Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

(TGĐA) - Vầng trăng thơ ấu - phim điện ảnh thiếu nhi đầu tiên về thời thơ ấu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung do Nhà nước đặt hàng, Công ty cổ phần Phim Giải Phóng sản xuất, NSƯT - đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện. Phim quay hơn 2 tháng, với 3 tháng làm hậu kỳ vừa hoàn thành, chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 134 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2024). Phim dự kiến khởi chiếu toàn quốc ngày 17/5/2024, do Sài Gòn Movies & Mega GS phát hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam
'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa' 'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa'

Từ 2 chuyến đi thực tế… ngộ ra nhiều chi tiết thú vị

Sau khi đọc kịch bản, NSƯT - đạo diễn Hồ Ngọc Xum cảm thấy như đã có duyên thực hiện bộ phim này. Song nếu chỉ dựa vào chất liệu kịch bản ban đầu thì chủ yếu là thời gian cậu bé Cung ở Huế không có ở Nghệ An và nếu như vậy thời lượng bộ phim chỉ kéo dài khoảng 40 đến 45 phút. Chính vì vậy ông đã trao đổi với lãnh đạo hãng phim nên có chuyến đi thực tế tại Huế và Nghệ An, cố gắng tìm thêm chất liệu, làm dày cho câu chuyện.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Lần thứ nhất (10 ngày) ông đi cùng ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phim Giải Phóng ra Huế gặp Nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân - người viết cuốn bút ký lịch sử Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, cùng khảo sát tại đây, sau đó tiếp tục ra Nghệ An. Qua chuyến đi, đặc biệt là ở Nghệ An, được tiếp xúc trực tiếp với nhiều cán bộ, nhân viên quản lý các di tích lịch sử kể lại những câu chuyện truyền miệng về ký ức thời thiếu nhi của Bác, ông thực sự ngộ ra rất nhiều điều thú vị về cậu bé Sinh Cung. Khi về lại TP.HCM, ông nhanh chóng xác định Vầng trăng thơ ấu là bộ phim thiếu nhi về một cậu bé bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng những khí chất có sẵn, cùng sự quan sát cuộc sống, với sự giáo dưỡng của cha mẹ, sau này dần hình thành một nhân cách lãnh tụ. Rồi ông chỉnh sửa, cấu trúc lại khung sườn kịch bản phim cho phù hợp hơn.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Ở chuyến đi lần thứ 2 khoảng nửa tháng, sau khi về, ông chắt lọc nhiều chi tiết, dặm thêm thời gian cậu bé Cung ở Nghệ An, tạo cấu trúc kịch bản gồm 2 thời điểm chính là ở Nghệ An (cậu bé Cung khoảng 3 đến 5 tuổi) và ở Huế (cậu bé Cung khoảng 8 đến 10 tuổi). Cũng trong chuyến đi thứ 2 ông kết hợp tìm tuyển diễn viên với đặc thù riêng ngoài diễn xuất, phải nói tiếng của địa phương (Nghệ An) và đáp ứng yêu cầu thu tiếng trực tiếp.

Cấu trúc phim và sự định hình nhân cách

Ở Nghệ An: Với những câu chuyện truyền miệng tiêu biểu liên quan tới cuộc sống sinh hoạt của cậu bé Sinh Cung tại quê ngoại (làng Hoàng Trù) qua những chi tiết khá sống động được tái hiện như: Cái rương, lò rèn, giếng Cóc, cột nhà, câu cá, kéo co, thú chơi diều hay sự hiếu học… Tất cả đều được thể hiện trong phim, có khi được đan xen dưới hình thức hồi tưởng của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác hay trong ký ức của Bác mỗi lần về quê hoặc qua những câu chuyện hoàn toàn có thật của những người bạn kể về Bác. Như câu chuyện cậu Sinh Cung cùng nhóm bạn rủ nhau đi câu cá. Khi người bạn giật cần câu lên vô tình lưỡi câu cắm trúng lỗ tai của cậu Cung. Song cậu không hề than đau hay có những phản ứng với bạn mà hoàn toàn vị tha không cố chấp. Câu chuyện kéo co được xây dựng thật hóm hỉnh, thể hiện sự thông minh, lí lắc, lém lỉnh của cậu Cung. Vốn cậu có vóc dáng nhỏ bé, nên từng bị thua mấy lần. Trong lần lập mưu dụ đám bạn đối phương ra chơi đứng ở vị trí mảnh đất hơi có độ dốc, chỉ cần dụ kéo vài lần rồi buông dây… Thế là đối phương sẽ trượt ngã thua ngay…

