau The Mummy 3, Brendan giảm dần sức nóng rồi mất hút khỏi dòng tin tức cho đến năm 2018. Không ai biết anh đã đi đâu, làm gì. Khi đó, tờ CQ là nơi đầu tiên bật mí về những ngày tháng mất tăm của Brendan: triền miên nhập viện suốt 7 năm để phẫu thuật do hậu quả từ những pha hành động không dùng người đóng thế trước đây, phát hiện con trai cả mắc chứng tự kỷ, ly hôn vợ, bị vợ cũ đâm đơn kiện khi xin giảm mức trợ cấp cho các con, mẹ mất vì ung thư...
Nhưng chấn động hơn cả, có lẽ là việc anh bị xâm hại tình dục trong năm 2003 bởi Philip Berk - Chủ tịch bây giờ của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA).
"Xâm hại tình dục á? Ai mà dám rớ sớ gã to con, cao mét chín này?" - một anh bạn của tôi thốt lên như vậy khi biết chuyện. Có lẽ nhiều người cũng nghĩ như anh, bởi người ta đã quá quen với nạn nhân là phụ nữ, thay vì ngược lại.
Biến cố này đã khiến Brendan vô cùng mặc cảm. Nó là tác nhân khiến cuộc sống sau đó của anh trở nên vô cùng nặng nề, khiến anh cảm thấy khổ sở tới mức rơi vào trầm cảm trong suốt thời gian dài.
Thành công của The Whale
Lại nhớ, đôi mắt của Brendan những năm 1990 tinh anh, rắn rỏi bao nhiêu thì đến nay đã nhuốm màu thời gian, phủ bóng mệt mỏi và long lanh ngấn lệ mỗi khi được gợi nhớ về quá khứ của mình.
Nhận những giải thưởng danh giá đầu tiên cho vai Charlie trong The Whale, Brendan rưng rưng và động viên những người đang dõi theo anh: “Với những ai đang trải qua một ‘đại dương đen tối’ như Charlie, tôi muốn bạn biết rằng nếu bạn cũng có đủ sức mạnh để bước trên đôi chân của mình và đi tới ánh sáng, những điều tốt đẹp sẽ đến”.
Ai xem The Whale chắc chắn không khỏi cảm thấy ái ngại. Charlie là một người đồng tính, mắc chứng béo phì ở độ tuổi trung niên, nhễ nhại mồ hôi, bất lực với cơ thể quá khổ của mình. Sau đó, người xem còn được biết anh đã bỏ rơi vợ con mình để theo đuổi tình yêu mới. Vì vậy, Charlie không chỉ đáng thương, mà còn đáng trách.
|
Sau khi bộ phim ra mắt, đạo diễn Darren Aronofsky từng bị chỉ trích vì đã tạo ra cảm giác kỳ thị, ghê tởm, khó chịu đối với người béo phì, người đồng tính... Nhưng tôi cho rằng đây là chủ ý của đạo diễn nhằm thể hiện góc nhìn mà xã hội dành cho Charlie, khắc họa rõ cảm giác mặc cảm mà nhân vật phải chịu.
Với những trải nghiệm cá nhân, có lẽ Brendan Fraser đã chuyển hóa được những cảm xúc ấy thành phần thể hiện đầy chân thực của một kẻ hết thời, sự mặc cảm của một người yếm thế, bị thế giới xung quanh bỏ quên ấy cho vai diễn trong The Whale.
Trên thực tế, đạo diễn Darren cho biết ông từng mất 10 năm để tìm được người khắc họa vai Charlie. Vậy mà vai diễn ấy hợp hoàn cảnh của Brendan tới mức tưởng chừng như được đo ni đóng giày riêng cho anh. Đây có thể coi là một minh chứng sinh động của câu "đúng người, đúng thời điểm", bởi bộ phim đến với Brendan đúng vào thời điểm anh đã sẵn sàng trở lại, đối mặt với chính mình và công chúng.
Phải chăng, bên cạnh tài năng không thể tranh cãi, chính sự liên hệ giữa thực tế và phim ảnh này đã cộng điểm để anh giành được tượng vàng?
