(TGĐA) - Thời còn là sinh viên Khoa Văn, Đại học Sư Phạm Hà Nội (Niên khóa 1961-1964), Lâm Quang Ngọc như một con công giữa đàn gà chúng tôi. Dáng mẫu, da trắng, tròng mắt hơi biếc xanh (chả thế anh còn có biệt danh khác - Ngọc Tây lai), ăn vận đỏm dáng, nhiều tài lẻ (bóng bàn, chơi ghi ta, tá lả, cờ tướng…) và dường như không thèm ghé mắt tới đám bạn gái cùng khoa, cùng trường. Đại học Sư phạm Hà Nội ở gần kề Đoàn Ca múa nhạc T.Ư, Đoàn Văn Công Tổng cục Chính Trị, Đoàn chèo T.Ư, Đoàn Giao hưởng Hợp xướng Việt Nam... Nghe phong thanh, Ngọc hết bắt bồ với một em bên Giao hưởng, lại chuyển qua em khác ở trường dạy Ba lê… Số hắn đào hoa, ai dám ghen tỵ với Ngọc đây?
|
Nhớ tới Ngọc bỗng nhớ tới căn gác nhỏ trên đường Phan Bội Châu; nhớ tới bác Cát - mẹ Ngọc chăm nom, săn sóc cho cậu con trai duy nhất như một chiếc cốc vàng. Thỉnh thoảng đến thăm, bác giữ lại ăn cơm. Cái khay dọn ra, thìa bát đều là thứ quý hiếm; một đĩa thịt nạc kho, một đĩa dưa cải ươm vàng, một bát canh rau ngót nấu với giò sống... Ăn cơm của bác Cát vài lần tôi buột miệng: “Cháu ăn với bác và Ngọc không bao giờ được no cả”. Bác ngạc nhiên: “Sao không bảo bác nấu thêm?”. Tôi cười: “Không phải vì thiếu cơm, bác ơi! Mà vì bát, đĩa, cơm gạo nhà bác cái gì cũng sạch sẽ, tinh tươm quá!”
Kể luôn. Năm Lâm Quang Ngọc vào Chiến trường Khu 5, một lần tôi ghé thăm bác Cát. Bác òa khóc, lấy ra đưa tôi xem 1 tấm ảnh Ngọc gửi ra Hà Nội. “Bác nhận được tấm ảnh này, có khi Ngọc nó chết rồi, cháu ơi!”. Tôi ngắm tấm ảnh: Ngọc đứng bên đồng đội, khẩu AK gác lên những ụ cát; băng đạn dự bị, bi đông nước lủng lẳng bên sườn. Phía góc tấm ảnh ghi: “Chuẩn bị tấn công. Khâm Đức ngày… tháng…” Ngắm kỹ hơn, tôi nhận ra một bàn chân bên phải của Ngọc đã rút ra khỏi chiếc giày vải. Tôi cười to, chỉ cho bác Cát biết điều ấy khiến bác Cát cũng bật cười giữa cơn thút thít…
Chúng tôi qua năm thứ 2, thì Đỗ Chu đã “đình đám” với những Mùa cá bột, Thung lũng cò, Anh chiến sỹ quân bưu… đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Như nhiều anh em bọn tôi, Ngọc cũng mộng mơ và tập tành viết lách. Cạnh chỗ ngủ của Ngọc trong chiếc giường tập thể 2 tầng, Ngọc lấy bút chì ghi đậm một hàng chữ: “Cố gắng đuổi kịp và vượt Đỗ Chu!”.
