| Họa sĩ Bùi Văn Tuất | |
Trong giới họa sĩ và những người yêu mến nghệ thuật, chắc hẳn cái tên Bùi Văn Tuất đã không còn xa lạ. Anh được biết đến với những nét cọ theo lối hiện thực cổ điển, không khoa trương, không gai góc, mà toát lên vẻ đẹp tinh tế trong những bức chân dung trực họa chân thật, gần gũi. Hai mảng tranh anh thường vẽ là phong cảnh sinh hoạt và trẻ em vùng cao. Có lẽ chính những năm tháng tuổi thơ ở bản sâu trong rừng Quốc gia Ba Vì và dòng máu Mường đã bồi đắp nên tâm hồn anh, cho anh nhiều cảm hứng nhất để sáng tác, để mỗi khi vẽ về vùng cao, là anh được kết nối với chính mình.
Bùi Văn Tuất chia sẻ: “Mình lớn lên ở vùng trung du, nửa làng, nửa bản. Chân ruộng cao vẫn xen lẫn với mảnh nương mới phát, mương thủy lợi chạy xen với ống vầu dẫn nước, nên tuổi thơ của mình có cả chăn trâu cắt cỏ lẫn mót củi trên rừng, mò ốc bắt cá dưới suối. Trẻ con, ở dưới xuôi thì 'trốn học đuổi bướm cầu ao', trên mình thì cũng một lũ ăn sim tím mồm rồi trốn ngủ trưa tồng ngồng tắm suối. Tồng ngồng vì quần áo phải cởi ra giữ cho khô, chứ xuống tắm ướt lướt thướt về thì ốm đòn.
Hình như sắn đất đồi với khoai chảy mật với sim rừng với nước suối nó làm cái gốc Mường bám chặt vào mình hơn, kem Bờ Hồ hay cơm gạo trắng hay cua cá đồng bằng hay nước máy nhà cao tầng Hà Nội không thể nào phai nhạt bớt được. Hình như mình đã để lại với trung du và rừng núi cái cậu bé Mường là mình trước khi ra Hà Nội học, nên mười mấy năm ở đây, mỗi chuyến dù về nhà với mẹ hay theo chúng bạn vác giá vẽ vi vu Tây Bắc thì cứ đường dốc đến đâu tuổi mình rơi tới đó, lớp vỏ văn minh đô thị cứ rụng dần rụng dần cho đến khi mình trở thành đúng Tuất của thuở chăn trâu cắt cỏ”.
Mang trong mình sự khắc khoải về tuổi thơ lớn lên ở núi rừng, anh bền bỉ đi theo chủ đề trẻ thơ vùng cao. Nếu trong cuộc triển lãm nhóm “Tứ lập 1 và 2” trước đây, công chúng được chiêm ngưỡng những bức chân dung trẻ em vùng cao thực tả sâu sắc của anh, thì trong triển lãm solo này, vẫn với chủ đề đó, họa sĩ Bùi Văn Tuất mang đến những tác phẩm với kích thước hoành tráng hơn, kết cấu nghệ thuật phức tạp hơn và mang đến hơi thở của đời sống xã hội rõ nét hơn như các bức: Một ngày như thế, Không gian trong bếp, Bên hiên nhà. Dù góc vẽ có rộng ra hơn, dù chi tiết để khắc họa phải mất nhiều thời gian hơn thì sau tất cả chúng ta vẫn nhìn thấy một tổng thể hài hòa giữa sự hồn hiên trong trẻo của trẻ em và khung cảnh mộc mạc xung quanh.
Mi Ty