Lý do Hollywood tung hô sự trở lại của Brendan
"Hollywood yêu thích một màn tái xuất ấn tượng" - đó là nhận định của nhiều trang báo quốc tế về sự trở lại của Brendan Fraser. Đúng như mô-típ vượt khó trong các bộ phim drama, còn gì thú vị hơn khi câu chuyện của anh hoàn toàn có thật?
Khi là người nổi tiếng, đời sống cá nhân của bạn cũng trở thành nguyên liệu để mua vui cho công chúng. Vì vậy sẽ thật thú vị nếu bộ phim dấy lên nghi ngờ, câu hỏi ở khán giả, khiến họ chủ động liên kết những chi tiết có thật trong đời tư của diễn viên.
|
Chẳng hạn như Birdman (giành Oscar năm 2015 cho phim hay nhất) là câu chuyện về một ngôi sao giải trí hết thời, từng nổi lên từ chuỗi phim siêu anh hùng, giờ đây muốn phủ nhận quá khứ để chứng minh những giá trị khác - tạm được coi là sâu sắc hơn của bản thân. Còn gì thú vị hơn khi người thể hiện vai diễn này chính là Michael Keaton, người từng nổi lên từ loạt phim về Batman phiên bản những năm 90.
Phải chăng Michael Keaton cũng muốn phủ nhận Batman như nhân vật của ông? Phải chăng ông thực sự cảm thấy ghét bỏ quá khứ, cảm thấy mặc cảm giữa thời kỳ phim siêu anh hùng Marvel và DC đang lên ngôi? Phải chăng mọi phim siêu anh hùng đều là những tác phẩm hời hợt, không có giá trị nghệ thuật, đáng vứt sọt rác? Phải chăng đây chính là mặt tối của Hollywood?... Tất cả trở thành nguyên liệu lý tưởng cho báo chí và khán giả bàn tán ra vào, trở thành mồi lửa để không ngừng tiếp sức nóng cho thị trường điện ảnh này.
Có lẽ vì vậy mà sự tử tế, trong sáng, tốt bụng và nhân văn trở thành “của hiếm” tại Hollywood. Brendan Fraser dường như có thừa những tố chất ấy. Sự tử tế, nhân văn là lý do chúng ta luôn yêu mến những ngôi sao lớn như Keanu Reeves, Robin Williams hay Jim Carrey... Bởi bên cạnh tài năng không có gì phải bàn cãi, họ đều cho thấy một sự gần gũi, chân thành giữa con người với con người.
Trên cả sự yêu quý, chúng ta đồng cảm và thương cảm khi thấy họ cũng phải trải qua những trầm kha, biến cố và mất mát trong đời. Nói một cách khác, họ cũng chỉ là con người. Có người rơi vào trầm uất như Jim Carrey, có người lặng lẽ vượt qua và tìm được cách để bước tiếp như Keanu Reeves, song cũng có những người khác, bi kịch thay, lại chọn kết thúc cuộc đời mình như Robin Williams.
Câu chuyện của Brendan Fraser, may thay, mang một màu sắc tươi sáng và lạc quan mà ai nấy đều cần trong cuộc sống ngày nay. Bởi lẽ, sự thật là chúng ta luôn cần động lực và những điều tốt đẹp để sống tiếp, sống cho có ý nghĩa. Vì vậy, cảm ơn nhé, Brendan Fraser! |
Sao 'Xác ướp Ai Cập' kể lại về những chấn thương kinh hoàng (TGĐA) - Mặc dù vai Rick O'Connell trong loạt phim The Mummy: Xác ướp Ai ... |
Ngôi sao 'Xác ướp Ai Cập' Brendan Fraser khóc như mưa tại Liên hoan phim Venice 2022 (TGĐA) - Brendan Fraser - ngôi sao phim Xác ướp Ai Cập được coi là ... |
Brendan Fraser gia nhập vũ trụ điện ảnh DC, đóng vai phản diện trong ‘Batgirl’ (TGĐA) - Brendan Fraser đóng vai Firefly - một tên sát nhân có sở thích ... |
Anh Đoàn