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Ở Huế: Là hành trình của gia đình gồm ông Sắc (cha), bà Loan (mẹ), anh trai Khiêm và cậu Cung từ Nghệ An đặt chân lên đất Huế. Những địa danh tiêu biểu được điểm xuyến qua hành trình của chuyến đi cũng như khi gia đình sinh sống tại Huế: Núi Chung, sông Lam, núi Hồng Lĩnh, Chuông Cát (Quảng Bình), chợ ngoại thành, làng cổ Phước Tích, Kinh Thành, sông Hương, cống Thanh Long, núi Ngự, Phu Văn Lâu… Gần như ở mỗi địa danh lại được phim xây dựng gắn kết thật ý nghĩa với những câu chuyện về gia đình, về cậu Cung và về nhóm bạn.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Cậu Cung luôn quan sát rất tỉ mỉ, từ góc nhìn, nhận thức, chia sẻ rất riêng, để luôn đặt câu hỏi và có những so sánh rất thức thời về thực trạng xã hội. Hình ảnh đầu tiên khi vào Huế qua chợ ngoài thành cậu đã cảm nhận sự đối lập đập ngay vào mắt giữa người nghèo, người giàu, giữa lính Tây, quan lại và người dân… Hình ảnh bà lão nghèo gánh sọt khoai lang bị té, khoai đổ hết ra đường, vậy mà chỉ có cậu Cung chạy đến nhặt khoai giúp cụ; Cảnh cậu Cung trên đường đi mua sách về gặp lính Tây đứng chửi người An Nam thậm tệ, hay khi cùng anh Khiêm đi qua Phu Văn Lâu, trái hẳn trước lời khen về kiến trúc căn nhà của anh Khiêm, thì cậu Cung lại có cái nhìn hoàn toàn khác đó là cảnh sao nhiều người ăn xin đến thế?; Khi mẹ mất, theo phong tục, vì là dân nghèo nên không được khóc to hay khi đi chôn không được đi ngang cổng thành mà chở bằng thuyền trên sông Hương, phải chui qua cống Thanh Long mới lên núi Ngự chôn cất.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Hình ảnh đầy cảm xúc khi cậu Cung phải bồng em đi xin sữa, chứng kiến tận mắt lính Tây bắt, đánh dân khi họ không nạp đủ thuế… Hay ngay cả những hình ảnh cậu Cung thấy quan, thấy vua liền hỏi cha mẹ bằng những câu phạm húy và được chính cha mẹ trả lời “quan, vua là cha là mẹ của dân”… Thế là cậu liền phản ứng “Là cha mẹ của dân sao không lo cho con cái mà để con nghèo khổ bị tây đánh thế?”…

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Chi tiết về cậu bạn tên Đồng người lai khi bị mọi người bài bác, hắt hủi vì mày “không phải dòng máu đỏ da vàng”, thì với cậu Cung lại thể hiện sự thân thiện, quan niệm rất mới không hề phân biệt mà chơi rất thân với Đồng. Về mối quan hệ bạn bè của cậu Cung cũng khá đặc biệt khi chơi cùng nhóm với Anh Thư (dòng dõi cháu quan Thượng Thư), sau này chính cô là người giúp cậu Cung và nhóm bạn vào kinh thành nhìn thấy Vua, quan; Kiệt (con quan Thông ngôn), Hào (con nghệ nhân làm diều tiến Vua). Hình ảnh ấn tượng khi nhóm chơi thả diều không may bị rớt trong kinh thành. Quan Thượng Thư thấy tạo hình diều cánh sen khác lạ (thường là cánh bướm) lại có sáo trúc liền gọi nhóm bạn đến. Ông hỏi ai làm diều? Thì Hào trả lời: Con làm, nhưng ý tưởng là do cậu Cung. Thế là đã gieo ngay ấn tượng cho ông về tài năng thông minh sáng tạo của cậu bé này…

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Dàn diễn viên nhí chính là người địa phương, chưa hề đóng phim

Do tiêu chí của bộ phim yêu cầu các diễn viên phải nói tiếng địa phương và khi diễn, thu tiếng trực tiếp. Ngoài yêu cầu biết diễn bắt buộc, thì hai điều kiện trên đã làm ekip quá đau đầu sau nhiều lần tuyển chọn gần 300 quần chúng từ các trường học, đơn vị liên quan nghệ thuật, song vẫn không ổn. Chình vì vậy, ban lãnh đạo và ekip quyết định tìm chọn diễn viên ngay tại Nghệ An. Đó cũng là một trong nhiệm vụ của đạo diễn qua chuyến đi thực tế lần thứ 2.

Ngoài 2 diễn viên Trần Việt Bắc đảm nhận ông Nguyễn Sinh Sắc và Ngô Lệ Quyên đảm nhận vai bà Hoàng Thị Loan đều có liên quan đến nghệ thuật và nói được tiếng địa phương, thì 5 thiếu nhi được tuyển chọn từ trường Phổ thông là Phạm Hữu Đại (Nguyễn Sinh Cung), Lưu Văn An (Nguyễn Sinh Khiêm), Nguyễn Ngọc Kim Ngân (Anh Thư), Bùi Nguyễn Hoàng Phúc (Kiệt), Nguyễn Hồ Nhật Minh (Hào) đều lần đầu tiên được đóng phim. Riêng Ali Quang Khải (Đồng lai) từng tham gia đóng quảng cáo.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Ngoài ra về thành phần gia đình, hầu hết các bé phải có lý lịch sạch. Thật may trong quá trình quay, vừa tập vừa hướng dẫn, các bé không có biểu hiện “chướng và bướng”, cố gắng hoàn thành vai diễn của mình. Riêng Hữu Đại vai cậu Cung phải quay thời gian dài, thật may có gia đình đi theo, thậm chí phụ huynh còn giúp ekip chỉnh sửa thoại, câu từ địa phương cho phù hợp. Đại khá thông minh, nắm bắt yêu cầu nhanh, thuộc thoại tốt. Tất nhiên do các bé chưa lần nào đóng phim nên không ít lần hành hạ ekip phải quay đi quay lại.

Thuận lợi với bối cảnh nhưng khốn khổ cùng thời tiết… mưa lũ

Áp lực lớn nhất khi thực hiện bộ phim là bối cảnh, dàn diễn viên và khí hậu, vì quay đúng vào thời điểm mưa bão, ngập lụt ở Huế kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ của ekip, khiến đoàn phim quay hơn 2 tháng trời. Song điều vô cùng may mắn là được sự nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ tối đa của UBND và Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Nghệ An, các bảo tàng của Huế và Nghệ An, tạo mọi điều kiện, đặc biệt là cho mượn hoàn toàn nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong cụm di tích lưu niệm về Người ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (nay thuộc thành phố Huế), hay di tích lưu niệm ngôi nhà bên quê ngoại làng Hoàng Trù tại Nghệ An.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Đặc biệt là đoàn được quay gần hết bối cảnh của thành nội Huế, chỉ trừ hai điểm là Điện Kiến Trung và Điện Thái Hòa do đang trong quá trình tu sửa. Chính vì những bối cảnh thật này đã giúp ekip và diễn viên luôn có cảm giác thoải mái, tạo cảm xúc chân thật, bám sát kịch bản, tái hiện phần nào thực tế lịch sử cùng những câu chuyện về cậu bé Sinh Cung. Ngoài ra đoàn còn phải phục dựng một số bối cảnh như: khu chợ nhỏ ở làng cổ Phước Tích, Đàn Nam Giao, Miếu Âm Hồn, cảnh sinh hoạt trong kinh thành. Tất cả những đại cảnh lớn trong phim đều có sự kết hợp với công nghệ kỹ xảo. Phim còn có sự xuất hiện của 2 con voi và 2 chú ngựa, phục vụ cho cảnh voi đi từ cổng thành Huế lên Đàn Nam Giao.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Hoàn toàn đối ngược với bối cảnh là thời tiết quá khắc nghiệt… Hơn 2 tháng trời… Huế mưa không ngớt, lũ ập rất nhanh. Ở ngoài đường có khi nước ngập hơn 1 mét, có những ngày quay ở cổng thành nội đoàn phim còn bắt được cả cá. Nặng nhất là hôm quay cảnh bà Loan mất, do cha và anh ra Thanh Hóa dạy học, nên cậu Cung phải tự đứng ra lo đám tang cho mẹ. Đang quay hình ảnh đau thương xúc động này, bỗng trời đổ mưa, lũ tràn nhanh vào sân. Vậy mà ekip và diễn viên vẫn cố gắng nuôi cảm xúc để diễn trọn vẹn cảnh cuối cùng…Khi đó lũ cũng vừa ập ngay vào nhà, nước dâng quá nhanh gần nửa mét, khiến anh em chỉ kịp dọn toàn bộ máy móc tạm cất lên bộ ván cao, rồi cả ekip đội mưa, lội nước ngập, men theo lề đường để đi về vì sợ bị rớt xuống cống. Ba ngày sau nước rút mới quay lại thu dọn máy móc mang về.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Vầng trăng thơ ấu - Bộ phim đầu tiên về thời thơ ấu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung

NSƯT - đạo diễn Hồ Ngọc Xum xúc động chia sẻ, ông khá tâm đắc với bộ phim bởi đã cố gắng khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ là một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường với không ít thú chơi, trò nghịch như bao đứa trẻ khác. Có thể nói khoảng thời gian thơ ấu ở Huế, tuy ngắn ngủi, nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc đến việc định hình nên nhân cách của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Sự định hình nhân cách này còn nhờ vào sự giáo dưỡng từ tình cảm nhân ái vị tha của mẹ, tấm lòng ái quốc của cha - một sĩ phu yêu nước cấp tiến, thức thời. Đó cũng chính là những nền tảng để kiến tạo nên một thiên tài dân tộc, một danh nhân văn hóa của nhân loại - Hồ Chí Minh về sau.

'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa' 'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa'

(TGĐA) - Phim Vầng trăng thơ ấu vừa ra mắt poster chính thức, phần nào ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam

(TGĐA) - Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, ...

Vũ Liên