Chủ tịch Ban Giám khảo Phim ngắn Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VI: Điện ảnh luôn cần sức trẻ!

(TGĐA) - Wakai Makiko, Nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh Nhật Bản đã có những chia sẻ về vai trò của mình tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần VI.

Điểm nhấn đặc sắc tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI Điểm nhấn đặc sắc tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
'Zere': Phim điện ảnh xuất sắc của Kazakhstan sẽ được trình chiếu miễn phí tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 'Zere': Phim điện ảnh xuất sắc của Kazakhstan sẽ được trình chiếu miễn phí tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội

Tới với LHP Quốc tế Hà Nội lần VI, bà cảm nhận thế nào về sự chào đón của ban tổ chức cũng như bạn bè Việt Nam?

Hiện giờ tôi đang cảm thấy một không khí rất tốt và tích cực, tôi cảm nhận được sự nhiệt tình từ ban tổ chức của LHP Quốc tế Hà Nội lần VI, cũng như sự nhiệt huyết, năng động của những tình nguyện viên trẻ tuổi giúp đỡ chúng tôi kết nối với mọi người. Tôi rất mong chờ tất cả chúng ta sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày diễn ra LHP tại Việt Nam.

Là Chủ tịch Ban Giám khảo Phim ngắn, bà sẽ dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc?

Tiêu chí của tôi là… đừng có một tiêu chí cụ thể nào cả! Tôi luôn đặt cho mình một tư tưởng cởi mở. Với tôi, mỗi một bộ phim đều có một hương vị riêng của tác phẩm đó, nên tôi không muốn để mình bị giới hạn trong bất cứ tiêu chí nào khi đánh giá các tác phẩm tham dự Liên hoan phim lần này. Trước khi tới đây, tôi chưa được biết quá nhiều về các bạn trẻ Việt Nam đang làm phim như thế nào, nhưng sau khi được tiếp cận và thưởng thức các tác phẩm phim ngắn cùng nhiều bộ phim khác, tôi hi vọng sẽ được đến gần hơn với các bạn, cũng như tất cả các nhà làm phim tại LHP Quốc tế Hà Nội lần này.

Chủ tịch Ban Giám khảo Phim ngắn Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VI: Điện ảnh luôn cần sức trẻ!
Wakai Makiko, nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh Nhật Bản giữ vai trò Chủ tịch Ban Giám khảo Phim ngắn LHP Quốc tế Hà Nội lần VI

Ở Nhật Bản, khán giả, nhất là những bạn trẻ tiếp cận với điện ảnh thế nào và họ thường xem những thể loại phim gì?

Tôi nghĩ khán giả Nhật Bản cũng không khác là bao so với khán giả trên thế giới đâu! (cười). Giả dụ như trong đợt dịch Covid, họ thích xem phim ở nhà, qua các ứng dụng xem trực tuyến hơn là xem tại rạp, sau đó họ lại quay trở lại rạp phim. Tôi thấy rằng, các bộ phim hiện giờ chiếu rạp của Việt Nam thường là đề tài tình yêu hay hài hước, ở Nhật Bản thì chúng tôi được thưởng thức nhiều đề tài hơn. Giới trẻ Nhật Bản rất say mê phim có bối cảnh truyền thống và đề tài cổ xưa, ngoài ra còn là những thể loại đặc biệt như phim kinh dị.

Theo cá nhân bà đánh giá, một nhà làm phim trẻ muốn đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, họ cần làm gì?

Tôi nghĩ để một nhà làm phim thành công và ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng thì khi họ làm ra một bộ phim, đừng nghĩ đến việc là mình phải theo đuổi một đề tài nào đó, mà hãy nghĩ tới đề tài khiến bạn cảm thấy yêu thích nhất, nhiệt huyết nhất và nguồn cảm hứng nào để bạn đến với điện ảnh. Hãy làm những gì mà bạn thực sự đam mê!

Bà có nghĩ khán giả sẽ thích điều đó?

Dĩ nhiên, khi khán giả thấy được nhiệt huyết, sự đam mê của nhà làm phim trong tác phẩm của họ, họ sẽ yêu thích bộ phim đó và nhớ đến nó lâu hơn.

Nền điện ảnh Việt Nam vẫn còn non trẻ và cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế. Cá nhân bà có muốn đưa ra một lời khuyên nào hay không?

Đây chắc hẳn là một câu chuyện rất dài, nhưng tôi nghĩ cũng như nền điện ảnh Nhật Bản của chúng tôi, một trong những điều cần nhất chính là sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của các bạn trẻ bây giờ.

Xin cảm ơn bà vì những chia sẻ!

Chủ tịch Ban Giám khảo Phim ngắn Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VI: Điện ảnh luôn cần sức trẻ!
Bên cạnh bà Wakai Makiko, LHP Quốc tế Hà Nội lần VI sẽ có rất nhiều giám khảo là các nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh quốc tế

Bà Wakai Makiko là điều phối viên hạng mục phim trào lưu mới châu Á của Liên hoan phim Tài liệu quốc tế Yamagata (YIDFF) và là nhà hoạt động nữ quyền, nhà làm phim. Bà làm việc cho Liên hoan phim đồng tính và đồng tính nữ quốc tế Tokyo (Tokyo International Lesbian and Gay Film Festival) trong thời gian học đại học. Đồng thời là nhà đồng tổ chức Liên hoan phim Bắc Ireland tại Tokyo (2008) và đã thực hiện nhiều dự án phim tài liệu quốc tế được quay tại Nhật Bản như Nanking (dir. Bill Guttentag, Dan Sturman, 2007), I Give You To These Kind Waters (dir. Lina Hoshino, 2010). Bộ phim ngắn To Whom It May Concern (2006) của bà được trình chiếu trong Liên hoan phim ngắn Thái Lan.

Hiện tại, bà còn một số dự án đang thực hiện như FAV (chuỗi video tài liệu về nữ quyền) được phân phối tại Nhật và tại Visual Documentary Project (Liên hoan phim có trụ sở tại Đại học Kyoto, nơi giới thiệu các bộ phim tài liệu ngắn theo chủ đề trên khắp Đông Nam Á). Ngoài ra bà có một dự án phim tài liệu cá nhân kéo dài hơn một thập kỷ xoay quanh một gia đình người Philippines gốc Nhật sống ở làng Asahi, Yamagata, khiến Waikai dành một năm ở Bataan, Philippines.

Điểm nhấn đặc sắc tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI Điểm nhấn đặc sắc tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
'Zere': Phim điện ảnh xuất sắc của Kazakhstan sẽ được trình chiếu miễn phí tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 'Zere': Phim điện ảnh xuất sắc của Kazakhstan sẽ được trình chiếu miễn phí tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội

Anh Vũ