Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Cần xem xét lại các Hãng phim Nhà nước

(TGĐA) - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên phản đối việc duy trì hãng phim nhà nước và cho rằng điều đó không có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của điện ảnh Việt.

Dao_dien_Bui_Thac_Chuyen_va_nha_quay_phim_Ly_Thai_Dung

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà quay phim Lý Thái Dũng

Anh đã có 3 phim truyện nhựa trong đó 2 phim làm cho hãng nhà nước, 1 phim cho hãng tư nhân, anh nhận thấy việc làm phim cho nhà nước và tư nhân có gì khác nhau?

Thực ra hai phim tôi làm cho hãng nhà nước không phải là hoàn toàn kinh phí nhà nước mà còn có tiền tài trợ nên cũng khó nói. Nhưng tôi nhận thấy làm việc với nhà hãng nhà nước và tư nhân có sự khác nhau rõ rệt. Hãng nhà nước có sẵn công cụ, máy móc, thiết bị và nhân lực, làm việc theo kiểu trả lương. Hãng phim tư nhân phải trả tiền đi thuê công cụ, thuê nhân công. Làm với hãng nhà nước thì những người trong đoàn phim là người hưởng lương nên họ không nhiệt tình, vì họ có làm thế nào thì cũng chỉ được hưởng lương như vậy thôi. Nên nhiều khi họ tìm cách lãn công, rồi nói cái này làm không được, cái kia khó làm. Vậy nên làm với hãng nhà nước rất mệt mỏi cho người đạo diễn. Còn tư nhân thì rất rõ ràng, họ là người làm công có tiền nên họ rất nhiệt tình, lúc nào cũng làm hết mức có thể và rất có trách nhiệm. Một điều khác nữa là phim của hãng nhà nước quan tâm đến chính trị, còn phim của hãng tư nhân quan tâm đến khán giả.

Phim của anh thường cầu kỳ và tinh tế, để được thỏa sức vẫy vùng với những ý tưởng của mình, làm phim với hãng nhà nước hay tư nhân hợp với anh hơn, những yêu cầu anh đưa ra, hãng phim tư nhân có sẵn sàng đáp ứng?

Thực ra tôi rất rõ điều kiện sản xuất phim ở Việt Nam, nên tôi cũng không bao giờ đòi hỏi những thứ quá đáng. Và hãng tư nhân, họ bỏ tiền riêng của họ ra làm phim nên họ phải tính toán là đương nhiên. Với bộ phim Lời nguyền huyết ngải vừa rồi, tôi đưa ra yêu cầu là phải làm âm thanh với kỹ thuật viên người Pháp, và họ đã đồng ý, trong khi đó khoản chi phí cho việc đó là không nhỏ. Và đây cũng là phim đầu tiên phá tiền lệ âm thanh mono của hãng Thiên Ngân.

Ngoài những hạn chế như anh đã nói trên khi làm việc với hãng nhà nước, chắc hẳn cũng phải có thuận lợi gì chứ?

Thực ra tôi muốn nói điều này. Không nên tồn tại cái gọi là hãng phim nhà nước. Một bộ máy cồng kềnh, cắt xén tiền làm phim để trả lương và cái đồng lương đó không có một ý nghĩa gì cả, nhận lương mà không làm gì cả. Nó không tồn tại như một lực lượng sản xuất phim mà như một di sản méo mó từ thời bao cấp. Cơ quan quản lý cứ đau đầu để làm sao duy trì nó, làm cách nào để cứu hãng phim nhà nước, để nuôi một đống người mà không nỡ giải tán, cho nên mới có sự chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay công ty cổ phần, nhưng thực ra vẫn là thuộc nhà nước. Việc đó là không cần thiết, thà để cho hãng nhà nước chết hẳn còn hơn. Hãng phim nhà nước chắc chắn không tồn tại được. Và nhược điểm lớn nhất của hãng nhà nước là phát hành rất tệ. Khi không có phát hành thì không có mối liên quan gì đến khán giả. Chỉ quan tâm đến đầu vào mà không có đầu ra. Vậy thì làm phim để làm gì!

Hãng phim tư nhân hiện nay cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, theo anh, khó khăn nhất là gì?

Hãng tư nhân còn yếu về nguồn lực, về thị trường và chưa có nhiều sự hỗ trợ của nhà nước.

Vậy là theo anh, sự nhập nhằng giữa hãng phim nhà nước và hãng tư nhân ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của điện ảnh Việt.

Đúng vậy, theo tôi, nên bỏ việc phân chia quan niệm hãng nhà nước với hãng tư nhân mà chỉ quan tâm đến phim Việt. Hàn Quốc phải ở dưới hố 10 mới lên được đến miệng hố. Năm 86 họ đưa người đi học làm phim ở nước ngoài. Trong 10 năm tiếp đó họ tập trung phát triển để phim nội địa chiếm 60-70% thị trường điện ảnh trong nước. Và năm 96, điện ảnh Hàn Quốc thoát được lên miệng hố bằng việc bãi bỏ kiểm duyệt khi phim của họ được giải thưởng quốc tế. Chỉ còn việc phân loại phim. Phân loại đây là phim thuộc thể loại gì, loại phim dành cho người trên 18, trên 13, … giống như Mỹ. Còn chúng ta còn chưa cải cách gì thì làm sao mà lên được miệng hố, ở dưới hố thì chẳng có tài năng gì, chật chội thế thì làm sao cất cánh bay được.

Xin cảm ơn anh!

Thúy Phương