Đạo diễn Nga Karen Shakhnazarov: Hệ thống phân phối kinh phí của chúng ta khá kỳ quặc

(TGĐA) - Ngày 17 tháng 9 năm 2012, đã diễn ra phiên họp của hội đồng chính phủ Nga về điện ảnh, trong đó thủ tướng Dmitry Medvedev và bộ trưởng văn hoá Vladimir Medinsky nêu lên những vấn đề đang tồn tại trong ngành điện ảnh. Dmitry Medvedev thừa nhận rằng tổ hợp những biện pháp tổ chức-kinh tế mới đây của nhà nước đối với ngành điện ảnh đã không còn hiệu quả, còn Vladimir Medinsky đã đề xuất hàng loạt kiến nghị tập trung vào việc khắc phục tình hình. Theo ông Medinsky, Bộ văn hoá cho rằng việc hạn chế những người được nhà nước hỗ trợ để sản xuất phim là hợp lý, đồng thời nên dành kinh phí để sản xuất các bộ phim truyền hình nhiều tập và bắt buộc các đạo diễn sử dụng kinh phí nhà nước chỉ làm phim trên lãnh thổ nước Nga. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu ý kiến bình luận về vấn đề này của đạo diễn, tổng giám đốc hãng “Mosfilm” Karen Shakhnazarov.

dao_dien__Karen_Shakhnazarov

Bộ văn hoá đề nghị giảm bớt số lượng các nhà sản xuất phim được nhà nước tài trợ để dành tiền nhiều hơn cho những dự án còn lại, hy vọng rằng các bộ phim ngân sách sẽ có chất lượng và khả năng cạnh tranh hơn. Ông nghĩ gì về sáng kiến mới này?

Hệ thống phân phối kinh phí hiện hành của chúng ta, theo tôi, khá kỳ quặc. Sự tài trợ của nhà nước cho các bộ phim hiện nay được thực hiện như thế nào? Bằng cách bỏ phiếu kín. Bộ văn hoá có một hội đồng chuyên gia. Các chuyên gia xem xét các dự án được giới thiệu và bỏ phiếu để xác định những người được tài trợ. Đương nhiên, hội đồng gồm những người đáng kính, nhưng hệ thống này tôi thấy không hoàn toàn đúng. Thứ nhất, kết quả là không ai chịu trách nhiệm về cái gì, hội đồng có yêu cầu gì, lại còn tiến hành bỏ phiếu kín nữa? Cụ thể, ai là người chịu trách nhiệm về kết quả cụ thể? Không một ai. Thứ hai, vấn đề kịch bản hoàn toàn bị loại bỏ.

Ý ông muốn nói về việc hoàn thiện kịch bản với sự nhất trí của đại diện các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm cấp kinh phí?

Tất nhiên. Dưới thời Xôviết, từng có một hội đồng biên tập, có tổng biên tập của Cục điện ảnh quốc gia. Họ có thể trả lại kịch bản của bạn, nhưng đồng thời họ có thể nói với bạn cần phải thay đổi hay bổ sung điều gì. Bạn có thể chỉnh sửa hoặc thay đổi hoàn toàn. Hiện nay không có những cơ hội như vậy. Kịch bản bị loại bỏ - thế thôi. Hoặc ngược lại, kịch bản được chấp nhận, nhưng bạn không biết làm thế nào để tiếp tục hoàn thiện nó. Mà kịch bản là khâu cốt lõi. Xét về mặt này, hệ thống công nghiệp điện ảnh Liên Xô gần với Hollywood hơn nhiều – bạn bắt buộc phải cung cấp 3 phương án kịch bản. Ngay cả khi bạn cảm thấy phương án thứ nhất là tuyệt vời rồi, bạn vẫn phải viết thêm 2 phương án nữa để được thông qua. Điều đó bắt buộc bạn phải làm việc. Có người gán điều đó với sự kiểm duyệt tư tưởng. Không đúng. Có sự kiểm duyệt tư tưởng, nhưng 70% sự sửa đổi liên quan tới những yêu cầu nghệ thuật. Ai cũng biết điện ảnh là câu chuyện chủ quan, và nếu như có một hội đồng biên tập và tổng biên tập thì bằng cách này hay cách khác họ cũng bị chi phối bởi sở thích cá nhân. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì vẫn xuất hiện một người nào đó chịu trách nhiệm về kết quả, về trình độ của những bộ phim được trình chiếu trong nước, và được sản xuất bằng tiền nhà nước.

