(TGĐA) - Những ngày đầu năm tiết trời se lạnh, miền núi vùng cao về đêm còn lạnh hơn. Ai ai cũng ngồi bên ly rượu, tách trà sum họp gia đình để đón mừng năm mới. Nhưng các anh chiếu bóng lưu động phải lên đường vượt qua nhiều dốc cao, gập ghềnh sông suối đến các bản làng tổ chức chiếu phim phục vụ bà con vui xuân đón tết.
Theo chân các đội chiếu bóng lưu động
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng xác định chiếu phim phục vụ đồng bào miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng nông thôn hẻo lánh, các bãi ngang, hải đảo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số là mục tiêu hàng đầu của hoạt động chiếu bóng nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển văn hóa thông tin miền núi giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng xác định chiếu phim phục vụ đồng bào miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng nông thôn hẻo lánh, các bãi ngang, hải đảo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số |
Bởi vì, thực tế địa bàn các vùng miền núi, đặc biệt là các làng dân tộc thiểu số có địa hình dân cư thưa thớt phải băng rừng lội suối, vượt qua dốc đèo… cho nên, ít khi các đoàn hát lớn tới được nơi đây để phục vụ đồng bào, chỉ có các đội chiếu bóng lưu động là những chiến sỹ cõng ánh sáng văn hóa của Đảng đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh, với phương châm “ở đâu có dân là ở đó có dấu chân người lính chiếu bóng”. Thật vậy, ông Đinh Văn Tập – Già làng Kà Bông, huyện Vân Canh với những lời chân tình mộc mạc: “Làng Kà Bông chưa có điện, đường sá đi lại rất khó khăn…đồng bào muốn no cái bụng thì phải tích cực trồng nhiều ngô, nhiều lúa nhưng muốn no con mắt thì còn trông vào các anh chiếu bóng thôi.”
Thực hiện kế hoạch Đợt phim mừng Đảng – mừng Xuân Mậu Tuất năm 2018 triển khai trên địa bàn các huyện và xã đảo trong tỉnh; trong đó chú trọng miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, văn phòng Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã tổ chức 01 đoàn công tác phối hợp với các đội chiếu bóng lưu động tới từng địa bàn điểm chiếu để khảo sát tình hình thực tế, đánh giá thực trạng công tác chiếu bóng. Qua đó, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động chiếu bóng lưu động.
Hành trình của đoàn công tác từ ngày 16/02/2018 (mồng 01 tết âm lịch) đến 21/02/2018 (mồng 6 tết âm lịch) đã đến điểm chiếu các làng Kon Mon (huyện Tây Sơn), làng Klot Pok (huyện Vĩnh Thạnh), làng Kà Bông (huyện Vân Canh), Thôn 5 – An Hưng (huyện An Lão), làng Giọt 1 (huyện Tây Sơn).
Hành trang cho chuyến đi của các anh đội chiếu bóng chỉ chiếc balo đồ dùng cá nhân, thiết bị máy chiếu phim, băng rôn tuyên truyền, các bộ phim chuyên đề Mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; Bác Hồ với nông dân; Đường tới độc lập tự do; Đỉnh cao chiến thắng… và phim truyện Việt Nam Phép màu tình yêu; Cao hơn bầu trời; Đất nước đứng lên; Đừng đốt; Nhà Tiên tri; Những người viết huyền thoại…
Qua mỗi ngày vui xuân chúc tết, về đêm, bà con các nơi tập trung tại bãi xem phim. Đây cũng là nơi hò hẹn của thanh niên, nơi gặp gỡ trao đổi ở người lớn tuổi và là sân chơi vui thích cho tuổi trẻ thơ. Có thể nói rằng đông vui như một đêm hội. Vì thế, khi nghe phim về là cả làng mừng reo phấn khởi, bàn tán xôn xao. Bà con ở đây vui nhất là lúc màn đêm buông xuống, không gian nơi núi rừng như vỡ òa bởi ánh sáng của đèn điện, tiếng máy nổ âm vang. Bà con kéo đến sân nhà rông ở đầu làng để giao lưu mừng tuổi năm mới và được xem phim.
Ông Đinh Ướp, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An cho biết: “Qua một năm có mấy ngày tết, được đội chiếu phim đến phục vụ tạo nơi vui chơi văn hóa cho bà con rất phấn khởi, điều đáng mừng là tết năm nay đã giảm bớt uống rượu của lớp trẻ gây mất an ninh trật tự …”
Qua mỗi ngày vui xuân chúc tết, về đêm, bà con các nơi tập trung tại bãi xem phim |
Một điểm khác lạ là buổi chiếu phim ở miền núi vùng cao bắt đầu thường muộn hơn. Mỗi tối chiếu một phim tài liệu, phim chuyên đề và một hoặc hai bộ phim truyện Việt Nam kéo dài đến 22h. Cả đội chiếu bóng thức cùng với bà con và núi rừng.
