(TGĐA) – Vụ việc trả bằng khen Cánh diều và viết “tâm thư” gửi báo chí phân trần về bộ phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng vẫn đang tiếp tục ồn ào. Nhiều nghệ sỹ Việt đã lên tiếng về cách hành xử thiếu chuyên nghiệp và trẻ con của đạo diễn này bên cạnh việc chỉ ra những điểm yếu khiến bộ phim không đạt được kết quả như đạo diễn kỳ vọng. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin đăng tải bài viết của đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần, người không nằm trong BGK phim truyện Cánh diều 2016, đã khách quan xem Cha cõng con và gửi bài viết cho Thế giới điện ảnh đăng tải.
Có nhiều bạn không thích, khó chịu với cái tên Cha cõng con. Nhưng ngay từ khi nghe tin có một bộ phim đang làm có tên như vậy tôi lại thấy tò mò, chờ đợi. Tôi nghĩ chắc sẽ có gì đó đang ẩn giấu sau cái tên đơn giản ấy, và đó cũng là một yếu tố có khả năng thu hút người xem, và rồi đã háo hức, trở thành một trong những người đầu tiên xem bộ phim này.
|
Tôi đã thấy có rất nhiều cảnh nhân vật người cha cõng đứa con trên lưng, phần đầu còn ít, từ phần đưa con lên thành phố chữa bệnh và trở về càng nhiều hơn. Vậy là động từ "cõng" đã được sử dụng (thể hiện) khá triệt để. Nhưng cái mà tôi tưởng, tôi mong muốn "cõng" không chỉ có nghĩa đen, mà có ý nghĩa biểu tượng nào đó... lại không có trong phim. Nói đúng hơn, thực ra các tác giả cũng muốn "cõng" trở thành có ý nghĩa tượng trưng, khái quát gì đó, nhưng họ đã không làm được. Hơn thế nữa, vì cần nhấn mạnh từ "cõng" nên trong phim nhiều khi tác giả đã cố tình thực hiện nhiều cảnh cõng con quá - trong các cảnh, phân đoạn cha cõng con, tác giả đã tập trung, dồn công sức vào phân đoạn cõng con phần cuối phim: Người cha đưa con từ bệnh viện về lại quê để kiếm thêm 160 ngàn con cá bán lấy tiền chữa bệnh cho con. Người cha thương con, muốn cho con thực hiện ước mơ "gần với bầu trời, ngắm nhìn thế giới" nên đã cõng con đi cầu thang bộ lên sân thượng của tòa nhà trăm tầng.
Phải nói tôi đã hết sức ngạc nhiên với tình huống được chuẩn bị khá chu đáo để thực hiện việc "cõng" này: Lên toà nhà trăm tầng người ta thường đi thang máy, đứa trẻ bị bệnh máu trắng, mệt lả và người cha vất vả nuôi con trong bệnh viện một thời gian dài sao lại cõng nhau leo bộ không biết bao nhiêu bậc thang. Thực ra tác giả cũng giải quyết lý do của việc này là: Anh bảo vệ toà nhà sợ ông chủ, không dám cho hai bố con lên sân thượng, mãi đến lúc cô nhân viên bệnh viện đến gặp anh ta (người xem không biết cô nhân viên mặc áo trắng ấy nói gì với anh bảo vệ, vì góc máy theo mắt nhìn của hai cha con ở bên kia đường, nhưng chắc chắn cô nhân viên y tế phải kể tình trạng bệnh tật và có thể cả ước mơ với tay lên bầu trời của bệnh nhân nhí, nên cuối cùng họ được anh bảo vệ cho lên sân thượng ngôi nhà trăm tầng, nhưng phải leo cầu thang bộ). Có ai trên đời này tỏ ra là người biết thông cảm, có tình thương với đứa trẻ đau ốm lại làm như vậy không? Sợ ông chủ rầy là, thậm chí đuổi việc, có thể là lý do để lòng nhân từ của anh ta chỉ thực hiện nửa vời như vậy chăng? Nếu có lòng yêu thương, thông cảm thật sự sao anh ta không sẵn sàng chịu rủi ro về mình để giúp hai bố con bệnh tật kia? Nếu cẩn thận, an toàn hơn một chút sao anh ta không vào trình bầy sự việc với ông chủ để xin ông ta thông cảm cho hai cha con đi thang máy? Chả lẽ ông chủ của anh ta là người máy, không biết thông cảm, sẻ chia với đồng loại đến như vậy sao?... Những câu hỏi như trên chỉ có thể trả lời là: Bởi vì tác giả phim muốn có cảnh cha cõng con thật ấn tượng, chỉ có vậy thôi...
