(TGĐA) - Chấp bút cho nhiều dự án phim thương mại từ năm 2019 đến nay, song với Đoàn Sĩ Nguyên, hành trình làm phim chỉ mới chính thức bắt đầu.
Khép lại thành công khóa đào tạo của Học viện Điện ảnh Hàn Quốc dành cho Top 5 'Dự án phim ngắn CJ' | |
Phạm Thiên Ân và hành trình từ 'Hãy tỉnh thức' đến 'Vỏ kén vàng' |
Đó là khi Rừng dịu dàng của Đoàn Sĩ Nguyên, cùng với 4 kịch bản phim ngắn khác của Huỳnh Công Nhớ, Anh La, Lý Minh Bá, Vũ Hoàng Hiệp - Tuấn Lê chính thức được chọn vào Top 5 của Dự án phim ngắn CJ 2023. Với nguồn kinh phí tài trợ làm phim 300 triệu đồng cùng sự cố vấn từ những nhà làm phim hàng đầu Việt Nam và Hàn Quốc mà chương trình này mang lại, năm nay có thể xem là cột mốc để từ vị trí biên kịch, Đoàn Sĩ Nguyên bắt đầu chuyển mình sang vai trò của một đạo diễn.
Từ biên kịch phim thương mại đến đạo diễn phim ngắn nghệ thuật
Đoàn Sĩ Nguyên tốt nghiệp Đại học The University of Auckland chuyên ngành Lý luận điện ảnh, trở về Việt Nam từ năm 2018 và bắt đầu hoạt động trong ngành điện ảnh ở cương vị biên kịch của các dự án Chị chị em em (2019), Người mặt trời (sắp khởi chiếu), Trên bàn nhậu dưới bàn mưu (sắp khởi chiếu). Sau thời gian học tập khóa đạo diễn của Trần Anh Hùng và Phan Đăng Di ở Gặp gỡ mùa thu (2018 và 2019), Nguyên bắt tay thực hiện dự án phim ngắn đầu tay Cá mặt quỷ (đang hậu kỳ) và mới nhất là Rừng dịu dàng.
Lớn lên trong một gia đình yêu nghệ thuật, Nguyên có thói quen đọc và viết từ nhỏ, nên cũng làm quen với điện ảnh từ việc đọc các kịch bản trên mạng và viết lại để học. “Mình bắt đầu bằng việc gần gũi với mình nhất là viết. Từ đó dần dần trở thành biên kịch, rồi qua việc biên kịch, mình có cơ hội học tất cả mọi thứ xung quanh liên quan đến làm phim”.
Nhờ tham gia nhiều phim điện ảnh, Nguyên may mắn tìm được một ekip gồm nhiều cái tên nổi bật trong ngành để cùng xây dựng nên Rừng dịu dàng: đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc (Ròm), diễn viên Trần Thiên Tú (Áo lụa Hà Đông), Trần Ngọc Vàng (Quán quân Gương mặt Điện ảnh 2020), bé Hạo Khang (Đất rừng phương Nam)... Dù trải qua nhiều ngày quay vất vả trong rừng quốc gia Nam Cát Tiên, có lúc bị… lạc do mất tín hiệu bộ đàm, Nguyên vẫn có được những thước phim mỹ mãn do ở bên cạnh những cộng sự đắc lực: “Phim quay xong hơn cả hình dung so với lúc mình viết kịch bản, vì ekip mình quá giỏi, còn diễn viên thì xuất sắc”.
Làm đạo diễn phim do chính mình viết, sợ nhất là chủ quan
Là biên kịch của nhiều dự án phim thương mại, Nguyên có lợi thế về kinh nghiệm và mối quan hệ trong ngành. Song, việc tham gia Dự án phim ngắn CJ, nơi từng hỗ trợ nhiều đạo diễn độc lập như Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân, Lê Lâm Viên, Dương Diệu Linh… mang tác phẩm đến các Liên hoan phim quốc tế lớn, là thử thách không nhỏ với Nguyên. So với việc viết kịch bản, việc làm đạo diễn một bộ phim do chính mình viết ra đòi hỏi nỗ lực không nhỏ và sự học hỏi không ngừng trong suốt quá trình tham gia chương trình.
“Làm đạo diễn sướng ở chỗ mình được trực tiếp làm ra cái mình hình dung lúc viết, vốn là việc mình không thể và phải chờ rất lâu để thấy kết quả khi viết kịch bản phim thương mại. Nhưng đổi lại, mình dễ phạm sai lầm hơn do lúc này ý kiến chủ quan của mình sẽ thường được xem là quyết định cuối cùng” - Đoàn Sĩ Nguyên cho biết.
Hiểu được tâm tư của những đạo diễn trẻ như Nguyên, Dự án phim ngắn CJ đã mang đến khóa học chuyên sâu về làm phim với Học viện Điện ảnh Hàn Quốc KAFA (Korean Academy of Film Arts) dành cho các thí sinh trong Top 5. Qua khóa học, các nhà làm phim của 5 dự án được chọn năm nay, trong đó có Đoàn Sĩ Nguyên, đã có thể tự tin hơn trước khi bước vào giai đoạn sản xuất: “Các thầy cô từ KAFA đã giúp mình rất nhiều qua việc hỏi những câu hỏi rất đúng - để qua đó mình tự suy ngẫm về bộ phim và phát huy những chất liệu mà mình đang có”.
Nguồn năng lượng khi làm phim thương mại so với làm phim nghệ thuật
Với Nguyên là như nhau. “Được làm phim là vui rồi. Mình không nghĩ quá nhiều về sự khác biệt giữa phim thương mại so với phim nghệ thuật, cũng như không muốn đặt trên dưới vai trò đạo diễn và biên kịch. Cái hướng của mình khi làm phim là làm gì cũng được, miễn vui”.
Rừng dịu dàng là một phim ngắn nói về chuyện mẹ tìm con, và theo Nguyên, chất liệu về gia đình của châu Á đẹp tuyệt vời, nên Nguyên sẽ lấy cái vẻ đẹp tuyệt vời đó ra “xào nấu” bằng màu thể loại, bằng ngôn ngữ của điện ảnh. Sau tất cả, miễn tạo ra một bộ phim tốt, thì chuyện tác phẩm được xem là thương mại hay nghệ thuật không còn quá quan trọng. Nguyên chia sẻ: “Khi làm phim, mình thường nghĩ đến khán giả. Và mình muốn nhiều người xem có cảm xúc với phim mình. Đó là cách làm phim mà mình theo đuổi”.
Bên cạnh tác phẩm Rừng dịu dàng của Đoàn Sĩ Nguyên, các tác phẩm Thằng bé bán kem của Huỳnh Công Nhớ, Vùng trũng của Anh La, Tàn ngày rực rỡ của Lý Minh Bá và Anh em kiếp này của Vũ Hoàng Hiệp - Tuấn Lê sẽ chính thức được công chiếu trong sự kiện bế mạc của Dự án phim ngắn CJ mùa 4, dự kiến tổ chức vào tháng 12 sắp tới.
Khép lại thành công khóa đào tạo của Học viện Điện ảnh Hàn Quốc dành cho Top 5 'Dự án phim ngắn CJ' (TGĐA) - Khóa đào tạo từ ngày 27 - 30/6/2023 cùng các chuyên gia đến ... |
Phạm Thiên Ân và hành trình từ 'Hãy tỉnh thức' đến 'Vỏ kén vàng' (TGĐA) - Giải vàng tại Cannes của Bên trong vỏ kén vàng không đến một ... |
Vũ Liên