Thỉnh thoảng ánh lửa mồi thuốc lại lóe sáng soi những cặp mắt long lanh hướng lên màn ảnh. Đêm đã về khuya, gió và sương núi lạnh thêm. Trên rừng, tiếng nai đang gọi bạn và tiếng chim đi ăn đêm đã về. Nhiều bà mẹ địu con thơ đã ngủ. Những điếu cày lá thuốc đã tàn. Bà con vẫn chăm chú xem phim. Đây, hình ảnh núi rừng, buôn rẫy quê hương. Rồi giặc Pháp, giặc Mỹ đến cướp phá, bắn giết dân làng. Người Banar, Hrê… đứng lên đánh Pháp, đánh Mỹ theo lời BokHồ (qua các bộ phim Muối O Hồ, Đất nước đứng lên, Lửa rừng, Những đứa con của thần linh,…). Đây các thông tin thời sự về giáo dục, văn hóa, y tế… của đất nước Việt Nam (Chương trình phim phục vụ đồng bào miền núi của Cục Điện ảnh).
Và những trận đánh ác liệt của quân và dân ta khắp mọi miền đất nước (qua các bộ phim Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tây Nguyên chiến thắng, Đại thắng mùa xuân năm 1975…). Dân làng đêm nay xem phim được thấy mặt Bok Hồ, thấy Đinh Núp người Banar, thấy tất cả các dân tộc anh em đoàn kết đứng lên giải phóng đất nước… nên họ dễ đồng cảm với các nhân vật và bối cảnh trong phim về đề tài chiến tranh. Vì những bộ phim đó, gợi nhớ lại những năm tháng hào hùng nhưng đầy gian khổ của người dân tộc miền núi tham gia cách mạng.
Tại thôn 5 xã An Hưng, huyện An Lão, già làng H’re Đinh chăm chú nhìn vào màn hình đang chiếu phim truyện Muối O Hồ. Ánh mắt mờ đục của già thỉnh thoảng sáng lên khi màn ảnh chiếu cảnh những anh bộ đội Cụ Hồ vác từng bao muối “mặn tình mặn nghĩa” lên tặng đồng bào. Già Đinh tâm sự. “Người già xem phim nhớ cụ Hồ, nhớ bộ đội; lũ nhỏ xem để ơn Đảng, ơn Bác Hồ, tri ân bao sự hy sinh, mất mát để có được ngày hôm nay. Dân làng cũng thích xem phim để biết cách trồng cây lúa, cây mì, chăm con trâu, con bò…”
Không chỉ có vậy, những buổi chiếu phim ở miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa còn là những đêm hội. Ở đó, người xem không chỉ đơn thuần đến để thưởng thức tác phẩm điện ảnh mà còn là nơi giao lưu, hò hẹn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Buổi chiếu phim truyện luôn kết hợp với phim phổ biến tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, các tệ nạn xã hội, làm kinh tế trang trại… Tiếng nói của Đảng - Nhà nước trải trên màn ảnh rộng dễ đi vào tâm hồn, ý thức của bà con hơn.
Qua mỗi bộ phim, cùng với niềm vui giải trí, vốn hiểu biết, các kiến thức khoa học kỹ thuật cũng được đồng bào tìm hiểu, áp dụng làm phong phú thêm đời sống thực tiễn. Những bộ phim khoa học khiến bà con nảy lên ý tưởng “Người ta làm được, mình có làm được không? Phải hỏi cán bộ xã chuyện mà cái phim nó nói mới được? Thông qua những người thực, việc thực trên phim mà người dân miền núi phấn khởi xây dựng cuộc sống mới, có nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, gia đình văn hóa. Ngoài ra, họ còn học và làm theo các phim chuyên đề về cách làm trang trại, chăn nuôi, trồng trọt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phải chăng được mùa lúa tốt, nương bắp trĩu quả, hương rượu cần thơm ngát, tiếng cồng chiêng vang xa… tất cả đều có sự góp phần của những đêm phim sáng điện cả góc trời.
Người xem không chỉ đơn thuần đến để thưởng thức tác phẩm điện ảnh mà còn là nơi giao lưu, hò hẹn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng |
Mùa Xuân mới khởi sắc
Lâu nay, vấn đề nguồn phim mới để phổ biến chương trình màn ảnh (vòng 1) luôn là bài toán nan giải với ngành điện ảnh tỉnh Bình Định, bởi thiết bị máy chiếu của các đội đang sử dụng là đầu phát HD nên không phát được phim kỹ thuật số. Từ năm 2012 đến nay, các hãng phim trong và ngoài nước đều làm phim kỹ thuật số. Đồng thời phương tiện vận chuyển các thiết bị là xe gắn máy nên gặp rất khó khăn đối với địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa.