|
Người có nghề chắc vẫn có cách để cho cha cõng con lên sân thương bằng thang bộ bằng cách tạo ra một tình huống khác trong đó cả người bảo vệ, cả ông chủ toà nhà đều thông cảm để cho hai cha con đi thang máy, nhưng hiện toà nhà đang có sự cố (mất điện chẳng hạn), họ bảo hai cha con ngày mai, ngày mốt hãy lên, nhưng người cha không có thời gian, không muốn con phải chờ đợi nên xin được đi thang bộ… Chẳng hạn như vậy cũng sẽ làm cho tình huống/phân đoạn này đỡ gượng ép, vô lý, bất nhân... mà vẫn có "cha cõng con" thật sự bằng hình, bằng diễn xuất của các diễn viên.
Người viết muốn có một bài bình luận phim theo đúng cách thức thường thấy, không hiểu sao lại xa đà khá dài vào cái tên phim có động từ "cõng" như trên. Xin được cáo lỗi người đọc và ngay sau đây, người viết xin được trở lại đúng định dạng bình luận phim.
Chắc chắn, phần đông khán giả sẽ trầm trồ, thích thú với việc tạo hình của bộ phim. Việc chọn cảnh tại một vùng hoang sơ, rừng núi nhấp nhô, xanh mướt với dòng sông ngoằn ngoèo uốn lượn để dựng bối cảnh chính ngôi nhà ven sông của hai cha con đã cho ta thấy các nhà làm phim dồn hết tâm trí, thận trọng và cầu kỳ nữa... Nghe nói bối cảnh này ở tận Hà Giang. Với cảnh trí tự nhiên đã đẹp đến như vậy thì việc tạo hình đẹp là tất nhiên rồi! Việc dựng một ngôi nhà tranh đơn sơ của hai cha con ngay ở mép sông càng làm cho khung cảnh hữu tình và tạo "đất" cho người quay phim thỏa chí tung hoành.
|
Trong khung cảnh (ngoại và nội) ấy, cuộc sống bình dị của người cha tên Mộc làm nghề đánh cá sông (bằng thuyền) và đứa con mồ côi mẹ tên Cá, rất ngoan ngoãn, biết yêu thương cha, yêu thương từng con vật nuôi nhỏ bé (con gà)... khiến người xem thấy ấm lòng. Thế rồi mùa mưa lũ đến, ngôi nhà bị tàn phá, ngập nước, hai cha con phải "chạy lụt" lên cao. Hai cha con trú tạm trong ngôi nhà chung và gặp gỡ những người dân trong vùng cùng hoàn cảnh với họ... Mối quan hệ xóm giềng, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau cũng như mối quan hệ của những đứa trẻ cùng lứa đã có điều kiện được thể hiện. Những ngày tránh lụt, quan hệ với cộng đồng dân cư ấy, ngoài các quan hệ chung,tác giả đã xây dựng một mối quan hệ riêng, đó là sự xuất hiện của người phụ nữ rất quan tâm, tận tình chăm sóc hai cha con. Những người dân chứng kiến chuyện đó cũng hy vọng họ có thể trở thành một gia đình chung, cô gái sẽ thay thế người vợ cũ đã mất chăm lo cho hai cha con đỡ cô đơn vất vả... Người xem phim cũng hy vọng câu chuyện diễn biến như vậy. Thế nhưng sau mùa lụt, dân làng ai về nhà nấy, hai cha con về dựng lại ngôi nhà cũ... thì mối quan hệ giữa họ với người phụ nữ dễ thương kia không được tiếp tục phát triển. Tác giả phim đã kết thúc nhân vật này khá bất ngờ với lý do đứa bé bị bệnh, người cha phải đưa con ra thành phố chạy chữa. Chi tiết để kết thúc nhân vật người phụ nữ là người cha ra mộ vợ, hứa với vong hồn vợ mình (mẹ bé Cá) là anh ta sẽ không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc chữa bệnh cho con... Và thế là nhân vật/mối quan hệ của người phụ nữ kia... chấm hết.