Mang theo mộng làm ông Simonov, ông Hemingway, ông Erenbuorg, tháng Tám năm 1964, phản lực Mỹ vừa đánh phá Hòn Gay, Lạch Trường, sông Gianh, chúng tôi nhập ngũ. Ngọc thuộc diện “con một” ở lại hậu phương, được cử về dạy học tại một trường trung cấp sư phạm ở Nam Định. Chiến tranh càng ngày càng quyết liệt nhưng đội ngũ văn nghệ trẻ hình như càng dồn vang tên tuổi. Gặp tôi, Ngọc nhăn nhó, than phiền vì cuộc sống quá ư phẳng lặng ở một trường trung cấp sơ tán về một vùng quê. Có ông anh rể con bác ruột, lúc đó đang là bí thư Đảng ủy của Trường Điện ảnh Việt Nam, tôi giới thiệu Ngọc về theo học một lớp đào tạo cấp tốc. Từ đó, Ngọc rời bỏ giáo dục chuyển sang lĩnh vực làm phim Phóng sự - Tài liệu tại Hãng phim Tài Liệu - Khoa học TƯ. Với vạch dậm chân này, Ngọc vào chiến trường khu 5 và sau ngày chiến tranh kết thúc không bao lâu, Ngọc cùng Lò Minh được cử theo học lớp tu nghiệp điện ảnh dài ngày tại Ấn Độ.
|
Thời gian ở chiến trường Khu 5 không dài, ngoài phim ảnh, Lâm Quang Ngọc có tập truyện ngắn Hoa lưỡi long, ngang ngửa với những tập truyện “trình làng” của nhiều tác giả trẻ khác đang tự khẳng định mình vào thời kỳ đó.
Sau lớp tu nghiệp ở Ấn Độ về, Ngọc trở thành đạo diễn thể loại phim Phóng sự - Tài liệu khá chắc tay bên cạnh những tên tuổi khác như Bùi Đình Hạc, Võ Kim Môn, Ma Cường, Ngọc Quỳnh, Đào Trọng Khánh, Trần Văn Thủy, Lê Mạnh Thích… Tôi không muốn lật tìm trong cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam để nhắc lại tên những bộ phim Ngọc làm đạo diễn mà cứ khăng khăng tin vào một tín điều trước sau như một rằng, Ngọc có tài văn chương, hẳn phim của anh không vượt lên thì cũng phải ngang ngửa với các tác giả chỉ có riêng tài điện ảnh.
Nhưng bộ phim này, Lâm Quang Ngọc làm vào cuối cuộc đời phim ảnh của anh, thì tôi nhớ mãi và đánh giá cao. Đó là phim Đường cày xuyên thế kỷ. Bởi lẽ đến chục năm nay, đứng lớp môn đạo diễn phim Phóng sự - Tài liệu, tôi đã chiếu làm mẫu cho sinh viên xem cả chục lần. Cả chục lần tôi đều xúc động, cảm phục về tay nghề của Ngọc. Cả chục lần tôi đều thấy hiển hiện rõ sức sống lâu bền của bộ phim này. Phim làm ra vào những năm cuối thế kỷ 20. Từ thời điểm đó đạo diễn Lâm Quang Ngọc và các tác giả của bộ phim mong muốn có cái nhìn “ngoái lại” chặng đường mấy chục năm nông thôn, nền nông nghiệp, người nông dân nước ta thăng trầm, trồi sụt, khốn nạn khốn khổ ra sao. Phim phóng sự - Tài liệu dẫu nói gì, vẫn thuộc hàng ngũ báo chí, tân văn. Nhưng cái đường cày do Lâm Quang Ngọc và các tác giả của bộ phim sẻ luống ra trong tác phẩm điện ảnh này, không chỉ đào lộn, tung sới lên những sai, đúng của hơn 50 năm một chính sách đối với ruộng đất, với người nông dân của thế kỷ trước, mà còn đúng cả với những tính toán, thí điểm cây - con, ruộng thửa nhỏ, thủa lớn... với cả dã tâm trắng trợn cướp đất của người nông dân, đẩy họ vào hoàn cảnh trắng tay, thất cơ lơ vận hôm nay… Một tác phẩm chính luận nhiều sức thuyết phục. Một bài thơ trữ tình khiến người xem rưng rưng, nghẹn ngào.
Đạo diễn Lâm Quang Ngọc (tên thật Nguyễn Quang Ngọc), sinh năm 1942, Nguyên là Nhà văn, Biên kịch và Đạo diễn điện ảnh, chuyên về phim Thời sự - Tài liệu thuộc biên chế của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch). Sau một thời gian dài đau yếu, đã được toàn gia đình và các thầy thuốc, điều dưỡng viên tận tình chăm nom cứu chữa, nhưng do tuổi tác và bệnh nặng nên không qua khỏi. Ông đã mất vào hồi 5 giờ sáng ngày 22/4/2017 (tức ngày 26 tháng Ba năm Đinh Dậu), hưởng thọ 76 tuổi. Tang lễ được cử hành vào lúc 13 giờ – 15 giờ ngày thứ Hai, 24/4/20117, tại Nhà Tang lễ Bệnh viện 354, số 13 Đội Nhân, Phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội. |
Đang hứng khởi, tưng bừng, sôi sục thế… không hiểu từ thời điểm nào Lâm Quang Ngọc bỗng xa lìa, ngúc ngoắc với cả văn chương lẫn phim ảnh. Vào đầu những năm 1990, căn bệnh mệt mỏi, chán chường chưa đến nỗi trầm kha trong anh em viết văn, làm phim chúng tôi như bây giờ. Gặp nhau, dò hỏi mà không tìm ra câu trả lời. Có thể là Ngọc đã linh cảm thấy những điều gì dữ dằn, ghê sợ sẽ xẩy ra sớm hơn chúng tôi nên anh buông bỏ tất cả. Mà cũng có thể một cơn lốc dục vọng, thèm muốn nào khi đồng tiền lên ngôi ngự trị đã bất ngờ ụp xuống và cuốn phăng anh đi.
Tai biến lần đầu xảy ra. Chỉ còn tới nhà chở anh đến những nơi tụ bạ. Tiếp tới, có đến cũng ngồi không lâu, xin về. Sau đó, chuyển qua thời kỳ tiếp bạn ở nhà. Rồi phải nằm, tiếp bạn, không nói được gì, chỉ nắm tay bạn và ứa nước mắt. Đến thăm Ngọc, không ai nói với ai, chúng tôi đều thầm phục sự chăm sóc chu đáo, tận tình của cô giáo Tuệ Minh, vợ anh. Chị trẻ hơn anh nhiều. Lấy anh, chịu đựng sự cách xa khi anh đi học ở Ấn Độ, khi anh rời nhà đi theo đoàn làm phim những chuyến dài ngày, Tuệ Minh tự bươn chải nuôi hai con phương trưởng, tiếp tới là nuôi cháu. Còn bây giờ là cháo lão, thuốc thang, nâng giấc đêm hôm ròng rã ngày này qua tháng khác cả chục năm trời cho một người chồng mỗi ngày một thêm bấy bớt…
|
Vĩnh biệt Lâm Quang Ngọc hôm nay, không hiểu sao bỗng dưng ngơ ngẩn nhớ tới mấy câu thơ của Phạm Tiến Duật:
Không có kính, không phải vì xe không có kính,
Bom giật, bom rung kính vỡ mất rồi.
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng..
Chúng ta có kính cả đấy, những Nghiêm Đa Văn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khắc Phục, Lưu Quang Vũ…ơi. Nhưng bom đạn, chiến tranh cướp đi tất cả. Để hôm nay, về đến thế giới bên kia vẫn còn nhìn đất, nhìn trời, trừng mắt nhìn thẳng mà băn khoăn, day dứt với một câu hỏi chưa có câu trả lời: Chả lẽ khi còn khả năng tự lừa mình và để người khác lừa thì đấy là lúc sung sướng, hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta sao?
'Chuyện ngày hôm qua': Khúc nhạc hào sảng và đầy cảm xúc về ‘thủ lĩnh’ Trần Lập | |
Đi tìm bài toán đầu tư cho phim Tài liệu | |
Châu, Beyond The Lines: Tinh thần Mỹ trong phim về người Việt |
Tô Hoàng