Ông Võ Thanh Cường, Đội trưởng Đội chiếu bóng huyện Vân Canh, cho biết: “Giao thông đã phát triển đối với địa bàn miền xuôi. Tuy nhiên, đối với miền núi, vùng cao như làng Kà Bông, làng Cát, làng Chồm, làng Canh Giao…đường sá rất khó khăn, chúng tôi phải mang vác thiết bị leo dốc, xuyên rừng, lội suối. Địa bàn càng sâu, càng xa thì bà con càng “khát” điện ảnh nên chúng tôi càng phải cố gắng”.
Từ thực tế về tham gia sinh hoạt và tổ chức chiếu phim phục vụ bà con đoàn công tác nhận thấy, một số vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, bãi ngang, hải đảo… nhu cầu xem phim của người dân còn rất lớn. Cuối năm 2017, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định được Cục Điện ảnh cấp 01 xe ô tô chuyên dùng và 04 bộ máy kỹ thuật số chiếu phim lưu động.
Đây là điều kiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phổ biến phim và tuyên truyền của ngành. Vì vậy, từ năm 2018, Trung tâm lập kế hoạch triển khai thực hiện một số vấn đề cấp thiết như: cần phải tăng cường đủ số lượng buổi chiếu trên khắp các địa bàn trong tỉnh và thực hiện theo phương châm “đâu cần, chiếu bóng có” nhằm thu hẹp khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đồng bằng và miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác chiếu bóng phục vụ cơ sở có chất lượng cao hơn, cần phát huy vai trò của cộng đồng, của già làng, trưởng bản và các tổ chức đoàn thể. Phối hợp với địa phương cần bố trí nhà văn hóa, nhà rông cho chiếu bóng lưu động để bà con tập trung xem phim vào mùa mưa. Các đội chiếu bóng cần được trang bị thiết bị chiếu phim kỹ thuật số đa năng, sử dụng chiếu được nhiều thể loại phim. Đồng thời tăng cường xe ô tô chuyên dụng để vận chuyển thiết bị chiếu phim đến các bản làng hẻo lánh, đường giao thông hiểm trở phải vượt qua sông, suối. Quay phim các hoạt động của bản làng; trước buổi chiếu phim chính đều tổ chức phổ biến các văn bản của địa phương, trung ương và các phim chuyên đề xây dựng nông thôn mới, cách làm trang trại, an ninh trật tự, gia đình văn hóa…và các sinh hoạt văn hóa thể thao, lễ hội của chính bản làng. Các buổi chiếu phim lưu động kết hợp với hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng góp phần bảo tồn văn hóa dân gian của mỗi bản làng.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Đội trưởng Đội chiếu bóng huyện An Lão, chia sẻ: “Thỉnh thoảng giữa buổi chiếu bỗng nhiêng bà con la í ới. Tìm hiểu thì được biết do chương trình phim phổ biến khoa học lồng tiếng miền Bắc và diễn giải nhiều từ chuyên môn, kỹ thuật làm bà con khó nghe hoặc không hiểu”. Công tác chiếu bóng lưu động lâu nay gắn liền với công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chiếu bóng vào xuân đã có phần khởi sắc, hy vọng rằng năm 2018 sẽ là một năm phục vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem phim ở miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, bãi ngang, hải đảo trong tỉnh Bình Định |
Vì vậy, cần thiết phải đầu tư thiết bị lồng tiếng dân tộc thiểu số trong phim, tốt nhất là tuyển người địa phương để “thổi hồn” của dân tộc mình vào phim sao cho phù hợp từng vùng miền và phong tục tập quán của họ. Đồng bào dân tộc Chăm, Hre, Banar thích thấy hình ảnh quen thuộc của quê hương mình, thích xem người của mình và thích nghe âm thanh, tiếng nói của dân tộc mình trực tiếp trên phim. Hiệu quả của việc lồng tiếng dân tộc sẽ đem lại lợi ích thiết thực trong việc tuyên truyền và có tác động rất lớn đối với sự đón nhận tác phẩm điện ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những ngày đầu xuân, thời tiết mát mẻ không mưa, người xem đến các sân bãi chiếu phim đông hơn và háo hức xem phim Việt Nam. Đợt phim Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2018) và mừng Xuân Mậu Tuất 2018 được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với 08 đội chiếu bóng các huyện và 03 xã đảo tham gia đến nay đã tổ chức 95 buổi chiếu, phục vụ hơn 4.258 lượt người xem.
Chiếu bóng vào xuân đã có phần khởi sắc, hy vọng rằng năm 2018 sẽ là một năm phục vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem phim ở miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, bãi ngang, hải đảo trong tỉnh Bình Định.
Phát huy truyền thống 50 năm (1968 - 2018) xây dựng và phát triển Điện ảnh Bình Định, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng sẽ hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra, để luôn xứng đáng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Các đội chiếu bóng lưu động luôn là đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.
Võ Văn Tiễn