|
Phần hai của bộ phim, người cha cõng con lên thành phố, vào bệnh viện... không chỉ người phụ nữ thương quý hai cha con mà tất cả những người dân địa phương (từ người lớn đến trẻ con) đã hoàn toàn biến mất... Cách kể chuyện như vậy khiến cho bộ phim bị chia thành hai phần riêng biệt, tưởng như không dính líu gì đến nhau và cái lý thuyết quen thuộc của nghệ thuật kể chuyện là mỗi nhân vật xuất hiện đều cần có lý do và cần được kết thúc... đã bị bỏ qua. Khi xem phần hai bộ phim, khi thấy hai cha con cô đơn ở bệnh viện, tôi cứ nghĩ sẽ có cảnh người phụ nữ ở vùng quê của họ, hay một nhân vật nào khác đã xuất hiện ở phần trước sẽ lên thành phố, dù chỉ là thăm hỏi, bầy tỏ tình cảm trước hoàn cảnh của hai bố con... như thế sẽ hoàn chỉnh, trọn vẹn hơn kể cả về ý nghĩa cũng như về kỹ thuật kết thúc nhân vật theo quan niệm kể chuyện truyền thống. Tôi rất tiếc đã không thấy như vậy... Có thể tôi là một khán giả kiểu cũ, không bắt kịp với cái mới của các nhà làm phim trẻ? Cách làm phim hiện đại hiên nay chăng?
Quả thật, tôi chưa thoát khỏi những thói quen xem phim truyền thống (kiểu cũ?) nên nhiều lần bị cắt cụt cảm xúc bởi những sự thiếu hợp lý, không được lý giải đầy đủ trong Cha cõng con như phần đầu bài viết tôi bàn về cái tên, và một vài phần, tình huống, chi tiết khác trong phim.
|
Hình ảnh được tạo ra trong phim ngoài việc đưa đến người xem những thông tin, tạo ấn tượng cảm xúc còn cần có tính minh xác (xác định cụ thể không gian, thời gian, vị trí các nhân vật, đồ vật) thí dụ một cảnh quay qua vai, bằng ống kính normal cho người xem thấy khoảng cách của hai nhân vật có mặt trong khuôn hình). Trong Cha cõng con, các hình ảnh miêu tả ngôi nhà của hai cha con ở ven sông, sát mép nước để tạo điều kiện cho tình huống lũ về tàn phá ngôi nhà ấy, làm hai cha con phải chạy lúc lên vùng đất, ngôi nhà chung ở khu đất cao hơn. Vùng đất cao, nơi dựng ngôi nhà cho những người chạy lụt ở ngay bờ sông, có những cảnh quay cho thấy cả hai ngôi nhà này khiến người xem hình dung chúng cách nhau khoảng trên 500 mét, ngôi nhà chung tránh lụt đứng một mình giữa vùng đất trống, cao hơn. Vậy tại sao hai cha con nhà này lại phải dựng nhà của mình sát mép nước để rồi mùa lũ nào cũng bị tàn phá, cũng phải chạy lên cao? Khu đất trống cao hơn, không bị nước lũ tàn phá bị ai cấm dựng nhà ư? Thật ra thì tác giả cũng đã có sự giải thích bằng lời thoại. Người cha nói với con rằng, mình làm nhà ở đây để tiện đi đánh cá (!) và có thêm một cảnh khi nước ngập anh ta cho đá vào lòng thuyền để thuyền chìm dưới lòng sông mà không bị nước cuốn đi... Tôi cảm thấy cách lý giải thật sự không hợp lý.