Phim_Dua_con_gai_My

Một cảnh trong phim Đứa con gái Mỹ

Nhưng nếu hiện nay chúng ta tổ chức một hệ thống như vậy, thế nào người ta cũng hô hoán lên rằng quay trở lại chế độ kiểm duyệt.

Không phải thế! Dưới thời Xôviết, các tác giả không có điều kiện nhận kinh phí ở đâu ngoài các nguồn của nhà nước, nhưng hiện nay thì có! Đó là các nhà đầu tư tư nhân. Tìm được tiền thì muốn làm gì mà chẳng được. Hơn nữa, truyền hình cũng đầu tư khá nhiều tiền vào các dự án điện ảnh. Còn cái hệ thống được xây dựng bằng việc bỏ phiếu kín là không hợp lý. Tôi cảm thấy rằng trong điện ảnh không một hội đồng nào có thể quyết định được gì. Điều đó cũng giống như trên trường quay chúng tôi bỏ phiếu kín để quyết định quay một cảnh nào đó.

Theo ông, việc Bộ văn hoá xác định đề tài của các bộ phim được tài trợ có đúng không?

Vấn đề đó vừa phức tạp vừa rất đơn giản. Không có gì bí mật là ở nước ta, người ta thường làm những bộ phim chống lại nước Nga bằng tiền nhà nước. Đó là một sự thật mà ai cũng biết. Tại sao lại như vậy? Tôi cho rằng mỗi người đều có quyền tự thể hiện, nhưng nhà nước cũng có quyền thực hiện chính sách tư tưởng của mình trong những trường hợp khi nó chi tiền. Nếu muốn làm phim chống lại nước Nga, bạn hãy tìm nguồn kinh phí khác.

Trong số các ý tưởng của Bộ văn hoá có yêu cầu bắt buộc các đạo diễn sử dụng tài trợ của nhà nước phải làm phim trên lãnh thổ nước Nga. Ông hiểu điều đó như thế nào?

Ở đây không có gì lạ. Khắp nơi trên thế giới người ta đều làm như vậy. Tất cả các nước châu Âu đều tài trợ cho nền điện ảnh quốc gia, vì rằng không ở đâu điện ảnh đủ sinh lợi để tồn tại độc lập, và khắp nơi người ta đều đề ra những nguyên tắc chặt chẽ. Ví dụ, bạn không thể nhận tiền nhà nước một cách dễ dàng rồi chạy sang Sri Lanka làm phim. Tôi đã từng làm việc với người Ý và thấy họ thực hiện những yêu cầu nhất định như thế nào. Nếu như người Ý nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước thì một bộ phận của đoàn làm phim bắt buộc phải là người Ý, và ít ra là một phần thời gian bạn phải quay ở Ý. Tất nhiên, do yêu cầu của kịch bản, đôi khi bạn phải quay phim ở Greenland hay Thái Lan. Nhưng trong tất cả các trường hợp đó cần phải có những cơ sở xác đáng, và đồng thời bạn không thể đơn giản là cứ đến Greenland và thuê đoàn làm phim ở đó – bạn phải đưa người Ý tới đấy. Tôi chỉ lấy nước Ý làm ví dụ thôi, khắp nơi người ta đều hành động như vậy. Còn ở nước Nga, nói chung chẳng có nguyên tắc gì hết, và kết quả là các đạo diễn thường đến Ukraina, Belarussia hay các nước SNG khác để quay phim cho rẻ. Ở đây không nói riêng về đội ngũ sáng tạo mà cả khâu trung gian. Khi tôi quay các cảnh trong phim Đứa con gái Mỹ ở San-Francisco, người Mỹ đã gây áp lực đối với tôi, vì tôi không sử dụng các đoàn viên công đoàn của họ. Nghĩa là người Mỹ có tham gia đóng phim, nhưng tôi cũng mang theo một số lượng lớn công dân Nga. Còn áp lực trong trường hợp này là gì bạn có biết không? Những kẻ tự nguyện đến bao vây trường quay và ngăn cản công việc của tôi, nhưng cảnh sát không thể làm gì với họ. Vì vậy, tôi cho rằng sáng kiến nói trên là đúng đắn. Điều chủ yếu là trong đó không có gì mới và bất ngờ cả.

Ông nghĩ gì về ý tưởng của Bộ văn hoá tài trợ riêng cho phim truyền hình nhiều tập, dường như để bù lại sự trì trệ trong điện ảnh?

Có thể đối xử với các bộ phim truyền hình nhiều tập như thế nào cũng được, nhưng hiện nay trên khắp thế giới chúng bắt đầu chiếm ưu thế. Ở Mỹ, người ta tài trợ rất lớn cho phim truyền hình nhiều tập, xây dựng những bối cảnh quy mô cho chúng. Quả thật, trong số những bộ phim truyền hình nhiều tập của Nga có những phim khá tốt. Nói chung đó cũng là điện ảnh, có điều chúng được làm cho khán giả truyền hình. Truyền hình ngày càng giữ một vị thế đáng kể, và không thể coi nhẹ phim truyền hình.

Theo thủ tướng Dmitry Medvedev, những biện pháp hỗ trợ ngành điện ảnh Nga trong thời gian gần đây, kể cả việc tài trợ ưu đãi cho sản xuất phim và thuế cho các rạp chiếu phim, không mang lại kết quả tương xứng, vị thế của nền điện ảnh trên thị trường nội địa không được củng cố. Theo ông, đánh giá như vậy có chính xác không?

Nói chung là chính xác. Quả thật, tỷ lệ phim Nga trong hệ thống phát hành đã giảm. Tôi nghĩ rằng ở đây cần nói về một loạt nguyên nhân. Tôi cảm thấy rằng ở nước ta chưa hình thành một hệ thống tổ chức công nghiệp điện ảnh. Sự giảm sút chất lượng trước hết liên quan tới điều này. Nguyên nhân thứ hai như sau: Vì điện ảnh Nga, đặc biệt là điện ảnh trẻ, không có cơ hội phát hành, nên nó ngày càng hướng vào các liên hoan phim. Mà phim liên hoan rất ít khán giả. Phim tham dự liên hoan và phim dành cho khán giả hiện nay là những phạm trù khác nhau, tách biệt nhau. Nói chung đó là vấn đề của điện ảnh hiện đại. Khi tôi mới vào nghề, tình hình khác hơn – khán giả lúc bấy giờ thích xem những bộ phim được trao giải tại các liên hoan phim. Xin lưu ý rằng hiện tượng điện ảnh trẻ không hướng vào phát hành, mà vào các liên hoan phim – rốt cuộc cũng là hậu quả của một hệ thống tổ chức kém. Nguyên nhân thứ ba là mức độ tài trợ. Kinh phí nhà nước dành cho điện ảnh ổn định, xin cảm ơn, nhưng số tiền 6 tỷ bao gồm cả kinh phí sản xuất lẫn hỗ trợ phát hành phim chỉ bằng kinh phí của một bộ phim bom tấn trung bình của Mỹ. Nếu chúng ta định so sánh với người Mỹ thì cần phải hiểu rằng ở đây các đại lượng không tương đương. Vì vậy, nguyên nhân có rất nhiều. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, là vấn đề tổ chức, cũng như một quan điểm phát hành đúng đắn.

Phim_Rider_Named_Death

Cảnh trong phim Rider Named Death

Phát hành phim quốc gia được đề nghị cải thiện bằng việc điều chỉnh thuế, hạn ngạch và trợ cấp thêm. Theo ông, nhưng biện pháp đó có hữu hiệu không?

Tôi có thể nhắc lại những điều đã nói tại Hội đồng. Thứ nhất, theo tôi, hệ thống của chúng ta với hai trung tâm tài trợ - Bộ văn hoá và Quỹ điện ảnh – không đúng lắm. Tôi cảm thấy rằng cần quay trở lại thực tiễn châu Âu và thế giới để chỉ có một trung tâm của nhà nước phụ trách vấn đề công nghiệp và cấp kinh phí cho điện ảnh. Hãy để cho nhà nước quyết định cụ thể tổ chức nào có thể đảm nhiệm vai trò này.

Thứ hai, một trong những vấn đề chủ chốt của phát hành là ở chỗ, mỗi một hãng của chúng ta chỉ tham gia thị trường với 1-2-3 bộ phim. Trong khi đó, các hãng của Mỹ tham gia với một gói 60-70-100 bộ phim. Khi bạn có 100 quả cà chua, chứ không phải 2 hay 3 quả, bạn sẽ dễ bán hơn, đúng không? Các rạp chiếu phim có lợi hơn khi mua những gói lớn, họ có thể “đóng cửa” cả năm hay phần lớn thời gian trong năm. Vì vậy, nhà nước có thể công bố một cuộc thi và căn cứ vào kết quả của nó, một trong các hãng lớn, có kinh nghiệm trên thị trường, có thể nhận được quyền phát hành một gói lớn các bộ phim Nga, lúc bấy giờ, theo tôi, tình hình phát hành có thể được cải thiện.

Trần Hậu

(Theo Tầm nhìn)