(TGĐA) - Dự án điện ảnh Huyền tình Dạ Trạch lấy cảm hứng từ truyền thuyết Chử Đồng Tử dự kiến sẽ công chiếu vào tháng 12/2025. Dự án do Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội sản xuất.
![]() | Kiên Trần đốn tim' khán giả 'Cha tôi, người ở lại' với vai thiếu gia Đại |
![]() | Cặp diễn viên trong 'Cha tôi, người ở lại' khiến khán giả 'đứng ngồi không yên' |
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết Chử Đồng Tử – một trong Tứ Bất Tử của văn hóa và tâm thức người Việt Nam (cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Mẫu Liễu Hạnh), phim điện ảnh Huyền tình Dạ Trạch kể lại một trong những thiên tình sử nổi tiếng và đẹp nhất trong kho tàng văn hóa dân gian Việt: chuyện tình công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Câu chuyện của Tiên Dung và Chử Đồng Tử còn là biểu tượng của tinh thần khai phá và khát vọng phồn vinh của người Việt xưa. Bộ phim cũng là một hình dung về hành trình từ thuở hồng hoang lập nghiệp của cộng đồng người Việt cổ, về công cuộc tạo dựng, bảo vệ không gian sinh tồn và phát triển của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, trong đó Chử Đồng Tử còn là vị thánh tổ của doanh thương, có công lớn trong dẫn dắt người dân vùng đồng bằng Bắc bộ.
![]() |
Bộ phim là sự kết hợp hài hòa giữa các truyền thuyết dân gian về Chử Đồng Tử - Tiên Dung và những yếu tố lịch sử, văn hóa, tạo nên một thiên sử thi về sự chuyển mình của người Việt cổ, về một trong những vị Thánh của người Việt tại một vùng đất có thực - đầm Dạ Trạch, tức Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay.
Từ tháng 4/2025, ekip làm phim sẽ bắt đầu công việc tuyển chọn diễn viên trong cả nước, với mục tiêu tìm kiếm những tài năng trẻ, những khuôn mặt mới cho điện ảnh từ mọi miền Tổ quốc. Bộ phim dự kiến bấm máy vào 7/2025 tại nhiều địa điểm ở miền Bắc. Đặc biệt, các bối cảnh phim dự kiến sẽ được xây dựng công phu, chân thực và giữ lại nguyên trạng sau khi hoàn thành dự án, trở thành công trình văn hóa du lịch nhằm phục vụ cộng đồng và du khách. Đây sẽ là điểm đến văn hóa góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt. |
Bộ phim Huyền tình Dạ Trạch sẽ tái hiện lại một không gian sống của người Việt cổ, về thời kỳ Văn Lang và những yếu tố văn hóa tiền Đông Sơn như các nghi lễ và thành tố văn hoá được cho là phổ biến thời kỳ đó như tục xăm mình, các tín ngưỡng dân gian, các kỹ nghệ thủ công như đúc đồng, chế tác vũ khí, đóng thuyền, làm gốm, nông nghiệp, thủy lợi… hay như hình ảnh thương cảng Dạ Trạch được tái hiện như một mô hình kinh tế thương mại đường thủy sơ khai, đặt nền móng cho sự phát triển giao thương của người Việt cổ.
Bên cạnh câu chuyện tình yêu của Tiên Dung và Chử Đồng Tử, bộ phim Huyền tình Dạ Trạch còn là câu chuyện của những xung đột giữa bảo thủ và cải cách, cũng như các thách thức chính trị - quân sự từ ngoại bang mà nhà nước Văn Lang găp phải. Và vượt trên tất cả là tinh thần kiên cường, khát vọng hoà bình, phồn vinh và bản lĩnh của dân tộc luôn hướng tới hòa bình, hòa hợp.
![]() |
Dự án Huyền tình Dạ Trạch không chỉ là một dự án phim, mà còn là một hành động cụ thể trong việc tham gia tinh thần và giá trị văn hóa dân tộc, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa theo định hướng của Trung ương và Thành phố Hà Nội.
![]() | Diễm Hằng Lamoon dần khẳng định vị trí là một gương mặt triển vọng của điện ảnh Việt (TGĐA) - Qua vai diễn Út Khờ trong Địa đạo, Diễm Hằng Lamoon đã cho ... |
![]() | 'Bộ ba tam tai' Tiến Luật, Ngô Kiến Huy và Đại Nghĩa 'quậy bung nóc' trong 'Tìm xác: Ma không đầu' (TGĐA) - Ngay sau khi giới thiệu sơ nét về hành trình tìm xác của ... |
P.V