Cùng với chuyện nhà ven sông, chịu lụt là chuyện con gà của cậu bé (đứa con) từ ngôi nhà ngập lụt lên thành phố... Nhưng không chỉ có thế, một đoạn thoại rất kỳ trong phần hai khi người cha nói chuyện với nhân viên bệnh viện cũng làm tôi khó chịu. Nhân viên bệnh viện nói bệnh của con anh cần có nhiều tiền mới chữa được. người cha hỏi cụ thể là bao nhiêu? Cô nhân viên nói 800 triệu. người cha trình bày: Tôi đánh cá bán được 5 nghìn một con, vậy 800 triệu là bao nhiêu con cá? Cô nhân viên đánh máy tính, đọc kết quả rồi trả lời: 160 nghìn con cá anh ạ. Người cha gật gù: Vậy thì tôi sẽ về lại quê, đánh 160 nghìn con cá để chữa bệnh cho con tôi... Người viết kịch bản, đạo diễn cho rằng cách nói này mới ra chất người vùng núi, ít học, nên đã cố tình giả vờ ngô nghê để đẩy vào miệng nhân vật những lời thoại không ai tin được như vậy.
|
Tôi đã được nghe những câu chuyện làm phim qua những người trong đoàn và một lần tình cờ gặp người lái xe đã phục vụ đoàn hàng tháng tại cao nguyên đá Hà Giang... Chính vì vậy tôi đã thật sự cảm phục những người đồng nghiệp dũng cảm, hết lòng vì nghệ thuật, không tính toán thiệt hơn, gian khổ, vất vả. Nhưng sự hy sinh gây nhiều xúc cảm với tôi cũng như nhiều người khác không thể tạo ra sức thuyết phục, không thể thay thế chất lượng nghệ thuật của bộ phim. Điều đáng tiếc đối với Cha cõng con là như vậy. Các tác giả đã có thời gian khá dài để tính toán, và mọi người đã lao vào giai đoạn chuẩn bị thật hào hứng, chu đáo... như việc chọn được những bối cảnh rất đẹp, sẵn sàng đi xa (vào TP Hồ Chí Minh) để quay một phần không dài của phim, nhưng lại chưa tính toán đầy đủ cho khâu xử lý nghề nghiệp đối với mỗi cảnh, phân đoạn, toàn cục của bộ phim.
Thậm chí việc xác định chính xác mục tiêu cho dự án làm phim cũng còn lấp lửng giữa khả năng thu hút khán giả hay thể nghiệm khả năng sáng tạo nghệ thuật của chính mình!
|
Cha yêu thương, lo lắng cho con là chuyện thông thường trong đời sống. Cha cõng con cũng vậy thôi. Sinh con ra, bậc làm cha làm mẹ đều phải làm như vậy. Người làm phim yêu thương, chịu trách nhiệm với tác phẩm/đứa con tinh thần của mình. Đứa con ấy dù to khỏe, đẹp trai, hay ốm yếu, bị chê bai, hắt hủi thì cha nó (người đạo diễn) cũng phải "cõng" lấy thôi.
Các đạo diễn nói gì về việc chủ nhân "Cha cõng con" trả giải thưởng? (TGĐA) - Đạo diễn Bảo Trung, Minh Cao, Xuân Cường đều cho rằng hành động ... |
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng: Thứ tôi tự tin chính là nhịp điệu! (TGĐA) - Ngay ở bộ phim đầu tay 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu ... |
Phim 'Cha cõng con': Đạo diễn thì hư, phim thì hỏng! (TGĐA) - Báo chí mấy hôm nay ồn ào vụ việc đạo diễn Lương Đình ... |
Cần lắm những tọa đàm như nhìn lại “Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2016” (TGĐA) - Đã lâu lắm rồi kể từ Tọa đàm “Thực trạng điện ảnh Việt ... |
'Sài Gòn anh yêu em' và '12 chòm sao' thắng lớn tại giải Cánh diều 2016 (TGĐA) - Ngoài giải thưởng Cánh diều vàng cho phim hay nhất, Sài Gòn anh ... |
'Cha cõng con' tung trailer chính thức và hé lộ về những diễn viên đặc biệt (TGĐA) - Ê-kíp sản xuất Cha cõng con và nhà phát hành Lotte Cinema tung trailer chính ... |
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần